Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì triển khai chuyên đề xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật

(Mặt trận) -Sáng 31/8, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng đoàn Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chủ trì phiên họp thứ nhất của Tiểu ban xây dựng chuyên đề “Chiến lược xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam” (Tiểu ban số 1).

Phát biểu khai mạc của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII

Ngày làm việc thứ nhất của Hội nghị Trung ương khóa XIII

Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII: Tập trung vào 3 nhóm vấn đề

Ảnh: Lâm Hiển 

Cùng dự có các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà… và đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước, Ban Nội chính Trung ương, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao...

Tiểu ban số 1 có 23 thành viên, do Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ làm Trưởng Tiểu ban, trực tiếp chủ trì, chịu trách nhiệm trước Đảng đoàn Quốc hội; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định làm Phó trưởng Tiểu ban Thường trực; Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh làm Phó Trưởng Tiểu ban. Tiểu ban có nhiệm vụ triển khai xây dựng chuyên đề số 09 - một trong 4 chuyên đề thuộc Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” được Ban Chỉ đạo Trung ương phân công Đảng đoàn Quốc hội chủ trì nghiên cứu, xây dựng.

Tại cuộc làm việc, các thành viên Tiểu ban đã thảo luận, xác định kế hoạch, tiến độ, các nội dung cụ thể; cách thức triển khai xây dựng chuyên đề; phân công nhiệm vụ, trách nhiệm của từng thành viên Tiểu ban và thành lập Tổ biên tập.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì Phiên họp 

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao sự chuẩn bị của Ủy ban Pháp luật – cơ quan thường trực của Tiểu ban – trong việc xây dựng các dự thảo kế hoạch, dự thảo đề cương... báo cáo tại cuộc họp. Các thành viên Tiểu ban đã đóng góp nhiều ý kiến chất lượng và gợi mở rất nhiều vấn đề quan trọng nhằm bảo đảm chất lượng và tiến độ triển khai xây dựng chuyên đề, bảo đảm các mục tiêu đề ra.

Chủ tịch Quốc hội thống nhất phạm vi tập trung vào chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, có bao hàm nội dung về tổ chức thi hành pháp luật và đánh giá, đề xuất giải pháp tiếp tục hoàn thiện quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đồng thời, lưu ý tính kế thừa trong quá trình xây dựng chuyên đề, tận dụng tối đa kết quả tổng kết thực hiện Nghị quyết 48-NQ/TW về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam, Nghị quyết 49-NQ/TW về chiến lược cải cách tư pháp, cập nhật thêm, làm kỹ, làm rõ hơn các vấn đề đặt ra. Cùng với đó, cần nghiên cứu, kế thừa, phát triển các kinh nghiệm tốt, các giá trị chung mang tính phổ quát của quốc tế về nhà nước pháp quyền cũng như kinh nghiệm của các nước có điều kiện, hoàn cảnh tương đồng với nước ta. 

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã xác định các yêu cầu đối với việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam như: đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, dễ tiếp cận, có tính dự báo, chi phí tuân thủ thấp, lấy quyền và lợi ích hợp pháp của người dân và doanh nghiệm làm trọng tâm, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo… Đặc biệt lần đầu tiên, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã đề cập đến yêu cầu pháp luật phải kiến tạo phát triển, thích ứng nhanh với những chuyển biến nhanh chóng của thực tiễn, từ đó, thúc đẩy đất nước phát triển nhanh, bền vững và hội nhập quốc tế. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đây là những vấn đề rất lớn, cần được thể hiện rõ nét trong quá trình xây dựng chuyên đề. Trên cơ sở này, xác định rõ các vấn đề trọng tâm, trung tâm, khâu đột phá trong hoàn thiện hệ thống pháp luật.

Theo Chủ tịch Quốc hội, lợi thế của nước đi sau, đang trong quá trình chuyển đổi, phát triển là có thể học hỏi được bài học thành công và tránh được những thất bại, các vết xe đổ của những nước đi trước. Tuy nhiên, để có thể phát triển được đòi hỏi chúng ta phải đi nhanh, phải nỗ lực vượt lên trước, có những lĩnh vực phải đi tắt đón đầu. Do đó, việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật phải dự báo được các xu hướng phát triển gắn với bối cảnh trong nước, quốc tế ở tất cả các lĩnh vực.

Trong quá trình xây dựng chuyên đề, Chủ tịch Quốc hội lưu ý Tiểu ban 01 cần phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả với các Tiểu ban khác; tăng cường tổ chức các hội thảo, tọa đàm, lấy ý kiến theo hình thức phù hợp, nhất là các tọa đàm hẹp theo từng nhóm chuyên gia, nhóm vấn đề để thảo luận thật kỹ, thật sâu các nội dung của chuyên đề. Thường trực Tiểu ban hệ thống hóa và cung cấp, cập nhật kịp thời thông tin, tài liệu cho các thành viên, bao gồm cả đề cương, kết quả nghiên cứu của các chuyên đề bộ phận khác để bảo đảm tính thống nhất, tổng thể và hiệu quả của Đề án chung của Trung ương.

Trước đó, báo cáo về một số nội dung dự kiến thực hiện, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, việc nghiên cứu, xây dựng chuyên đề về “Chiến lược xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam” nhằm tiếp tục: củng cố, hoàn thiện lý luận về vị trí, vai trò của hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật trong điều kiện đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; đánh giá thực trạng hệ thống pháp luật và kết quả tổ chức thi hành pháp luật; từ đó, làm cơ sở đề xuất các yêu cầu, định hướng, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể về công tác xây dựng pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, hoàn thiện báo cáo chuyên đề theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương xây dựng Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”. Trong đó, phương hướng đến năm 2030 cần tập trung vào “xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển bền vững về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường; tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc; khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững đất nước”.