Công bố Nghị quyết của Quốc hội về bầu Tổng Kiểm toán Nhà nước

(Mặt trận) - Sáng 12/4, tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự hội nghị công bố Nghị quyết của Quốc hội về bầu Tổng Kiểm toán Nhà nước nhiệm kỳ 2016-2021 và bàn giao công tác của Tổng Kiểm toán Nhà nước.

Thủ tướng: 'Sự sống nảy sinh từ cái chết' ở Làng Nủ, Nậm Tông, Kho Vàng

Sắp xếp, tinh gọn phải nhanh, làm khẩn trương nhưng phải rất khoa học, phòng ngừa các hệ lụy, rủi ro

Diễn văn Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

 Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trao Nghị quyết của Quốc hội cho Tổng Kiểm toán nhà nước Trần Sỹ Thanh. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Tham dự Hội nghị có: Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Trưởng Ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Thanh; Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương Huỳnh Tấn Việt; Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc; Tổng Kiểm toán Nhà nước Trần Sỹ Thanh; lãnh đạo các ban, bộ, ngành cùng cán bộ, công chức, viên chức Kiểm toán Nhà nước.

Tại Hội nghị, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh đã công bố Nghị quyết bầu Tổng Kiểm toán Nhà nước nhiệm kỳ 2016-2021 của Quốc hội; trong đó Điều 1 nêu rõ: ông Trần Sỹ Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội giữ chức vụ Tổng Kiểm toán Nhà nước nhiệm kỳ 2016-2021. Nghị quyết có hiệu lực thi hành kể từ khi Quốc hội khóa XIV biểu quyết thông qua vào ngày 7/4/2021.

Bà Nguyễn Thị Thanh đọc quyết định của Bộ Chính trị về việc chỉ định ông Trần Sỹ Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Kiểm toán Nhà nước giữ chức Bí thư Ban Cán sự Đảng Kiểm toán Nhà nước.

Thay mặt lãnh đạo Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chúc mừng tân Tổng Kiểm toán Nhà nước Trần Sỹ Thanh được Quốc hội bầu với số phiếu cao; đồng thời chúc mừng nguyên Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nhiệm kỳ 2016-2021 và được Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội phê chuẩn giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Tài chính tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá ông Trần Sỹ Thanh được đào tạo bài bản, trưởng thành từ ngành tài chính, được luân chuyển ở nhiều nhiệm vụ công tác khác nhau; luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao trong quá trình công tác cả ở Trung ương và địa phương; có nhiều hiểu biết về kinh tế vĩ mô; thành thạo công tác kiểm tra, giám sát. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tin tưởng rằng, với kiến thức căn bản được đào tạo, năng lực thực tiễn, phẩm chất đạo đức được tôi luyện ở nhiều vị trí khác nhau, ông Trần Sỹ Thanh cùng tập thể Ban cán sự Đảng, Đảng ủy và cơ quan Kiểm toán Nhà nước tiếp tục lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước thực hiện nhiệm vụ cao cả đã được Hiến định.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, nhiệm kỳ 2016-2021 tiếp tục đánh dấu một chặng đường phát triển mới của cơ quan Kiểm toán Nhà nước với nhiều nỗ lực và thành tựu mới được ghi nhận. Tập thể Ban cán sự Đảng, Đảng ủy, lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước đã thực hiện tốt các nhiệm vụ; nêu cao tinh thần đoàn kết, quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác nâng cao chất lượng kiểm toán trên cơ sở thực hiện các giải pháp đột phá về siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao chất lượng đội ngũ, kiện toàn, sắp xếp lại tổ chức, không ngừng đổi mới phương pháp, cách thức kiểm toán.

Bên cạnh đó, Kiểm toán Nhà nước cũng luôn quan tâm đến công tác xây dựng và hoàn thiện cơ sở pháp lý cho tổ chức và hoạt động của ngành như: Hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung Luật Kiểm toán Nhà nước năm 2015; xây dựng Chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước đến năm 2030; đẩy mạnh công tác hoàn thiện các văn bản hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ. Kiểm toán Nhà nước ngày càng phát huy vai trò là công cụ quan trọng trong kiểm tra tài chính nhà nước, tài sản công, phục vụ hiệu quả cho các hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội hỗ trợ tích cực trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng và lãng phí.

Trong lĩnh vực hợp tác quốc tế, Kiểm toán Nhà nước cũng đã thể hiện rất tốt vai trò Chủ tịch Tổ chức Các cơ quan kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI); tham gia sâu, có hiệu quả đối với nhiều hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực Kiểm toán Nhà nước.

Trong thời gian qua, Kiểm toán Nhà nước đã có những đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của đất nước; không ngừng khẳng định vai trò, uy tín, tầm ảnh hưởng của mình, được Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng, được cộng đồng kiểm toán quốc tế đánh giá cao.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh đến 4 nhiệm vụ mà Quốc hội mong muốn Kiểm toán Nhà nước tập trung thực hiện trong nhiệm kỳ tới. Đó là, Kiểm toán Nhà nước tiếp tục thực hiện thật tốt nhiệm vụ là cơ quan kiểm toán trong việc quản lý, sử dụng tài sản công, tài chính công; hoạt động độc lập, chỉ tuân theo pháp luật và là công cụ hữu hiệu của Nhà nước trong kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng tài sản công, tài chính công; đồng thời hỗ trợ tích cực cho Quốc hội trong công tác giám sát tối cao, góp phần quan trọng cho công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng và lãng phí.

Bên cạnh đó, Kiểm toán Nhà nước tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, chuẩn mực, quy trình về hoạt động của Kiểm toán Nhà nước; đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động và tính minh bạch, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kiểm toán, tăng cường kiểm soát chất lượng hoạt động kiểm toán. Kiểm toán Nhà nước có Vụ Kiểm sát chất lượng kiểm toán, đây là sáng kiến của Kiểm toán Nhà nước Việt Nam để đánh giá, kiểm soát chất lượng kiểm toán. Kiểm toán Nhà nước cần đa dạng hóa các hình thức công khai kết quả kiểm toán; chú trọng kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các kết luận kiểm toán.

Chủ tịch Quốc hội cũng nêu tầm quan trọng của việc tiếp tục kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm toán có phẩm chất, năng lực, uy tín, trách nhiệm, kỷ cương, đáp ứng các yêu cầu nhiệm vụ được giao. Đối với kiểm toán, phải công minh, chính trực, khách quan, độc lập, vô tư, công bằng, độc lập và phải cẩn thận, siêng năng về nghề nghiệp cao hơn mức độ tối thiểu cần thiết để có thể hoàn thành được trọng trách, nhiệm vụ được giao.

Kiểm toán Nhà nước tăng cường phối hợp với các cơ quan thanh tra, kiểm tra nhằm hạn chế, khắc phục sự chồng chéo, trùng lặp trong quá trình hoạt động của Kiểm toán Nhà nước và các cơ quan này; đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong việc xem xét, xử lý các vi phạm, nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, phát hiện, xử lý nghiêm các sai phạm, tiêu cực trong hoạt động kiểm toán cũng như trong hoạt động quản lý, sử dụng tài sản công và tài chính công của Nhà nước.

Theo Chủ tịch Quốc hội, đây cũng là 4 nhiệm vụ lớn đã được Quốc hội nhấn mạnh trong Nghị quyết đánh giá về công tác của các cơ quan Nhà nước tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV vừa qua. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Kiểm toán Nhà nước cụ thể hóa thành các kế hoạch và chương trình công tác.

Tiếp theo, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chứng kiến lễ ký biên bản bàn giao công tác của Tổng Kiểm toán Nhà nước.

Phát biểu tại hội nghị, Tổng Kiểm toán Nhà nước Trần Sỹ Thanh cảm ơn Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã quan tâm, dành thời gian tới dự và phát biểu chỉ đạo. Ông Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh rằng, được Quốc hội tín nhiệm bầu làm Tổng Kiểm toán Nhà nước là vinh dự của cá nhân, song cũng là trách nhiệm hết sức nặng nề, đầy thử thách... Nhân dịp này, ông Trần Sỹ Thanh gửi lời cảm ơn tới nguyên Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc và các đồng chí Tổng Kiểm toán tiền nhiệm cùng các thế hệ cán bộ Tổng Kiểm toán Nhà nước qua các thời kỳ đã góp phần tạo sự vững chắc về cả địa vị pháp lý, quyền năng của Kiểm toán Nhà nước cũng như đội ngũ cán bộ và cơ sở vật chất.

Tổng Kiểm toán Nhà nước Trần Sỹ Thanh khẳng định sẽ nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thử thách, không ngừng học tập, rèn luyện, phấn đấu, nhanh chóng tiếp cận với công việc mới để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Ông Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh, kết thúc nhiệm kỳ này, ngành Kiểm toán phải báo cáo được với Đảng, Quốc hội, nhân dân những việc làm cụ thể góp phần phát triển kinh tế-xã hội theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng XIII cũng như nghị quyết của Quốc hội. Đó không chỉ là những con số xử lý về tài chính, mà còn là những vấn đề Kiểm toán Nhà nước góp phần tháo gỡ, tạo điều kiện để kinh tế phát triển, đời sống nhân dân được cải thiện thực sự.

Theo Tổng Kiểm toán Nhà nước Trần Sỹ Thanh, Kiểm toán Nhà nước có trách nhiệm xây dựng và bảo vệ uy tín, danh dự của ngành kiểm toán, nghề kiểm toán và người kiểm toán. Đây là trách nhiệm của từng kiểm toán viên, từng cán bộ, công chức của ngành kiểm toán. “Chúng ta không cho phép ai trong nội bộ được làm tổn hại đến thanh danh của nghề kiểm toán”, Tổng Kiểm toán Nhà nước nói.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội và sự giám sát của nhân dân, với bề dày truyền thống tốt đẹp, ông Trần Sỹ Thanh bày tỏ tin tưởng, Kiểm toán Nhà nước sẽ cùng đoàn kết, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính, nguyên Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc gửi các cán bộ Kiểm toán Nhà nước lời tri ân, cảm ơn sâu sắc, chia sẻ về những công việc quan trọng mà Kiểm toán Nhà nước đã triển khai trong suốt 5 năm qua. Bộ trưởng Hồ Đức Phớc bày tỏ hy vọng và tin tưởng, Kiểm toán Nhà nước sẽ tiếp tục nâng cao nguồn nhân lực, cùng xây dựng ngành Kiểm toán tiếp tục là công cụ hữu hiệu của Đảng và Nhà nước; có trách nhiệm, uy tín trước nhân dân; ngày càng chuyên nghiệp, hiện đại...