(Mặt trận) - Nhân dịp đón Xuân Kỷ Hợi 2019, TS. Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã có buổi trả lời phỏng vấn báo chí về quyết tâm chủ động, đổi mới của Mặt trận để Mặt trận thực sự là “cầu nối” vững chắc giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân, làm cho nhân dân tin tưởng, chủ động phản ánh, góp ý kiến, tham gia những vấn đề quan trọng của đất nước, bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Tạp chí Mặt trận xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài phỏng vấn này.
Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn.
Năm đổi mới của công tác Mặt trận
PV: Thưa Chủ tịch, năm 2018 được xem là năm thành công của Mặt trận khi đã tạo nên nhiều dấu ấn mới trong hoạt động của mình. Theo Chủ tịch, đâu là những dấu ấn quan trọng nhất?
Chủ tịch Trần Thanh Mẫn: Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc giữa Chính phủ với các địa phương ngày 28 tháng 12 vừa qua, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu: Năm 2018, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể quần chúng có nhiều cố gắng trong đổi mới tổ chức và hoạt động; chủ động, tích cực tham gia vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Đặc biệt là đã có nhiều đóng góp thiết thực, hiệu quả trong việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tham gia phản biện xã hội, thực hiện các chính sách xã hội, phong trào xoá đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới…
Đây là sự ghi nhận, động viên của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đối với hệ thống MTTQ Việt Nam cả nước. Còn về hoạt động thực tiễn, chúng tôi cảm thấy rõ nhất là đã góp phần củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết trong sự nghiệp phát triển của dân tộc ta ở giai đoạn hiện nay, thông qua 6 hoạt động lớn.
Hoạt động lớn đầu tiên là năm qua dù còn gặp nhiều khó khăn, nhưng Mặt trận các cấp đã nỗ lực thực hiện hiệu quả Chương trình phối hợp và thống nhất hành động năm 2018 đã đề ra, nhiều nơi hết sức chủ động, có cách làm sáng tạo, rõ việc, rõ kết quả, góp phần tích cực vào việc chăm lo tốt hơn đời sống nhân dân, thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương và trong cả nước.
Hoạt động nổi bật thứ hai là Mặt trận đã quyết tâm, nghiêm túc đổi mới lề lối làm việc từ việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương đến việc hướng dẫn, tập huấn, sơ kết, tổng kết, đề xuất, kiến nghị; xác định nội dung trọng tâm thực hiện, không dàn trải, nhất là Mặt trận Trung ương đã phối hợp với các cơ quan Trung ương có liên quan tạo cơ chế thuận lợi để Mặt trận các cấp hoạt động.
Hoạt động nổi bật thứ ba là Mặt trận đã xác định nhiệm vụ trọng tâm năm 2019 là công tác tổ chức Đại hội Mặt trận các cấp nên Mặt trận các cấp đã chủ động ban hành đầy đủ, kịp thời hướng dẫn về tổ chức Đại hội với quyết tâm là phải đánh giá sâu sắc hoạt động nhiệm kỳ qua, nghiên cứu lý luận, thực tiễn sát thực để đề ra nhiệm vụ, giải pháp đúng đắn, phù hợp nhất và quyết tâm đổi mới trong nhiệm kỳ tới.
Hoạt động nổi bật tiếp theo phải kể đến là việc tổ chức hiệu quả các hoạt động ủng hộ người nghèo, kịp thời thăm hỏi đồng bào bị thiên tai, Chương trình “Cả nước chung tay vì người nghèo” năm 2018 thành công tốt đẹp, góp phần tích cực cùng Đảng, Nhà nước chăm lo tốt hơn đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội. Mặt trận đã tổ chức thành công, thiết thực, ý nghĩa sâu sắc các hoạt động Kỷ niệm 70 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tham dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư.
Hoạt động nổi bật thứ năm phải kể đến là thành công của Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư. Điều tôi thấy xúc động là trong dịp tổ chức Ngày hội, mọi người, mọi nhà đều thể hiện tinh thần tự giác và trách nhiệm trong việc tổ chức hoạt động. Ngày hội thực sự trở thành dịp để người dân gặp gỡ, chia sẻ, giải tỏa những khúc mắc trong cuộc sống.
Ở một số địa phương, các đồng chí trong cấp ủy Đảng, chính quyền đã chia sẻ với tôi rằng, bây giờ mời họp dân nhiều lúc khó có thể đầy đủ, nhưng riêng với Ngày hội Đại đoàn kết thì người dân lại đến đông đủ, ai cũng mang theo niềm hân hoan của riêng mình khi hòa chung không khí Ngày hội.
Năm nay, Ngày hội đã có bước phát triển mới cả về bề rộng và chiều sâu, hơn 95% khu dân cư trong cả nước tổ chức Ngày hội. Nhiều đồng chí trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cũng như các đồng chí lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ, các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng ở bộ, ngành và địa phương đã về dự Ngày hội Đại đoàn kết ở khu dân cư.
Hoạt động nổi bật thứ sáu phải kể đến là hoạt động giám sát, phản biện xã hội tiếp tục từng bước được triển khai đồng bộ, nền nếp, thực chất hơn. Việc lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân đã tạo được chuyển biến rõ rệt, Báo cáo kiến nghị của cử tri và nhân dân tại Kỳ họp thứ 5, thứ 6 Quốc hội khóa XIV được dư luận nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao. Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành đã kịp thời giải quyết và trả lời các kiến nghị của cử tri và nhân dân.
Không ngừng củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết
PV: Là cầu nối giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước, là ngôi nhà chung của các tầng lớp nhân dân, theo Chủ tịch, MTTQ Việt Nam sẽ làm gì để không ngừng củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc?
Chủ tịch Trần Thanh Mẫn: MTTQ Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Hầu A Lềnh tại Hội đàm giữa đoàn đại biểu UBTƯ MTTQ Việt Nam và đoàn đại biểu UBTƯ Mặt trận Lào Xây dựng đất nước.
MTTQ Việt Nam còn là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Chính vì vậy, theo tôi, việc mở rộng và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc cần phải dựa trên 5 yếu tố cơ bản.
Trước tiên phải dựa trên cơ sở tích cực phối hợp đồng bộ với cả hệ thống chính trị tham gia xây dựng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nhằm thể chế hóa và cụ thể hóa các quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc.
Đồng thời phải đảm bảo hài hòa các lợi ích chung của các giai cấp, tầng lớp khác nhau trong xã hội như: lợi ích cá nhân và lợi ích tập thể; lợi ích gia đình và lợi ích xã hội; lợi ích giai cấp và lợi ích dân tộc; lợi ích quốc gia và lợi ích quốc tế... trên cơ sở lấy lợi ích xã hội, lợi ích tập thể đặt lên trên lợi ích cá nhân; tôn trọng và đề cao lợi ích cá nhân nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng, gắn lợi ích với trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi công dân.
Bên cạnh đó cần tôn trọng những điểm khác biệt, không trái với lợi ích chung của quốc gia - dân tộc; phát huy những yếu tố tương đồng, quy tụ sức mạnh của các bộ phận cấu thành dân tộc bao gồm mọi người dân đang sinh sống ở trong nước và ở nước ngoài có nguồn gốc là người Việt Nam, không phân biệt là dân tộc thiểu số hay đa số, theo hoặc không theo tín ngưỡng, tôn giáo; không phân biệt giàu hay nghèo, nam hay nữ, già hay trẻ, nếu “Ai có tài, có đức, có sức, có lòng phụng sự Tổ quốc và phục vụ nhân dân thì ta đoàn kết với họ” nhằm mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, vì “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Yếu tố thứ hai là phải dựa trên cơ sở phát huy dân chủ, giữ vững kỷ luật, kỷ cương trong đời sống xã hội trên tất cả các lĩnh vực nhằm củng cố khối đại đoàn kết thực sự bền vững.
Mặt trận và các tổ chức thành viên phải là “cầu nối” vững chắc giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân để nhân dân tin tưởng, chủ động phản ảnh, góp ý kiến, tham gia bàn bạc những vấn đề quan trọng của đất nước, bảo đảm tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân.
Mặt trận các cấp phải chủ động phối hợp với chính quyền giải quyết triệt để những vấn đề xã hội bức xúc, những đòi hỏi chính đáng của nhân dân trên cơ sở tin dân và tôn trọng dân; đồng thời tham gia xây dựng, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật để đảm bảo nhân dân thực sự làm chủ, được bày tỏ nguyện vọng của mình thông qua Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân. Phát huy vai trò của nhân dân trong việc xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh, tạo sự đồng thuận xã hội, vận động các tầng lớp nhân dân khắc phục khó khăn, tin tưởng, kiên định với đường lối đổi mới do Đảng lãnh đạo, đưa đất nước phát triển.
Ông Trần Quốc Vượng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư cùng các đại biểu tham dự Hội nghị UBTƯ MTTQ Việt Nam tại thành phố Vũng Tàu, tháng 1/2019.
Yếu tố thứ ba phải kể đến là tăng cường vai trò giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận và các tổ chức đoàn thể trên cơ sở thực hiện tốt mối quan hệ phối hợp giám sát giữa kiểm tra, giám sát của Đảng, giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán của Nhà nước và giám sát xã hội của Mặt trận và các tổ chức đoàn thể để tạo sự đồng thuận, nhất trí cao, ổn định xã hội, phát triển toàn diện và bền vững đất nước.
Mặt trận Tổ quốc phải là chủ thể tích cực phát huy vai trò của báo chí và nhân dân trong tổ chức lấy ý kiến đóng góp cho các chủ trương, chính sách của Đảng và của cấp ủy, chính quyền các địa phương, nhất là những vấn đề hệ trọng, liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích chính đáng của quần chúng nhân dân.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp tục làm tốt vai trò chủ trì hiệp thương, phân công, phối hợp các tổ chức thành viên trong thực hiện giám sát và phản biện xã hội; huy động tối đa các nhà khoa học, những chuyên gia đầu ngành liên quan đến từng lĩnh vực để lấy ý kiến phản biện, đóng góp ý kiến, bổ sung, sửa đổi các văn bản, hoàn thiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước cho phù hợp với quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân.
Yếu tố thứ tư là cần phát huy vai trò của Mặt trận các cấp trong công tác phối hợp tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân tích cực tham gia đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí; chống tham nhũng, lãng phí trong cán bộ, đảng viên trên cơ sở phải chịu sự giám sát chặt chẽ của nhân dân, phát huy vai trò gương mẫu của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, tổ chức, đơn vị. Tiếp tục phát huy vai trò của các Ban Công tác Mặt trận, Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư cộng đồng để kiểm tra, giám sát các chương trình, dự án mà người dân được trực tiếp thụ hưởng.
Đồng thời, MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên cần tăng cường hiệu quả của công tác tuyên truyền để mọi tầng lớp nhân dân nhận thức rõ những âm mưu thâm độc của các thế lực thù địch đang lợi dụng những khuyết điểm, hạn chế của một bộ phận cán bộ, đảng viên ở một số địa phương, lợi dụng lòng yêu nước của một bộ phận quần chúng nhân dân để kích động, xuyên tạc, phá hoại sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc.
Điểm mấu chốt cuối cùng là phải kể đến việc thông qua các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước để tập hợp nhân dân, động viên, tuyên truyền, vận động nhân dân đoàn kết, tương trợ giúp đỡ nhau, nỗ lực vươn lên để xây dựng gia đình hạnh phúc, khu dân cư “sáng, xanh, sạch, đẹp”; đó chính là góp phần xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Điểm nhấn trong chăm lo Tết cho người nghèo
PV: Hoạt động chăm lo Tết cho các hộ nghèo, gia đình chính sách luôn được Đảng, Nhà nước, MTTQ, các ngành, các cấp quan tâm, xin Chủ tịch cho biết những nét nổi bật trong công tác chăm lo Tết Kỷ Hợi 2019 của Mặt trận các cấp và các tổ chức thành viên.
Chủ tịch Trần Thanh Mẫn: Thực hiện Chỉ thị số 34/CT-TTg ngày 28/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, đến thời điểm này có thể khẳng định các cấp, các ngành, các địa phương đã quan tâm chỉ đạo chuẩn bị tốt các điều kiện cho nhân dân đón Tết, từ đó có nhiều hoạt động có ý nghĩa thiết thực đối với các gia đình chính sách, các hộ nghèo, các gia đình bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bão, lũ.
Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn thăm, tặng quà người nghèo tại tỉnh Thái Nguyên.
Trở về từ những đợt tặng quà người nghèo ở một số địa phương trên cả nước, điều tôi cảm nhận được chính là niềm vui, niềm phấn khởi của bà con khi Tết đến được Đảng, Nhà nước, MTTQ, chính quyền địa phương, các nhà hảo tâm, các đơn vị, tổ chức, cá nhân quan tâm, từ đó đảm bảo mọi người, mọi nhà đều vui xuân đón Tết.
Mặt trận và các đoàn thể đã phối hợp chuẩn bị quà cho người dân chu đáo hơn với trên 1,79 triệu suất quà trị giá gần 900 tỷ đồng. Trong đó, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam, Ban vận động Quỹ “Vì người nghèo” Trung ương đã phân bổ số tiền trên 14 tỷ đồng, tương đương với 11 ngàn suất quà; ở địa phương đã vận động, hỗ trợ và phân bổ gần 1,78 triệu suất quà tết, trị giá trên 894 tỷ đồng.
Cùng với đó, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tiếp tục tổ chức phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam” với trên 1,5 triệu phần quà trị giá trên 1 ngàn tỷ đồng; Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức chương trình “Tết sum vầy” với tổng kinh phí gần 1.200 tỷ đồng. Các đoàn thể phụ nữ, thanh niên, nông dân, các thành viên trong Mặt trận theo hệ thống cũng có chuẩn bị chu đáo những phần quà để đi thăm, tặng quà các hộ nghèo, gia đình chính sách.
Các đồng chí lãnh đạo Mặt trận Trung ương thăm, tặng quà người nghèo nhân dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019.
Đặc biệt, nét mới trong công tác chăm lo Tết cho người nghèo năm nay là Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu Quốc gia đã phối hợp triển khai Chương trình áo ấm mùa đông cho người già và trẻ em ở khu vực miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên thông qua Cổng thông tin điện tử nhân đạo Quốc gia 1400. Từ kết quả này, với việc phân bổ số tiền 5 tỷ đồng tới Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, áo ấm đã được trao tới các cụ già và trẻ em các xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số, miền núi tại 13 tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên. Đồng thời cũng phân bổ 1,3 tỷ đồng để Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức việc hỗ trợ phương tiện nghe, xem cho các hộ gia đình nghèo.
Có thể khẳng định đến thời điểm này, nhân dân cả nước đều được đón Xuân mới trong niềm vui hân hoan, ấm ấp và đủ đầy.
Không để phát sinh điểm “nóng”
PV: Thưa Chủ tịch, một trong những điểm nổi bật và cũng là nhiệm vụ rất quan trọng của MTTQ Việt Nam là giám sát, phản biện xã hội. Trong thời gian tới, MTTQ Việt Nam sẽ làm gì để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ trên?
Chủ tịch Trần Thanh Mẫn: Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng khẳng định: “Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân để tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện tốt dân chủ, giám sát, phản biện xã hội, tăng cường đồng thuận xã hội, tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc”. Để nâng cao chất lượng công tác giám sát và phản biện xã hội, phát huy vai trò của của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, cần phải thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu như:
Việc đầu tiên là phải tiếp tục phát huy vai trò chủ thể, chủ động, tích cực làm tốt việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giám sát, phản biện xã hội hằng năm; tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và nhân dân về công tác giám sát và phản biện xã hội. Làm tốt nhiệm vụ đề xuất thể chế quy định những nội dung cần giám sát, phản biện xã hội; hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa các lực lượng trong tổ chức thực hiện.
Mặt trận các cấp cần tiếp tục rà soát các quy định còn bất cập để đề xuất phương hướng, nhiệm vụ công tác giám sát, phản biện xã hội trong tình hình mới; tiếp tục đề xuất thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng về đại đoàn kết toàn dân tộc; phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, mối quan hệ “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”; hoàn thiện và thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách phát huy vai trò của nhân dân trong quyết định những vấn đề lớn của đất nước.
Tôi cũng đề nghị Mặt trận các cấp cần tổ chức bồi dưỡng, tập huấn sâu theo từng chuyên đề giám sát, phản biện xã hội. Cùng với đó cần kết hợp liên thông ba nhiệm vụ: giám sát, phản biện, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; tăng giám sát vụ việc qua giám sát giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, thực hiện ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân; công khai kết luận thanh tra, tính khách quan của các chỉ số hài lòng; cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh; vấn đề báo chí, dư luận đang quan tâm, nhân dân đang bức xúc, góp phần phòng, chống tham nhũng, lãng phí, ngăn chặn các biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến” “tự chuyển hóa”, tăng đồng thuận xã hội trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ.
Tại Điều lệ của MTTQ Việt Nam đã thể hiện rõ việc Đảng là thành viên lãnh đạo của Mặt trận, chính vì vậy ở đâu có sự quan tâm của cấp ủy các cấp thì hoạt động giám sát, phản biện xã hội sẽ đi đến thành công.
Việc quan tâm của cấp ủy phải bằng những việc làm cụ thể như bố trí cán bộ có năng lực, trình độ, phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị cho Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội để có đủ khả năng thực hiện công tác giám sát, phản biện xã hội; định kỳ lắng nghe và góp ý kiến vào báo cáo kết quả giám sát, chỉ đạo Ủy ban nhân dân, các cơ quan thực hiện các kiến nghị của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội sau giám sát; chủ động đề nghị MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội phản biện xã hội đối với các dự thảo Nghị quyết quan trọng của cấp ủy.
Vấn đề tiếp theo là Mặt trận các cấp cần tăng cường tổ chức Hội nghị đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền với nhân dân, tập trung góp ý vào việc lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, những vấn đề “nóng” mà nhân dân địa phương quan tâm. Cùng với đó cần tích cực góp ý cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao, thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và của địa phương gắn với việc thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TW ngày 30/10/2016 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Yếu tố tiếp theo phải kể đến là vai trò quan trọng của chính quyền, theo đó, chính quyền cần có chương trình phối hợp cụ thể hằng năm với MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp; tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện chức năng giám sát, phản biện xã hội của mình; hướng dẫn sử dụng kính phí, bảo đảm các điều kiện vật chất cho hoạt động giám sát, phản biện xã hội; tiếp thu, trả lời kịp thời những kiến nghị của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.
Yếu tố cuối cùng phải kể đến đó là Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp tiếp tục nghiên cứu, xây dựng quy trình tập hợp ý kiến nhân dân, phát huy tốt nhất vai trò và trí tuệ của các vị ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam, các vị nhân sĩ, trí thức, các giới, dân tộc, tôn giáo, các nhà khoa học, các chuyên gia, người có uy tín, đoàn viên, hội viên và sự ủng hộ của nhân dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.
Bản lĩnh, chính kiến, dám nghĩ, dám làm
PV: Năm 2019 sẽ là năm rất quan trọng của MTTQ Việt Nam khi Đại hội MTTQ Việt Nam các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2019-2024 được tiến hành. Theo Chủ tịch, để thực hiên tốt hơn nhiệm vụ của mình thì đội ngũ cán bộ Mặt trận cần có những yêu cầu, phẩm chất gì để đáp ứng những nhiệm vụ trong giai đoạn mới?
Chủ tịch Trần Thanh Mẫn: Năm 2018, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã xây dựng Đề án tổ chức Đại hội MTTQ Việt Nam các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2019-2024. Hiện nay, Mặt trận các cấp đang tiến hành tổ chức Đại hội, chính vì vậy, để đáp ứng yêu cầu của nhiệm kỳ Đại hội mới, theo tôi, cán bộ Mặt trận trước hết phải là những người có lý tưởng, bản lĩnh chính trị, kiến thức chuyên môn, kỹ năng làm việc, cập nhật kiến thức, tìm hiểu và ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ vào công việc để giải quyết những vấn đề mới, khó như giám sát, phản biện xã hội, công tác vận động quần chúng, công tác dân tộc, tôn giáo, đối ngoại, kiều bào…
Là những người luôn gần dân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, chính vì vậy mỗi cán bộ Mặt trận phải luôn nắm chắc thực tiễn và lý luận, nắm chắc các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và kiến thức về Mặt trận để tham mưu và tổ chức công việc được sát thực, đúng vai Mặt trận, hiệu quả, thiết thực. Vì hiện nay, chất lượng, hiệu quả công việc chính là thước đo đánh giá cán bộ.
Người cán bộ Mặt trận cũng cần phải có bản lĩnh, chính kiến, dám nghĩ, dám làm. Bản thân thường xuyên tự đúc rút thành kinh nghiệm, luôn tâm huyết hết mình với công việc, có sáng kiến, sáng tạo, nhất là luôn gương mẫu trong công tác và sinh hoạt.
Hiện nay, Mặt trận chưa có trường đào tạo, trong thời gian tới Mặt trận sẽ từng bước xây dựng, phát triển Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học MTTQ Việt Nam đặt tại huyện Đan Phượng, Hà Nội. Đây sẽ là trung tâm đào tạo đội ngũ cán bộ Mặt trận các cấp, mỗi cán bộ sẽ được tiếp thu những kiến thức mới, nâng cao năng lực, kỹ năng, nghiệp vụ công tác Mặt trận.
Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh cùng Đoàn công tác số 7 và cán bộ, chiến sĩ Hải quân trên đảo Trường Sa.
Như tôi đã trao đổi, Mặt trận là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện… do vậy yêu cầu trong công việc của cán bộ Mặt trận là phải phối hợp hiệu quả với các tổ chức thành viên để phát huy được sức mạnh tổng hợp, đồng thời tranh thủ sự lãnh đạo của Đảng, sự phối hợp, ủng hộ của các cơ quan Nhà nước, các bộ, ban, ngành, các địa phương để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ của mình.
Trong thời gian tới, ngay cả đối với cán bộ ở cơ quan UBTƯ MTTQ Việt Nam cũng phải tiếp tục bồi dưỡng, đào tạo, nâng cao chất lượng làm việc. Mỗi cán bộ Mặt trận ở Trung ương phải gương mẫu, có tâm, có tầm, có bản lĩnh, chắc về chuyên môn, giỏi về nghiệp vụ, luôn lắng nghe, siêng nghĩ, siêng làm và quyết tâm hành động.
Hiện nay vai trò của Mặt trận có sự chuyển động từ Trung ương tới địa phương, cán bộ làm công tác Mặt trận các cấp đã được quan tâm hơn. Tuy nhiên, muốn cán bộ triển khai tốt nhiệm vụ thì phải gắn liền với đào tạo, bồi dưỡng, phải có cơ chế, chính sách, điều kiện thuận lợi cho cán bộ thực hiện nhiệm vụ. Muốn như vậy thì người đứng đầu của Mặt trận từ Trung ương tới địa phương phải chủ động, linh hoạt chứ không thể chờ đợi, bị động.
Qua thực tế những năm gần đây, cấp ủy Đảng các địa phương đã lựa chọn, bổ sung đội ngũ trẻ về làm công tác Mặt trận để có tính kế thừa. Đảng đã đề cử để Mặt trận hiệp thương những đồng chí trong thường vụ cấp ủy làm Chủ tịch Mặt trận hoặc đồng chí trong cấp ủy có điều kiện bổ sung thường vụ. Có những nơi có điều kiện thì Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy đồng thời làm Chủ tịch Mặt trận. Nhiều đồng chí có trình độ, có tâm huyết và kinh nghiệm trong công tác vận động quần chúng được bố trí về Mặt trận.
Đâu đó vẫn còn một vài địa phương đưa cán bộ bị kỷ luật, cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ sang làm công tác Mặt trận, nhưng trước phản ứng của dư luận nên các địa phương đó đã phải điều chỉnh.
Niềm tin cho sự khởi đầu mới
PV: Trước thềm năm mới Kỷ Hợi 2019, Chủ tịch có mong ước, gửi gắm gì tới đồng bào, chiến sỹ trong nước, kiều bào ta ở nước ngoài và nhất là đội ngũ cán bộ Mặt trận các cấp?
Chủ tịch Trần Thanh Mẫn: Trong thời khắc chuyển giao năm cũ sang năm mới, điều đầu tiên tôi mong muốn là người người, nhà nhà yên vui, tràn đầy tình yêu thương hạnh phúc; gia đình nào cũng ấm no. Con cháu dành thời gian về sum họp gia đình, chăm lo cho cha mẹ, làm ấm áp thêm tình cảm gia đình, bạn bè, làng xóm, quê hương.
Tôi cũng xin gửi lời thăm hỏi thân thiết nhất tới các chiến sỹ nơi biên cương, hải đảo đang chắc tay súng bảo vệ vùng trời, vùng biển, bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc và gửi lời thăm hỏi tới gia đình cán bộ, chiến sỹ đang thầm lặng bảo vệ an ninh, trật tự xã hội, mang lại sự bình yên cho mỗi người, mỗi nhà.
Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cùng các đại biểu kiều bào tiêu biểu về nước đón Tết cổ truyền và tham dự chương trình Xuân quê hương năm 2019.
Tôi cũng xin gửi những tình cảm thân thiết tới kiều bào ta ở nước ngoài và chia sẻ cùng kiều bào nơi xa xôi, nhiều người đã lâu chưa có điều kiện về thăm người thân, nhất là trong dịp Tết đến Xuân về.
Tôi mong muốn và hy vọng toàn dân hãy đoàn kết, thống nhất chặt chẽ, vững chắc niềm tin vào Đảng, Quốc hội, Chính phủ, MTTQ Việt Nam chung sức, chung lòng xây dựng đất nước ngày một phồn vinh.
Nhân dịp này, tôi cũng xin trân trọng cảm ơn về sự quan tâm lãnh đạo của Đảng, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan nhà nước đã tạo điều kiện để MTTQ Việt Nam các cấp, các tổ chức thành viên của Mặt trận thực hiện ngày càng tốt hơn vai trò, vị trí của mình trong hệ thống chính trị và trong đời sống xã hội.
Ngay trong những ngày này, tôi đề nghị MTTQ các cấp cần thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động để mọi người, mọi nhà chấp hành nghiêm các quy định của Đảng, Nhà nước nhất là về an toàn giao thông, an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Nhân dịp năm mới, tôi xin gửi tới các vị Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam, các tổ chức thành viên, các hội đồng tư vấn, ban tư vấn và toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động cơ quan Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp và Ban Công tác Mặt trận ở các khu dân cư trong cả nước lời chúc sức khoẻ, gia đình luôn hạnh phúc, an khang, thịnh vượng.
Tôi tin tưởng chắc chắn rằng các vị, các đồng chí sẽ tiếp tục mang tâm huyết, kinh nghiệm và sự sáng tạo để chăm lo cho công tác Mặt trận, cống hiến cho sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần xứng đáng vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương và đất nước, vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Trân trọng cảm ơn Chủ tịch Trần Thanh Mẫn.
Thực hiện: Hương Diệp - Ảnh: Kỳ Anh - Quang Vinh - Quốc Trung