Dịch Covid-19: Những ai có nguy cơ tử vong cao?

Những bệnh nhân mắc Covid-19 có bệnh lý nền như tim mạch, tiểu đường, bệnh hô hấp mãn tính, tăng huyết áp và ung thư có nguy cơ tử vong cao hơn.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hội kiến Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia, Chủ tịch Thượng viện Campuchia Hun Sen

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự và phát biểu tại Hội nghị quốc tế các đảng chính trị châu Á

Tổng Bí thư Tô Lâm hội kiến Chủ tịch Hạ viện Malaysia

Trong bối cảnh virus SARS-CoV-2 gây dịch bệnh Covid-19 hoành hành trên khắp thế giới, các chuyên gia y tế đang nỗ lực tìm lời giải cho những bí ẩn liên quan đến các trường hợp bị mắc bệnh nghiêm trọng nhất, để đưa ra một hồ sơ xác định xem ai dễ nhiễm bệnh hơn, người bệnh nào đòi hỏi có sự chăm sóc đặc biệt và những người có khả năng “đầu hàng” trước Covid-19.
Những bệnh nhân lớn tuổi, có các bệnh nền như tiểu đường, tim mạch có nguy cơ tử vong cao khi mắc Covid-19. Ảnh: Tân Hoa xã.

Các bệnh lý nền gây nguy cơ tử vong cao

Tiến sỹ John Whyte, Giám đốc y tế của WebMD, nói với Fox News rằng: “Nếu bạn bị suy giảm miễn dịch, đang điều trị ung thư thì bạn có nguy cơ nhiễm virus SARS-CoV-2 cao hơn. Ngoài ra, bệnh nhân bị bệnh tiểu đường hay tim mạch sẽ bị nặng hơn. Bên cạnh đó, nếu bạn có vấn đề về phổi, bị hen suyễn nghiêm trọng, bạn cũng có nguy cơ cao hơn”.

“Uống quá nhiều rượu cũng có thể gây cản trở quá trình chống nhiễm trùng. Trong khi đó, bệnh tiểu đường, bệnh tim mạch, các bệnh lý về gan, thận, đường hô hấp thậm chí là béo phì có thể khiến việc hồi phục trở nên khó khăn hơn nếu bạn bị nhiễm virus SARS-CoV-2”, Tiến sỹ John Whyte cho biết.

Một nghiên cứu sơ bộ từ Viện Y tế Carlos III ở Tây Ban Nha – quốc gia có hơn 94.000 ca mắc và khoảng 8.300 ca tử vong do Covid-19 cho thấy, tỷ lệ nhiễm bệnh ở nam giới cao hơn một chút, chiếm 52%, trong khi nữ giới chiếm 48%. Theo nghiên cứu này, số ca tử vong ở nam giới cao gần gấp đôi so với số ca tử vong ở nữ giới.

Tiếp đến, hormone cũng có thể là một yếu tố quyết định. Theo đánh giá năm 2017 do Đại học Iowa tiến hành, xuất bản trên Tạp chí Miễn dịch học, trong số những con chuột bị nhiễm virus corona gây bệnh SARS, con đực có tỷ lệ chết cao hơn và tỷ lệ tử vong ở những con chuột cái bị loại bỏ buồng trứng cũng tăng vọt. Như vậy có thể thấy estrogen có thể là yếu tố góp phần bảo vệ cơ thể chống lại virus SARS-CoV-2.

Tiến sỹ Summer McGee, trưởng khoa Khoa học sức khỏe tại Đại học New Haven cũng công nhận vai trò của estrogen, dù cho biết vẫn chưa có nghiên cứu nào chứng minh rõ điều này.

“Có thể mất 1 năm hoặc lâu hơn trước khi chúng ta hiểu về cách thức di truyền và những hành vi giúp bảo vệ hoặc khiến chúng ta gặp rủi ro cao hơn với Covid-19. Tất nhiên chúng ta cũng biết rằng, hành vi giãn cách xã hội rất có hiệu quả”.

Từ lúc dịch bệnh bắt đầu bùng phát tại Trung Quốc hồi cuối năm 2019 và nhanh chóng lan rộng trên toàn cầu vào những tháng gần đây, có nhiều bằng chứng chỉ ra rằng bệnh lý nền và các vấn đề về sức khỏe tồn tại từ trước khiến bệnh nhân mắc Covid-19 trở nên nặng hơn.

Nghiên cứu của Tây Ban Nha cũng nhấn mạnh rằng, 74% bệnh nhân tử vong hoặc cần được chăm sóc đặc biệt đều có tình trạng sức khỏe kém và 90% trường hợp tử vong là ở những người trên 70 tuổi. Thực tế cho thấy, một người càng cao tuổi thì nguy cơ tử vong do virus càng lớn.

“Như chúng ta biết, người già dễ tổn thương hơn trước tất cả các loại bệnh. Theo thời gian, cơ thể mất đi sức lực và sự dẻo dai bởi đã phải chống chọi với quá nhiều vấn đề trước khi phải chịu đựng “gánh nặng” cuối cùng, và kết quả là cái chết ập đến”, Troy Casey, chuyên gia y tế và chăm sóc sức khỏe cho biết.  Theo chuyên gia này, ngoài tuổi tác, các yếu tố khác khiến bệnh nhân dễ nguy kịch hoặc tử vong là vấn đề về dinh dưỡng, giấc ngủ và vận động”.

Báo cáo từ Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Trung Quốc cho hay, yếu tố cơ bản gây ra tình trạng nghiêm trọng và tử vong ở bệnh nhân mắc Covid-19 là bệnh tim mạch, tiếp theo là bệnh tiểu đường, bệnh hô hấp mãn tính, tăng huyết áp và sau đó là ung thư.

Huyết áp cao được coi là một bệnh lý nền khiến bệnh nhân mắc Covid-19 có nguy cơ rủi ro cao hơn vì nó làm giảm khả năng chống lại nhiễm trùng của các tế bào bạch cầu.

Tại Mỹ có hơn 34 triệu người, chiếm khoảng 10,5% dân số bị mắc bệnh tiểu đường, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC). Hiệp hội tim mạch Mỹ cho biết, khoảng 46% người Mỹ trưởng thành bị huyết áp cao.

Một báo cáo về tỷ lệ mắc bệnh và tử vong do CDC ban hành hôm qua (31/3) nhấn mạnh, những căn bệnh như “rối loạn thần kinh hoặc khuyết tật trí tuệ” cũng nằm trong số các yếu tố gây nguy hiểm tính mạng đối với người nhiễm virus SARS-CoV-2.

Liên quan đến lối sống

Các nghiên cứu đã chỉ ra một loạt yếu tố liên quan đến lối sống, trong đó có hút thuốc.

“Thói quen hút thuốc được cho là làm gia tăng nguy cơ tử vong ở những người mắc Covid-19. Ngoài ra, những người đã bỏ thuốc cũng có nguy cơ tử vong do các tổn thương tồn tại ở phổi. Thậm chí hít phải khói thuốc cũng khiến bạn dễ tổn thương hơn”, tiến sỹ Summer McGee giải thích.

“Nhìn chung, bạn càng khỏe mạnh, hệ thống miễn dịch càng tốt thì bạn càng có ít khả năng tử vong do Covid-19. Tất nhiên cũng có những trường hợp ngoại lệ. Chúng ta đã chứng kiến rất nhiều người trẻ khỏe bị chết ngay cả khi được dùng máy trợ thở. Chúng tôi vẫn chưa rõ nguyên nhân gây ra vấn đề này”.

Béo phì cũng nổi lên là một nguyên nhân đáng lo ngại trong thời gian gần đây. Đại học Tim mạch Mỹ đã liệt kê béo phì là yếu tố gây rủi ro cao với người mắc Covid-19. Theo đánh giá cỉa CDC, có 42,2% dân số, tương đương với khoảng 140 triệu người Mỹ mắc bệnh béo phì.

Hệ thống miễn dịch của người bị béo phì không có khả năng chống nhiễm trùng tốt như những người có cân nặng vừa phải, Tiến sĩ Mark Lazarovich, người sáng lập công ty giải pháp y tế REMmedy cho biết.

“Ngoài ra, béo phì cũng gây nguy cơ tử vong ở những bệnh nhân mắc bệnh tự miễn dịch hay hen suyễn. Bên cạnh đó, các bệnh lý khác như lupus, viêm khớp dạng thấp, viêm khớp vẩy nến, bệnh vẩy nến cũng có thể làm giảm khả năng chống nhiễm trùng của hệ miễn dịch”, ông Mark Lazarovich nhấn mạnh.

Chuyên gia này cũng cho biết, với bệnh nhân ung thư, hệ thống miễn dịch vốn đã bị suy giảm, nhưng có rất nhiều chất chống ung thư cũng góp phần làm giảm thêm khả năng chống nhiễm trùng, trong đó phải kể đến việc sử dụng steroid lâu dài.

Nghiên cứu về nhóm máu cũng được thực hiện trong bối cảnh Covid-19 ngày càng lan rộng. Các nghiên cứu được công bố trên Medrxiv.org cho biết, những người có nhóm máu A dễ bị nhiễm virus hơn, trong khi những người nhóm máu O ít có nguy cơ hơn. Bệnh nhân có nhóm máu O chỉ chiếm một số lượng nhỏ trong số ca ca mắc và ca tử vong do Covid-19.

Tiến sĩ Attila Hertelendy, giáo sư về cấp cứu và quản lý thảm họa tại Đại học Georgetown, nói: "Những yếu tố khác cần xem xét là môi trường sống. Theo tôi, nhân viên y tế, lính cứu hỏa và nhân viên thực thi pháp luật có nguy cơ cao hơn mắc Covid-19 so với phần còn lại của dân số”

Xét đến mức độ  nguy hiểm của virus SARS-CoV-2 với thực tế rằng không ai có thể miễn nhiễm hoàn toàn, các chuyên gia vẫn cần phải mất nhiều tháng nữa để đưa ra kết luận chắc chặn về việc ai có nguy cơ bị ảnh hưởng nghiêm trọng hơn. Bởi vẫn còn rất nhiều trường hợp ngoại lệ và tình trạng tử vong ở những người trẻ khỏe ngày càng diễn ra thường xuyên hơn. 

“Chúng tôi cần phải xem xét những người trẻ, khỏe “đã đầu hàng” trước Covid-19 cũng như những người cao tuổi mắc đồng thời nhiều căn bệnh khác nhau. Chúng tôi cần thêm thời gian và dữ liệu để xây dựng một hồ sơ đáng tin cậy”, ông Whyte cho biết./.