(Mặt trận) - Thống kê trên Cổng tiêm chủng Quốc gia cho biết, đến đầu giờ chiều ngày 22/10, cả nước đã tiêm được trên 71 triệu liều vaccine phòng COVID-19; Công bố cấp độ dịch bệnh của 63 tỉnh, thành; Quảng Ninh phát hiện 3 trường hợp F0 sau gần 3 tháng không có ca nào; có 3.985 ca mắc COVID-19 và 5.202 người khỏi bệnh, số tử vong giảm mạnh còn 55 ca;... đó là những thông tin nổi bật về tình hình dịch COVID-19.
|
Việt Nam đã tổ chức hiệu quả chiến dịch tiêm chủng có quy mô lớn nhất trong lịch sử tiêm chủng, trong đó có những tỉnh, thành đạt tỷ lệ tiêm mũi 1 cao trên 95% như TP HCM, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Khánh Hoà, Đà Nẵng, Bà Rịa – Vũng Tàu, Quảng Ninh… |
70% người trên 18 tuổi tiêm vaccine phòng COVID-19
Thống kê trên Cổng tiêm chủng Quốc gia cho biết đến đầu giờ chiều ngày 22/10, cả nước đã tiêm được trên 71 triệu liều vaccine phòng COVID-19; trong đó ngày 21/10 cả nước đã tiêm 1.537.841 liều vaccine. Tỷ lệ tiêm ít nhất 01 liều vaccine là khoảng 70% và tỷ lệ tiêm đủ 02 liều vaccine là hơn 27% dân số từ 18 tuổi trở lên.
Việt Nam đã tổ chức hiệu quả chiến dịch tiêm chủng có quy mô lớn nhất trong lịch sử tiêm chủng, trong đó có những tỉnh, thành đạt tỷ lệ tiêm mũi 1 cao trên 95% như TP HCM, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Khánh Hoà, Đà Nẵng, Bà Rịa – Vũng Tàu, Quảng Ninh…
Các tỉnh, thành phố có tỷ lệ tiêm đủ 2 mũi cho dân số từ 18 tuổi trở lên đạt trên 50% là Long An (85,3%), TP HCM (76,8%), Quảng Ninh (63,7%), Hà Nội (53,7%) và Bình Dương (56,6%).
05 tỉnh, thành phố có tỷ lệ tiêm ít nhất 01 liều vaccine cho dân số từ 18 tuổi trở lên thấp nhất là Đắc Lắc (18,6%), Nam Định (27,5%), Gia Lai (28,6%), Thanh Hóa (31,9%) và Quảng Bình (33,2%).
Trong tuần (từ 14/10-20/10), cả nước đã triển khai tiêm được 9,7 triệu liều vaccine (tăng 2,9 triệu so với tuần trước đó), chủ yếu triển khai tiêm tại một 4 số địa phương như: An Giang (380.000 liều), Ninh Bình (360.000 liều), Vĩnh Long (350.000 liều), Bình Dương (340.000 liều), Cần Thơ (313.000 liều), Tiền Giang (303.000 liều), Phú Thọ (295.000 liều)…
Ngày 22/10: Có 3.985 ca mắc COVID-19 và 5.202 người khỏi bệnh, số tử vong giảm mạnh còn 55 ca
Tính từ 17 giờ ngày 21/10 đến 17 giờ ngày 22/10, Việt Nam ghi nhận 3.985 ca nhiễm mới SARS-CoV-2, tăng nhẹ so với ngày trước đó.
Trong các ca nhiễm mới có 8 ca nhập cảnh và 3.977 ca ghi nhận trong nước (tăng 359 ca so với ngày trước đó) tại 50 tỉnh, thành phố (có 1.782 ca trong cộng đồng).
Các tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh với ca mắc như sau: TP Hồ Chí Minh (1.205), Bình Dương (471), Đồng Nai (417), Đắk Lắk (266), An Giang (220), Sóc Trăng (148), Tây Ninh (147), Bạc Liêu (83), Kiên Giang (80), Trà Vinh (76), Bình Thuận (74), Long An (72), Gia Lai (69), Tiền Giang (61), Nghệ An (57), Phú Thọ (54), Cà Mau (52), Khánh Hòa (43), Thanh Hóa (37), Quảng Bình (34), Đồng Tháp (33), Thừa Thiên Huế (26), Kon Tum (22), Hà Nam (21), Hà Giang (18), Hậu Giang (17), Cần Thơ (17), Nam Định (17), Vĩnh Long (14), Bến Tre (14), Lâm Đồng (13), Bà Rịa - Vũng Tàu (12), Bình Định (11), Quảng Ngãi (10), Quảng Nam (9), Hà Nội (8 ), Ninh Thuận (7), Thái Bình (7), Bắc Ninh (5), Bình Phước (5), Hưng Yên (4), Hà Tĩnh (4), Bắc Giang (3), Quảng Ninh (3), Đắk Nông (3), Lào Cai (3), Yên Bái (2), Sơn La (1), Ninh Bình (1), Tuyên Quang (1).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó là: TP Hồ Chí Minh (giảm 50 ca), Tây Ninh (giảm 38 ca), Cà Mau (giảm 28 ca).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó là: Đắk Lắk (tăng 266 ca), An Giang (tăng 46 ca), Sóc Trăng (tăng 39 ca).
Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua 3.400 ca/ngày.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 881.522 ca nhiễm, đứng thứ 40/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 154/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 8.951 ca nhiễm).
Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay); số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 876.788 ca, trong đó có 800.509 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Có 1 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước là Bắc Kạn.
Có 17 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua là: Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Ninh Bình, Lạng Sơn, Sơn La, Yên Bái, Hà Giang, Lai Châu, Hải Phòng, Tuyên Quang, Thái Bình, Kon Tum, Hưng Yên, Điện Biên, Thái Nguyên, Hòa Bình.
Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này là: TP Hồ Chí Minh (423.406), Bình Dương (227.799), Đồng Nai (60.498), Long An (34.071), Tiền Giang (15.392).
Trong ngày 22/10, số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh là 5.202 ca.
Tổng số ca được điều trị khỏi là 803.326 ca. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 3.073 ca.
Trong ngày 22/10, cả nước ghi nhận 56 ca tử vong tại: TP Hồ Chí Minh (33), Bình Dương (7), An Giang (7), Long An (3), Kiên Giang (2), Đồng Nai (1), Bình Thuận (1), Bình Phước (1), Sóc Trăng (1).
Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 71 ca. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 21.543 ca, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca nhiễm.
So với thế giới, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 34/223 quốc gia và vùng lãnh thổ; Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 133/223 quốc gia và vùng lãnh thổ. So với Châu Á, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 10/49 quốc gia và vùng lãnh thổ; Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 28/49 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Việt Nam tạm thời công nhận 'hộ chiếu vaccine' của 72 quốc gia, vùng lãnh thổ
Tại họp báo thường kỳ ngày 21/10 của Bộ Ngoại giao, trả lời câu hỏi của phóng viên về những chính sách, biện pháp của Việt Nam nhằm tạo điều kiện thuận lợi và cấp "thẻ xanh" cho người từ nước ngoài đã tiêm đủ 2 mũi vaccine COVID-19 đến Việt Nam, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết, theo tinh thần của Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ ban hành quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19", hiện Việt Nam đang tạm thời công nhận mẫu giấy chứng nhận tiêm chủng của 72 quốc gia, vùng lãnh thổ đã được các quốc gia và vùng lãnh thổ này giới thiệu chính thức tới Bộ Ngoại giao.
Theo đó, người mang các giấy tờ này được sử dụng trực tiếp ở Việt Nam và được giảm thời gian cách ly tập trung xuống còn 7 ngày theo Hướng dẫn của Bộ Y tế về rút ngắn thời gian cách ly cho người đã tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19, hoặc đã mắc COVID-19 nhưng đã khỏi bệnh.
Bên cạnh đó, Bộ Ngoại giao đang cùng lúc trao đổi với gần 80 đối tác về công nhận lẫn nhau giấy chứng nhận tiêm vaccine. Trên thực tế, giấy chứng nhận tiêm vaccine của Việt Nam đã được một số nước công nhận và cho nhập cảnh.
Ngoài ra, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho lao động, chuyên gia, nhà đầu tư và một số đối tượng đặc thù khác phục vụ mục tiêu phát triển, Bộ Ngoại giao cũng đã tham khảo ý kiến của các bộ, ngành địa phương về những vướng mắc và kiến nghị cấp có thẩm quyền điều chỉnh các quy trình xét duyệt cho người nước ngoài nhập cảnh theo hướng bổ sung hộ chiếu/giấy chứng nhận tiêm chủng vào thành phần hồ sơ của quy trình cấp thị thực, giảm thời gian xử lý hồ sơ và tăng cường phân cấp hơn nữa cho các bộ, ngành.
Bộ Y tế công bố cấp độ dịch bệnh COVID-19 của 63 tỉnh, thành
Theo tổng hợp của Bộ Y tế, tất cả các tỉnh thành đã thực hiện việc đánh giá cấp độ dịch bệnh COVID-19. Kết quả có 26 địa phương ở vùng xanh, trong đó có TP Hà Nội. Ngoài ra, TP HCM, Đà Nẵng ở vùng vàng- cấp 2.
63 tỉnh, thành đã thực hiện việc đánh giá cấp độ dịch theo Nghị quyết số 128 của Chính phủ và Quyết định 4800 của Bộ Y tế. Phạm vi đánh giá ở cấp tỉnh, huyện và phường/xã.
Theo tổng hợp của Bộ Y tế cập nhật đến 17h ngày 21/10, cả nước có 26 tỉnh, thành đang ở cấp độ dịch 1 (màu xanh, bình thường mới) gồm Bà Rịa Vũng Tàu, Bắc Giang, Bắc Kạn, Bình Thuận, Cao Bằng, Điện Biên, Đồng Nai, Hà Giang, Hà Nội, Hải Phòng, Hòa Bình, Kon Tum, Lai Châu, Lạng Sơn, Lào Cai, Ninh Bình, Phú Yên, Quảng Ninh, Sóc Trăng, Sơn La, Tây Ninh, Thái Bình, Thái Nguyên, Trà Vinh, Tuyên Quang, Yên Bái.
Bộ Y tế nhận định, sau gần 2 năm ứng phó với đại dịch COVID-19, nước ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong công tác phòng chống dịch.
Đến nay, dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát, số người mắc và số người tử vong trong thời gian qua liên tục giảm. Cuộc sống đang dần trở về trạng thái bình thường mới. Hiện nay nhiều quốc gia trên thế giới đã thay đổi quan điểm ứng phó với dịch, từ cố gắng dập dứt điểm ca bệnh sang "chung sống an toàn".
Đến tối 21/10, Việt Nam có 877.537 ca mắc COVID-19, đứng thứ 40/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 154/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 8.911 ca nhiễm).
Trong đó, riêng đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4 đến nay), nước ta ghi nhận 872.811 ca, trong đó có 795.307 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh. Các địa phương ghi nhận số mắc tích lũy cao trong đợt dịch này: TPHCM (422.201), Bình Dương (227.328), Đồng Nai (60.081), Long An (33.999), Tiền Giang (15.331).
Quảng Ninh: Phát hiện 3 ca mắc COVID-19 là người từ Bình Dương về
Sau hơn 100 ngày không ghi nhận ca mắc COVID-19, Quảng Ninh đã phát hiện 3 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 tại TP Hạ Long và TP Móng Cái. Đây là các trường hợp đi từ Bình Dương về Quảng Ninh bằng xe máy và đều được phát hiện qua công tác giám sát của chính quyền địa phương cùng nhân dân trên địa bàn.
Ngay sau khi phát hiện các ca nhiễm mới, TP Hạ Long và TP Móng Cái đã nhanh chóng điều tra, truy vết các F1 và chuyển 3 ca đi điều trị.
Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát, quản lý những người đến từ vùng có dịch; đảm bảo theo tinh thần Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ, Quyết định số 1777/QĐ-BGTVT và Quyết định số 4800/QĐ-BYT về phòng, chống dịch COVID-19.
Được biết, qua công tác giám sát phòng chống dịch, giám sát người di chuyển từ tỉnh ngoài vào địa bàn của cấp ủy, chính quyền và nhân dân trong tỉnh thời gian qua, cho thấy nhiều trường hợp hiểu không đúng về các quy định của Trung ương, của Bộ Y tế và chưa tuân thủ nghiêm các quy định phòng, chống dịch trong quá trình di chuyển.
Quảng Ngãi: Ghi nhận 9 ca dương tính với virus SARS-CoV-2
Sáng 22/10, Sở Y tế Quảng Ngãi thông tin, tiếp tục ghi nhận thêm 9 ca dương tính với virus SARS-CoV-2. Từ ngày 26/6 đến nay, Quảng Ngãi ghi nhận 1.518 ca COVID-19.
Đến nay Quảng Ngãi đã hoàn thành tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 1 cho 396.314 người (đạt tỷ lệ 44,9% số người trên 18 tuổi) và mũi 2 cho 86.585 người (đạt tỷ lệ 9,8%).
Bến Tre: Thêm 14 ca mắc COVID-19
Từ 18 giờ ngày 21/10 đến 11 giờ ngày 22/10/2021, tỉnh có thêm 14 ca mắc COVID-19. Tổng số ca mắc COVID-19 toàn tỉnh là 2.150 ca. Trong đó, có 1.908 ca ra viện, 52 ca tử vong.
Trong số ca mắc mới có 12 ca ghi nhận trong tỉnh gồm: 1 ca tại khu cách ly, phong tỏa và 11 ca phát hiện tại cộng đồng. Số còn lại là trường hợp người ngoài tỉnh về địa phương.
Hiện lực lượng y tế đang truy vết, xét nghiệm, phong tỏa khu vực liên quan, tiếp tục điều tra dịch tể các ca ghi nhận tại cộng đồng.
Tính đến ngày 21/10/2021, tỷ lệ tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 mũi 1 của tỉnh đạt trên 62% dân số từ 18 tuổi trở lên và 7,33% dân số tiêm đủ 2 mũi.
Đồng Nai: Dừng ngay buổi tiêm nếu người đi tiêm thuộc diện nghi ngờ hoặc tiếp xúc gần với ca bệnh COVID-19.
Sở Y tế Đồng Nai vừa có văn bản gửi Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, Sở LĐ-TBXH thông báo cho các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp chủ động liên hệ với Trung tâm y tế địa phương, thống nhất thời gian và địa điểm để người đến tiêm theo khung giờ nhất định, đảm bảo an ninh trật tự, tránh tập trung đông người.
Đối tượng tiêm chủng cần cung cấp các giấy tờ cần thiết như chứng minh nhân dân/căn cước công dân, thẻ BHYT, phiếu xác nhận tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 1. Đối tượng tiêm chủng phải đeo khẩu trang, rửa tay, sát khuẩn thường xuyên tại điểm tiêm chủng.
Đối tượng tiêm chủng không nằm trong diện nghi ngờ nhiễm COVID-19 hay có tiền sử tiếp xúc gần với ca bệnh COVID-19 trong vòng 14 ngày.
Trong trường hợp phát hiện người đi tiêm chủng là trường hợp nghi nhiễm COVID-19 hoặc tiếp xúc gần với bệnh nhân COVID-19 trong vòng 14 ngày cần dừng ngay buổi tiêm chủng và thực hiện quản lý các trường hợp này theo quy định.
Những người đang ốm, sốt hoặc có biểu hiện viêm đường hô hấp thì chủ động tư vấn không đi tiêm chủng.
Sở Y tế đề nghị các bệnh viện, trung tâm y tế bố trí các đội cấp cứu sẵn sàng hỗ trợ các điểm tiêm kịp thời khi có phản ứng bất lợi nặng sau tiêm. Xử trí phản vệ trong quá trình sử dụng vaccine đúng quy trình, đảm bảo an toàn tiêm chủng.
Sở Y tế Đồng Nai cũng có văn bản đề nghị Sở GD-ĐT, Sở LĐ-TBXH, UBND các huyện, thành phố phối hợp thống kê số liệu trẻ em từ đủ 12 tuổi đến 17 tuổi gửi về Sở Y tế trước ngày 24/10, đảm bảo không trùng lắp.
Hương Diệp