Dịch Covid-19: Thế giới gần 1,9 triệu ca mắc, 115.000 ca tử vong

Trong vòng 24h qua, thế giới ghi nhận thêm 69.843 ca mắc và 5.285 ca tử vong do Covid-19, số ca tử vong mới ở Mỹ đã lên tới gần 1.500.

Phát biểu khai mạc của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII

Ngày làm việc thứ nhất của Hội nghị Trung ương khóa XIII

Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII: Tập trung vào 3 nhóm vấn đề

Ổ dịch lớn nhất thế giới, Mỹ, ghi nhận thêm 25.772 ca mắc và 1.425 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc Covid-19 tại nước này lên 558.651 trường hợp và tổng số ca tử vong vì dịch bệnh này là 22.002 trường hợp.

Ảnh minh họa: AP

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang đặt mục tiêu ngày 1/5 sẽ là ngày có thể nới lỏng biện pháp “cách ly tại nhà” trên khắp nước Mỹ. Trả lời trên kênh truyền hình ABC, ông Stephen Hahn - Ủy viên Cơ quan quản lý dược và thực phẩm Mỹ cho rằng, nước Mỹ đã nhìn thấy "ánh sáng cuối đường hầm". Do những vấn đề kinh tế khẩn cấp nên nhiều người dân muốn sớm quay trở lại làm việc.

Tuy nhiên, ông cũng thận trọng khi cho rằng, vẫn còn quá sớm để nói rằng mục tiêu đó có thể đạt được hay không. Ngoài ra, còn nhiều yếu tố tác động đến quyết định cuối cùng, trong đó có câu hỏi về mức độ an toàn khi dỡ bỏ các giới hạn này.

Tại Tây Ban Nha, số ca mắc Covid-19 gần đã vượt trên 166.831 sau khi nước này ghi nhận thêm 3.804 trường hợp trong ngày 12/4. Tây Ban Nha hiện là “ổ dịch” lớn thứ 2 thế giới và lớn nhất ở châu Âu. Số ca tử vong do Covid-19 của Tây Ban Nha hiện tại là 17.209 sau khi ghi nhận thêm 603 trường hợp trong ngày 12/4.

Trong bài phát biểu gửi đến toàn dân Tây Ban Nha trong tối ngày 12/04, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez cho rằng Tây Ban Nha còn cách rất xa chiến thắng và mới chỉ tiến được một bước đầu tiên trong cuộc chiến chống Covid-19. Tuy nhiên, ông Pedro Sanchez cũng ca ngợi các biện pháp phong toả đã giúp Tây Ban Nha hạ thấp tốc độ lây nhiễm của dịch từ mức 38% trước khi phong toả xuống mức 3% mỗi ngày như hiện nay.

Tính đến ngày hôm nay, 13/4, là tròn 1 tháng Tây Ban Nha phong toả toàn bộ đất nước để ngăn chặn dịch Covid-19. Tình trạng khẩn cấp đã được gia hạn 2 lần và sẽ kết thúc vào ngày 26/04, nhưng Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez khẳng định tình trạng này sẽ còn kéo dài chừng nào dịch Covid-19 còn diễn biến, bất chấp các chỉ trích của các đảng đối lập về việc chính phủ nước này không có các kế hoạch phục hồi kinh tế.

Italy ghi nhận thêm 4.092 ca mắc mới và 431 ca tử vong. Tổng số ca mắc bệnh tại Italy hiện tại là 156.363, trong đó có 19.899 ca tử vong.

Bên cạnh số ca tử vong lần đầu tiên trong gần 1 tháng xuống dưới mức 500 người/ngày, Italy còn ghi nhận một chỉ số quan trọng khác, đó là số ca bệnh nặng tiếp tục giảm ngày thứ 9 liên tiếp và hiện chỉ có 3343 người đang phải điều trị tích cực. Đây là một chỉ số rất quan trọng vì thể hiện sức ép đối với các bệnh viện tại Italy đang giảm đi rõ rệt.

Nhận định về các diễn biến này, Giáo sư Luca Richeldi, thành viên Hội đồng khoa học tư vấn cho chính phủ Italy, cho rằng đà đi xuống của dịch Covid-19 tại Italy hiện nay là đáng tin cậy, bất chấp sự trồi sụt của số liệu trong vài ngày qua. Theo ông Richeldi, tình trạng sụt giảm chậm này sẽ kéo dài từ 20-25 ngày rồi mới hạ thấp một cách rõ rệt, nếu các biện pháp phong toả vẫn được duy trì.

Số ca mắc Covid-19 tại Đức là 127.854 trường hợp. Cụ thể, ngày 12/4 nước này ghi nhận thêm 2.402 ca mắc mới và 151 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong vì Covid-19 ở nước này lên 3.022.

Tổng số ca mắc Covid-19 tại Pháp tính đến hết ngày 12/4 là 132.591 sau khi ghi nhận thêm 2.937 ca mắc mới trong ngày. Số ca tử vong trong ngày ghi nhận là 561, nâng tổng số ca tử vong lên 14.393.

Khu vực thủ đô Paris và các tỉnh lân cận tiếp tục là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch Covid-19. Tuy nhiên, trong những ngày qua, số ca tử vong và những ca bệnh nặng, phải hồi sức, cấp cứu cũng có xu hướng giảm dần. Trong vòng 24 giờ, khu vực này ghi nhận 153 ca tử vong và hiện còn 2.618 ca bệnh nặng.

Nước Pháp đã chính thức kết thúc 4 tuần phong tỏa, cách ly toàn quốc. Tuy nhiên, hiệu quả của cuộc chiến chống Covid-19 vẫn chưa được khẳng định.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron dự kiến sẽ có bài phát biểu trên sóng truyền hình vào tối 13/4, trong đó sẽ đề cập tới việc gia hạn thời gian phong tỏa toàn quốc. Hiện tại, chính phủ Pháp đang tích cực tham vấn Hội đồng khoa học và lãnh đạo các đảng chính trị nhằm thống nhất giải pháp cho giai đoạn tới.

Trong ngày 12/4, nước Anh có 737 bệnh nhân thiệt mạng. Tổng cộng, số người thiệt mạng vì Covid-19 tại Anh đã lên tới 10.612 người, cao thứ 5 thế giới. Số ca nhiễm bệnh mới cũng ở mức gần 5.300 ca và tổng cộng đã có trên 84.279 người nhiễm bệnh.

Tại Iran, số ca mắc Covid-19 tại nước này đã lên tới 71.686 sau khi ghi nhận thêm 1.657 trường hợp trong ngày 12/4. Tống số ca tử vong do dịch bệnh này tại Iran là 4.474 trường hợp.

Bộ Y tế Iran ngày 12/4 cho biết xét nghiệm chẩn đoán kháng thể Covid-19 và xét nghiệm nhanh virus SARS-CoV-2 đã được sản xuất. Theo Bộ Y tế Iran, phương pháp này vừa rẻ vừa toàn diện và tạo điều kiện cho việc thực hiện kế hoạch giãn cách xã hội.

Do chưa có thuốc hay vaccine điều trị Covid-19, theo các chuyên gia Iran cách tốt nhất để ngăn chặn đại dịch là tiến hành xét nghiệm kháng thể Covid-19. Xét nghiệm này sẽ cho phép xác định liệu người dân có đủ khả năng miễn dịch hay chưa để làm cơ sở cho quyết định dỡ bỏ dần dần tình trạng phong tỏa.

Tổng số ca mắc Covid-19 tại Trung Quốc đại lục là 82.052 trường hợp, trong đó có 3.339 ca tử vong. Trung Quốc đại lục là nơi đầu tiên trên thế giới bùng phát dịch Covid-19 nhưng giờ đã không còn là tâm dịch của thế giới. Các ca mới ghi nhận tại Trung Quốc đại lục trong ngày vẫn chủ yếu là ngoại nhập.

Số ca mắc Covid-19 tại các nước châu Á khác vẫn tiếp tục tăng.

Tại Hàn Quốc, tổng số ca mắc Covid-19 hiện tại là 10.512, trong đó có 214 ca tử vong. Số ca mắc mới ghi nhận trong ngày tại nước này chỉ ở mức 2 con số.

Trong khi đó, Malaysia hiện đã có 4.683 ca mắc trong đó 76 ca tử vong. Các con số này ở Ấn Độ lần lượt là 9.205 và 331 và ở Philippines là 4.648 và 297./.