Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ làm việc với Thường trực Hội đồng Dân tộc

(Mặt trận) - Sáng 20/4, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã làm việc với Thường trực Hội đồng Dân tộc.

Tổng Bí thư Tô Lâm trao Huân chương Hồ Chí Minh tặng đồng chí Đinh Thế Huynh

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân dịp Tết Nguyên đán

Tổng Bí thư Tô Lâm thăm, làm việc tại Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc với Thường trực Hội đồng Dân tộc 

Cùng dự cuộc làm việc có: Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thư ký Quốc hội – Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Ủy viên Trung ương Đảng; Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh; Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến…

Hội đồng Dân tộc nhiệm kỳ Khóa XIV có 47 thành viên, là đại biểu Quốc hội của 32/63 tỉnh, thành phố trong cả nước, đại diện của 29/33 dân tộc tham gia Quốc hội Khóa XIV. Trong đó, có 15 đại biểu hoạt động chuyên trách (9 thành viên Thường trực Hội đồng Dân tộc, 6 Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh) và 32 đại biểu kiêm nhiệm. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến cho biết, về cơ cấu, Hội đồng Dân tộc có “5 cái nhất”: đại biểu công tác ở cơ sở nhiều nhất; đại biểu nữ nhiều nhất; đại biểu trẻ, quần chúng nhiều nhất; đại biểu kiêm nhiệm, tham gia Quốc hội lần đầu nhiều nhất; đại biểu “gánh” nhiều cơ cấu nhất.

Mặc dù vậy, từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIV đến nay, Hội đồng Dân tộc đã hoàn thành khối lượng công việc rất lớn. Trong lĩnh vực lập pháp, Hội đồng Dân tộc đã tham gia thẩm tra và cho ý kiến 60 dự án luật. Từ kiến nghị của Hội đồng Dân tộc, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2020 đã luật hóa trách nhiệm của Hội đồng Dân tộc trong việc tham gia thẩm tra dự án, dự thảo do Ủy ban của Quốc hội chủ trì thẩm tra, là cơ sở pháp lý để Hội đồng Dân tộc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp, nghiên cứu, tham mưu để giúp Quốc hội quyết định chính sách dân tộc của nhà nước.

Toàn cảnh buổi làm việc 

Trong hoạt động giám sát, khảo sát và giải trình, Hội đồng Dân tộc đã tiến hành 6 cuộc giám sát chuyên đề, 4 cuộc khảo sát; chủ trì, giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành 1 giám sát chuyên đề; lựa chọn những vấn đề quan trọng, nổi cộm, bức xúc để tổ chức hai phiên giải trình. Trên cơ sở kết quả từ các hoạt động này, Hội đồng Dân tộc đã có 112 kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền; nhiều kiến nghị đã được Quốc hội đưa vào Nghị quyết, được Chính phủ, Thủ tướng và các bộ, ngành nghiên cứu, tiếp thu.

Một dấu ấn đặc biệt quan trọng trong nhiệm kỳ này là, từ kiến nghị của Hội đồng Dân tộc, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 74/2018/QH14 ngày 20.11.2018 giao Chính phủ xây dựng đề án tổng thể đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn. Một năm sau đó, ngày 18.11.2019, Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 đã được trình Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 88/2019/QH14. Tiếp đó, ngày 19.6.2020, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 120/2020/QH14 phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030.

Nêu một số hạn chế trong hoạt động nhiệm kỳ này, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến cho biết: kết quả tham gia phối hợp thẩm tra một số báo cáo, dự án luật chất lượng chưa cao; hoạt động giám sát đối với lĩnh vực xã hội, giám sát văn bản quy phạm pháp luật còn ít; việc theo dõi, đôn đốc thực hiện kiến nghị sau giám sát chưa triệt để; việc giải quyết các kiến nghị sau giám sát của một số cơ quan, tổ chức, cá nhân chưa kịp thời nhưng chưa có chế tài xử lý triệt để.

Hội đồng Dân tộc kiến nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Đảng đoàn Quốc hội nghiên cứu, ban hành luật về lĩnh vực dân tộc để thể chế hóa một cách đầy đủ, toàn diện, thống nhất các chủ trương của Đảng, các quy định của Hiến pháp về lĩnh vực dân tộc, công tác dân tộc. Kiến nghị Quốc hội Khóa XV ban hành Nghị quyết giao Chính phủ  xây dựng, ban hành tiêu chí phân định vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển và tiêu chí xác định các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù. Với Chính phủ và các bộ, ngành liên quan, cần sớm có văn bản hướng dẫn về nguyên tắc lồng ghép vấn đề dân tộc trong xây dựng các dự án luật, pháp lệnh; tiếp tục rà soát tổng thể các chính sách đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi trong các luật, văn bản dưới luật, các chương trình, mục tiêu đề án… để kịp thời sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, khả thi của hệ thống chính sách, pháp luật đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Sau khi nghe các ý kiến, kiến nghị, phát biểu tại cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao hoạt động của Hội đồng Dân tộc trong nhiệm kỳ Khóa XIV; khẳng định, trong thành công chung của Quốc hội Khóa XIV có sự đóng góp hết sức quan trọng của Hội đồng Dân tộc, đặc biệt là đóng góp trong việc tham mưu, chủ trì thẩm tra, giúp Quốc hội ban hành 2 Nghị quyết riêng về lĩnh vực dân tộc. “Đây là hai Nghị quyết mang tính lịch sử, dấu ấn riêng của Quốc hội Khóa XIV”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Ghi nhận các kiến nghị, đề xuất của Thường trực Hội đồng Dân tộc đều có tính hợp lý và là những vấn đề hiện nay Lãnh đạo Quốc hội, Đảng đoàn Quốc hội đang nghiên cứu, tập trung chỉ đạo, Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, cần tiếp tục quán triệt sâu sắc hơn nữa vị trí, vai trò của Hội đồng Dân tộc trong hoạt động của Quốc hội nói chung và các cơ quan của Quốc hội nói riêng. Trong khi các Ủy ban được tổ chức theo lĩnh vực hoạt động thì Hội đồng Dân tộc có tính đặc thù, tổ chức theo đối tượng nên phạm vi hoạt động bao phủ ở hầu hết các lĩnh vực. Điều này đòi hỏi Hội đồng Dân tộc phải có mối quan hệ rất chặt chẽ, sâu sắc với các cơ quan của Quốc hội trong thực hiện nhiệm vụ.

Về một số nhiệm vụ cần tập trung trong thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Hội đồng Dân tộc rà soát chức năng, nhiệm vụ, quy chế làm việc, chương trình công tác từ nay đến hết nhiệm kỳ Khóa XIV; chủ động nghiên cứu việc xây dựng Đề án về đổi mới, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của Hội đồng Dân tộc để góp phần tiếp tục đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động chung của Quốc hội.  

Đối với đề xuất xây dựng Luật Dân tộc, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, các cơ quan của Quốc hội đều có quyền trình sáng kiến lập pháp nên Hội đồng Dân tộc có thể chủ động đề xuất với Quốc hội xây dựng dự án Luật Dân tộc theo đúng quy trình. Bên cạnh đó, Hội đồng Dân tộc cũng cần chủ động rà soát tổng thể việc thực hiện chính sách đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi trong các luật, văn bản dưới luật, các chương trình, mục tiêu đề án để từ đó yêu cầu Chính phủ hoặc kiến nghị Quốc hội sửa đổi, hoàn thiện.

Về hoạt động giám sát, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Hội đồng Dân tộc chủ động nghiên cứu, xây dựng chương trình giám sát trong lĩnh vực dân tộc trong nhiệm kỳ tới. Cần chọn đúng, trúng nội dung giám sát, trong đó, kiến nghị rõ nội dung giám sát do Hội đồng Dân tộc tiến hành, nội dung do Ủy ban Thường vụ Quốc hội, do Quốc hội tiến hành. Làm rõ phạm vi giám sát, gắn được trách nhiệm giải trình, chỉ ra trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan thì giám sát sẽ có hiệu lực.