“Cuộc cách mạng” tinh gọn bộ máy: Chắc chắn phải có sự hy sinh

Nếu xem việc tinh gọn bộ máy là cuộc cách mạng, để thực hiện thành công cuộc cách mạng đó chắc chắn phải có sự hy sinh, có quyết tâm lớn.

Chủ tịch nước Lương Cường: Toàn quân thực hiện nghiêm đường lối quốc phòng toàn dân, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới

Thường trực Ban Bí thư làm việc với các cơ quan của Đảng, MTTQ về Nghị quyết số 18-NQ/TW

Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Đại sứ Australia tại Việt Nam đến chào từ biệt

Vấn đề bộ máy của hệ thống chính trị ngày càng phình to, hoạt động kém hiệu quả đang là yêu cầu bức thiết để tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.  

Xung quanh nội dung này, phóng viên VOV phỏng vấn PGS.TS Nguyễn Quốc Dũng - Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị khu vực IV, Học viện Chính trị  Quốc gia Hồ Chí Minh.

 PGS.TS Nguyễn Quốc Dũng

PV: Những năm qua, Đảng ta đã ban hành và thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiều chủ trương, nghị quyết, kết luận về xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, nhưng cho đến nay, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, kém hiệu lực, hiệu quả; hoạt động còn chồng chéo. Theo ông, nguyên nhân do đâu?

PGS.TS Nguyễn Quốc Dũng: Bản thân chủ đề Hội nghị Trung ương 6 lần này đã cho thấy tính cấp thiết của nó. Bởi mấy lý do sau đây:

Bên cạnh những thành tích nhất định trong hoạt động đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, có thể nói bộ máy trong Đảng ta hiện nay hoạt động còn kém hiệu quả. Điều này thể hiện ở sự chồng chéo, phân tán quyền lực, một việc có quá nhiều cơ quan chỉ đạo và có những công việc không có người chỉ đạo, không ai chịu trách nhiệm cả.

Thứ hai, cần phải tinh gọn bộ máy đang có nguy cơ ngày càng phình ra và giải quyết những vấn đề trong bộ máy. Sự phình ra này đang gây áp lực cho ngân sách rất lớn. 70% ngân sách hiện nay tập trung chi cho thường xuyên, chỉ 30% đầu tư cho phát triển là rất thấp. Vấn đề đặt ra là phải làm sao tinh gọn bộ máy, giảm những người làm trong bộ máy này. Có như thế chúng ta mới tính toán đến việc tăng lương được. Hiện nay việc tăng lương trong bộ máy chúng ta nói rất nhiều lần nhưng mà việc thực hiện còn rất bấp bênh.

PV: Vậy theo ông, chúng ta cần tinh gọn và sáp nhập ra sao để bộ máy hoạt động hiệu quả?

PGS.TS Nguyễn Quốc Dũng: Ngân sách của chúng ta hiện đang gánh 3 bộ máy: bộ máy Nhà nước, bộ máy Đảng, các Đoàn thể và tổ chức chính trị xã hội. Chúng ta phải sắp xếp lại theo hướng sáp nhập những bộ phận có cùng chức năng lại với nhau. Ví dụ như Ủy ban Kiểm tra Trung ương có thể sáp nhập với Thanh tra Chính phủ; Ban Tổ chức Trung ương có thể nhập với Bộ Nội vụ; Bộ Kế hoạch Đầu tư có thể gắn với Bộ Tài chính...

Để xây dựng tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động có hiệu lực và hiệu quả, theo tôi phải đổi mới từ cấp trên, từ trung ương và bộ ngành trước thay vì bắt đầu từ cơ sở như cách làm lâu nay. Trong cải cách bộ máy tổ chức, sự tinh gọn từ cấp trên sẽ là đích đến, là định hướng để cấp dưới thực hiện, trước hết phải từ bộ máy của Đảng.

Tôi thấy có những cơ quan có thể sáp nhập hoặc giải thể, bãi bỏ những tầng nấc trung gian trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Ví dự như 3 Ban chỉ đạo (BCĐ) Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ hoàn toàn có thể cải tổ, giải tán. Ở những vùng đó chỉ cần có cơ quan điều phối của Chính phủ mang tính chất tư vấn cho Chính phủ về chính  sách kết nối cho các hoạt động để liên kết vùng chứ không cần phải có BCĐ, bởi thực tế các BCĐ  làm việc không hiệu quả.

Hay các đảng ủy khối từ TW đến tỉnh, thành, các đảng ủy khối doanh nghiệp, khối cơ quan, khối Dân chính đảng, Đảng ủy khối doanh nhiệp tư nhân cũng là tầng nấc trung gian. Nếu không có tổ chức này, hoạt động của Đảng vẫn tồn tại và phát triển. Tôi cho rằng những cơ quan mang tính trung gian như vậy không nên tồn tại khi ta cải cách bộ máy.

PV: Có thể nói rào cản lớn của vấn đề tinh gọn bộ máy của Đảng, Nhà nước và các đoàn thể được thực nhiều năm qua đó chính là sự đụng chạm đến quyền lực, lợi ích của nhiều người. Ông nghĩ sao về nhận định này?

PGS.TS Nguyễn Quốc Dũng: Việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, đặc biệt là xây dựng tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả là công việc rất quan trọng và không hề đơn giản, đụng chạm đến lợi ích, quyền lợi của nhiều người. Như lời của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, phải xem đây là cuộc cách mạng trong bộ máy. Cuộc cách mạng trong bộ máy được hiểu là sự đổi mới toàn diện, triệt để, xóa bỏ những cái cũ kỹ, lạc hậu. Đã là cuộc cách mạng thì chắc chắn phải có sự hy sinh, một sự quyết tâm lớn mới có thể làm được.

Việc đổi mới hệ thống chính trị một cách tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả phương thức lãnh đạo của Đảng là công việc cần phải làm ngay, làm chắc chắn và lâu dài. Đây cũng là bài toán lớn cần giải quyết sao cho có tình, có lý bởi nó đụng chạm đến thân phận và lợi ích của từng con người..

PV: Song song với việc cải cách, tinh gọn bộ máy cần thực hiện nâng cao năng lực quản lý của đội ngũ lãnh đạo và trình độ chuyên môn của đội ngũ viên chức và người lao động?

PGS.TS Nguyễn Quốc Dũng: Việc đổi mới tổ chức bộ máy chính trị theo hướng tinh gọn sẽ là tiền đề, là điều kiện quan trọng để thu hút tài năng. Lý do đơn giản đó là chỉ có tinh gọn bộ máy thì Nhà mức mới nâng lương lên được. Đây cũng là một trong những điểm kém hấp dẫn của cơ quan Nhà nước so với cơ quan bên ngoài. Người ta không thể sống, làm việc và phát huy tài năng trong điều kiện tiền lương khó khăn, eo hẹp.

Bên cạnh đó, các cơ quan của hệ thống chính trị phải tạo được môi trường công bằng để tuyển chọn lao động và để họ cống hiến. Các chức danh cần phải tổ chức thi tuyển. Hiện nay, Bộ Nội vụ và một số nơi đã làm rồi, tôi đề nghị tổ chức thi tuyển ở cấp trưởng, chứ không làm cấp phó. 

PV: Để tránh chồng chéo trong hoạt động của hệ thống chính trị và nâng cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu, vấn đề nhất thể hóa bộ máy chức danh giữa Đảng và Nhà nước cũng được nhắc đến tại Hội nghị Trung ương lần này. Quan điểm của ông về vấn đề này?

PGS.TS Nguyễn Quốc Dũng: Thực tiễn trong thời gian qua chúng ta đã nhất thể hóa một số chức danh, và thực tế đã chứng minh sự nhất thể hóa đó hoàn toàn đúng đắn.

Ví như, Bí thư giữ chức Chủ tịch một địa phương; người đứng đầu một đơn vị của Nhà nước phải là Bí thư Đảng ủy của cơ quan ấy. Nhất thể hóa như vậy, một người làm việc của 2 người, quyền lực sẽ tập trung hơn và sẽ thực hiện tốt nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước.

Cùng với nhất thể hóa các chức danh giữa Đảng, Nhà nước, phải tăng cường vai trò của người đứng đầu đơn vị, cơ quan, địa phương. Khi được giao trách nhiệm, người đứng đầu địa phương phải chịu trách nhiệm về tất cả những hoạt động của đơn vị, địa phương mình và được trao quyền lực nhất định để thực hiện nhiệm vụ.

Khi đã nhất thể hóa và nâng cao trách nhiệm người đứng đầu đơn vị, cần phải kiện toàn xây dựng hoàn chỉnh Nhà nước pháp quyền bằng những cơ chế pháp luật, bằng những cơ chế phản biện xã hội để có thể giám sát người đứng đầu đơn vị. Việc này chúng ta hoàn toàn có thể làm được. Người làm đúng thì được tôn vinh, còn nếu làm sai thì pháp luật xử lý. Phải sòng phẳng giữa trách nhiệm và quyền lợi.

Đặc biệt, qua các cơ chế về nhiệm kỳ, cơ chế về pháp luật, qua các chính sách phản biện của tổ chức xã hội và người dân giám sát tôi nghĩ chúng ta có điều kiện để kiểm soát được sự lạm quyền của người đứng đầu đơn vị.

PV: Xin cảm ơn ông.