Con “ông này, bà kia” ở Đài Hà Nội: Thực trạng quá đỗi bình thường!?

Không chỉ riêng Đài PT- TH Hà Nội mà rất nhiều cơ quan Nhà nước hiện nay, số người không làm được việc chiếm tỷ lệ lớn mà không biết xử lý thế nào.

Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Đại sứ Australia tại Việt Nam đến chào từ biệt

Thủ tướng: 'Sự sống nảy sinh từ cái chết' ở Làng Nủ, Nậm Tông, Kho Vàng

Sắp xếp, tinh gọn phải nhanh, làm khẩn trương nhưng phải rất khoa học, phòng ngừa các hệ lụy, rủi ro

Hai câu chuyện của ngày hôm qua khiến chúng ta thực sự phải suy ngẫm.

Chuyện thứ nhất, Tổng Giám đốc Đài PT-TH Hà Nội đã phải nói lên thực trạng của đơn vị mình quản lý: có đến 40% nhân sự của Đài  thuộc diện con ông cháu cha, con ông nọ cháu bà kia. Họ không làm được việc nhưng không có lý do gì để sa thải chỉ vì họ chẳng bao giờ đụng chạm đến ai.

Tinh giản biên chế đang là nhiệm vụ vô cùng khó khăn.

Câu chuyện thứ 2 xảy ra ở một tỉnh miền núi Sơn La, khi một nam thanh niên vi phạm an toàn giao thông bị lực lượng cảnh sát giao thông dừng xe thì chửi bới, xưng là có chú làm to ở thành phố Sơn La.

Hai sự việc này không có gì liên quan đến nhau nhưng lại đang là những thực trạng nhức nhối khá phổ biến trong xã hội. Lâu nay chúng ta loay hoay tìm cách giải quyết nhưng thực trạng không hề giảm mà lại có xu hướng gia tăng. Thực tế này đã khiến mọi giá trị trong xã hội bị đảo lộn: người làm được việc thì không được đánh giá, trả lương đúng năng lực; người sống tuân thủ pháp luật thì thiệt thòi so với những kẻ biết “lách luật".

Vậy vì sao những thứ “trái tai, gai mắt" đó vẫn có đất “sống khỏe"? Đơn giản vì họ có "cái ô" ở đâu đó rất to che đỡ. Những người có trách nhiệm xử lý thì chẳng dám làm đến nơi đến chốn, bởi họ chẳng dại gì mà tự bưng bát cơm của mình hất đi.

Một người làm cán bộ trong cơ quan Nhà nước chia sẻ, cơ quan phải tiến tới tự chủ nên có lần anh đề xuất với lãnh đạo là nên sa thải những người không làm được việc ra khỏi cơ quan, vị lãnh đạo này trầm ngâm một lúc rồi lắc đầu trả lời “Không được đâu, có khi mình bị sa thải trước họ ấy".

Các cụ ta dạy “Đánh chó phải ngó mặt chủ", có lẽ càng trở nên đúng  khi mà hệ thống các lợi ích nhóm, các mối quan hệ thân hữu cứ đan xen, chằng chéo nhau và được tận dụng một cách tối đa.

Công cuộc tinh giản biên chế đã và đang rất trông chờ vào Đề án vị trí việc làm. Khi mô tả vị trí việc làm một cách chính xác, sát nhu cầu thực tế công việc thì khi đó mới có cơ sở để khẳng định thừa, thiếu ở đâu và tinh giản như thế nào. Thế nhưng, nhiều cơ quan đơn vị xây dựng đề án này với một nguồn nhân lực còn phình to hơn khiến câu chuyện nhân sự càng trở nên xa vời.

Nếu chúng ta chỉ căn cứ vào việc “mắc lỗi" để làm cơ sở cho việc sa thải những cán bộ yếu kém thì chưa đủ. Chúng ta phải tạo ra một guồng máy hoạt động thực sự, có tiêu chí đánh giá hiệu quả công việc rõ ràng thì mới không còn chỗ cho những kẻ “không làm, không mắc lỗi" lại được an toàn trong hệ thống. Có nghĩa, đánh giá cán bộ không phải dựa vào việc họ mắc lỗi gì mà phải là họ làm được gì.

Với một hệ thống nhân lực “con ông cháu cha" trong bộ máy Nhà nước và cả ngoài xã hội, họ ỷ thế quen biết, lợi dụng ô dù... mà coi thường kỷ cương phép nước, sống trên pháp luật, tự tạo cho mình những ưu ái riêng ở nhiều lúc, nhiều nơi, thì đó chính là cái nôi để nuôi dưỡng những "cậu trời, bà chúa" gây bất ổn cho xã hội.