(Mặt trận) - “Quốc hội sẽ vào cuộc giám sát quyết liệt các vấn đề liên quan đến thị trường bất động sản, chính sách phát triển nhà ở xã hội vì có những vấn đề ngoài thẩm quyền của Chính phủ, cùng với quyết tâm chính trị thì phải có cơ sở pháp lý mới thực hiện được”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh tại buổi tiếp xúc cử tri quận Ngô Quyền, TP. Hải Phòng trước thềm Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội Khoá XV sáng ngày 6/5.
|
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại cuộc tiếp xúc, cử tri quận Ngô Quyền. Ảnh: Lâm Hiển |
Cùng tham gia tiếp xúc cử tri có các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hải Phòng Trần Lưu Quang; Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên; Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu.
“Đúng ra là thiếu trách nhiệm”
Tại cuộc tiếp xúc, cử tri quận Ngô Quyền đã đề cập nhiều vấn đề liên quan đến quốc kế dân sinh như phòng chống tham nhũng, lãng phí, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và các gói hỗ trợ, phục hồi kinh tế, hỗ trợ khó khăn cho các doanh nghiệp, phát triển du lịch, kinh tế đêm... và những vấn đề cụ thể, sát sườn hàng ngày trong đời sống của người dân như giáo dục, sách giáo khoa, chế độ đãi ngộ cho giáo viên, y tế dự phòng, y tế cơ sở, xử lí chất thải, bảo vệ môi trường, thiết chế văn hoá ở khu phố, phòng cháy chữa cháy...
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hải Phòng làm rõ từng vấn đề được cử tri đặt ra.
Về tình hình chung, Chủ tịch Quốc hội khẳng định, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn sau đại dịch Covid – 19 và liên tiếp các cú sốc do những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, tình trạng đứt gãy các chuỗi cung ứng và “đình lạm” – vừa đình trệ vừa lạm phát – xảy ra ở nhiều nước... nhưng trong năm 2022, nước ta vẫn đạt tốc độ tăng trưởng cao, giữ được các cân đối vĩ mô, an sinh xã hội được bảo đảm, người dân được thụ hưởng các thành quả phát triển. Trong đó với những thành tựu phát triển của mình, TP. Hải Phòng đã dành thêm các nguồn lực ngoài chính sách chung của Nhà nước để chăm lo thực hiện các chính sách an sinh xã hội cho người dân thành phố.
“Uruguay được ví như Singapore của châu Á, Thuỵ Sĩ của Châu Âu, nhưng các nhà lãnh đạo của Bạn khi trao đổi với báo chí đã nói “Việt Nam là hình mẫu cho chúng tôi học tập” vì từ một quốc gia bị tàn phá nặng nề sau chiến tranh đã vươn lên mạnh mẽ như ngày nay. Như vậy để thấy rằng, thành quả của chúng ta cũng được bạn bè quốc tế ghi nhận”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Tuy vậy, Chủ tịch Quốc hội chia sẻ lo lắng của các cử tri khi hiện nay, nền kinh tế vẫn đang đứng trước nhiều thách thức khi tốc độ tăng trưởng của những tháng đầu năm nay bị sụt giảm, nhiều tỉnh trọng điểm, cực tăng trưởng cũng gặp khó khăn...
Phân tích những yếu tố khách quan và chủ quan của những khó khăn hiện nay, Chủ tịch Quốc hội cũng chia sẻ ý kiến của cử tri về tình trạng sợ trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức.
“Nói là sợ trách nhiệm thì cũng đúng, nhưng đúng ra là thiếu trách nhiệm. Chúng ta yêu cầu làm đúng chức trách, nhiệm vụ theo quy định pháp luật đã nhưng cũng chưa làm, không làm thì phải gọi đó là thiếu trách nhiệm, nói nặng hơn là vô trách nhiệm, chưa nói đến việc dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn, tìm tòi sáng tạo, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung”. Nhấn mạnh như vậy, Chủ tịch Quốc hội cũng thông tin tới cử tri, hiện nay, Trung ương đang yêu cầu các cơ quan rà soát, đánh giá kỹ lưỡng nguyên nhân chủ quan là gì, khách quan là gì, yếu tố trong nước thế nào, yếu tố tác động từ bên ngoài thế nào, từ đó mới tìm ra lời giải được.
Trao đổi với cử tri Đỗ Trung Thoại về công tác lập pháp nói chung và dự án Luật Đất đai (sửa đổi) nói riêng nhằm tạo điều kiện hỗ trợ tốt nhất cho người dân, các doanh nghiệp, nhà đầu tư, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, để bảo đảm tính chủ động, khắc phục tình trạng “bắc nước sôi chờ gạo”, ngay từ đầu nhiệm kỳ Khoá XV, Quốc hội đã rà soát, xác định rõ các nhiệm vụ lập pháp trong cả nhiệm kỳ, làm rất bài bản. Quốc hội đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác lập pháp, trong đó, như ghi nhận của cử tri Quốc hội “lắng nghe nhiều hơn”, không chỉ lắng nghe ý kiến của nhân dân, của cử tri, đối tượng chịu sự tác động của chính sách mà còn ý kiến chuyên gia, nhà khoa học, tham vấn kinh nghiệm quốc tế, nghe đi nghe lại nhiều lần, nhiều chiều...
Lấy ví dụ dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, đây là dự luật được Quốc hội xác định là nhiệm vụ lập pháp trọng tâm của nhiệm kỳ này. Vừa qua, chúng ta đã tổ chức rất việc lấy ý kiến của người dân về dự thảo Luật với khoảng 12 triệu ý kiến của cử tri, nhân dân đã được tổng hợp. Luật Đất đai (sửa đổi) liên quan đến 121 luật khác, trong đó liên quan trực tiếp đến 22 dự án luật đang được xem xét, sửa đổi, do đó, nếu không sửa đồng bộ các luật này thì khi sửa xong cũng khó áp dụng hiệu quả được.
“Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đến nay chất lượng đã có bước tiến rất cơ bản. Quốc hội sẽ cho ý kiến lần thứ hai tại Kỳ họp thứ Năm tới và tiếp tục hoàn thiện để trình thông qua tại Kỳ họp thứ Sáu với tinh thần bảo đảm chất lượng mới thông qua chứ không phải là thông qua cho bằng được. Quốc hội đã làm nhiều việc, thậm chí không có trong quy trình lập pháp để nâng cao chất lượng dự án luật. Trách nhiệm của Quốc hội đối với dự luật này là rất nặng nề. Với tinh thần rất quyết liệt, rất cố gắng bởi đây là Bộ luật rất quan trọng, liên quan đến mọi giai tầng và đối tượng trong đời sống xã hội.”, Chủ tịch Quốc hội cho biết, đồng thời cảm ơn cử tri quận Ngô Quyền đã đóng góp nhiều ý kiến rất cụ thể đối với dự án Luật này tại cuộc tiếp xúc cử tri, Quốc hội sẽ tiếp tục lắng nghe, hoàn thiện dự luật.
Quốc hội thảo luận định kỳ hàng năm về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
|
Ảnh: Lâm Hiển |
Trao đổi với cử tri Lê Vũ Thành về những đổi mới trong công tác phòng, chống tham nhũng, thất thoát, lãng phí, Chủ tịch Quốc hội cho biết, vừa qua, nhiều Đoàn nghị sĩ các nước đã sang Việt Nam trao đổi kinh nghiệm về phòng, chống tham nhũng. Đây là điều trước đây chưa có.
Về đề nghị của cử tri Quốc hội cần quan tâm hơn nữa đến công tác phòng, chống lãng phí, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, năm 2022, Quốc hội đã tiến hành giám sát tối cao về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Báo cáo kết quả giám sát lên đến hàng trăm nghìn trang tài liệu. Quốc hội đã ban hành Nghị quyết giám sát chuyên đề với phụ lục hơn 100 trang chỉ rõ dự án nào, công trình nào đang lãng phí phải xử lý chứ không nêu chung chung như trước đây nữa.
Chủ tịch Quốc hội nêu ví dụ, có những dự án hồ chứa nước làm xong đẹp như trong tranh, chất lượng rất tốt nhưng mấy năm nay không tưới được, không có chỗ mà tưới vì vướng đất rừng ở dưới dù chỉ là rừng kiệt, rừng nghèo… do khi làm đánh giá tác động không kỹ, không hết. Có địa phương vì vướng cơ chế đấu thầu, đầu tư, giá cho thuê... mà bỏ không mấy chục nghìn m2 nhà ở tái định cư, để cỏ mọc um tùm. Đi qua đường Pháp Vân, các tòa nhà ở Hà Nội xây dựng cho sinh viên vẫn để “trơ gan cùng tuế nguyệt”. Hay dự án 2 bệnh viện Trung ương nằm ở địa phận tỉnh Hà Nam đến nay cũng vẫn nằm bất động.
“Cử tri nói đúng, nhiều khi lãng phí còn nặng nề hơn cả tham nhũng. Chính vì vậy, Quốc hội và Chính phủ đã thống nhất hàng năm, tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội của Quốc hội sẽ phải có báo cáo về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và Quốc hội sẽ thảo luận riêng về vấn đề này. Nghị quyết giám sát tối cao của Quốc hội đã nói rất rõ. Chưa bao giờ chúng ta có được một danh mục, phụ lục kèm theo cụ thể những dự án lãng phí như lần này. Nếu tập trung xử lý thì sẽ gỡ được nhiều việc”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hải Phòng cung cấp thêm thông tin cho cử tri về vấn đề này, bao gồm cả những dự án trên địa bàn thành phố đã được chỉ ra và đang quyết liệt xử lý.
Trao đổi về kiến nghị của cử tri liên quan đến tháo gỡ vướng mắc cho thị trường bất động sản, chính sách phát triển nhà ở xã hội, gỡ khó cho doanh nghiệp... trong bối cảnh khó khăn hiện nay, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Quốc hội sẽ vào cuộc giám sát quyết liệt các vấn đề này. “Dự kiến chương trình giám sát tối cao của Quốc hội năm tới sẽ giám sát vấn đề thị trường bất động sản và chính sách phát triển nhà ở xã hội. Quốc hội thúc đẩy vấn đề này chính là hỗ trợ Chính phủ vì có những vấn đề ngoài thẩm quyền của Chính phủ, liên quan đến vấn đề pháp lý, cùng với quyết tâm chính trị thì phải có cơ sở pháp lý mới thực hiện được”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Với các vấn đề thuộc trách nhiệm của địa phương, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu các sở, ngành, UBND thành phố kịp thời trả lời, giải quyết thấu đáo cho người dân.
Theo Đại biểu Nhân dân