Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ làm việc với Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách

(Mặt trận) - Chiều 22/4, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã làm việc với Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách.

Phát biểu khai mạc của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII

Ngày làm việc thứ nhất của Hội nghị Trung ương khóa XIII

Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII: Tập trung vào 3 nhóm vấn đề

 Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc với Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách

Cùng dự cuộc làm việc có: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách.

Trong nhiệm kỳ Khóa XIV, Ủy ban Tài chính – Ngân sách cơ cấu thành 4 Tiểu ban: Tổng hợp dự toán ngân sách và phối hợp chính sách; Đầu tư công; Chính sách thu ngân sách và thị trường tài chính; Quyết toán và kiểm toán. Việc phân chia thành các Tiểu ban đã tạo sự chủ động và chuyên sâu theo từng lĩnh vực, phát huy năng lực cá nhân, trí tuệ tập thể do tính chất đặc thù phải thẩm tra nhiều báo cáo có nội dung tổng hợp, phức tạp liên quan đến tài chính, ngân sách.

Trong lĩnh vực xây dựng pháp luật, quyết định các vấn đề quan trọng về tài chính, ngân sách nhà nước, mặc dù chịu áp lực về thời gian, tiến độ và khối lượng công việc nhưng với sự chủ động, Ủy ban đã hoàn thành có chất lượng và kịp thời các nhiệm vụ được giao. Các báo cáo thẩm tra của Ủy ban thể hiện rõ chính kiến, mang tính phản biện cao, có cơ sở khoa học và thực tiễn, đồng thời đề xuất các phương án hoàn thiện, tạo điều kiện thuận lợi giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đại biểu Quốc hội nghiên cứu, xem xét, quyết định. Công tác xây dựng pháp luật luôn được Ủy ban xác định là nhiệm vụ trọng tâm nhằm tạo cơ sở pháp lý đồng bộ cho việc đổi mới, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính, ngân sách nhà nước. Ủy ban đã chủ trì thẩm tra, giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, chỉnh lý trình Quốc hội thông qua nhiều đạo luật quan trọng, phức tạp, góp phần hoàn thiện hệ thống chính sách tài chính theo Hiến pháp năm 2013, tăng cường quản lý chặt chẽ thu, chi ngân sách nhà nước, sử dụng có hiệu qủa nguồn lực tài chính công, tài sản công, bảo đảm an ninh tài chính quốc gia như:  Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Quản lý nợ công (sửa đổi); Luật Đầu tư công (sửa đổi)…

Ủy ban cũng tham mưu giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét, quyết định nhiều vấn đề quan trọng thuộc lĩnh vực phụ trách, tạo cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện các định hướng lớn của Đảng về phát triển kinh tế - xã hội, đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại tài chính, ngân sách nhà nước, bảo đảm an ninh tài chính quốc gia, nổi bật là việc thẩm tra, giúp Quốc hội quyết định kế hoạch tài chính quốc gia 5 năm, kế hoạch đầu tư công trung hạn…

Tại cuộc làm việc, các thành viên Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách cũng chỉ rõ một số tồn tại trong hoạt động như: công tác thẩm tra về dự toán, quyết toán ngân sách nhà nước còn chưa kiên quyết kiến nghị các cơ quan liên quan phản ánh đầy đủ, chi tiết các cơ sở, căn cứ tính toán, phân bổ tại các biểu mẫu để bảo đảm tính công khai, minh bạch. Chưa kiên quyết phê bình hoặc hoãn phiên họp thẩm tra trong trường hợp gửi tài liệu chậm, muộn, hồ sơ trình chưa đầy đủ các nội dung theo quy định của pháp luật… Giám sát việc ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật; giám sát việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát của Ủy ban cũng còn hạn chế… do khối lượng công việc nhiều, phức tạp trong khi lực lượng Thường trực Ủy ban còn mỏng.

Theo các đại biểu, cần đẩy mạnh hơn nữa việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của Quốc hội, đặc biệt là việc liên thông, kết nối các thông tin liên quan đến ngân sách nhà nước, đầu tư công, kiểm toán nhà nước để bảo đảm thực hiện tốt hơn công tác thẩm tra, giám sát các vấn đề thuộc lĩnh vực tài chính, ngân sách. Nhiều ý kiến nhấn mạnh việc phát huy vai trò, thẩm quyền của các cơ quan của Quốc hội, nhất là trong việc trình sáng kiến lập pháp, giám sát để chủ động xử lý, yêu cầu Chính phủ xử lý các vấn đề phát sinh trong thực tiễn; đẩy mạnh việc tổ chức các phiên giải trình tại các Ủy ban của Quốc hội…

Quang cảnh cuộc làm việc

Phát biểu tại cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, kết quả hoạt động của Ủy ban Tài chính, Ngân sách trong nhiệm kỳ Khóa XIV đã đóng góp quan trọng giúp Quốc hội, Chính phủ xử lý được nhiều vấn đề khó, phức tạp, thậm chí có những vấn đề trước đó nhiều năm không xử lý được, từ đó nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài chính, ngân sách như: xử lý được áp lực rất lớn về nợ công, thống nhất đầu mối quản lý nợ công, sửa đổi các luật thuế, quyết định kế hoạch tài chính quốc gia 5 năm, kế hoạch đầu tư công trung hạn… Các báo cáo thẩm tra của Ủy ban thể hiện rõ quan điểm, chính kiến, là cơ sở quan trọng để Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đại biểu Quốc hội nghiên cứu, xem xét, quyết định các vấn đề trong lĩnh vực tài chính, ngân sách.

Ghi nhận các kiến nghị của Thường trực Ủy ban và các ý kiến tại cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Ủy ban Tài chính – Ngân sách phải thực hiện đúng các quy định về chức năng, nhiệm vụ đã được Luật Tổ chức Quốc hội quy định. Trên cơ sở nghiên cứu, cụ thể hóa 8 nội dung trọng tâm đối với Quốc hội đã được nêu tại Nghị quyết về tổng kết nhiệm kỳ của các cơ quan nhà nước, Ủy ban cần chủ động xây dựng đề án về tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Ủy ban để cùng với Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban tiếp tục duy trì và phát huy những thành quả to lớn của Quốc hội.

Về xây dựng pháp luật, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng yêu cầu tiếp tục hoàn thiện thể chế, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa với 3 cấu phần quan trọng về: tổ chức bộ máy Nhà nước; xây dựng chiến lược hoàn thiện hệ thống pháp luật với tầm nhìn dài hạn và cải cách tư pháp. Do đó, Ủy ban Tài chính – Ngân sách cần phát huy vai trò chủ động trong việc rà soát hệ thống pháp luật thuộc lĩnh vực phụ trách, kịp thời phát hiện các vấn đề bất cập, phát huy quyền trình sáng kiến lập pháp cũng như vai trò dẫn dắt trong quá trình xây dựng pháp luật. Tăng cường sự phối hợp với các cơ quan của Quốc hội, nhất là trong quá trình thẩm tra các dự án luật và dự toán phân bổ ngân sách. Với Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ, bên cạnh việc thẩm tra các báo cáo theo luật định, nên có cơ chế phối hợp chặt chẽ hơn thông qua việc tổ chức các cuộc họp định kỳ để xem xét, tháo gỡ các vấn đề tồn đọng.