Dám nghĩ, dám làm và quyết liệt trong triển khai hoạt động

(Mặt trận) - Để tăng cường sự phối hợp giữa MTTQ Việt Nam với các tổ chức thành viên, ngày 12/2, tại Hà Nội, ông Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam đã có buổi làm việc với với Liên đoàn Luật sư Việt Nam và Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam. Buổi làm việc nhằm nắm bắt tình hình hoạt động thời gian qua và phương hướng hoạt động của các đơn vị trong năm 2019.

Phát biểu khai mạc của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII

Ngày làm việc thứ nhất của Hội nghị Trung ương khóa XIII

Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII: Tập trung vào 3 nhóm vấn đề

Tham dự buổi làm việc với Liên đoàn Luật sư Việt Nam có ông Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam; ông Trần Tiến Dũng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp, cùng đại diện lãnh đạo các ban, đơn vị UBTƯ MTTQ Việt Nam.

Báo cáo về tình hình hoạt động và phương hướng phát triển của Liên đoàn Luật sư Việt Nam, luật sư Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn cho biết, sau 9 năm thành lập, tổng số thành viên của Liên đoàn hiện nay là 13.500. Liên đoàn đã tạo lập được niềm tin với Đảng, Nhà nước và cộng đồng xã hội về các kết quả đạt được trong công tác và hoạt động, trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, pháp lý do Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam giao phó. Uy tín của Liên đoàn và đội ngũ luật sư Việt Nam trước Nhà nước và xã hội dần được khẳng định và từng bước được nâng cao.

Từ năm 2015 đến nay, đội ngũ luật sư của Liên đoàn đã tham gia vào 56.224 vụ án hình sự, trong đó có 26.170 vụ án hình sự chỉ định và 30.054 vụ án hình sự được khách hàng mời; tham gia vào 49.173 vụ việc dân sự, 45.565 vụ việc tư vấn trong lĩnh vực kinh tế, 3.228 vụ án hành chính, 1.848 vụ án lao động; tham gia tư vấn pháp luật cho 350.826 vụ việc; tham gia đại diện ngoài tố tụng cho 11.574 vụ việc…

Liên đoàn cũng đã cử gần 700 luật sư tham gia trợ giúp pháp lý tại trụ sở tiếp dân Trung ương tại thành phố Hà Nội và 100 luật sư tham gia trợ giúp pháp lý tại trụ sở tiếp dân Trung ương tại Thành phố Hồ Chí Minh, cử 177 luật sư của 6 đoàn luật sư là Hà Nội, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Bắc Giang, Hải Phòng tham gia trợ giúp pháp lý tại trụ sở tiếp dân Trung ương tại Hà Nội theo yêu cầu của UBTƯ MTTQ Việt Nam và Thanh tra Chính phủ. 

Đặc biệt trong năm 2018, nhiều vụ đại án về tham nhũng, về phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia, ma túy, buôn lậu… đã được tòa án xét xử đều có sự tham gia của luật sư với vai trò người bào chữa cho bị can, bị cáo. Qua đó, cộng đồng xã hội đã đánh giá cao về công tác xét xử của tòa án trong việc xem xét khách quan, thận trọng những chứng cứ đưa ra từ phía luật sư, tôn trọng quyền tự bào chữa, nhờ luật sư bào chữa của các bị cáo, từ đó tạo niềm tin của người dân vào tòa án, vào công lý, làm cho bị can, bị cáo tâm phục, khẩu phục vào quyết định của tòa án.

Thay mặt Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đạt được của Liên đoàn Luật sư Việt Nam, sau 9 năm được thành lập, Liên đoàn đã tạo lập được niềm tin với Đảng, Nhà nước và cộng đồng xã hội và đã trở thành cầu nối vững chắc giữa Đảng, Nhà nước và cộng đồng xã hội với đội ngũ luật sư.

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn khẳng định, thực hiện chương trình phối hợp về giám sát và nâng cao hiệu quả việc giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cơ sở, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam phối hợp với Liên đoàn Luật sư và các cơ quan đã tuyên truyền, phổ biến trong nhân dân nâng cao nhận thức về pháp luật tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, hòa giải ở cơ sở, trợ giúp pháp lý… tạo điều kiện cho nhân dân thực hiện đúng, đầy đủ quyền và nghĩa vụ của mình, hạn chế khiếu kiện sai, góp phần bảo đảm việc khiếu nại, tố cáo đúng pháp luật, qua đó từng bước giảm dần tranh chấp, mâu thuẫn phát sinh từ cơ sở; khắc phục tình trạng khiếu nại, tố cáo vượt cấp, phức tạp, đông người, góp phần ổn định tình hình ở địa phương.

Đánh giá cao 9 nhiệm vụ đã đề ra của Liên đoàn, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đề nghị, Liên đoàn Luật sư Việt Nam cần đẩy mạnh việc nghiên cứu xây dựng đề án phát triển đội ngũ luật sư đông về số lượng, đảm bảo chất lượng, nhằm đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị và Quyết định số 123/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đào tạo luật sư hội nhập quốc tế và góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong những năm tới và tầm nhìn đến năm 2030. 

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cũng lưu ý, Liên đoàn tập trung vào công tác bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp và nâng cao phẩm chất chính trị, tư tưởng, phát huy tốt chức năng là đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các đoàn luật sư, các luật sư trong phạm vi cả nước; tích cực tham gia xây dựng pháp luật, tham gia xây dựng các luật do Quốc hội ban hành để khi luật ban hành sẽ tạo sự đồng thuận trong nhân dân…

“Liên đoàn Luật sư cần tăng cường công tác bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp của luật sư và giám sát hoạt động hành nghề để mỗi luật sư luôn đảm bảo hoạt động đúng tôn chỉ mục đích, đạo đức nghề nghiệp”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đề nghị trong năm 2019, Liên đoàn Luật sư Việt Nam tiếp tục phối hợp với UBTƯ MTTQ Việt Nam trong giám sát hoạt động tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân; tiếp tục phối hợp tổ chức các hoạt động trợ giúp pháp lý miễn phí cho công dân, qua đó tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về pháp luật cho công dân.

Cùng ngày, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn cũng đã có buổi làm việc với Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam. Cùng đi với đoàn có ông Phùng Khánh Tài, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và đại diện lãnh đạo các ban, đơn vị UBTƯ MTTQ Việt Nam.

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn ghi nhận những nỗ lực của Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam trong việc tập hợp được hơn 10.000 hội viên trên cả nước, từ đó tạo sức lan tỏa trong hoạt động ở khắp các tỉnh, thành phố, góp phần vào việc hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của đất nước.

Khẳng định, Đảng, Nhà nước, MTTQ và các ngành, các cấp luôn quan tâm tới hoạt động của đội ngũ doanh nghiệp trẻ của đất nước, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cho rằng, để hoạt động của Hội ngày càng lớn mạnh, Hội cần nhanh chóng đưa Nghị quyết Đại hội đại biểu Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam lần thứ VI, nhiệm kỳ 2018-2021 vào thực tiễn, từ đó bố trí đội ngũ cán bộ Hội phù hợp để phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân trẻ đối với sự phát triển của đất nước.

Cùng với đó, Hội cần tạo nên sự bứt phá, tiếp tục đổi mới, sáng tạo để mỗi doanh nghiệp đều hăng hái tham gia lao động sản xuất, có nhiều sáng kiến mới nhằm bắt kịp với tiến bộ về khoa học, công nghệ trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong giai đoạn hiện nay.

“Hội cần quan tâm tới việc đào tạo đội ngũ doanh nghiệp trẻ để năm 2020 đất nước có 1 triệu doanh nghiệp. Đồng thời động viên hội viên phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm, quyết liệt trong triển khai hoạt động để từ đó giải quyết nhu cầu việc làm tại mỗi địa phương, nâng cao thu nhập của người dân và tạo ra nhiều sản phẩm đặc trưng, cạnh tranh với các nước trên thế giới”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đề nghị.