(Mặt trận) - Sau một ngày rưỡi làm việc khẩn trương, nghiêm túc, sáng 22/7, Hội nghị nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (khóa XIII) đã hoàn thành các nội dung đề ra.
|
Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN |
Hội nghị đã nghe các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, những người trực tiếp chỉ đạo quá trình xây dựng các nghị quyết, dành thời gian tới dự, giới thiệu, quán triệt nội dung 4 Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 5 (khóa XIII).
Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư nêu rõ Hội nghị Trung ương 5 (khóa XIII), Ban Chấp hành Trung ương đã xem xét, thông qua 4 Nghị quyết rất quan trọng. Tại Hội nghị Trung ương 5, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu rất quan trọng trong phiên khai mạc và bế mạc. Đồng chí Võ Văn Thưởng đề nghị các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên nghiên cứu, quán triệt sâu sắc hai bài phát biểu quan trọng này; lấy đó làm kim chỉ nam cho quá trình tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt và triển khai thực hiện các nội dung của Hội nghị Trung ương 5.
Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng yêu cầu ngay sau Hội nghị này, các cấp ủy, tổ chức đảng phải nhanh chóng tổ chức tuyên truyền, nghiên cứu, học tập, quán triệt cho toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân thấm nhuần sâu sắc nội dung 4 Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 5; nhất là những quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, những vấn đề mới, cốt lõi trong các nghị quyết; thấy rõ 4 Nghị quyết này là những nội dung rất cơ bản, hệ trọng, liên quan mật thiết, tác động nhiều chiều đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội đất nước, đời sống của nhân dân, đến an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội; xây dựng Đảng ngày thêm trong sạch, vững mạnh, đủ năng lực, trình độ, uy tín để lãnh đạo đất nước.
Lưu ý một số nội dung mới, cốt lõi cần quan tâm trong tuyên truyền trong Nghị quyết về quản lý và sử dụng đất đai, đồng chí Võ Văn Thưởng nhấn mạnh có rất nhiều vấn đề rất mới, trong quá trình thảo luận Trung ương tin tưởng rằng nếu thực hiện tốt sẽ tạo ra những chuyển biến rất tích cực. Đó là việc sẽ bãi bỏ khung giá đất, xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường, như vậy sẽ khắc phục được tình trạng hai giá trong thời gian vừa qua hay là đối với những dự án phải thực hiện tái định cư thì phải tái định cư xong mới thu hồi đất; Nhà nước đảm bảo nguồn lực để quy hoạch các phân khu, ngành, lĩnh vực có sử dụng đất; kiên trì thực hiện cơ chế thảo luận trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa người dân và doanh nghiệp để xây dựng những khu đô thị và nhà ở thương mại... Đồng chí Võ Văn Thưởng nhấn mạnh nếu làm tốt những vấn đề được Trung ương nêu ra chắc chắn về mặt chính trị- xã hội sẽ có chuyển biến tốt; khiếu kiện, khiếu nại của người dân về đất đai sẽ giảm, cán bộ bị xử lý liên quan tới đất đai sẽ giảm.
Nghị quyết 21 về "Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới", đồng chí Võ Văn Thưởng đánh giá việc xây dựng tổ chức cơ sở đảng là vấn đề hệ trọng, cần có đột phá một số khâu trong xây dựng tổ chức đảng và đảng viên; phải tạo ra sự đột phá trong đánh giá, xếp loại đối với tổ chức đảng, đảng viên một cách thực chất, phản ánh đúng hiện thực khách quan. "Chúng ta phải đặt câu hỏi, vì sao nhiều cán bộ bị kỷ luật, trước đó đều được xếp loại hoàn thành tốt hoặc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, vậy khắc phục việc này sẽ như thế nào, trong nghị quyết đã nêu lên những nhiệm vụ, giải pháp" - đồng chí Võ Văn Thưởng nêu rõ.
Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh công tác tuyên truyền, học tập, quán triệt nghị quyết cần được tiến hành thường xuyên, toàn diện, với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, hấp dẫn; phát huy vai trò “Đi trước mở đường, đi cùng phát triển, đi sau tổng kết” của ngành Tuyên giáo; vai trò của các cơ quan báo chí; sức mạnh tổng hợp của các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể quần chúng… để cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu rõ, thông suốt và tích cực triển khai thực hiện nghị quyết. Đồng thời, chú trọng đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, định hướng dư luận xã hội trong quá trình thực hiện nghị quyết.
Để nghị quyết đi vào cuộc sống, Thường trực Ban Bí thư nêu rõ vấn đề quan trọng hàng đầu, yếu tố có tính chất quyết định là khâu tổ chức thực hiện. "Vì sao trong nhiều nhiệm kỳ của Đảng vẫn nói rằng tổ chức thực hiện luôn là khâu yếu... Quá trình tổ chức thực hiện đòi hỏi phải có sự quyết tâm, năng động, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, địa phương."- đồng chí nhấn mạnh.
Ngay sau Hội nghị này, đồng chí Võ Văn Thưởng đề nghị cùng với việc tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết, các cấp ủy, tổ chức đảng khẩn trương nghiên cứu, cụ thể hóa nội dung 4 Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 5 thành kế hoạch, chương trình, đề án cụ thể, có sự phân công, phân nhiệm và lộ trình thực hiện rõ ràng, sát thực tiễn, khả thi, hiệu quả.
Ban Kinh tế Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương, Ban cán sự đảng Bộ Kế hoạch - Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tập trung nghiên cứu, xây dựng, sớm trình Bộ Chính trị Kế hoạch thực hiện các nghị quyết của Hội nghị Trung ương 5 trong tháng 8/2022.
Đảng đoàn Quốc hội, Ban Cán sự đảng Chính phủ, các ban Đảng Trung ương, bộ, ngành liên quan sớm chỉ đạo, phối hợp cụ thể hóa nội dung các văn kiện, hoàn thiện thể chế, tạo cơ sở, hành lang pháp lý bảo đảm đồng bộ, thống nhất để việc thực thi các nghị quyết trong thực tiễn đảm bảo tính toàn diện, hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu mà Nghị quyết đã đề ra; trong đó, phấn đấu đến năm 2023 phải hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 và một số luật liên quan. Đồng chí nhấn mạnh việc chú trọng chỉ đạo điểm, xây dựng mô hình thực hiện nghị quyết, trên cơ sở đó rút kinh nghiệm, nhân rộng những mô hình, điển hình, cách làm hay, phù hợp, hiệu quả trong thực tiễn; tiến hành tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết, nâng tầm lý luận.
Đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết ở các cấp, trên cơ sở các chương trình, kế hoạch thực hiện nghị quyết đã được phê duyệt; kịp thời điều chỉnh chương trình, kế hoạch thực hiện cho phù hợp; nhắc nhở, phê bình, xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân thực hiện không nghiêm túc, không hiệu quả. Tiếp tục đổi mới công tác thông tin, báo cáo, nắm chắc tiến độ thực hiện nghị quyết của các địa phương, đơn vị theo từng quý, năm, trên cơ sở triệt để ứng dụng công nghệ thông tin, tránh tối đa để 5 và 10 năm sau khi sơ kết, tổng kết mới xem lại nghị quyết...
Với tinh thần, trách nhiệm cao trong triển khai nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền và thực hiện các văn kiện Hội nghị Trung ương 5 (khóa XIII), đồng chí Võ Văn Thưởng tin tưởng rằng, sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của toàn Đảng, hệ thống chính trị, sự đoàn kết, đồng lòng của mọi người dân, các Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 5 (khóa XIII) sẽ sớm đi vào cuộc sống, đạt nhiều kết quả tốt đẹp, góp phần thiết thực thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng trong thời gian tới, phấn đấu hoàn thành mục tiêu chiến lược “đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.
Thay mặt Ban Tổ chức hội nghị, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương trân trọng tiếp thu các ý kiến chỉ đạo sát sao, cụ thể của Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng trong triển khai nghiên cứu, quán triệt, học tập các nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (khóa XIII); đề nghị các cấp ủy, tổ chức đảng tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo, tuyên truyền các nội dung các nghị quyết Trung ương 5 sâu rộng hơn nữa, lựa chọn những nội dung, hình thức phù hợp với các đối tượng cán bộ, đảng viên để có hiệu quả, thiết thực; đưa những quan điểm chỉ đạo của nghị quyết thành hành động cụ thể trong thực hiện phát triển kinh tế- xã hội...
Việc lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức Hội nghị nghiên cứu, học tập, quán triệt nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (khóa XIII) cho các đối tượng còn lại, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị bám sát nội dung Hướng dẫn 65 của Ban Tuyên giáo Trung ương; đặc biệt chú trọng tính tích cực, chủ động, đồng bộ, hiệu quả trong công tác tuyên truyền, tạo sự thống nhất cao trong Đảng, đồng thuận trong nhân dân và đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền đối ngoại...
TTXVN