Công tác dân vận của Đảng hướng mạnh về cơ sở, bám sát nhân dân, đáp ứng yêu cầu tình hình mới

(Mặt trận) - Sáng 13/1, tại Hà Nội, Ban Dân vận Trung ương tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác dân vận và đánh giá kết quả thực hiện năm “Đẩy mạnh thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở” 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022 theo hình thực trực tiếp kết hợp trực tuyến với 63 tỉnh ủy, thành ủy trên cả nước.

Thủ tướng: 'Sự sống nảy sinh từ cái chết' ở Làng Nủ, Nậm Tông, Kho Vàng

Sắp xếp, tinh gọn phải nhanh, làm khẩn trương nhưng phải rất khoa học, phòng ngừa các hệ lụy, rủi ro

Diễn văn Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Quang cảnh Hội nghị

Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Tham dự Hội nghị còn có các Bí thư Trung ương Đảng: Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; Trưởng ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài.

Phát huy vai trò, tiềm năng, sức sáng tạo của nhân dân

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng phát biểu chỉ đạo hội nghị 

Biểu dương, đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng và những thành tích đã đạt được của hệ thống dân vận và đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận trong năm 2021, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng nhấn mạnh, năm 2021, các cấp ủy, tổ chức đảng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, đồng thời với thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp; nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; phát huy vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của công tác dân vận.

“Việc đẩy mạnh thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở trong năm qua đã phát huy tốt hơn vai trò, tiềm năng, sức sáng tạo của nhân dân, động viên các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, phòng, chống dịch COVID-19, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương. Đồng thời, góp phần nâng cao vai trò, uy tín của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội; đề cao trách nhiệm người đứng đầu và vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên; tác động tích cực đến công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị ngày thêm trong sạch, vững mạnh; dân chủ trong xã hội được mở rộng, tạo thêm sự đồng thuận xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc”, Thường trực Ban Bí thư khẳng định.

Nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Thường trực Ban Bí thư nêu rõ, để góp phần đạt được mục tiêu tổng quát Đại hội XIII của Đảng, công tác dân vận của Đảng phải tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức và nâng cao chất lượng hoạt động, tạo sự chuyển biến thực sự trong nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng và cả hệ thống chính trị đối với công tác dân vận của Đảng theo hướng thiết thực, gắn bó mật thiết với cuộc sống nhân dân; lấy chất lượng cuộc sống, sự hài lòng và tín nhiệm của nhân dân làm tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng của các chính sách, năng lực, uy tín của mỗi cấp ủy, tổ chức đảng, hệ thống chính trị các cấp và đội ngũ cán bộ, đảng viên. Cụ thể hóa và thực hiện tốt cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội làm nòng cốt để nhân dân làm chủ”, gắn với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

Cùng với đó, ban dân vận các cấp sớm nghiên cứu, tham mưu cho các cấp ủy và hướng dẫn triển khai chương trình hành động, kế hoạch thực hiện Kết luận số 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn, nâng cao chất lượng hoạt động và đội ngũ cán bộ của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội ở địa phương, đơn vị. Ban Dân vận Trung ương tập trung hoàn thành các nội dung được giao trong Kế hoạch số 03-KH/TW, ngày 1/12/2021 của Bộ Chính trị về thực hiện Kết luận 21; hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc tổ chức kiểm điểm, tự phê bình và phê bình trong hệ thống Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể quần chúng. Đồng thời, đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”, đi đôi với thực hiện tốt trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu.

Nhấn mạnh việc triển khai hiệu quả Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về công tác dân vận; quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị, đồng chí Võ Văn Thưởng lưu ý, việc đổi mới mạnh mẽ công tác dân vận theo hướng nâng cao năng lực dự báo, tầm nhìn chiến lược phù hợp với tình hình mới; tăng cường phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị về công tác dân vận. Thực hiện tốt việc nắm tình hình nhân dân; vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương của Đảng, Nhà nước về phòng, chống dịch COVID-19 linh hoạt, an toàn, hiệu quả, tích cực tham gia phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Kịp thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền chăm lo đời sống, đảm bảo an sinh xã hội cho nhân dân; thực hiện nghiêm việc tiếp xúc, đối thoại với nhân dân; giải quyết dứt điểm những vấn đề bức xúc trong nhân dân ngay từ cơ sở, những vụ việc khiếu kiện kéo dài, vụ việc tiêu cực, tham nhũng nhân dân quan tâm.

Trong điều kiện Đảng cầm quyền, lãnh đạo hệ thống chính trị và xã hội, công tác dân vận của Đảng phải tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, đáp ứng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, hướng mạnh về cơ sở, bám sát dân, bám chắc địa bàn; chủ động nắm bắt, phản ánh kịp thời tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân cho cấp ủy, chính quyền xem xét giải quyết, nhất là các vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống, việc làm, thu nhập của người dân. Nhận thức sâu sắc, đầy đủ hơn quan điểm “dân là gốc”, phát huy sức mạnh của nhân dân, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc…

Để hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác dân vận trong tình hình hiện nay, đồng chí Võ Văn Thưởng nhấn mạnh, điều kiện tiên quyết là phải nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận của Đảng, bởi “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể phải thực sự quan tâm, tạo mọi điều kiện để tiến hành công tác dân vận; kịp thời khen thưởng, tuyên truyền, nhân rộng các tấm gương cá nhân điển hình, có thành tích trong công tác dân vận, nhất là ở cấp cơ sở.

Thường trực Ban Bí thư tin tưởng, với tinh thần tiến công, ý thức, trách nhiệm cao của đội ngũ những người làm công tác dân vận, ngành Dân vận sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2022, tích cực đóng góp cho quá trình thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, phấn đấu vì  mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Tạo sự đồng thuận của nhân dân

Trưởng ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài phát biểu tại Hội nghị

Tiếp thu ý kiến phát biểu chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài nêu rõ 4 nhiệm vụ công tác trọng tâm trong năm 2022, trong đó đề nghị các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị- xã hội, ban dân vận các cấp tiếp tục quán triệt sâu sắc Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Đảng, chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về công tác dân vận, dân tộc và tôn giáo; thực hiện nghiêm Quyết định số 23 ngày 30/7/2021 của Bộ Chính trị về Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị.

Bên cạnh đó, Trưởng ban Dân vận Trung ương đề nghị nâng cao hiệu quả công tác dân vận chính quyền, tập trung chỉ đạo, nghiên cứu xây dựng, ban hành luật, văn bản quy phạm pháp luật nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về phát huy quyền làm chủ của nhân dân, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, thực hiện tốt phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng". Quan tâm sửa đổi, bổ sung, ban hành cơ chế, chính sách để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bất cập và tăng cường cải cách hành chính, nâng cao đạo đức công vụ, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp chỉ đạo giải quyết các nguyện vọng chính đáng và bức xúc của nhân dân ngay tại cơ sở.

Cùng với đó, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa về nội dung và phương thức hoạt động theo hướng thiết thực hiệu quả, tập trung tuyên truyền vận động mọi tầng lớp nhân dân, tạo sự đồng thuận của nhân dân trong thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nhất là chấp hành các chủ trương của Đảng, Nhà nước về phòng, chống dịch COVID-19 và tích cực tham gia để thực hiện các chương trình về phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Thực hiện hiệu quả nhiệm vụ giám sát, phản biện và tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền, nhất là giám sát cán bộ, đảng viên về thực hiện trách nhiệm nêu gương.

Trưởng ban Dân vận Trung ương đề nghị ban dân vận các cấp chủ động tham mưu cho cấp ủy, chỉ đạo thực hiện toàn diện về công tác dân vận và xây dựng kế hoạch kiểm tra chuyên đề về công tác dân vận; quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận có phẩm chất đạo đức tốt, có năng lực, kinh nghiệm, nhiệt tình, say mê và có phương pháp, tác phong dân vận khéo, để làm nòng cốt tham mưu, thực hiện tốt công tác dân vận, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác dân vận và của hệ thống chính trị.

Theo báo cáo của Ban Dân vận Trung ương, năm 2021, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, dưới sự lãnh đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cấp ủy các cấp, cùng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, công tác dân vận tiếp tục có đổi mới về nội dung, phương thức. Các cấp ủy, tổ chức đảng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc quán triệt, triển khai thực hiện nội dung công tác dân vận theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và đại hội Đảng bộ các cấp gắn với thực hiện Quyết định số 23-QĐ/TW, Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới. Tập trung tuyên truyền vận động nhân dân tham gia cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đạt kết quả cao.

Vận động nhân dân tích cực hưởng ứng thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; huy động nguồn lực xã hội tham gia vào công tác phòng, chống dịch; hệ thống dân vận đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo, hình thành nhiều mô hình phòng, chống dịch thiết thực.

Chính quyền các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác dân vận chính quyền, nhất là triển khai thực hiện các chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, tăng cường thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; đối thoại với nhân dân và đẩy mạnh cải cách hành chính. Các chủ trương, chính sách về công tác dân tộc, tôn giáo được các cấp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện.

Lực lượng vũ trang phát huy tốt vai trò nòng cốt trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, bảo vệ chủ quyền đất nước, là lực lượng tuyến đầu trong công tác phòng, chống dịch COVID19. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội tập trung phát động nhiều phong trào thi đua, các cuộc vận động, góp phần củng cố sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Công tác dân vận của hệ thống chính trị đã góp phần quan trọng trong việc phát huy dân chủ, tăng cường sự đồng thuận trong nhân dân, hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, an ninh, quốc phòng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh…