COVID-19 sẽ gây thiệt hại kinh tế như thế nào đối với các nước đang phát triển?

Đối với hầu hết các nước đang phát triển, thiệt hại kinh tế từ đại dịch COVID-19 có thể so sánh với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008.

Thủ tướng gặp mặt chúc mừng đội tuyển bóng đá quốc gia

Tổng Bí thư làm việc với tỉnh Gia Lai về kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng

Thủ tướng: Ngoại giao góp phần đắc lực, hiệu quả thúc đẩy tăng trưởng và các lực lượng sản xuất mới

“Cơn bão” COVID-19 ở các nước đang phát triển vẫn chưa ở cấp độ mạnh nhất, song điều kiện cơ sở y tế và sức mạnh tài chính hạn hẹp cho thấy những thách thức, khó khăn  trong cuộc chiến với đại dịch này.

Đại đa số các nền kinh tế mới nổi có dân số trẻ hơn nên ít dễ bị tổn thương hơn các nước phát triển vốn có dân số đang già hoá, bởi dịch virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) 'tấn công' chủ yếu vào nhóm người cao tuổi. Tuy nhiên, các nước đang phát triển đang bắt đầu bước vào một giai đoạn đình trệ có thể trầm trọng và kéo dài khi đại dịch toàn cầu này buộc trên 1/4 dân số thế giới phải cách ly khiến nền kinh tế toàn cầu rơi vào tình trạng đóng băng chưa từng thấy.

Ngân hàng Phát triển châu Á cảnh báo nếu “đại dịch tồi tệ nhất trong thế kỷ này” tiếp tục kéo dài trên 6 tháng nữa, tổn thất kinh tế đối với nền kinh tế thế giới có thể lên tới 4,1 ngàn tỉ USD, tương đương gần 5% sản lượng kinh tế toàn cầu.

'Đòn chí tử' đối với kinh tế của các nước đang phát triển

Mặc dù đại dịch COVID-19 vẫn chưa ở giai đoạn đỉnh điểm ở các nền kinh tế mới nổi, ngoại trừ Trung Quốc, nơi SARS-CoV-2 lần đầu xuất hiện và gây ra sự tàn phá ở vùng công nghiệp chủ chốt của nước này, thì  tài chính bấp bênh, cơ sở hạ tầng chăm sóc y tế yếu kém và sự lệ thuộc vào hàng hoá như dầu mỏ là nguồn thu ngoại tệ được xem là những yếu tố khiến các nước đang phát triển dễ bị tổn thương hơn những điểm dịch nóng hiện nay ở phương Tây.

Theo dự đoán của ADB, tỉ lệ tăng trưởng kinh tế của các nước đang phát triển tại châu Á có thể giảm còn 2,2% trong năm 2020 so với mức tăng trưởng 5,2% năm 2019.

Ông Nariman Beharavesh, nhà kinh tế trưởng thuộc tổ chức IHS Markit, nhận định: “Đối với các thị trường mới nổi, đại dịch này tồi tệ hơn cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 trên nhiều phương diện. Giá hàng hoá giảm sâu hơn, tình trạng đình trệ tại các nước phát triển xấu di và mức nợ ở các nền kinh tế mới nổi đã tăng nhiều kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008 vì tỉ lệ lãi suất thấp.”

Các nước đang phát triển ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latin đang chịu thiệt hại do các biện pháp phong toả được đưa ra để ngăn chặn sự lây lan của virus này. Các thị trường xuất khẩu chủ chốt tại châu Âu và Bắc Mỹ hầu như đang bị 'triệt tiêu' khiến kinh tế nội địa đứng yên, nhu cầu về hàng hoá như dầu mỏ sụt giảm và các đồng nội tệ mất giá.

Các nhà kinh tế thuộc Tổ chức Nghiên cứu - Dự báo Kinh tế Oxford Economics đánh giá Bolivia, Costa Rica, Nigeria, Peru, Nam Phi và Ai Cập là các nền kinh tế mới nổi sẽ chịu nhiều tổn thất nhất về kinh tế, căn cứ vào tình trạng hệ thống y tế, tình hình tài chính và sự lệ thuộc vào hàng hoá xuất khẩu của các nước này.

Rủi ro vỡ nợ tăng cao

Các nhà đầu tư nước ngoài muốn tìm kiếm các phương tiện đầu tư an toàn đang 'quay lưng' lại với trái phiếu và cổ phiếu của các thị trường mới nổi. Theo ước tính của Viện Tài chính Quốc tế (IIF), riêng trong tháng 3/2020, trên 80 tỉ USD đầu tư đã được luân chuyển khỏi nhóm trên 20 nền kinh tế mới nổi, bao gồm Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi và Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo tạp chí Wall Street, tình trạng rút vốn ồ ạt đã làm tăng nguy cơ vỡ nợ ở hầu hết các nền kinh tế dễ bị tổn thương nhất như Argentina, Nigeria và Angola, những nước đã chứng kiến trái phiếu chính phủ mệnh giá bằng đô la đáo hạn vào tháng 11/2025 tăng lên gần 30% vào tuần cuối tháng 3 so với chưa đầy 7% đầu tháng 3.

Chi phí đi vay cao hơn đặc biệt sẽ gây thiệt hại đến các nước như Thổ Nhĩ Kỳ và Nam Phi vì những nước này phụ thuộc vào nguồn vốn vay mượn từ nước ngoài trong những năm gần đây để trang trải cho các dự án cơ sở hạ tầng như xây sân bay mới tại Istanbul.

Do tỉ lệ lãi suất Mỹ thấp đầy hấp dẫn, số nợ tính bằng đô la của các nền kinh tế mới nổi tăng trong một vài năm qua lên con số hàng tỉ. Và sự hồi phục gần đây của đồng Mỹ kim khiến việc thanh toán lãi suất các trái phiếu này trở nên đắt đỏ hơn, một viễn cảnh đau lòng đặc biệt ở thời điểm khi các nước phát hành trái phiếu đang chứng kiến xuất khẩu sụt giảm do tình trạng đóng cửa hàng loạt.

Các đồng bản tệ của các thị trường mới nổi được bán ra ở mức kỷ lục trong tháng 3 và có thể so sánh với sự sụt giá của các đồng tiền này trong cuộc khủng hoảng 2008. Đồng rúp Nga, đồng peso Mexico và đồng rand Nam Phi chịu ảnh hưởng nhiều nhất và giảm giá 11-20% so với đô la.

Đối với Thổ Nhĩ Kỳ, đại dịch đe doạ khơi lại nỗi đau của khủng hoảng tiền tệ 2018, khi các nhà đầu tư tỏ ra lạnh nhạt với nền kinh tế nước này và rút vốn ra khiến cho đồng lira rớt xuống mức thấp kỷ lúc và đưa nền kinh tế vào giai đoạn đình trệ. Nam Phi, quốc gia công nghiệp hoá nhất ở châu Phi, bước vào cuộc khủng hoảng corona trong thể trạng ốm yếu khi kinh tế đình trệ, niềm tin kinh doanh giảm xuống mức thấp nhất trong 20 năm qua và gần 1/3 lực lượng lao động không có việc làm.

Với tình trạng tài chính công xấu đi trong một vài năm qua trong bối cảnh tăng trưởng chậm và tỉ lệ thất nghiệp ở mức kỷ lục, Ấn Độ cũng đang ở vị thế khá yếu để đối chọi với cuộc khủng hoảng COVID-19. Chính phủ Ấn Độ tuyên bố phong toả đất nước 21 ngày để tháo gỡ cuộc khủng hoảng virus này.

Giá dầu mỏ sụt giảm

Các vấn đề của thị trường mới nổi còn tăng thêm bởi sự sụt giảm giá dầu và các hàng hoá khác vốn là nguồn thu nhập chính của một vài nước châu Phi và châu Mỹ La Tinh.

Nhu cầu giảm kỷ lục do đại dịch cùng cuộc chiến về giá giữa Ả Rập Xê Út và Nga đã kéo giá dầu mỏ xuống mức thấp nhất trong 18 năm qua. Điều này đă gây ra một cuộc khủng hoảng lớn cho các nước như Angola và Nigeria vì dầu mỏ chiếm 90% tổng doanh thu xuất khẩu của các nước này. Giá dầu thấp còn gây thiệt hại cho Nga, một trong những nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới và hệ quả là đồng rúp đã giảm trong tháng qua.

Theo các nhà kinh tế thuộc Oxford Economics, nhiều nước sản xuất năng lượng trên thị trường mới nổi chưa chuẩn bị kỹ càng cho kịch bản giá giảm và cứ 3 trong 4 nước bị thâm hụt tài chính,

Một số nền kinh tế mới nổi như Thái Lan, Croatia, Philippines và Thổ Nhĩ Kỳ vốn lệ thuộc 20-25% GDP vào du lịch, sẽ buộc phải tiến hành sa thải hàng loạt khi lệnh cấm nhập cảnh vẫn tiếp tục có hiệu lực.

Cơ sở hạ tầng y tế xuống cấp

Với tỉ lệ lây nhiễm tăng nhanh ở các nước như Ấn Độ, các chuyên gia y tế lo ngại đại dịch này sẽ vượt ngoài tầm kiểm soát ở nước này bởi các thành phố ở Ấn Độ quá đông đúc và các cơ sở y tế vốn thường quá tải.

Tình trạng hạ tầng y tế sơ sài ở các nền kinh tế mới nổi đang buộc nhiều nước thực hiện các biện pháp phong toả và giãn cách xã hội triệt để. Song khác với phương Tây, biện pháp phong toả ở các nước nghèo nơi các gia đình sống bằng đồng lương hàng ngày, thì đây là một vấn đề không giản đơn.

Các nhà kinh tế Oxford Economics nhận định: “Chúng tôi nhận thấy tại một số nền kinh tế các tổn thất kinh tế có thể lớn đến mức chúng có thể làm lung lay niềm tin và có nguy cơ dẫn tới khủng hoảng nợ công hay khủng hoảng tài chính. Về khía cạnh này, cái giá phải trả cho việc cứu sống mạng người ở các nước đang phát triển lớn hơn so với các nước phát triển. Nếu tình trạng gián đoạn kinh tế tiếp tục kéo dài lâu, rất khó đảo ngược lại tình thế suy thoái kinh tế hiện nay”./.