Covid-19: “Cú sốc ngoại sinh” lâu dài đối với nền kinh tế toàn cầu

Nhiều quốc gia đang phải đổ tiền để cứu vãn nền kinh tế nơi cuộc sống các đối tượng bị tác động bởi dịch Covid-19 đang “cheo leo nơi vách đá”.

Tổng Bí thư Tô Lâm: Đội ngũ trí thức, nhà khoa học tạo bứt phá mạnh mẽ cho mục tiêu phát triển nhanh, bền vững đất nước

Hội nghị công bố Quyết định của Bộ Chính trị về chức năng, nhiệm vụ của 13 cơ quan, đơn vị ở Trung ương

Thủ tướng: Trình Bộ Chính trị để sớm ban hành chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức khi sắp xếp, tinh gọn bộ máy

Chưa phải là kịch bản tồi tệ nhất

Nhiều chuyên gia tài chính nhận định, điều tồi tệ nhất đã qua khi giá cổ phiếu trên hầu hết các thị trường chứng khoán đều chuyển “sắc xanh” trong tuần qua trừ ngày 14/4. Hơn thế nữa, nhiều quốc gia đã bắt đầu dỡ bỏ lệnh phong tỏa đất nước vì dịch Covid-19. Phố Wall đã có thể thở phào nhẹ nhõm với niềm hy vọng rằng, công việc kinh doanh sẽ sớm trở lại như khi chưa có dịch.

Kinh tế thế giới đang bị tác động nghiêm trọng bởi dịch Covid-19. Ảnh: AP

Nếu chỉ nhìn thoáng qua, đây không phải là một quan điểm hoàn toàn vô lý bởi không ai có thể đoán định được Covid-19 sẽ còn kéo dài bao lâu dù tác động của nó đến nền kinh tế toàn cầu là không thể chối cãi. Các nhà kinh tế học gọi đây là “cú sốc ngoại sinh” -  điều gì đó gây tác động lớn nhưng lại xuất phát từ bên ngoài hệ thống.

Tuy nhiên, khi Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tuyên bố, kinh tế toàn cầu sẽ trải qua một năm tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại suy thoái hay khi Cơ quan Trách nhiệm Ngân sách Anh đánh giá nền kinh tế nước này đang rơi vào suy thoái nghiêm trọng nhất kể từ 300 năm qua, giới quan sát đã nghĩ đến khả năng những nền tảng cơ bản nhất để nền kinh tế quốc tế vận hành hiện nay sẽ thay đổi đáng kể trong và sau đại dịch Covid-19.

Tuy nhiên, Covid-19 không đồng nghĩa với sự chấm dứt tiến trình toàn cầu hóa và sẽ không thay đổi bản chất của nền kinh tế toàn cầu. Để minh chứng cho điều này, nhiều chuyên gia đã nhắc lại việc nền tảng cơ bản của tài chính quốc tế đã thay đổi ra sao sau cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008.

Trên thực tế, bài học lớn nhất từ cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008 chính là việc hệ thống kinh tế toàn cầu khi đó được vận hành trên một “lằn ranh rất mong manh”. Các ngân hàng sẵn sàng “đặt cược ngày càng lớn” vào những sản phẩm mà họ còn mơ hồ nhưng lại không sẵn sàng dự trữ tiền phòng ngừa rủi ro, mất mát. Đây chính là sai lầm “chí tử” của cả hệ thống tài chính quốc tế khi họ nhận ra rằng, họ đã “đặt nhầm cửa hoàn toàn”.

Điều tương tự đã xảy ra lần này, nhưng là ở quy mô lớn hơn. Hệ thống tài chính quốc tế giờ đã được củng cố hơn và không còn quá mong manh như hồi năm 2008, nhưng nền kinh tế toàn cầu vẫn được vận hành không mấy khác trước, vẫn không có những “vùng đệm an toàn” cũng chẳng có chỗ để sửa chữa những sai lầm.

Điều này có thể nhận thấy rõ rệt từ mức lãi suất “siêu thấp” đã khiến cho nền kinh tế toàn cầu “chìm nổi” suốt một thập kỷ qua cho đến tình trạng tranh giành giường bệnh điều trị tích cực trong đại dịch Covid-19 ở Anh. Khi các chính trị gia tuyên bố rằng, những nền tảng cơ bản của nền kinh tế đang rất ổn, họ đã hoàn toàn sai lầm.

Trong vòng 30 năm qua, thế giới đã chứng kiến thị trường toàn cầu, đặc biệt là thị trường tài chính tăng mạnh cả về quy mô và mức độ. Các chuỗi cung ứng toàn cầu cực kỳ phức tạp được hình thành, hàng hóa được vận chuyển xuyên biên giới đến mọi quốc gia. Những “dòng tiền nóng hổi” được đổ vào các thị trường với mong muốn thu lãi nhiều hơn và khi đó, nhiều vấn đề mới nảy sinh.

Tình trạng thiếu giường bệnh khiến việc điều trị cho các bệnh nhân mắc Covid-19 trở nên cực kỳ khó khăn. Ảnh: AFP

Covid-19 sẽ thay đổi thế giới

Khi đại dịch Covid-19 mới chớm lây lan, lý do duy nhất khiến Chính phủ Anh, cũng như nhiều quốc gia khác, muốn “bơm” thật nhiều tiền vào các dịch vụ y tế, trợ cấp tiền lương để hỗ trợ những người lao động tự do và những doanh nghiệp nhỏ là nhằm cố gắng cứu vãn tình hình trước khi đại dịch bùng phát.

Điều này là bởi, từ vài thế kỷ qua, những người lao động tự do và làm thuê cho các doanh nghiệp nhỏ chỉ có được mức sống rất hạn chế nếu không muốn nói là phải “chạy ăn từng bữa”. Nếu không nhận được sự hỗ trợ từ Chính phủ, nhiều khả năng những đối tượng này sẽ không thể tồn tại lâu dài trong khi họ lại chiếm một số lượng đáng kể trong xã hội.

Nhiều chuyên gia nhận định, sự thay đổi là không thể tránh khỏi. Các công ty sẽ phải giảm cung cấp hàng hòa cho chuỗi cung ứng vốn đã bị đứt gãy bởi dịch Covid-19. Sẽ có thêm nhiều nguồn tiền nữa đổ vào hệ thống y tế của nhiều quốc gia để có thể cầm cự tốt hơn với đại dịch lần này.

Nói cách khác, Covid-19 đã phơi bày nhiều nguy cơ cho các quốc gia. Ví dụ như nước Anh vốn dựa chủ yếu vào các dịch vụ tài chính nhưng lại thiếu nền tảng cơ bản cho sản xuất trong nước. Trong khi các ngân hàng đang dư thừa tiền không biết đầu tư vào đâu thì đất nước lại thiếu các trang thiết bị y tế thiết yếu như trang phục bảo hộ hay bộ kít xét nghiệm.

Dù vậy, vẫn còn nhiều “cuộc đại phẫu” đáng quan tâm hơn. Thế giới cần phải đoàn kết mạnh mẽ trong một hệ thống chung để vừa đối phó được với Covid-19 vừa hạn chế tối đa những tổn thất cho nền kinh tế toàn cầu. Không quốc gia nào được phép “đi riêng rẽ” trong cuộc chiến chống Covid-19.

Hơn thế nữa, những cú sốc về tài chính hay kinh tế toàn cầu dù đáng lo ngại nhưng sẽ không gây nhiều tác động bằng những cú sốc do đại dịch gây ra. Chính vì thế, thay vì tập trung vào việc tìm cách cứu vãn nền kinh tế, các nước cần ưu tiên hơn cho việc tìm ra giải pháp tối ưu hơn để ứng phó với dịch bệnh lần này và trở nên mạnh mẽ hơn nếu phải đối mặt với các đợt dịch mới bởi “luôn có cơ hội trong thách thức”./.