Chú trọng đổi mới công tác dân vận, xây dựng lòng dân hướng về Đảng

(Mặt trận) - Tham luận tại Đại hội XIII của Đảng vào sáng 27/1, ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương cho rằng, trong suốt quá trình lãnh đạo, với quan điểm sự nghiệp cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, Đảng luôn xác định công tác dân vận là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đối với toàn bộ sự nghiệp cách mạng, là điều kiện quan trọng bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng và tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân.

Tổng Bí thư Tô Lâm thăm, làm việc tại Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng

Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc thăm, chúc Tết tại Hà Giang

Tổng Bí thư Tô Lâm tri ân công lao của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhân dịp Tết

Ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương tham luận tại Đại hội XIII. Ảnh: VGP/Nhật Bắc 

Một trong những bài học quan trọng, góp phần làm nên những thành tựu to lớn xuyên suốt chiều dài lịch sử là bài học “Lấy dân làm gốc”, phát huy vai trò làm chủ, sức sáng tạo và nguồn lực của nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Đây là tư tưởng xuyên suốt góp phần cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, vượt qua mọi khó khăn và đạt được nhiều thắng lợi.

Công tác dân vận của Đảng trong từng thời kỳ cách mạng có những nội dung, phương thức khác nhau, nhưng đều hướng đến mục tiêu quan trọng là tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân với Đảng; vận động, thu hút rộng rãi các tầng lớp nhân dân, khơi dậy tinh thần yêu nước, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc cho quá trình phát triển đất nước.

Đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh cho rằng, trước đòi hỏi của thực tiễn và mục tiêu phát triển bền vững của Đảng, đất nước, công tác vận động nhân dân càng phải chú trọng và đổi mới mạnh mẽ, xây dựng lòng dân hướng về Đảng, tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân; tập hợp, vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phát huy sức mạnh to lớn của nhân dân, tạo nên sự đồng lòng trong các phong trào cách mạng rộng lớn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Để thực hiện được mục tiêu nêu trên, đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh nhấn mạnh, các cấp uỷ, tổ chức đảng quan tâm  thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp như: Tiếp tục đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đường lối, chủ trương công tác dân vận của Đảng. Đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng theo hướng nâng cao năng lực dự báo, tầm nhìn chiến lược trong hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng liên quan đến công tác tuyên truyền, vận động nhân dân phù hợp với tình hình mới; bảo đảm các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước liên quan đến cuộc sống người dân phải sát thực tiễn, khả thi và bố trí đủ nguồn lực để thực hiện hiệu quả.

Phát huy hiệu quả cơ chế phối hợp liên ngành thông qua Hội đồng công tác quần chúng Trung ương, Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở, các hoạt động giao ban, hội nghị chuyên đề... để bao quát toàn diện các lĩnh vực, phát huy đầy đủ vai trò, trách nhiệm đồng bộ cả hệ thống chính trị đối với công tác dân vận.

Các cấp ủy, tổ chức Đảng chú trọng việc tổ chức triển khai quán triệt sâu sắc các văn bản về công tác dân vận, tạo nhận thức thống nhất, đồng bộ. Xây dựng các chương trình, kế hoạch cụ thể có trọng tâm, trọng điểm, ngắn gọn, rõ ràng, dễ hiểu, dễ nhớ, tạo thuận lợi cho người dân hiểu, đồng thuận, chấp hành trong quá trình triển khai.

Tiếp tục thực hiện chủ trương kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; thực sự là công bộc của dân, tận tụy phục vụ nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, làm cho cả hệ thống chính trị, đặc biệt là chính quyền các cấp, thực sự vì nhân dân phục vụ; chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác dân vận, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội; nêu cao trách nhiệm gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong mối quan hệ với nhân dân; nâng cao chất lượng chỉ đạo của cấp ủy các cấp về công tác dân vận.

Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, vận động nhân dân. Đổi mới công tác tuyên truyền, vận động nhân dân sát với thực tiễn, có tính thuyết phục cao, tạo sự đồng thuận trong nhân dân để thực hiện có hiệu quả, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, vận động tương tác với người dân; ứng dụng công nghệ thông tin phù hợp với điều kiện phát triển, trình độ dân trí và môi trường sống của các tầng lớp nhân dân một cách phù hợp.

Thường xuyên sâu sát, gần gũi nắm bắt tình hình, những vấn đề bức xúc trong nhân dân để có nội dung, hình thức tuyên truyền phù hợp, kịp thời, nhất là những vấn đề nhạy cảm, phức tạp. Qua đó, chủ động dự báo, đánh giá xu hướng của dư luận xã hội; vận động nhân dân nhận thức đúng, phối hợp để phản bác các thông tin không đúng, luận điệu xuyên tạc, chia rẽ, gây mất đoàn kết, ảnh hưởng đến quan hệ giữa Đảng với nhân dân.

Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền bằng hình thức phù hợp cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào theo tôn giáo. Tiếp tục đổi mới công tác dân vận ở vùng khó khăn, chăm lo phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói giảm nghèo, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, giữ vững quốc phòng, an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Phát huy vai trò người có uy tín trong tuyên truyền, giải thích, vận động đồng bào trên địa bàn. Nâng cao hiệu quả vận động nhân dân bằng chính sách hợp lòng dân, đảm bảo hài hòa lợi ích Nhà nước, doanh nghiệp, người dân, bảo vệ lợi ích chính đáng của người dân; bằng sự gương mẫu chuẩn mực của đội ngũ cán bộ, đảng viên, người đứng đầu và bằng những hành động cụ thể, những hình ảnh đẹp của cả hệ thống chính trị chăm lo cho dân.

Nâng cao hiệu quả công tác dân vận của cơ quan nhà nước các cấp, trọng tâm là hoàn thiện cơ chế và nâng cao vai trò tham gia của nhân dân trong quá trình quyết định chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là những chính sách, pháp luật có liên quan trực tiếp đến cuộc sống của nhân dân, có chính sách phù hợp với đặc điểm vùng miền, đặc thù của đời sống văn hóa người dân mỗi tỉnh nhằm tạo động lực, phát huy lợi thế so sánh và không tạo tâm lý ỷ lại trông chờ vào sự chăm lo, hỗ trợ của Chính phủ, quan tâm đến các đối tượng yếu thế trong xã hội.

Thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, người đứng đầu các xã, phường, đơn vị, doanh nghiệp phải tôn trọng và nâng cao vai trò của người dân, người lao động trong việc tiếp cận thông tin, góp ý, hiến kế và quyết định những vấn đề được pháp luật quy định, lắng nghe tâm tư, kịp thời giải quyết nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của nhân dân; có giải pháp ngăn ngừa từ xa việc bùng phát các điểm nóng trong nhân dân, không để phát sinh mâu thuẫn lợi ích trong quá trình phát triển. Xử lý dứt điểm, kịp thời các vấn đề bức xúc liên quan trực tiếp đến đời sống nhân dân, các vụ việc phức tạp, khiếu kiện đông người, vượt cấp, kéo dài. Nghiên cứu, xây dựng Luật Thực hành dân chủ ở cơ sở.

Nâng cao trách nhiệm và hiệu quả phối hợp trong việc thực hiện Quy chế công tác dân vận trong hệ thống chính trị; phát huy quyền làm chủ của nhân dân, bảo đảm quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp.

Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội và hội quần chúng theo hướng sát cơ sở, thực chất, hiệu quả hơn. Quan tâm lựa chọn, đào tạo, bồi dưỡng và có cơ chế, chính sách chăm lo, động viên đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận, Mặt trận và các tổ chức thành viên; kiên quyết không bố trí cán bộ vi phạm kỷ luật, thiếu gương mẫu, đạo đức kém làm công tác dân vận.

Nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát, phản biện xã hội và góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội, phối hợp với chính quyền các cấp và các cơ quan quản lý nhà nước ngày càng thực hiện tốt hơn tính minh bạch, thông tin cho nhân dân và xã hội các vấn đề nguồn lực, sử dụng nguồn lực và kiểm soát tính hiệu quả của sử dụng các nguồn lực xã hội.

Đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong toàn hệ thống chính trị, động viên các tầng lớp nhân dân tham gia tích cực các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, giảm nghèo bền vững, giữ vững quốc phòng, an ninh; phát huy mọi tiềm năng, trí tuệ trong nhân dân đóng góp cho xã hội, cho đất nước; biểu dương, nhân rộng các điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước, trong hoạt động vận động nhân dân, thực hiện công vụ, cải cách hành chính, trong quan hệ với nhân dân, nhằm cổ vũ tinh thần phục vụ nhân dân, góp phần xây dựng Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; tích cực tuyên truyền, biểu dương, nhân rộng các mô hình, điển hình về công tác dân vận.

“Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh ‘Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công’, phát huy truyền thống vẻ vang 90 năm của Đảng, cùng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, với bản lĩnh, quyết tâm và nỗ lực chung, chúng ta tin tưởng rằng công tác dân vận sẽ tiếp tục có những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới”, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương Nguyễn Hồng Lĩnh bày tỏ./.