Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ làm việc với Thường trực Ủy ban Tư pháp

(Mặt trận) - Sáng 19/4, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã làm việc với Thường trực Ủy ban Tư pháp.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự và phát biểu tại Hội nghị quốc tế các đảng chính trị châu Á

Tổng Bí thư Tô Lâm hội kiến Chủ tịch Hạ viện Malaysia

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Vương quốc Campuchia

 Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc

Cùng dự cuộc làm việc có: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định; Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thư ký Quốc hội – Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga; Phó trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Tuấn Anh; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Phạm Thúy Chinh…

Đây là cuộc làm việc đầu tiên của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Lãnh đạo Quốc hội với cơ quan của Quốc hội sau khi được kiện toàn tại Kỳ họp thứ Mười một, Quốc hội Khóa XIV nhằm tiếp tục lắng nghe ý kiến, đề xuất của các cơ quan của Quốc hội về đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội và chuẩn bị cho việc xây dựng Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Báo cáo tại cuộc làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường cho biết, đầu nhiệm kỳ Khóa XIV, Ủy ban Tư pháp có 40 thành viên công tác tại nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau. Nhìn chung, chất lượng thành viên và bộ máy giúp việc của Ủy ban Tư pháp nhiệm kỳ Khóa XIV tiếp tục được bảo đảm, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Ủy ban đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực thực hiện thắng lợi chức năng, nhiệm vụ thuộc lĩnh vực phụ trách; góp phần nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả, tính đúng đắn và tuân thủ pháp luật trong hoạt động của các cơ quan tư pháp, các cơ quan hữu quan, tạo sự chuyển biến tích cực trong các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, bổ trợ tư pháp, công tác phòng, chống tham nhũng, góp phần bảo đảm mục tiêu cải cách tư pháp ở nước ta, cụ thể là: xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, hoạt động của Ủy ban cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc do số lượng Thường trực Ủy ban còn thiếu so với cơ cấu.

Từ thực tiễn thẩm tra, giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, chỉnh lý các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết trong lĩnh vực hình sự, tố tụng hình sự, về tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, thi hành án, bổ trợ tư pháp, về tổ chức hoạt động của cơ quan tư pháp và phòng chống tham nhũng; giám sát việc thực hiện luật, pháp lệnh, nghị quyết…, Ủy ban Tư pháp đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu hoàn thiện quy trình lập pháp; đặc biệt, cần thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương lập pháp, chỉ đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hàng năm của Quốc hội những dự án thực sự cần thiết, đòi hỏi khách quan từ thực tiễn, bảo đảm chất lượng, đúng thời hạn quy định. Trong hoạt động giám sát, Ủy ban Tư pháp đề nghị tiếp tục tăng cường tính công khai minh bạch trong hoạt động của cơ quan tư pháp.

Tại cuộc làm việc, các đại biểu đã phân tích, làm rõ những vấn đề đang đặt ra đối với hoạt động của Ủy ban; đồng thời nêu một số kiến nghị cụ thể liên quan đến: vấn đề tổ chức, cơ cấu Ủy ban; về đổi mới tư duy lập pháp; giám sát lĩnh vực tư pháp, trong đó có giám sát các vụ án cụ thể, giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật; cơ chế huy động chuyên gia tham gia các hoạt động của Ủy ban, nhất là việc tham gia, đóng góp ý kiến để Ủy ban thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý các dự án luật, đề án đòi hỏi tính chuyên sâu rất cao thuộc lĩnh vực phụ trách; tạo điều kiện để các đại biểu Quốc hội có thể thực hiện được quyền trình sáng kiến lập pháp...

 Quang cảnh buổi làm việc

Phát biểu tại cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến đóng góp tâm huyết, trách nhiệm, đa dạng của các thành viên Thường trực Ủy ban Tư pháp. Từ thực tiễn hai khóa tham gia Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ, Ủy ban Tư pháp có vai trò nòng cốt trong hoạt động của Quốc hội, phụ trách các lĩnh vực tư pháp, nhiều mảng việc khó, từ việc thẩm tra, tiếp thu chỉnh lý các dự án luật thuộc lĩnh vực tư pháp, giám sát hoạt động của các cơ quan tư pháp đến phòng, chống tham nhũng, giải quyết khiếu nại tố cáo, thi hành án... Chủ tịch Quốc hội ghi nhận, Ủy ban Tư pháp Khóa XIV đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; đồng thời, mong muốn Ủy ban tiếp tục phát huy tinh thần này trong thời gian tới.

Nêu một số vấn đề cần lưu ý, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Thường trực Ủy ban Tư pháp rà soát lại quy chế làm việc, chương trình công tác của Ủy ban trong năm 2021 cho phù hợp với các yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra cũng như các quy định mới của Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi) năm 2020; cũng cần nghiên cứu để có mô hình thống nhất giữa các cơ quan của Quốc hội về việc thành lập các Tiểu ban hay Nhóm công tác về thành phần, tính pháp lý, địa vị pháp lý...

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, chất lượng và hiệu quả hoạt động của Quốc hội phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó được đo lường bằng chất lượng và hiệu quả hoạt động của các Ủy ban; đồng thời đề nghị Ủy ban Tư pháp nghiên cứu, xây dựng một đề án về việc tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Ủy ban, phù hợp với tính chất đặc thù trong lĩnh vực hoạt động. Trên tinh thần mỗi cơ quan của Quốc hội sẽ có một đề án riêng nằm trong chương trình hành động chung của Đảng đoàn Quốc hội thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Cùng với đó, Ủy ban Tư pháp cần sẵn sàng tâm thế cho việc tham gia cùng với Đảng đoàn Quốc hội xây dựng dự thảo Nghị quyết để trình Ban Chấp hành Trung ương về việc tiếp tục hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; tiếp tục nghiên cứu, làm đầu mối giúp Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đảng đoàn Quốc hội tăng cường phối hợp để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phối hợp giữa Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đảng đoàn Quốc hội với các cơ quan tư pháp.