(Mặt trận) - Sau một ngày làm việc rất tích cực, khẩn trương, Hội nghị toàn quốc lần thứ Nhất triển khai thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội Khoá XV đã thành công tốt đẹp. Kết luận hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh yêu cầu phải tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường trách nhiệm trong công tác tổ chức thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị.
|
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc Hội nghị. Ảnh: Hồ Long |
Chiều nay, 6.9, dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bế mạc Hội nghị toàn quốc lần thứ Nhất triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội Khóa XV.
Phải nỗ lực cao hơn, quyết tâm lớn hơn
Sau một ngày làm việc rất tích cực, khẩn trương, Hội nghị đã hoàn thành tốt đẹp chương trình đề ra. Tham dự Hội nghị tại điểm cầu Nhà Quốc hội có khoảng 400 đại biểu và hơn 2.000 đại biểu tham dự trực tuyến tại 62 điểm cầu trong cả nước, bao gồm đại biểu đến từ các cơ quan đảng, chính quyền, cơ quan dân cử, cơ quan tư pháp, các tổ chức chính trị xã hội, đại diện cộng đồng doanh nghiệp... Hội nghị có 2 báo cáo trung tâm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ; 24 báo cáo, tham luận và ý kiến phát biểu.
Phát biểu bế mạc Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, Hội nghị đã thành công tốt đẹp, hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra. Qua Hội nghị cho thấy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã chuẩn bị công phu, tâm huyết, phát biểu thẳng thắn, vừa làm rõ thực trạng, vừa nêu được những kiến nghị, đề xuất rất thiết thực, phù hợp, có giá trị.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, việc tổ chức Hội nghị toàn quốc về công tác triển khai các luật, nghị quyết của Quốc hội là một điểm mới trong hoạt động của Quốc hội Khóa XV nhằm hiện thực hoá chủ trương của Đảng và Nhà nước ta về xây dựng và thực thi pháp luật. Trong đó, Nghị quyết của Trung ương đã yêu cầu “đẩy mạnh việc hoàn thiện pháp luật gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật”, “đổi mới cơ chế thi hành pháp luật, gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật với thực hiện pháp luật, bảo đảm pháp luật được thực hiện công bằng, nghiêm minh, nhất quán, kịp thời, hiệu lực, hiệu quả”.
|
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Quang Khánh |
Ghi nhận những chuyển biến rất tích cực trong công tác tổ chức thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội Khoá XV, Chủ tịch Quốc hội cũng nhất trí với đánh giá của các đại biểu, các cơ quan về những tồn tại, hạn chế trong công tác này, nhất là tình trạng nợ đọng văn bản hướng dẫn thi hành các luật, nghị quyết chưa được khắc phục triệt để khiến một số luật, nghị quyết ban hành xong, thậm chí đã có hiệu lực thi hành nhưng người dân, doanh nghiệp vẫn phải "ngóng" văn bản hướng dẫn thi hành. Từ đó, càng cho thấy ý nghĩa quan trọng của việc tổ chức Hội nghị này. Chủ tịch Quốc hội cho biết, ngay trong quá trình chuẩn bị tổ chức Hội nghị đã có tác động tích cực, làm cho các cơ quan có trách nhiệm tổ chức thi hành luật, nghị quyết, nhất là các cơ quan có trách nhiệm xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành luật, nghị quyết chuyển động nhanh hơn, khẩn trương hơn.
Trong bối cảnh từ nay đến hết nhiệm kỳ, khối lượng công việc của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan đều rất lớn và còn có thể phát sinh nhiều vấn đề mới cần phải xử lý, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, việc triển khai các luật, nghị quyết của Quốc hội Khóa XV, nhất là luật, nghị quyết vừa được thông qua tại Kỳ họp thứ Năm đòi hỏi phải nỗ lực cao hơn, quyết tâm lớn hơn và sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn nữa giữa các cơ quan, tổ chức nhằm đưa các quyết sách của Quốc hội vào cuộc sống, đóng góp thiết thực vào việc hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, hội nhập quốc tế, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước, các cơ quan, tổ chức hữu quan ở Trung ương và địa phương, theo chức năng, nhiệm vụ của mình, tiếp tục phát huy hơn nữa kết quả, bài học kinh nghiệm, khắc phục những hạn chế; quán triệt đầy đủ yêu cầu, nhiệm vụ trọng tâm trong công tác thi hành đối với từng luật, nghị quyết thông qua tại Kỳ họp thứ Năm đã được xác định rõ trong Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Hội nghị.
Xác định thi hành pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên
|
Các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: Hồ Long |
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh 9 nhiệm vụ cần tập trung ưu tiên để đẩy mạnh triển khai hiệu quả các luật, nghị quyết của Quốc hội gồm:
Thứ nhất, tiếp tục quán triệt sâu sắc chủ trương, đường lối của Đảng tại Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết, kết luận của Trung ương, nhất là Nghị quyết số 27 Hội nghị Trung ương 6 Khóa XIII và Kết luận số 19 của Bộ Chính trị. Siết chặt kỷ luật, tăng cường kỷ cương, trách nhiệm trong công tác tổ chức thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị. Thực hiện nghiêm các kết luận, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, kiến nghị của các cơ quan của Quốc hội qua giám sát để nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật. Tiếp tục xác định thi hành pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm và thường xuyên của Chính phủ, các ngành, các cấp, các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị cả ở Trung ương và địa phương; bảo đảm gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật.
Thứ hai, Chính phủ cần phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm tổ chức thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội. Tập trung chỉ đạo quyết liệt, bảo đảm nguồn lực và các điều kiện cần thiết cho công tác thi hành pháp luật; rà soát, ban hành theo thẩm quyền hoặc chỉ đạo các Bộ, cơ quan ngang Bộ theo lĩnh vực phụ trách kịp thời ban hành kế hoạch triển khai thi hành các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua. Kịp thời hướng dẫn, có giải pháp xử lý hiệu quả các vấn đề đang có vướng mắc, bất cập, bảo đảm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và đúng quy định của luật, nghị quyết, đặc biệt là trong việc triển khai các nhiệm vụ, các quy định mới được xác định tại các luật, nghị quyết rất quan trọng như: Luật Đấu thầu; Luật Giá; Luật Giao dịch điện tử; Luật Hợp tác xã; Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh… Tăng cường, đổi mới công tác phổ biến, giáo dục pháp luật theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với từng đối tượng, nội dung, địa bàn, nhất là đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Thứ ba, có giải pháp quyết liệt hơn nữa, khắc phục cho được tình trạng nợ đọng, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, nghị quyết; đồng thời, chú trọng nâng cao chất lượng các văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của các văn bản do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ và chính quyền địa phương ban hành.
Tập trung hoàn thành việc ban hành, bảo đảm chất lượng 83 văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, nghị quyết quy phạm pháp luật của Quốc hội Khóa XV, đặc biệt là các văn bản quy định chi tiết luật, nghị quyết đã có hiệu lực pháp luật; chậm nhất trong tháng 9.2023 phải hoàn thành xây dựng, ban hành 2 nghị định quy định chi tiết thi hành Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh. Đối với 8 luật có hiệu lực thi hành trong năm 2024, khối lượng văn bản quy định chi tiết dự kiến ban hành rất lớn, theo thống kê là 68 văn bản, đề nghị Chính phủ có kế hoạch cụ thể, sắp xếp thứ tự ưu tiên hợp lý, đầu tư nguồn lực để xây dựng, ban hành đầy đủ, chất lượng các văn bản, bảo đảm có cùng hiệu lực với thời điểm có hiệu lực của luật, nghị quyết, nhất là các luật có hiệu lực từ ngày 1.1.2024 như Luật Thi đua, khen thưởng, Luật Khám bệnh, chữa bệnh...
Thứ tư, thực hiện nghiêm túc, khẩn trương việc rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo yêu cầu tại Nghị quyết về Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội Khóa XV, kịp thời phát hiện các quy định qua thi hành có phát sinh vướng mắc, cản trở, mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập để sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật, báo cáo Quốc hội kết quả rà soát tại Kỳ họp thứ Sáu (tháng 10.2023). Đồng thời, nâng cao hiệu quả, chất lượng, tăng cường công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật gắn với theo dõi, đôn đốc, kiểm tra trách nhiệm tổ chức thi hành pháp luật của các Bộ, ngành, địa phương. Hoàn thiện cơ sở pháp lý về xử lý trách nhiệm và xử lý nghiêm, kịp thời tổ chức, cá nhân để xảy ra sai phạm trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Thứnăm, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hợp lý đi đôi với tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát; khắc phục kịp thời, hiệu quả tình trạng đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, công chức, xử lý nghiêm các vi phạm. Tăng cường cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính, kiểm soát chặt chẽ việc ban hành thông tư, văn bản hướng dẫn, không để làm phát sinh thủ tục, “giấy phép con”, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật mới không phù hợp, thiếu tính khả thi; chấm dứt việc sử dụng hình thức văn bản hành chính để đặt ra thủ tục, yêu cầu khác với quy định của pháp luật.
Thứ sáu, tập trung hoàn thành chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, 2024 theo Nghị quyết số 89 của Quốc hội gắn với việc tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm các nhiệm vụ lập pháp còn lại của nhiệm kỳ, các giải pháp, yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động xây dựng pháp luật theo Kết luận số 19 của Bộ Chính trị và Kế hoạch 81 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Đặc biệt, Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh các tháng cuối năm 2023 và năm 2024 rất lớn, nhiều dự án có nội dung phức tạp. Do đó, các cơ quan cần tuân thủ nghiêm túc quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong lập đề nghị và xây dựng các dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết; không đề nghị bổ sung dự án, dự thảo vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh ở thời điểm sát kỳ họp Quốc hội, trừ trường hợp thực sự cần thiết, cấp bách, đã có kết luận của cơ quan có thẩm quyền.
Tập trung thời gian, nguồn lực soạn thảo, bảo đảm chất lượng và sự thống nhất giữa các Bộ, ngành có liên quan trước khi trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quán triệt nghiêm yêu cầu tại Nghị quyết số 27 của Đảng “những vấn đề thực tiễn đòi hỏi, đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, có sự thống nhất cao thì kiên quyết thực hiện; những vấn đề chưa rõ, còn nhiều ý kiến khác nhau thì tiếp tục nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, thực hiện thí điểm khi cơ quan có thẩm quyền cho phép; những chủ trương đã thực hiện, nhưng không phù hợp thì nghiên cứu điều chỉnh, sửa đổi kịp thời”.
Bên cạnh đó, cần khẩn trương rà soát, kiến nghị bổ sung nhiệm vụ lập pháp để kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, tiếp tục hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam như các thể chế cho chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng công bằng, thuế tối thiểu toàn cầu...; chú trọng thể chế hóa và triển khai thực hiện hiệu quả chủ trương của Đảng về chống tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật; không để xảy ra tình trạng “tham nhũng chính sách”, “lợi ích nhóm”, “lợi ích cục bộ” trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Thứ bảy, tiếp tục nâng cao tính chủ động, trách nhiệm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội trong việc theo dõi, đôn đốc và giám sát Chính phủ, các cơ quan, tổ chức hữu quan tổ chức triển khai các luật, nghị quyết của Quốc hội; chú trọng giám sát việc ban hành văn bản quy định chi tiết, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên; chủ động theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các kết luận, nghị quyết giám sát, chất vấn của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, kiến nghị giám sát của các cơ quan của Quốc hội về việc thực hiện các luật, nghị quyết trong các lĩnh vực cụ thể.
Tăng cường phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo xây dựng, thực hiện kế hoạch ban hành văn bản quy định chi tiết để bảo đảm các văn bản này được ban hành đầy đủ, kịp thời và có hiệu lực cùng với luật, nghị quyết. Chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan trong quá trình soạn thảo, thẩm tra, chỉnh lý dự án luật, nghị quyết; kiểm soát việc thực hiện nghiêm yêu cầu “dự thảo văn bản quy định chi tiết phải được chuẩn bị và trình đồng thời với dự án luật, pháp lệnh”.
Thứtám, các Đoàn đại biểu Quốc hội và các đại biểu Quốc hội tiếp tục đẩy mạnh giám sát công tác thi hành pháp luật, triển khai các luật, nghị quyết của Quốc hội tại địa phương; quan tâm giám sát việc ban hành và tổ chức thực hiện văn bản quy định chi tiết thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội; đồng thời, tiếp tục dành thời gian thỏa đáng để nghiên cứu, tham vấn ý kiến của các cơ quan, tổ chức ở địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học và cử tri để tham gia đóng góp ý kiến có chất lượng, đề xuất giải pháp thiết thực trong quá trình xây dựng, hoàn thiện và thực thi các luật, nghị quyết của Quốc hội. MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận tiếp tục tăng cường và thực hiện hiệu quả hoạt động giám sát và phản biện xã hội; nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế để phát huy hơn nữa vai trò giám sát của Nhân dân đối với công tác xây dựng, ban hành và thực thi văn bản quy phạm pháp luật.
Thứchín, HĐND và UBND các cấp, đặc biệt là tại các địa phương thực hiện thí điểm theo các nghị quyết của Quốc hội tiếp tục nâng cao tính chủ động, trách nhiệm và sáng tạo, linh hoạt trong tổ chức thực hiện quy định pháp luật ở địa phương; huy động sự vào cuộc của các cơ quan, ban ngành, sự ủng hộ và đồng hành của các tầng lớp Nhân dân ở địa phương, phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành ở trung ương; đề ra lộ trình, giải pháp triển khai phù hợp, ban hành kịp thời các đề án, quy định, thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ của chính quyền địa phương trong triển khai nghị quyết của Quốc hội; đồng thời phát hiện sớm những bất cập trong quá trình thực hiện ngay từ cấp cơ sở để kiến nghị sửa đổi cho phù hợp, tháo gỡ vướng mắc, khơi thông những nút thắt thể chế để thúc đẩy phát triển, phát huy ý nghĩa, tác dụng thiết thực của các chính sách do Quốc hội ban hành.
Trên cơ sở kết quả của Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Chính phủ, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước, chính quyền địa phương, các cơ quan, tổ chức hữu quan nghiên cứu, tổ chức các hội nghị hoặc hình thức phù hợp nhằm quán triệt, triển khai nội dung cụ thể của các luật, nghị quyết do Quốc hội ban hành thuộc trách nhiệm triển khai hoặc có liên quan trực tiếp tới cơ quan, tổ chức, địa phương mình. HĐND các cấp nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm để tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm bảo đảm quán triệt đầy đủ, đôn đốc và giám sát nghiêm túc việc triển khai các nghị quyết của mình.
Tổng Thư ký Quốc hội phối hợp với Thường trực Ủy ban Pháp luật và các cơ quan tổng kết, thống nhất nội dung, phương pháp tổ chức, cách thức tiến hành Hội nghị triển khai luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua tại các kỳ họp, góp phần tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả theo Nghị quyết của Đảng.
Quán triệt nguyên tắc tại Nghị quyết 27 “quyền lực nhà nước là thống nhất, được phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ, kiểm soát hiệu quả”, Chủ tịch Quốc hội tin tưởng, với sự đồng hành rất trách nhiệm, chủ động, hiệu quả và giám sát chặt chẽ của Quốc hội, cùng với năng lực và quyết tâm tổ chức thi hành pháp luật một cách nghiêm túc, sáng tạo của Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, như được thể hiện rõ nét qua thành công của Hội nghị lần này, sẽ là cơ sở quan trọng để thực hiện “quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả”, góp phần để công tác triển khai luật, nghị quyết sẽ có những chuyển biến rõ nét, đạt nhiều kết quả tốt đẹp hơn trong thời gian, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước, sự kỳ vọng và tin tưởng của các đại biểu Quốc hội, cử tri và Nhân dân cả nước.
Trước đó, trong phiên làm việc buổi chiều, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, hội nghị tiếp tục nghe tham luận về tình hình, kết quả thực hiện Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 và triển khai Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh các tháng cuối năm 2023 và năm 2024 thuộc lĩnh vực Bộ Tài chính; việc triển khai Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Nghị quyết số 80/2023/QH15 về việc tiếp tục thực hiện một số chính sách trong phòng, chống dịch Covid - 19 và sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 1.1.2023 đến ngày 31.12.2024; công tác chuẩn bị triển khai Nghị quyết 99/2023/QH15 của Quốc hội giám sát chuyên đề về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid - 19, việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng; tình hình tổ chức triển khai và chuẩn bị tổ chức triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội thuộc lĩnh vực Bộ kế hoạch và đầu tư; kết quả chủ yếu và những bài học kinh nghiệm trong triển khai thực hiện quy định trong các nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh; công tác chuẩn bị triển khai Nghị quyết 98/2023/QH15của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh; tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết 45/2022/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ, kết quả đạt được, vấn đề có khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị; yêu cầu và những nội dung chủ yếu trongcông tác triển khai Nghị quyết số 96/2023/QH15 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn...
Hội nghị cũng tập trung thảo luận, đề xuất các biện pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả, hiệu lực công tác tổ chức thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội Khoá XV và các giải pháp thực hiện nhiệm vụ lập pháp năm 2023 và thời gian tới.
Phạm Thuý/Đại biểu Nhân dân