(Mặt trận) - “Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam là lương tâm và trách nhiệm của mỗi người chúng ta, của cả hệ thống chính trị và cộng đồng xã hội”, đó là chia sẻ của ông Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam khi phát biểu tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV, nhiệm kỳ 2018-2023 của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, ngày 5/12 tại Hà Nội.
Tham dự Đại hội có ông Phạm Thế Duyệt, nguyên Ủy viên Thường vụ Thường trực Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam; ông Phùng Quang Thanh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; bà Hà Thị Khiết, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Trưởng Ban Dân vận Trung ương; ông Điểu K’ré, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương; lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương cùng 323 đại biểu đại diện cho trên 400.000 hội viên Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam trong toàn quốc.
63/63 tỉnh, thành phố đã thành lập Hội
Theo Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, trong nhiệm kỳ 2013-2018, các cấp hội đã nỗ lực hoàn thành tốt các nhiệm vụ do Đại hội lần thứ III đề ra. Đến nay Hội đã trưởng thành rõ rệt, tổ chức Hội đã được thành lập ở 63/63 tỉnh, thành phố, 615 huyện, quận, 6.551 xã, phường với tổng số hội viên là trên 400.000 người; trình độ, năng lực của người làm công tác hội được nâng cao; hoạt động của các cấp hội ngày càng nền nếp, hiệu quả, cơ bản đáp ứng yêu cầu của nạn nhân, hội viên.
Hội đã chủ động phối hợp với các ban, bộ, ngành của Trung ương tham mưu cho Đảng, Nhà nước ban hành các chủ trương, chính sách đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; kịp thời phát hiện những bất cập trong thực hiện chế độ, chính sách đối với nạn nhân chất độc da cam; tích cực đề xuất, kiến nghị với các cấp có thẩm quyền bổ sung, sửa đổi chế độ, chính sách phù hợp với thực tế và điều kiện cho phép.
Công tác tuyên truyền được Hội đẩy mạnh liên tục với rất nhiều hình thức, góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng và động viên các lực lượng chung tay giúp đỡ nạn nhân. Phong trào thi đua “Vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam” được triển khai sâu, rộng, thu hút nhiều người tham gia và ủng hộ. Hội đã tích cực tham gia để có nhiều sửa đổi, bổ sung chế độ, chính sách đối với nạn nhân.
Hoạt động của Hội đã tạo thành phong trào thường xuyên của cả nước chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân, thực hiện an sinh xã hội, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong 15 năm qua, Hội đã vận động được trên 1.934 tỷ đồng để thực hiện các kế hoạch chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân như: xây dựng các trung tâm bán trú nuôi dưỡng, phục hồi chức năng và dạy nghề cho nạn nhân; hỗ trợ xây nhà tình nghĩa, cấp học bổng; hỗ trợ tìm việc làm, tổ chức sản xuất, khám chữa bệnh, thăm tặng quà vào các dịp lễ, tết, Ngày vì nạn nhân chất động da cam…
Hội cũng đã thúc đẩy mạnh mẽ cuộc đấu tranh đòi Chính phủ và các công ty hóa chất của Mỹ thực hiện công lý đối với nạn nhân da cam. Vụ kiện các công ty hóa chất Mỹ chưa giành được thắng lợi cuối cùng, nhưng đã có tác động mạnh mẽ khiến phía Mỹ phải quan tâm thực hiện nghĩa vụ giải quyết hậu quả của cuộc chiến tranh hóa học do họ gây ra cho nhân dân Việt Nam. Hoạt động vận động nhân dân thế giới ủng hộ nạn nhân chất độc da cam Việt Nam cũng phát triển mạnh.
Lan tỏa những tấm lòng vàng vì nạn nhân chất độc da cam
Ghi nhận và đánh giá cao những thành tựu của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đã đạt được trong nhiệm kỳ qua, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn gửi tới Đại hội cùng 3 triệu nạn nhân chất độc da cam và hơn 400 nghìn hội viên Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam trong cả nước lời thăm hỏi ân cần, thân thiết nhất.
“Là một thành viên trách nhiệm của MTTQ Việt Nam, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng Hội đã có bước trưởng thành nhanh chóng về mọi mặt, với tinh thần “Đoàn kết, nghĩa tình, trách nhiệm, vì nạn nhân chất độc da cam”, Hội đã tích cực, chủ động triển khai toàn diện các mặt công tác, động viên toàn thể cán bộ, hội viên đoàn kết phấn đấu, hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.
Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cho rằng, có được những thành quả nổi bật của Hội trong nhiệm kỳ vừa qua là nhờ vào sự nỗ lực cố gắng, tinh thần đoàn kết, chủ động sáng tạo, dám nghĩ dám làm, quyết tâm vượt khó đi lên, từ đó thể hiện sinh động tình đồng đội, nghĩa đồng bào, tạo nên hình ảnh thân thương của Hội trong lòng nhân dân.
Khẳng định quan điểm xuyên suốt của Đảng, Nhà nước là phát triển kinh tế -xã hội luôn gắn liền với sự tiến bộ và công bằng xã hội, đặc biệt quan tâm đến các đối tượng chính sách, không để ai bị bỏ lại phía sau trong tiến trình đổi mới và hội nhập quốc tế của đất nước, tuy nhiên, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn trăn trở khi còn nhiều gia đình có hoàn cảnh hết sức thương tâm, đang rất cần sự sẻ chia, giúp đỡ của mọi người, mọi nhà, mọi tổ chức, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.
Để hoàn thành những mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của nhiệm kỳ 2018-2023 đã đề ra, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đề nghị Hội tiếp tục quán triệt và tổ chức thực hiện Chỉ thị số 43 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Chương trình hành động Quốc gia của Chính phủ về khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam; đồng thời bám sát nhiệm vụ do Đảng, Nhà nước giao để xác định trọng tâm, trọng điểm và giải pháp thực hiện cụ thể, theo tinh thần “Chủ trương một, biện pháp mười, quyết tâm hai mươi” như sinh thời Bác Hồ kính yêu từng nói.
Cùng với đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân trong nước, người Việt Nam ở nước ngoài và nhân dân thế giới hiểu rõ hơn về thảm họa da cam ở Việt Nam, về công cuộc khắc phục hậu quả chất độc hóa học gây ra và những tấm gương tiêu biểu, điển hình đã hết lòng giúp đỡ, đồng hành cùng nạn nhân chất độc da cam Việt Nam.
Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cũng lưu ý các cấp Hội cần tiếp tục xây dựng, củng cố tổ chức Hội vững mạnh, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, hướng về cơ sở, gắn bó với nạn nhân chất độc da cam. Từ đó coi trọng công tác bồi dưỡng, nâng cao kiến thức cho cán bộ Hội, xây dựng đội ngũ cán bộ tâm huyết, trách nhiệm, nhiệt tình, đồng cảm với nạn nhân chất độc da cam như chính người thân của mình và thực hiện tốt vai trò tư vấn, phản biện và giám định xã hội về các chính sách, chế độ đối với nạn nhân chất độc da cam.
“Cần nâng cao hơn nữa hiệu quả của công tác vận động các nguồn lực xã hội, chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam, coi đó là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của các cấp Hội, là một trong những cơ sở đánh giá chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội. Kịp thời tri ân, động viên, cổ vũ, lan tỏa những tấm lòng vàng vì nạn nhân chất độc da cam”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đề nghị.
Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cũng cho rằng các cấp Hội cần kiên trì vận động, đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam thông qua hình thức, biện pháp phù hợp với đường lối, chủ trương đối ngoại của Đảng, Nhà nước.
“Cuộc đấu tranh đòi công lý của nạn nhân chất độc da cam Việt Nam không chỉ là giải quyết hậu quả chiến tranh mà còn góp phần ngăn ngừa chiến tranh, ngăn ngừa sử dụng vũ khí giết người hàng loạt”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.
Nhân dịp này, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục quan tâm hơn nữa trong việc thực hiện chính sách với các nạn nhân chất độc da cam; quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi để Hội hoàn thành nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao; thực hiện hiệu quả phong trào “Hành động vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam” do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát động. "Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam là lương tâm và trách nhiệm của mỗi người chúng ta, của cả hệ thống chính trị và cộng đồng xã hội", Chủ tịch Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.
Tại Đại hội, các đại biểu tham dự đã bầu Ban Chấp hành Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam nhiệm kỳ mới gồm 96 vị. Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh tái đắc cử Chủ tịch Hội nhiệm kỳ 2018-2023.
Hương Diệp - Ảnh: Kỳ Anh