Đại đoàn kết vừa là động lực, vừa là nguồn lực trong phát triển đất nước

(Mặt trận) - Đó là lời nhắn nhủ của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai tại Hội nghị Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam lần thứ mười ba (Khóa VIII) ngày 4/1, tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật cán bộ

Trang trọng Lễ dâng hương dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên, tỉnh Phú Thọ

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Chiến thắng Điện Biên Phủ mãi mãi là bản anh hùng ca bất diệt, “một dấu mốc bằng vàng chói lọi”

Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai phát biểu tại Hội nghị Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam lần thứ mười ba.

Về những ý kiến phát biểu của đại biểu tham dự Hội nghị, bà Trương Thị Mai cho rằng, việc tiếp thu các ý kiến của đại biểu cũng chính là tạo sự đồng thuận, từ đó phát huy nhiệm vụ của Mặt trận phải làm sao sâu sắc hơn để hoạt động của Mặt trận tác động trực tiếp tới người dân, góp phần xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.

Trao đổi với các đại biểu tại Hội nghị về một số nội dung của Nghị quyết 12 trong việc phát huy vai trò của Mặt trận trong đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, phát huy vai trò tập hợp, đoàn kết khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy vai trò của nhân dân và Mặt trận tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, bà Trương Thị Mai cho rằng, mặt hạn chế mà Mặt trận cần quan tâm là phát huy đầy đủ vai trò, làm sâu sắc sức mạnh của nhân dân cũng như công tác đánh giá, dự  báo, dự biến để nắm bắt tình hình nhân dân, từ đó tham mưu cho Đảng, Nhà nước bám sát nhân dân.

Bà Trương Thị Mai cũng đề nghị Mặt trận tiếp tục nghiên cứu, đánh giá mặt được và chưa được trong quá trình triển khai Nghị quyết 12. “Nghị quyết 12 dành ra 2 trang để nói về vai trò của Mặt trận trong phát huy tinh thần đại đoàn kết và phát huy vai trò của nhân dân để làm sao các quyết định của Đảng đều liên quan đến lợi ích nhân dân, phản biện của Mặt trận cũng là góp phần đưa tiếng nói của nhân dân, đưa nhân dân tham gia vào quá trình xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.”, Trưởng Ban Dân vận Trung ương nhấn mạnh.

Nhắc tới sứ mệnh đại đoàn kết của Mặt trận, bà Trương Thị Mai cho rằng, đại đoàn kết luôn luôn được khẳng định là đường lối chiến lược, vừa là động lực, vừa là nguồn lực.

Khẳng định những ý kiến của các đại biểu tập trung vào tính chất hoạt động của Mặt trận, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai cho rằng, Luật MTTQ Việt Nam quy định Mặt trận là tự nguyện hiệp thương dân chủ, phối hợp thống nhất hành động, cho nên việc tham gia vào Mặt trận là huy động sự tham gia của tổ chức, cá nhân tiêu biểu vì chính các cá nhân tiêu biểu sẽ thôi thúc hoạt động của cả cộng đồng, để từ đó xây dựng và phát triển đất nước. Bởi vậy cơ cấu tổ chức và hoạt động của Mặt trận có nét tương đồng là vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. “Tôi tin tưởng nhân dân đều đồng lòng vào mục tiêu tương đồng trong xây dựng và phát triển đất nước, kể cả người Việt Nam ở trong và ngoài nước”, bà Trương Thị Mai nhấn mạnh.

Lấy ví dự từ những tâm tư của người Việt Nam ở nước ngoài muốn tham gia vào xây dựng đất nước và mong muốn trở thành đại biểu Quốc hội, Trưởng Ban Dân vận Trung ương cho rằng, Mặt trận sẽ phát huy vai trò của mình trong kết nối người Việt Nam trong và ngoài nước, kêu gọi, tập hợp để hiện thực hóa tinh thần đại đoàn kết.

Nghị quyết 12 của Đảng cũng đề cập đến việc Mặt trận tạo sinh lực mới cho tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, bà Trương Thị Mai cho rằng, nhiệm kỳ Đại hội MTTQ Việt Nam khóa VIII còn 3 năm, chính vì vậy Mặt trận cần tiếp tục tạo sinh lực mới cho khối đại đoàn kết.

Cũng theo bà Trương Thị Mai, vừa qua, Ban Bí thư đã thảo luận đưa ra Chỉ thị chỉ đạo Đại hội MTTQ Việt Nam nhiệm kỳ tới với mong muốn Mặt trận cần làm sáng tỏ tinh thần đã được ghi nhận tại Điều 6 Hiến pháp 2013. Đó là việc nhân dân phải thực hiện quyền lực nhà nước để từ đó minh chứng cho việc Mặt trận là quyền lực mang tính chất xã hội quan trọng và tạo điều kiện cho nhân dân tham gia. “Hiến pháp 2013 đã tiếp tục đưa các tinh thần liên quan đến Mặt trận, nhất là việc giám sát, phản biện xã hội, đặc biệt tại chương 2 của Hiến pháp 2013, lần đầu tiên nêu đủ quyền con người, quyền công dân. Nếu Mặt trận gắn với những vấn đề lớn của Hiến pháp thì Mặt trận có thêm điều kiện quan tâm tới cuộc sống, bảo vệ quyền và lợi ích của nhân dân.”, bà Trương Thị Mai khẳng định.

Đề cập đến những văn bản mới của Đảng liên quan đến Mặt trận, Trưởng Ban Dân vận Trung ương đề nghị Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam cần quan tâm tới việc tăng cường thông tin tới các vị Ủy viên Đoàn Chủ tịch các văn bản mới của Đảng.

Theo đó, trong tháng 10/2017, Ban Bí thư đã ban hành Quy định số 99 hướng dẫn cấp ủy và tổ chức Đảng phát huy vai trò của nhân dân. Muốn như vậy, cấp ủy và tổ chức Đảng cần phát huy vai trò của quần chúng nhân dân. Hướng dẫn này cũng yêu cầu các cấp ủy Đảng phải công khai cho nhân dân biết. “Quá trình giám sát của nhân dân thông qua MTTQ Việt Nam phải được xem xét và xử lý, từ đó phát huy vai trò của nhân dân trong giám sát”, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai nhấn mạnh.

Đề cập đến một số văn bản chuẩn bị ban hành về cơ chế giám sát cá nhân là người đứng đầu, cán bộ chủ chốt, cán bộ, đảng viên trong việc thực hiện, tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, bà Trương Thị Mai cho rằng, văn bản này là một bước hiện thực hóa việc giám sát cá nhân để tiếp tục triển khai công việc liên quan đến phòng, chống tham nhũng, liên quan đến việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, Nghị quyết Trung ương 5.

Nghị quyết Trung ương 6 liên quan đến vấn đề tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu quả, theo bà Trương Thị Mai, yêu cầu của Trung ương 6 đối với Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội là tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động để giảm hành chính hóa với mong muốn gần dân, sát dân, bảo vệ quyền lợi của nhân dân. “Tôi mong Mặt trận tập trung nghiên cứu và triển khai đồng bộ vấn đề này”, Trưởng Ban Dân vận Trương Thị Mai đề nghị.

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cùng các đại biểu trao đổi bên lề Hội nghị.

Theo bà Trương Thị Mai, trong năm 2018, một trong những nhiệm vụ quan trọng là sơ kết 5 năm thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW và Quyết định số 218-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị. Đây là hai quyết định quan trọng, góp phần thúc đẩy vai trò của Mặt trận, cùng với Nghị quyết 403 quy định chi tiết về các hình thức giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam giữa Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, từ đây đòi hỏi cán bộ làm công tác giám sát, phản biện phải có năng lực, bản lĩnh, có trách nhiệm cao cho nên tôi tin tưởng Quyết định 217, 218 sẽ có bước tiến xa hơn.

Cũng theo Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai, vấn đề quan tâm của Mặt trận chính là cuộc sống của nhân dân và làm sao phát huy được vai trò của nhân dân trong quá trình phát triển đất nước. Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội cùng các thành viên khác đang đứng trước cơ hội bảo vệ đời sống nhân dân nhưng cũng đứng trước thách thức lớn đó chính là sự phân hóa giàu nghèo. “Sự phân hóa giàu nghèo của một đất nước đang phát triển là một vấn đề lớn, vì hiện nay cuộc sống mặc dù tốt hơn nhưng vẫn còn một số bộ phận nhân dân bị đẩy lại phía sau. Chính vì vậy nếu ko giải quyết được phân hóa giàu nghèo thì không thể tạo được công bằng, đồng thuận trong xã hội.”, bà Trương Thị Mai khẳng định.

Theo đó cần phải quan tâm đến chính sách an sinh xã hội và giải quyết rủi ro cho người dân, trong đó lương hưu, bảo hiểm y tế chính là giải pháp để giải quyết rủi ro. “Thách thức về phân hóa giàu nghèo, an sinh xã hội chính là vấn đề đặt ra với người dân và Mặt trận tiếp tục dành sự quan tâm thực tâm sao cho thiết thực, đó chính là cách để Mặt trận khẳng định khối đại đoàn kết.”, Trưởng Ban Dân vận Trung ương nhấn mạnh.

Khẳng định yêu cầu của nhân dân, của Đảng với Mặt trận rất lớn, bà Trương Thị Mai tin tưởng, Mặt trận sẽ tiếp tục đảm nhiệm vai trò của mình với nhân dân.