Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ làm việc với Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng

(Mặt trận) - Sáng 22/4, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã làm việc với Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng.

Trang trọng Lễ dâng hương dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên, tỉnh Phú Thọ

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Chiến thắng Điện Biên Phủ mãi mãi là bản anh hùng ca bất diệt, “một dấu mốc bằng vàng chói lọi”

Gặp mặt, tri ân chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ: Không bao giờ quên những người làm nên “cột mốc vàng” của lịch sử

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc 

Cùng dự cuộc làm việc có: Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thư ký Quốc hội – Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Nguyễn Đắc Vinh; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Phạm Tất Thắng…

Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ được giao phụ trách: 2 lĩnh vực gồm văn hóa – thông tin (văn hóa, thể thao, du lịch, thông tin – truyền thông, xuất bản, tín ngưỡng – tôn giáo) và giáo dục – đào tạo (giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học và sau đại học); 2 đối tượng chính là thanh niên và trẻ em; 12 ngành và các dự án khác do Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao. Với 46 thành viên trong nhiệm kỳ Khóa XIV, trong đó có 23 đại biểu nữ, Ủy ban được cơ cấu thành 4 Tiểu ban: Văn hóa, thông tin và tôn giáo; Giáo dục đại học và dạy nghề; Giáo dục phổ thông và trẻ em; Thanh niên, Thể thao và Du lịch.

Với phạm vi hoạt động rất rộng, phụ trách nhiều lĩnh vực phức tạp và chuyên sâu như vậy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Phạm Tất Thắng cho biết, khối lượng công việc triển khai trong nhiệm kỳ rất lớn, yêu cầu cao về chất lượng và đòi hỏi gấp về tiến độ, trong khi điều kiện, tổ chức bộ máy còn khiêm tốn. Tuy nhiên, với quyết tâm chính trị cao, Ủy ban đã tổ chức triển khai hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật với nhiều kết quả nổi bật, góp phần vào hoàn thành nhiệm vụ chung của Quốc hội Khóa XIV.

Trong đó, về lập pháp, Ủy ban đã chủ trì thẩm tra, trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua 7 dự án luật, 1 dự thảo nghị quyết; phối hợp trình Quốc hội thông qua 1 dự thảo nghị quyết; chủ trì thẩm tra trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến 2 dự thảo nghị định. Về giám sát, Ủy ban đã tổ chức 9 đoàn giám sát tổng hợp các lĩnh vực phụ trách theo địa bàn, khu vực và đặc trưng vùng miền; tổ chức 21 đoàn giám sát chuyên đề để phục vụ công tác xây dựng luật, thực thi pháp luật và vấn đề được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm; phối hợp giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội triển khai giám sát tối cao 1 chuyên đề; tổ chức 3 phiên giải trình. Về tham gia quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, Ủy ban đã chủ trì xây dựng 2 báo cáo chuyên đề về các nội dung văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng; nêu quan điểm về nhiều vấn đề quan trọng khác như: Lùi thời điểm triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới; việc biên soạn sách giáo khoa theo phương thức xã hội hóa; tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh đại học, cao đẳng; thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên nhà giáo…

Để chuẩn bị cho nhiệm kỳ Khóa XV, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội dựa trên tiêu chí, tiêu chuẩn chuyên môn để phân bổ các đại biểu về các Ủy ban, trong đó có tham vấn ý kiến của Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban. Thường trực Ủy ban phải là người có uy tín, bản lĩnh, hiểu biết rộng, giàu kinh nghiệm thực tiễn nhưng phải am hiểu chuyên môn sâu để có thể hoàn thành tốt công việc trong lĩnh vực được phân công phụ trách. Quan tâm đến tính chuyên sâu của đại biểu Quốc hội. Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy cơ quan giúp việc cho Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội bảo đảm tính chuyên sâu, chuyên nghiệp, đáp ứng tốt yêu cầu về khối lượng và tiến độ công việc, đặc biệt là trong tham mưu, tổ chức phục vụ các hoạt động chuyên môn của Quốc hội.

Quang cảnh cuộc làm việc

Phát biểu tại cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ghi nhận, tuy lĩnh vực phụ trách rất rộng, rất khó nhưng Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ đã có những đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của Quốc hội Khóa XIV. Đặc biệt, trong lĩnh vực lập pháp, Ủy ban đã chủ trì thẩm tra, giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, chỉnh lý để trình Quốc hội thông qua 7 luật về những lĩnh vực hết sức quan trọng như: Giáo dục, giáo dục đại học, tín ngưỡng, tôn giáo, du lịch, thanh niên… Cùng với đó, các hoạt động hội thảo, hội nghị, nghiên cứu khoa học, làm việc với các bộ, ngành được tiến hành thường xuyên, bài bản, có hiệu quả. Thường trực Ủy ban đã phát huy tinh thần đoàn kết, phối hợp nhuần nhuyễn trong việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ.

Nêu rõ văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là động lực, vừa là mục tiêu phát triển, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh cần hiểu sâu sắc và đầy đủ về vai trò, vị trí của văn hoá trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và trong việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của Uỷ ban. Do đó, ngoài việc củng cố quy chế hoạt động, tổ chức của Uỷ ban, cần quan tâm xây dựng, phát triển các thành viên, chuyên viên giúp việc giỏi một lĩnh vực nhưng biết nhiều việc, phối hợp chặt chẽ với nhau và có sự tham gia tích cực của các chuyên gia.

Nêu một số nội dung trọng tâm đối với Ủy ban trong thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Thường trực Ủy ban cần chủ động xây dựng đề án về nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của Ủy ban, bám sát vào hai Nghị quyết hết sức quan trọng là: Nghị quyết về công tác nhiệm kỳ 2016 – 2021 của các cơ quan Nhà nước đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Mười một, Quốc hội Khóa XIV, trong đó, có 8 nội dung, nhiệm vụ trọng tâm của Quốc hội và Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nhấn rất mạnh đến yếu tố văn hóa, con người; coi văn hóa và con người là nguồn lực, động lực nội sinh để phát triển đất nước; giáo dục, đào tạo là một trong các đột phá chiến lược… Nghị quyết cũng đánh giá sâu sắc, cụ thể những tồn tại, hạn chế trong từng lĩnh vực, từ đó, xác định rất rõ các định hướng và nhiệm vụ chủ yếu trong thời gian tới. Ví dụ, trong lĩnh vực văn hóa, Nghị quyết đánh giá: văn hóa chưa được quan tâm tương xứng với kinh tế và chính trị, chưa thực sự trở thành nguồn lực, động lực nội sinh của sự phát triển đất nước; văn hóa xã hội chưa có nhiều đột phá, hiệu quả chưa cao; công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý văn hóa còn nhiều lúng túng; chậm trễ trong thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng; kế hoạch hành động, phát triển công nghiệp văn hóa chưa rõ nét… Nguyên nhân của những tồn tại này là gì? Trách nhiệm của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội như thế nào? Với vai trò của mình, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội cần làm gì để thực hiện Nghị quyết của Đảng?

Chủ tịch Quốc hội ghi nhận kiến nghị của Thường trực Ủy ban về việc trình sáng kiến lập pháp, có bộ phận chuyên môn giúp cơ quan của Quốc hội trong thực hiện sáng kiến lập pháp và siết chặt kỷ luật, kỷ cương lập pháp. Đồng thời nêu rõ, kỷ luật, kỷ cương lập pháp không thể nói chung chung mà Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ đều phải siết chặt vấn đề này, phối hợp chặt chẽ với nhau vì mục tiêu chung là kiến tạo sự phát triển.

Trong lĩnh vực giám sát, do lĩnh vực phụ trách của Ủy ban rất rộng, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, phải chọn đúng, trúng vấn đề trên tinh thần điểm trúng “huyệt” thì sẽ tạo tác động lan tỏa để thúc đẩy sự phát triển chung. Giám sát của Ủy ban phải đi vào những vấn đề cụ thể, làm rõ được trách nhiệm của cá nhân, tổ chức có liên quan. Bên cạnh đó, cũng cần lưu ý chống lạm quyền trong hoạt động giám sát.