Cố Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo trong ký ức ông Phạm Thế Duyệt

(Mặt trận) - Kỷ niệm 100 năm ngày sinh của cố Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo, ông Phạm Thế Duyệt, nguyên Uỷ viên Thường vụ Thường trực Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nhớ lại, "đồng chí Lê Quang Đạo là nhà hoạt động chính trị, quân đội, dân vận nổi tiếng của Đảng".

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự và phát biểu tại Hội nghị quốc tế các đảng chính trị châu Á

Tổng Bí thư Tô Lâm hội kiến Chủ tịch Hạ viện Malaysia

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Vương quốc Campuchia

Cố Chủ tịch Lê Quang Đạo (đứng giữa) khi đang là Thiếu tướng ở chiến trường Quảng Trị (Ảnh: Tư liệu) 

Theo ông Phạm Thế Duyệt, đồng chí Lê Quang Đạo sớm giác ngộ cách mạng, hoạt động trưởng thành từ cơ sở, địa phương; được Đảng phân công hai lần là sứ ủy viên Bắc Kỳ, nhiều lần là Bí thư các thành phố lớn Hà Nội, Hải Phòng và nhiều tỉnh khác. Liên tục 32 năm là Ủy viên Trung ương Đảng, hơn 10 năm là Bí thư Trung ương Đảng (khóa IV, V) và chỉ đạo nhiều chiến dịch ở các chiến trường ác liệt thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ. Sau này, cố Chủ tịch Lê Quang Đạo là Chủ tịch Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam.

Cố Chủ tịch Lê Quang Đạo sinh ra ở quê hương Bắc Ninh – mảnh đất "Địa linh – Nhân kiệt", quê hương của Vua Lý Thái Tổ và các bậc tiền bối của Đảng: Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Văn Cừ, Ngô Gia Tự…

Ông Phạm Thế Duyệt kể, ông có mấy chục năm vinh dự được công tác gần gũi Chủ tịch Lê Quang Đạo: "Ngay sau đại hội V của Đảng (đầu năm 1982) khi về Trung ương nhận công tác, tôi được đồng chí Nguyễn Đức Thuận, Lê Quang Đạo và Trần Quốc Hoàn gặp gỡ, căn dặn, động viên tôi làm nhiệm vụ ở Tổng Công đoàn Việt Nam. Những năm đó đồng chí Lê Quang Đạo thường xuyên làm việc với chúng tôi để nghe về công tác công đoàn và phong trào công nhân viên chức; đồng chí đến dự đều đặn các cuộc họp của Ban chấp hành Tổng Công đoàn Việt Nam; yêu cầu công đoàn góp phần tích cực giải quyết các vấn đề "phân phối, lưu thông", "giá lương tiền" cần quyết tâm đổi mới các cơ chế, chính sách để chuẩn bị cho Đại hội VI, Đại hội đổi mới của Đảng".

Theo ông Phạm Thế Duyệt, Đại hội VI ông được bầu vào Ban Bí thư, lại được Đảng phân công kiêm phụ trách khối dân vận, được tham gia Hội đồng nhà nước nên có nhiều dịp lại thường xuyên được đồng chí Lê Quang Đạo trao đổi kinh nghiệm, giúp đỡ. 

"Với kinh nghiệm và tư duy mới mẻ, thiết thực, đồng chí góp ý với Đảng bộ Hà Nội về việc vận dụng đường lối đổi mới của Đảng để Hà Nội phải phát triển nhanh, không chệch hướng, không vấp vào khuyết điểm "đa nguyên chính trị" "đa đảng đối lập" như đã xảy ra từ thủ đô các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu và Liên Xô (cũ). Mặt khác, đồng chí rất coi trọng và lắng nghe tiếng nói của các tầng lớp nhân dân Thủ đô, nhất là lớp lão thành cách mạng và các nhân sĩ trí thức. Chính nhờ vậy hàng loạt các đạo luật, pháp lệnh được bổ sung, sửa đổi hoặc ban hành mới của Quốc hội khóa VIII đã góp phần rất quyết định, kịp thời vào sự phát triển toàn diện đất nước thời kỳ đầu đổi mới và góp phần quan trọng để Đảng ban hành "Cương lĩnh chính trị xây dựng đất nước năm 1991" và sửa đổi Hiến pháp năm 1992", ông Phạm Thế Duyệt nhớ lại.

Đồng chí Lê Quang Đạo (phải) - Ảnh tư liệu 

Cũng theo ông Phạm Thế Duyệt, với khối đại đoàn kết dân tộc, Chủ tịch Lê Quang Đạo cũng là người góp sức lớn xây dựng nghị quyết Bộ Chính trị về "Đại đoàn kết dân tộc và tăng cường Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam" tháng 11/1993. Chính nhờ nhận thức đúng và thực hiện có hiệu quả nghị quyết này mà tháng 6-1999, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được Quốc hội thông qua với những quan điểm rất chính xác về phát huy dân chủ, Đảng lãnh đạo Mặt trận nhưng lại là thành viên của Mặt trận. Mặt trận hoạt động theo nguyên tắc "hiệp thương dân chủ", tập hợp đoàn kết mọi lực lượng miễn là có ý chí và hành động xây dựng nước Việt Nam "Dân giàu, nước mạnh, công bằng, văn minh" và nay là "Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".

"Là người kế nhiệm đồng chí Lê Quang Đạo làm Chủ tịch Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam khóa V và khóa VI, tôi rất coi trọng tư tưởng chỉ đạo của Chủ tịch Lê Quang Đạo, các cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư"; cuộc vận động "Ngày Vì người nghèo"; "Đêm 31/12 Nối vòng tay lớn"; "Ngày hội Đại Đoàn kết toàn dân tộc 18/11" hàng năm… đều vận động, phát triển quan điểm, tư tưởng của Chủ tịch Lê Quang Đạo.", ông Phạm Thế Duyệt chia sẻ.

Theo ông Phạm Thế Duyệt, chính cố Chủ tịch Lê Quang Đạo là người giới thiệu với Bộ Chính trị để ông Phạm Thế Duyệt (cùng với 2 người khác nữa) về làm Chủ tịch Mặt trận khi cảm thấy trong người không còn được khoẻ, biết mình sắp "đi xa". Cuối cùng, Bộ Chính trị đã chọn, giới thiệu ông Phạm Thế Duyệt để Uỷ ban TƯMTTQ Việt Nam hiệp thương cử làm Chủ tịch Mặt trận năm 1999.

Trong ký ức của mình, ông Phạm Thế Duyệt nói rằng ông luôn suy nghĩ Cố Chủ tịch Lê Quang Đạo đã nêu gương sáng về đạo đức cách mạng, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư; nhà lãnh đạo chính trị quân sự và Dân vận xuất sắc của Đảng; người đã suốt đời cống hiến vì dân vì nước; vì sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc.