Đại biểu Hội đồng Nhân dân cần thể hiện rõ quan điểm, chính kiến

Chất lượng kỳ họp của Hội đồng nhân dân phụ thuộc rất lớn vào chất lượng và hiệu quả hoạt động của đại biểu.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự và phát biểu tại Hội nghị quốc tế các đảng chính trị châu Á

Tổng Bí thư Tô Lâm hội kiến Chủ tịch Hạ viện Malaysia

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Vương quốc Campuchia

Tại Thành phố Sơn La, sáng 7/9, diễn ra Hội nghị Thường trực HĐND 14 tỉnh trung du và miền núi phía Bắc lần thứ năm, nhiệm kỳ 2016-2021.

Hội nghị do Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Thường trực HĐND tỉnh Sơn La tổ chức.

Dự và chỉ đạo Hội nghị có Ủy viên TW Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, lãnh đạo một số cơ quan của Quốc hội và Thường trực HĐND 14 tỉnh trung du và miền núi phía Bắc.

Hội nghị Thường trực HĐND 14 tỉnh trung du và miền núi phía Bắc lần thứ năm, nhiệm kỳ 2016-2021

Kỳ họp HĐND là hình thức hoạt động thể hiện tính quyền lực và tập trung để các vị đại biểu HĐND, những người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân địa phương, thảo luận và quyết định các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND.

Trong thực tiễn, việc tổ chức Kỳ họp HĐND các địa phương khu vực trung du và miền núi phía Bắc còn gặp những khó khăn, vướng mắc, như: việc gửi tài liệu đến đại biểu còn chậm so với quy định; báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh đôi lúc thiếu tính phản biện; một số đại biểu kiêm nhiệm chưa dành nhiều thời gian nghiên cứu các tài liệu để cho ý kiến vào báo cáo, đề án và dự thảo Nghị quyết; nhất là tham gia hoạt động chất vấn tại kỳ họp còn có nơi, có nội dung mang tính hình thức…

Tại hội nghị, các đại biểu đã cùng nhau đi sâu phân tích, trao đổi những kỹ năng, kinh nghiệm thực tiễn trong triển khai Kỳ họp HĐND, trọng tâm là: Kinh nghiệm công tác chuẩn bị kỳ họp; việc phát huy trách nhiệm, trí tuệ của đại biểu HĐND tại Kỳ họp HĐND; kinh nghiệm nâng cao chất lượng ban hành các nghị quyết tại kỳ họp; việc tổ chức hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn; cũng như kinh nghiệm trong việc phối hợp, thu hút sự quan tâm, tham gia của các cơ quan, tổ chức, nhân dân đối với hoạt động kỳ họp HĐND…

Ông Đoàn Đức Long, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Lai Châu cho biết, trong nhiệm kỳ này, chúng tôi được biết không riêng gì HDND tỉnh Lai Châu, mà HDND các tỉnh khác, khoảng 2/3 đại biểu là người mới tham gia hoạt động lần đầu, kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực đại biểu HDND cũng còn những mặt hạn chế nhất định. Cho nên việc tổ chức tập huấn cũng như các hội nghị trao đổi kinh nghiệm như thế này hết sức quan trọng, giúp cho các đại biểu HĐND có thêm kỹ năng, bản lĩnh, cũng như các phương pháp hoạt động tốt hơn để nâng cao vai trò của đại biểu HDND, xứng đáng là người đại biểu đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của cử tri, của nhân dân tại địa phương.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đánh giá cao chủ đề mà Thường trực HĐND các tỉnh lựa chọn để trao đổi. Những ý kiến tại Hội nghị sẽ giúp Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ có thêm cơ sở cho việc hoàn thiện mô hình tổ chức, phương thức hoạt động và cơ chế chính sách cho Hội đồng nhân dân, để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp trên phạm vi cả nước.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, hiệu quả, chất lượng kỳ họp của Hội đồng nhân dân phụ thuộc rất lớn vào chất lượng và hiệu quả hoạt động của đại biểu. Do vậy, các đại biểu Hội đồng nhân dân cần phải nâng cao ý thức trách nhiệm, thể hiện rõ quan điểm, chính kiến và đề xuất các giải pháp của mình để đảm bảo các dự thảo được thông qua có chất lượng, phù hợp với thực tiễn, đảm bảo tính khả thi.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Thường trực Hội đồng Nhân dân có thể tổ chức các Hội thảo khoa học về các chuyên đề liên quan đến nội dung của kỳ họp để đại biểu vừa lĩnh hội được các thông tin chuyên ngành, vừa nắm bắt các vấn đề cần thảo luận, chuẩn bị tham gia đóng góp ý kiến tại kỳ họp cho hiệu quả.