Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Chăm lo giáo dục là “chìa khóa” hướng tới tương lai

(Mặt trận) - Sáng 3.9, nhân kỷ niệm 77 năm Quốc khánh (2.9.1945 - 2.9.2022), tại thị trấn Mường Xén, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội, GS.TS Vương Đình Huệ đã về dự Lễ khánh thành, bàn giao công trình Trường THPT Kỳ Sơn và chào mừng năm học mới 2022 – 2023.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn: Củng cố, phát triển quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Cuba ngày càng bền chặt

Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại An Giang

Nội dung chuyên đề của Tổng Bí thư Tô Lâm về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các đại biểu dự Lễ khai giảng Trường THPT Kỳ Sơn. Ảnh: Lâm Hiển 

Cùng dự có các Ủy viên Trung ương Đảng: Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh; Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy; Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An Thái Thanh Quý; Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Vĩnh Long Bùi Văn Nghiêm.

Dành những điều tốt đẹp nhất chăm lo cho sự nghiệp giáo dục

Kỳ Sơn - huyện biên giới, vùng cao, dân tộc thiểu số là một trong những huyện đặc biệt khó khăn nhất của cả nước, với 19/20 xã đặc biệt khó khăn, 11 xã biên giới tiếp giáp với nước bạn Lào và 191 bản, trong đó có 179 bản đặc biệt khó khăn, 56 bản biên giới. Dân số toàn huyện hơn 82 nghìn người, gồm 5 dân tộc là Mông, Khơ Mú, Thái, Kinh và Hoa cùng sinh sống, trong đó hộ nghèo chiếm tỷ lệ 59,36%.

Trường THPT Kỳ Sơn được thành lập năm 1967 là trường THPT duy nhất của huyện Kỳ Sơn với hơn 95% học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số đến từ 21 xã, thị trấn trong huyện. Đường đến trường của các em phải băng rừng, lội suối rất nguy hiểm, nhất là về mùa mưa khi bão lụt, sạt lở đất thường xuyên xảy ra. 

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các đại biểu với học sinh Trường THPT Kỳ Sơn dự Lễ khai giảng. Ảnh: Lâm Hiển 

Tuy còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất nhưng suốt 55 năm qua, với sự quan tâm, chăm lo của cấp ủy, chính quyền các cấp và bà con nhân dân trong vùng, các thế hệ thầy và trò Trường THPT Kỳ Sơn đã phát huy truyền thống đoàn kết, nỗ lực vươn lên, thi đua dạy tốt, học tốt, đạt được nhiều thành tích đáng ghi nhận, trở thành địa chỉ học tập tin cậy của bà con trên địa bàn. Từ mái trường này, nhiều thế hệ học sinh ưu tú các dân tộc H’Mông, Thái, Khơ mú... của huyện miền núi biên giới huyện Kỳ Sơn đã trưởng thành. Năm học 2021 - 2022, dù chịu tác động nặng nề của dịch bệnh Covid-19, nhưng tập thể nhà trường vẫn đạt được nhiều kết quả đáng trân trọng với trên 98% học sinh xếp loại hạnh kiểm khá, tốt; 66% học sinh xếp loại học lực khá, giỏi; 5 học sinh đạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh; trên 98% học sinh thi đỗ tốt nghiệp THPT...

Trường THPT Kỳ Sơn mới được xây dựng trên diện tích 26.000 m2 với tổng mức kinh phí tài trợ xây dựng hơn 210 tỷ đồng do Trungnam Group tài trợ trường gồm 10 toà nhà, trong đó, xây dựng mới hoàn toàn 5 tòa nhà, cải tạo đồng bộ 5 tòa, có 45 phòng học, 40 phòng chức năng và khu nội trú cho học sinh, giáo viên, nhà thi đấu đa chức năng. Với cơ sở vật chất, trang thiết bị được đầu tư đồng bộ, đạt chuẩn quốc gia, trường THPT Kỳ Sơn được đánh giá là trường THPT có quy mô lớn và hiện đại bậc nhất ở khu vực Bắc Trung Bộ.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: Lâm Hiển 

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ xúc động được cùng chia sẻ niềm vui lớn của tập thể thầy và trò trường THPT Kỳ Sơn khi bắt đầu năm học mới trong ngôi trường mới rất khang trang, hiện đại. Thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội gửi tới tập thể cán bộ, giáo viên, các em học sinh những tình cảm thân thiết và lời chúc mừng tốt đẹp nhất; ghi nhận và biểu dương những thành tích của nhà trường trong suốt 55 năm qua.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, cách đây 77 năm, ngày 5.9.1945, chỉ 3 ngày sau khi đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho các em học sinh nhân khai trường đầu tiên của nước Việt Nam độc lập với tình cảm yêu thương vô bờ bến và sự kỳ vọng lớn lao vào những chủ nhân tương lai của đất nước. Người nói: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”. Trong muôn vàn khó khăn, thử thách hiểm nghèo của những ngày đầu lập nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ xác định: dốt cũng là một thứ giặc; thói quen, tập tục lạc hậu cũng là một loại kẻ thù; giáo dục, chống giặc dốt là một trong các nhiệm vụ cấp bách của chính quyền mới.

“Nhắc lại những điều này để tiếp tục khẳng định, Đảng và Nhà nước ta luôn đặc biệt coi trọng giáo dục và đào tạo, xem đây là quốc sách hàng đầu; luôn dành những điều tốt đẹp nhất để chăm lo cho sự nghiệp giáo dục, bảo đảm tất cả các em học sinh, dù ở đồng bằng hay ở miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, ai ai cũng được học hành, tiếp cận giáo dục công bằng, bình đẳng. Phát triển giáo dục và đào tạo, đảm bảo công bằng trong giáo dục, để không ai bị bỏ lại phía sau, đặc biệt là đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng khó khăn, đồng bào các dân tộc thiểu số càng cần được chăm lo, hỗ trợ để giảm bớt khó khăn, từng bước phát triển kịp với miền xuôi là quan điểm chỉ đạo lớn và xuyên suốt của Đảng, Nhà nước ta", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh. 

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh trống khai giảng năm học mới. Ảnh: Lâm Hiển 

Chủ tịch Quốc hội cho biết, năm 2013, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 29- NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Quốc hội đã tập trung thể chế hóa các quan điểm của Đảng, hoàn thiện và ban hành nhiều chính sách, pháp luật để phát triển giáo dục, đặc biệt là Nghị quyết 88/2014/QH13 về đổi với chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành quyết định về tổng biên chế của hệ thống chính trị giai đoạn 2022-2026, trong đó giao bổ sung 65.980 biên chế giáo viên cho ngành giáo dục, riêng năm học 2022 - 2023 giao bổ sung 27.850 biên chế giáo viên mầm non, phổ thông công lập. Điều này thể hiện sự quan tâm rất lớn của Đảng, Nhà nước trong việc bảo đảm đầy đủ đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân. Trong thời gian tới, Quốc hội sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan rà soát, hoàn thiện các cơ chế chính sách để đảm bảo đời sống cho giáo viên, để giáo viên có thể yên tâm công tác, thực hiện tốt nhất nhiệm vụ trồng người.  

Hiện nay, đất nước ta đang hướng tới những mục tiêu, kỳ vọng lớn lao, xây dựng nước Việt Nam giàu mạnh, hướng tới kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng và 100 năm ngày thành lập nước. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những đột phá chiến lược, đóng vai trò quyết định đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng, chăm lo, giáo dục thật tốt cho các em học sinh là nền tảng căn bản nhất, là chìa khóa để hướng tới tương lai, có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc.

Khẳng định sự nghiệp giáo dục nói chung và công tác giáo dục của các thầy cô đóng vai trò vô cùng quan trọng, Chủ tịch Quốc hội mong muốn các thầy giáo, cô giáo sẽ luôn là tấm gương sáng về đạo đức, ứng xử văn hóa, tâm huyết, trách nhiệm với nghề, hết mực yêu thương, dạy dỗ tận tình; không chỉ truyền dạy kiến thức mà còn là người truyền cảm hứng, động lực để các em say mê học tập, khám phá chân trời mới của tri thức. Với các em học sinh, Chủ tịch Quốc hội kỳ vọng và tin tưởng các em sẽ phát huy truyền thống hiếu học, học giỏi của người dân xứ Nghệ, nỗ lực phấn đấu, học tập chăm chỉ, trung thực, quyết tâm cao, học trước hết cho chính mình, để biết, để làm, để chung sống, để tự khẳng định, để chuẩn bị cho mình hành trang tốt nhất, để lập thân, lập nghiệp và đóng góp cho quê hương, đất nước.

Xây dựng hệ giá trị văn hóa học đường mang nét đặc sắc của vùng rẻo cao Kỳ Sơn

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thăm phòng học ngoại ngữ của Trường THPT Kỳ Sơn. Ảnh: Lâm Hiển 

Chủ tịch Quốc hội mong muốn thầy và trò trường THPT Kỳ Sơn sẽ giữ gìn, khai thác thật hiệu quả ngôi trường mới và cho rằng, đây là cơ hội lớn để nhà trường xác định tầm nhìn, sứ mệnh, tiếp tục vươn lên trở thành một trong những trường THPT chất lượng nhất ở khu vực miền Tây Nghệ An, có vị thế, uy tín trong khối các trường THPT dân tộc trong cả nước và hướng tới liên kết, hợp tác với các bạn Lào.

Từ năm học 2023 - 2024, tỉnh Nghệ An sẽ cấp học bổng và chi phí sinh hoạt cho 120 du học sinh bậc THPT của Lào sang học tập tại trường THPT Kỳ Sơn và trường THPT dân tộc nội trú tỉnh Nghệ An. Chủ tịch Quốc hội cho rằng, đây là hành động rất thiết thực, có ý nghĩa sâu sắc góp phần hỗ trợ nước bạn Lào trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đồng thời vun đắp mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện, sự gắn bó thuỷ chung, trong sáng có một không hai Việt Nam - Lào. 

Kỳ Sơn nói riêng và Nghệ An nói chung có đông đồng bào các dân tộc anh em cùng chung sống, chứa đựng nhiều giá trị văn hóa truyền thống rất đặc sắc. Chủ tịch Quốc hội mong muốn, mỗi ngôi trường là một trung tâm hội tụ và lan tỏa các giá trị văn hóa; đề nghị cấp ủy, chính quyền và ngành giáo dục quan tâm chỉ đạo xây dựng văn hóa học đường trong trường học, để mỗi nhà trường không chỉ có môi trường sư phạm mẫu mực mà còn là nơi các tinh hoa, truyền thống văn hóa đặc sắc của địa phương, của các dân tộc được nuôi dưỡng, bồi đắp, phát triển trong tâm hồn, tình cảm, suy nghĩ, nhận thức của mỗi em học sinh, của cả nhà trường. “Trường THPT Kỳ Sơn phải là mô hình điểm của tỉnh trong xây dựng văn hóa học đường gắn với đổi mới, nâng cao chất lượng dạy và học. Tập trung xây dựng và triển khai thí điểm mô hình trường THPT dân tộc bán trú kiểu mới gắn với xây dựng hệ giá trị văn hóa học đường mang nét đặc sắc của vùng rẻo cao Kỳ Sơn”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Năm học 2022 - 2023 cũng là năm đầu tiên triển khai Nghị quyết số 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông và Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 10. Chủ tịch Quốc hội mong thầy và trò nhà trường cùng nhau cố gắng, nỗ lực khắc phục các khó khăn, bỡ ngỡ, tập trung triển khai thật tốt Chương trình này; từng bước nâng cao năng lực cho nhà giáo, thực hiện đầy đủ các chủ trương và hướng dẫn của ngành giáo dục, tăng cường các điều kiện đảm bảo chất lượng, tập trung triển khai thật tốt triết lý phát triển phẩm chất và năng lực người học, đẩy mạnh phân luồng hướng nghiệp, phát triển toàn diện học sinh. Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, trong năm 2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ giám sát việc thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông để kịp thời rà soát, tháo gỡ các vướng mắc, bảo đảm các mục tiêu của Đảng và Quốc hội đề ra được thực hiện đầy đủ, chất lượng.

Đại diện Tập đoàn Trung Nam bàn giao Trường THPT Kỳ Sơn cho lãnh đạo huyện Kỳ Sơn. Ảnh: Lâm Hiển 

Chia sẻ với điều kiện hạ tầng kinh tế - xã hội của vùng đồng bào dân tộc còn nhiều khó khăn dù đã được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nghệ An chỉ đạo triển khai thực hiện tốt Nghị quyết 88 của Quốc hội về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, trong đó ưu tiên hoàn thiện hệ thống hạ tầng giáo dục; phát huy vai trò của toàn hệ thống chính trị, toàn dân, của mỗi gia đình, nhà trường và các lực lượng xã hội trong sự nghiệp phát triển giáo dục và đào tạo. Ngành giáo dục cần sớm tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương tổng kết mô hình trường bán trú, nội trú; rà soát, đánh giá hệ thống chính sách giáo dục cho đồng bào dân tộc thiểu số; kịp thời đề xuất các giải pháp, cơ chế, chính sách phát triển các trường bán trú, huy động các nguồn lực xã hội chăm lo tốt hơn cho các em học sinh dân tộc thiểu số.

Năm học 2022-2023 là thời điểm trọng tâm triển khai nhiều nhiệm vụ đổi mới của ngành giáo dục, nhiều việc khó lần đầu tiên được áp dụng với bậc THPT. Ngành giáo dục vừa phải bảo đảm an toàn và linh hoạt ứng phó với dịch bệnh, tuyệt đối không được chủ quan, đồng thời phải củng cố chất lượng, từng bước khắc phục khó khăn, nâng cao chất lượng giáo dục. Chủ tịch Quốc hội mong tập thể thầy và trò Trường THPT Kỳ Sơn cố gắng vượt qua khó khăn thử thách, đổi mới thành công, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm học mới. Đồng thời đề nghị, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nghệ An và huyện Kỳ Sơn trong trong điều kiện của mình, cần có kế hoạch cụ thể, tiếp tục quan tâm đầu tư, tạo điều kiện để nhà trường hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, phấn đấu mãi là điểm sáng trong sự nghiệp giáo dục của tỉnh nhà và của đồng bào dân tộc thiểu số miền Tây Nghệ An, trên quê hương Kỳ Sơn anh hùng.

Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội thân ái chúc toàn thể thầy giáo, cô giáo, các em học sinh, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong toàn ngành giáo dục của tỉnh Nghệ An và cả nước luôn mạnh khỏe, hanh phúc, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong năm học mới.

Thay mặt Trường THPT Kỳ Sơn, Hiệu trưởng Lê Văn Tảo trân trọng cảm ơn sự quan tâm, khích lệ của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tỉnh Nghệ An, huyện Kỳ Sơn và nhà tài trợ; khẳng định tập thể thầy và trò nhà trường sẽ nỗ lực dạy và học thật tốt, phấn đấu đưa Trường THPT Kỳ Sơn trở thành biểu tượng giáo dục mới của huyện Kỳ Sơn và các trường THPT dân tộc.

Nhân dịp này, Trungnam Group cũng trao tặng học bổng 1 tỷ đồng trong vòng 10 năm (2022 – 2032) mỗi năm là 100 triệu đồng cho các em có hoàn cảnh khó khăn, vượt khó trong học tập; trao tặng 500 xe đạp cho các em học sinh.