Đánh thuế tài sản hiện nay là tạo gánh nặng cho nhân dân

(Mặt trận) - Cần phải cân nhắc thận trọng với thuế tài sản, nhất là trong bối cảnh thu nhập người dân còn thấp. Đó là ý kiến được nhiều đại biểu đưa ra tại Hội nghị góp ý kiến vào Hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế tài sản, do UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức ngày 9/5, tại Hà Nội. Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh chủ trì Hội nghị.

Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Đại sứ Australia tại Việt Nam đến chào từ biệt

Thủ tướng: 'Sự sống nảy sinh từ cái chết' ở Làng Nủ, Nậm Tông, Kho Vàng

Sắp xếp, tinh gọn phải nhanh, làm khẩn trương nhưng phải rất khoa học, phòng ngừa các hệ lụy, rủi ro

Tại hội nghị, ông Võ Đại Lược, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, cơ sở mức tính thuế, thuế suất bao nhiêu cần phải được tính toán kỹ hơn, khoa học hơn không nên xác định ngay người sở hữu nhà trên 700 triệu đồng bị tính thuế là chưa hợp lý. Việc quy định giá trị nhà tính thuế từ 700 triệu đồng là thấp so với giá thị trường. Cách tính thuế như đề xuất của dự án cần được cân nhắc thêm cho phù hợp và có lộ trình nhất định và nếu có áp dụng thì chỉ nên đánh thuế nhà ở mức trên 5 tỷ với mức thuế suất 0,2%.

Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh phát biểu tại Hội nghị

Ở góc độ khác, luật sư Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam cho rằng, hiện nay đời sống người dân ta đa số còn gặp nhiều khó khăn, mức thu nhập còn thấp, nhiều doanh nghiệp còn làm ăn thua lỗ đang rất cần Nhà nước có biện pháp hỗ trợ, trong khi đó nhân dân và doanh nghiệp đã và đang chịu nhiều chi phí, nhiều thuế, nhiều dịch vụ thiết yếu cho đời sống hay cho sản xuất, kinh doanh đã đưa vào giá theo cơ chế thị trường như: Giáo dục, y tế, điện, xăng dầu… càng ngày càng cao mà tiếp tục chịu thuế tài sản nữa sẽ là gánh nặng cho nhân dân và doanh nghiệp, an sinh xã hội không đảm bảo, sẽ dẫn đến bất ổn xã hội. Hơn nữa, nhiều người dân hiện nay chưa có nhà ở hoặc ở rất chật hẹp, cần được cải thiện, mặc dù có phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp, nhưng giá còn cao, muốn được Nhà nước hỗ trợ. Nếu mua được nhà cũng là sự cố gắng mà vẫn phải trả vốn và lãi hàng tháng cho Nhà nước hay ngân hàng, kéo dài hàng chục năm, nay phải chịu thuế tài sản nữa sẽ không chịu được, khó khăn lại càng khó khăn. Một chính sách thuế không rõ ràng về vấn đề chi tiêu của Nhà nước, bộ máy của Nhà nước mà lại đặt ra một sắc thuế tác động đến nhiều người dân thì bất ổn trong xã hội sẽ tăng lên. Về mặt công bằng, về mặt đạo lý mà nói cũng không phải là cách làm tốt cho nên kiến nghị của MTTQ Việt Nam nếu giả sử buộc phải áp dụng thì kiến nghị lên đánh thuế ở mức 5 tỷ là hợp lý.

Trong tờ trình, cơ quan soạn thảo có đưa ra căn cứ là để thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước được thể hiện ở các Nghị quyết 19-NQ/TƯ, Nghị quyết số 07-NQ/TƯ của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 25/2016/QH 14 của Quốc hội, quyết định của Thủ tướng Chính phủ… Tuy nhiên, các nghị quyết, quyết định trên đề cập là “vào thời điểm thích hợp” hay “phù hợp với điều kiện thực tế ở Việt Nam”, nhưng trong điều kiện thực tế hiện nay ở Việt Nam là không thích hợp, không nên hoặc chưa nên có thuế tài sản.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh khẳng định, các ý kiến đại biểu đều thống nhất với chủ trương, quan điểm và khẳng định sự cần thiết phải có Luật Thuế tài sản cho một đất nước phát triển là chủ trương ai cũng đồng tình, phù hợp với xu hướng chung của thế giới, đảm bảo ổn định thị trường bất động sản, đảm bảo nguồn thu nhân sách cũng như đảm bảo an sinh xã hội. Tuy nhiên, các ý kiến đều cho rằng nếu Luật này được ban hành trong thời điểm hiện nay là không phù hợp, sự đồng thuận trong nhân dân không cao, trong khi thị trường bất động sản mới vừa được hâm nóng lại.

Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh lưu ý, nếu ban hành Luật này trong tương lai thì phải chọn được thời điểm, có lộ trình, bước đi phù hợp. Đồng thời phải lưu ý tác động của sắc thuế này với sắc thuế khác, cũng như đánh giá hiệu quả sử dụng nguồn thu như thế nào cho phù hợp với xu hướng chung của thế giới.

Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam sẽ tiếp tục có văn bản tham gia với Ban soạn thảo dự án Luật để tạo sự thống nhất chung trong chủ trương, cũng như cân nhắc thời điểm ban hành cho phù hợp.