Chúng ta được cam kết đảm bảo đủ vaccine từ nay đến cuối năm

(Mặt trận) - Ngày 7/6, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết như vậy khi chia sẻ về tình hình dịch cũng như những biện pháp chống dịch đang được triển khai tại các tỉnh, thành phố, chiến lược vaccine mà Việt Nam đang thực hiện.

Chủ tịch nước Lương Cường: Toàn quân thực hiện nghiêm đường lối quốc phòng toàn dân, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới

Thường trực Ban Bí thư làm việc với các cơ quan của Đảng, MTTQ về Nghị quyết số 18-NQ/TW

Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Đại sứ Australia tại Việt Nam đến chào từ biệt

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long. Ảnh: VGP/Quang Hiếu 

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, thời gian qua, với sự chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia cũng như sự vào cuộc của các bộ, ngành và đặc biệt là sự vào cuộc rất đồng bộ của tất cả các địa phương, cho đến thời điểm hiện nay, tình hình dịch về cơ bản đã được kiểm soát, số ca mắc tuần qua giảm hơn so với tuần trước.

Tính đến sáng 7/6, tổng số trường hợp mắc COVID-19 trên cả nước là 8.791 trường hợp, trong đó có 7.235 trường hợp ghi nhận trong nước và 53 trường hợp tử vong.

Tổng số ca mắc trong đợt dịch này là 5.561 ca ghi nhận trong nước tại 37 tỉnh/thành phố. Trong đó có 15 địa phương đã qua 14 ngày không ghi nhận ca mắc mới.

Đặc biệt, hôm nay (7/6)  tiếp tục có thêm 58 bệnh nhân khỏi bệnh. Trong đó, Bệnh viện dã chiến số 2 Bắc Giang có 21 ca. Như vậy, tổng số ca khỏi bệnh trên cả nước đợt dịch này là 670 người.

Trên phạm vi cả nước, dịch bệnh vẫn đang được kiểm soát tốt. Trong tuần qua, cả nước ghi nhận 1.675 ca (giảm 106 ca, tương đương 6,1% so với tuần trước đó), chủ yếu là số các trường hợp F1 đã được truy vết cách ly tập trung tại một số điểm nóng hiện nay.

Tại Bắc Giang, trong tuần qua, ghi nhận 979 trường hợp mắc (giảm 14,8% so với tuần trước) và tích lũy là 3.113 trường hợp, hầu hết tập trung chủ yếu tại 02 khu công nghiệp (KCN) Quang Châu, Vân Trung và trong cộng đồng tại nơi cư trú của công nhân KCN đã được khoanh vùng.

Tại Bắc Ninh, trong tuần qua ghi nhận 292 trường hợp mắc (giảm 14,6% so với tuần trước) và tích lũy có 1.099 trường hợp. Ổ dịch tại cộng đồng trong giai đoạn đầu lây nhiễm qua các sự kiện tập trung đông người, lây lan vào một số nhà máy, KCN trên địa bàn đã được thần tốc truy vết, cách ly và khoanh vùng.

Tại TP. Hà Nội, trong tuần qua ghi nhận 66 trường hợp (giảm 14.3% so với tuần trước) và tích lũy có 272 trường hợp. Tình hình dịch tại Hà Nội cơ bản đã được kiểm soát tốt.

Tại TP. Hồ Chí Minh, trong tuần qua ghi nhận 247 trường hợp và tích lũy có 388 trường hợp. Số trường hợp mắc tập trung vào các ngày đầu khi mới phát hiện ổ dịch có liên quan đến nhóm truyền giáo Phục Hưng, sau đó bắt đầu giảm dần do đã khoanh vùng, cách ly kịp thời khu vực và các trường hợp có liên quan.

Hiện nay, còn 24 tỉnh có ca bệnh chưa qua 14 ngày. Tại các tỉnh này, qua truy vết thần tốc, xét nghiệm, cách ly y tế kịp thời nên các địa phương có người trở về từ các điểm nóng Bắc Giang, Bắc Ninh và TPHCM đã chủ động, tích cực khoanh vùng quy mô nhỏ, không để dịch bệnh lan trên diện rộng.

Thông tin về biến thể mới của virus SARS-CoV-2, có tốc độ lây lan rất nhanh trong đợt dịch lần này, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho rằng biến thể của Ấn Độ đúng là một biến thể mới đối với Việt Nam trong đợt dịch này. Theo đánh giá của giới chuyên môn thì biến thể của Anh lây tăng hơn 1,7 lần so với chủng trước đây, thế nhưng biến thể của Ấn Độ tăng hơn cả biến thể của Anh 1,4 lần, tức là tăng hơn 40%, điều này đã được các nhà khoa học ở Anh đưa ra. Vì vậy trong đợt dịch này, tốc độ lây lan nhanh hơn rất nhiều so với đợt trước.

Điểm thứ 2, đợt dịch lần này về mặt lâm sàng, Bộ Y tế thấy rằng tốc độ tăng nặng của các bệnh nhân tăng hơn so với lần trước. Đây là một trong những điều mà ngành y tế rất quan ngại.

Về các biện pháp chống dịch đang được triển khai tại các tỉnh, thành phố, hiện nay theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng, những biện pháp chúng ta đang triển khai rất đồng bộ, kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa phòng ngự và tấn công, lấy dự phòng là cơ bản, lấy tấn công là vấn đề quyết định.

Thứ hai, chúng ta thực hiện giãn cách theo từng quy mô, phù hợp để làm giảm tác động đối với kinh tế-xã hội nhưng vẫn có thể khống chế, kiểm soát tình hình dịch.

Thứ ba là vấn đề về truy vết, cách ly. Các địa phương đã thực hiện rất nghiêm túc chỉ đạo của Ban Chỉ đạo quốc gia, của Bộ Y tế trong vấn đề truy vết và cách ly.

Vấn đề thứ tư, chúng ta đã triển khai xét nghiệm trên diện rộng, tốc độ xét nghiệm được nâng lên rất nhiều so với trước đây. Tổng số xét nghiệm lần này gấp 3 lần so với trước đây và trung bình một ngày gấp 3 lần so với những ngày cao nhất trong đợt dịch trước đây.

Về điều trị, chúng ta đã triển khai các bệnh viện dã chiến, thành lập những trung tâm hồi sức cấp cứu tại các địa phương để có thể thực hiện phương châm “4 tại chỗ” theo đúng chỉ đạo của Ban Chỉ đạo quốc gia. Huy động một lực lượng lớn nhân viên y tế ở tất cả các tỉnh, thành phố từ Trung ương cũng như các trường đại học về hỗ trợ cho những điểm nóng trong một thời gian rất ngắn.

Chúng ta cũng đã triển khai các biện pháp về mặt công nghệ để có thể tăng thêm giám sát trong vấn đề cách ly và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch tại Bắc Giang và Bắc Ninh, triển khai chương trình tiêm chủng rất chủ động, tăng số lượng tiêm chủng lên rất nhiều. 

Về chiến lược vaccine Việt Nam đang thực hiện, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, theo chỉ đạo tại Kết luận số 50 của Bộ Chính trị, cần để người dân tiếp cận với vaccine một cách nhanh nhất, rộng nhất. Trong thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các nghị quyết của Chính phủ về vấn đề tiếp cận vaccine. Trên cơ sở đó, Bộ Y tế cùng với các bộ, ngành đã phối hợp để tăng cường đàm phán với tất cả các hãng vaccine lớn, các quốc gia sản xuất vaccine.

Và hiện nay chúng ta đã hoàn toàn chủ động trong đàm phán. Bộ Y tế đã thực hiện gần 200 cuộc đàm phán, trao đổi với các hãng và đơn vị để mua vaccine, nhập vaccine và viện trợ vaccine. Cho đến nay, qua đàm phán, trao đổi, chúng ta đã được các nhà cung cấp, các hãng cam kết cung cấp khoảng 128,9 triệu liều để có thể đảm bảo vaccine từ nay đến cuối năm.

Bộ Y tế phấn đấu có đủ 150 triệu liều và vẫn đang tiếp tục tìm kiếm tất cả các nguồn vaccine để có thể đảm bảo cho người dân Việt Nam thực hiện miễn dịch cộng đồng, đưa cuộc sống trở lại bình thường.