Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tiếp xúc cử tri tại thành phố Ngã Bảy, Hậu Giang

(Mặt trận) - Sáng nay, 30.9, tại Hội trường Trung tâm Hội nghị thành phố Ngã Bảy, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang đã tiếp xúc cử tri thành phố Ngã Bảy và 3 huyện Phụng Hiệp, Châu Thành, Châu Thành A trước Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV.

Chủ tịch nước Lương Cường chúc Tết, tri ân các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước

Ông Hầu A Lềnh giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang

Tổng Bí thư Tô Lâm: Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện để bộ máy mới ổn định, vận hành hiệu quả

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại cuộc tiếp xúc cử tri 

Tại cuộc tiếp xúc, cử tri bày tỏ vui mừng và đánh giá cao các đổi mới và chất lượng hoạt động của Quốc hội; cơ bản đồng tình với dự kiến nội dung chương trình Kỳ họp thứ Tám cũng như kết quả trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri của Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang.

Cử tri Nguyễn Văn Hai (phường Hiệp Lợi, thành phố Ngã Bảy) nêu một số nội dung về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước liên quan đến toàn dân tham gia bảo hiểm y tế; bảo hiểm xã hội; vấn đề thu hồi đất của người dân.

Liên quan đến bảo hiểm y tế, cử tri Nguyễn Văn Hai đánh giá cao chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta khi vận động Nhân dân tham gia bảo hiểm y tế toàn dân vì sức khỏe của Nhân dân nói chung và vì sức khỏe của những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nói riêng... Tuy nhiên, qua quá trình vận động tham gia và hưởng quyền lợi bảo hiểm y tế, cử tri cho rằng, có một số quy định chưa phù hợp; đề nghị các bộ, ngành có liên quan xem xét và cho chủ trương phù hợp đối với người tham gia bảo hiểm y tế.

“Tôi đề nghị khi người dân tham gia bảo hiểm y tế, thì sẽ được hưởng chế độ, phúc lợi mà bảo hiểm y tế đem đến; tránh trường hợp bệnh viện “đổ lỗi” do không có thuốc điều trị, còn bảo hiểm xã hội thì nói rằng thuốc nằm ngoài danh mục, không thanh toán được”, cử tri Nguyễn Văn Hai nói.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại cuộc tiếp xúc cử tri 

Cũng liên quan đến bảo hiểm y tế, cử tri Nguyễn Hoàng Chiến (huyện Phụng Hiệp) đề nghị Quốc hội có chính sách bảo hiểm y tế đối với thân nhân của thương binh 3/4 và 4/4 như thân nhân của thương binh 1/4 và 2/4; đề nghị Quốc hội xem xét, bổ sung các chế độ, chính sách về nhà ở, điều dưỡng, mai táng phí… đối với vợ hoặc chồng liệt sĩ (tái giá).

Đề cập đến quy định về việc gia đình có điều kiện nên tham gia bảo hiểm xã hội cho cha, mẹ đóng đủ 5 năm, nhưng khi tham gia mới 3 năm cha hoặc mẹ chết và khi làm thủ tục nhận tiền bảo hiểm xã hội một lần không đủ với số tiền đã đóng một lần 5 năm trước đó, cử tri Nguyễn Văn Hai đề nghị các bộ, ngành có liên quan xem xét sửa đổi, bổ sung theo hướng quy định số tiền người dân tham gia mua bảo hiểm xã hội (nhận lại một lần) ít nhất phải đúng với số tiền người dân đã tham gia đóng trước đó.

Cử tri cũng phản ánh tình trạng người dân có đất được thu hồi với những diện tích đất đưa vào quy hoạch hiện có giá bồi thường rất rẻ, trong khi đó doanh nghiệp đấu thầu khi đạt việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, thì đưa ra giá bá n đất nền rất cao, nên người dân không thể mua lại được.

Cử tri đề nghị các bộ, ngành quy định thêm về việc hỗ trợ di dời và tiền trợ cấp cho người dân từ 6 tháng đến một năm để người dân ổn định chỗ ở, ổn định cuộc sống, nhất là hỗ trợ cho người dân khi mua đất khác và phải chuyển đổi mục đích sử dụng (kể cả trên đất ruộng và đất trồng cây lâu năm”. Vì khi người dân phải dời đi thì tiền bồi thường chỉ đủ mua lại miếng đất mới, còn nếu xây dựng lại nhà như trước thì chưa chắc đã đủ tiền, chưa kể khi dời đi chỗ khác thì bà con cũng bị mất công ăn việc làm…

 

Cử tri Trương Văn Dương (huyện Phụng Hiệp) đề nghị Quốc hội có những chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế, nhất là lĩnh vực nông nghiệp; có giải pháp hiệu quả để tăng cường xuất khẩu hàng hóa nông sản, góp phần giải quyết lao động tại chỗ, đồng thời nâng cao chất lượng và giá cả hàng nông sản, tránh tình trạng “được mùa, rớt giá”.

Cơ bản thống nhất với nội dung chương trình Kỳ họp thứ Tám và trả lời , cử tri Nguyễn Thị Bé Thanh (huyện Châu Thành A) nêu vấn đề, theo Quyết định số 217-QĐ/TW ngày 12.12.2013 của Bộ Chính trị và các quy định của pháp luật, công đoàn có quyền chủ trì giám sát đối với những vấn đề có liên quan trực tiếp đến đến quyền lợi của người lao động. Thực tiễn, công đoàn cũng đang chủ trì, chủ động thực hiện giám sát. Tuy nhiên, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thường hỏi cơ sở pháp lý đâu, quy định ở luật nào? Cử tri đề nghị Quốc hội quy định quyền chủ động thực hiện giám sát của công đoàn trong Luật Công đoàn để nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát của tổ chức công đoàn, sớm phát hiện các bất cập, tranh chấp, không để xảy ra đình công, ngừng việc.

Về bảo hiểm thất nghiệp, cử tri Nguyễn Thị Bé Thanh cho rằng, đối với trường hợp người lao động bị sa thải khó tìm việc làm mới do người sử dụng lao động mới coi “sa thải” như một lý do không tốt để từ chối nhận người lao động vào làm việc. Cử tri đề nghị nghiên cứu, xây dựng quy định mang tính nguyên tắc để bảo đảm quyền lợi cho đối tượng này theo hướng quy định cho phép họ được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi có đầy đủ bằng chứng về việc bị từ chối nhận việc vì lý do đã bị sa thải, buộc thôi việc ở doanh nghiệp, đơn vị trước đó. Về góc độ việc làm, cần thiết có quy định hoặc cơ chế kiểm soát phù hợp để tránh phân biệt đối xử trong tuyển dụng lao động liên quan đến vấn đề người lao động đã bị sa thải, buộc thôi việc trước đó.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại cuộc tiếp xúc cử tri 

Cử tri cũng phản ánh một số ý kiến, kiến nghị liên quan đến việc thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế, trong đó có vấn đề chế độ, chính sách cho giáo viên mầm non và tình trạng thiếu giáo viên trên địa bàn.

Cử tri kiến nghị tỉnh Hậu Giang đầu tư xây dựng bờ kè chống sạt lở tại các sông, kênh, rạch trên địa bàn, trong đó cần đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án đầu tư xây dựng kè chống sạt lở kênh xáng Xà No, góp phần bảo đảm an toàn giao thông đường thủy, thoát lũ… cũng như đời sống sinh hoạt của bà con trên địa bàn.

Đồng tình cao với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về vận động Nhân dân tham gia bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội toàn dân nhằm bảo đảm chính sách an sinh xã hội, tuy nhiên, cử tri cũng cho biết, hiện việc thực hiện chủ trương, chính sách này đang gặp một số khó khăn. Đơn cử, đối với bảo hiểm y tế, người dân sử dụng bảo hiểm y tế đi khám bệnh bắt buộc phải đúng tuyến, nếu sai tuyến thì không được sử dụng bảo hiểm y tế. Cho rằng, quy định như vậy là chưa bảo đảm quyền lợi của người dân khi muốn thụ hưởng dịch vụ chăm sóc tốt hơn và chưa tạo điều kiện cho một số bệnh viện tuyến huyện chủ động nâng cao dịch vụ chăm sóc cho người bệnh. Cử tri kiến nghị, nên áp dụng thẻ bảo hiểm y tế cho toàn quốc, theo đó người bệnh khi có nhu cầu đi khám bệnh thì khám ở bệnh viện nào và tuyến nào cũng được sử dụng thẻ bảo hiểm y tế theo quyền lợi quy định trong thẻ Bảo hiểm y tế. Đồng thời, cũng tạo động lực để các bệnh viện nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và phục vụ người bệnh.

Tại cuộc tiếp xúc, đại diện lãnh đạo tỉnh Hậu Giang và một số sở, ban, ngành đã trả lời các kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của chính quyền địa phương; thông tin với bà con cử tri về tình hình thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Hậu Giang.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn trao quà tặng công đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố Ngã Bảy và 3 huyện Phụng Hiệp, Châu Thành, Châu Thành A. Ảnh: Lâm Hiển 

Thay mặt Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chân thành cảm ơn đông đảo cử tri thành phố Ngã Bảy và 3 huyện Phụng Hiệp, Châu Thành, Châu Thành A đã đến dự cuộc tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV.

Sau khi nghe đại diện Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang báo cáo về nội dung chương trình Kỳ họp thứ Tám, kết quả trả lời kiến nghị của cử tri trước và sau Kỳ họp thứ Bảy cũng như phần trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri thuộc trách nhiệm của chính quyền địa phương, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh và thông tin thêm tới cử tri về tình hình kinh tế - xã hội và hoạt động của Quốc hội trong thời gian tới, trong đó có Kỳ họp thứ Tám sẽ khai mạc vào ngày 21.10 tới đây.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Quốc hội Khóa XV còn 3 kỳ họp nữa (Kỳ họp thứ Tám, thứ Chín và thứ Mười) là sẽ kết thúc nhiệm kỳ này, trong đó, Quốc hội đã tiến hành 7 kỳ họp thường kỳ và 8 kỳ họp bất thường. “Lịch sử của Quốc hội cũng chưa có nhiệm kỳ nào có nhiều kỳ họp bất thường như nhiệm kỳ Khóa XV này, để tiến hành công tác nhân sự và quyết định kịp thời những vấn đề quan trọng của đất nước…”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, ĐBQH Thái Thu Xương trao quà tặng công đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố Ngã Bảy và 3 huyện Phụng Hiệp, Châu Thành, Châu Thành A. Ảnh: Lâm Hiển 

Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ, chưa có một nhiệm kỳ nào mà đất nước ta gặp nhiều khó khăn, thách thức như nhiệm kỳ Đại hội khóa XIII của Đảng, trong đó đại dịch Covid-19 kéo dài hơn 2 năm đã gây những hậu quả rất nặng nề, và đến giờ cả nước vẫn đang tập trung khắc phục, để đẩy nhanh tốc độ phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; chưa kể tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, ngoài dự báo, gây ảnh hưởng đến tình hình kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, sự đồng lòng của toàn dân, trong nhiệm kỳ này, chúng ta đã vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội đã đề ra. Tính đến nay, còn khoảng hơn một năm nữa là kết thúc nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng và hiện cả nước đang chuẩn bị tiến hành Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng. Thời gian từ nay đến khi diễn ra Đại hội Đảng bộ các cấp và Đại hội XIV của Đảng không còn nhiều, đặt ra yêu cầu về việc phải phải “tăng tốc” để hoàn thành Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII và Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2020 - 2025.

Trong khi đó, đất nước ta tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, chỉ tiêu đã đề ra. Cơn bão số 3 và mưa lũ sau bão vừa qua đã và đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới 26 tỉnh, thành phố phía Bắc. Tính đến ngày 27.9, bão số 3 và hoàn lưu gây lũ lụt, sạt lở đã làm 318 người chết, 26 người mất tích, 1.976 người bị thương. Thiệt hại sơ bộ về tài sản của nhân dân và nhà nước ước tính trên 81 nghìn tỷ đồng, giảm tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước vào khoảng 0,15%. Đây là thiệt hại lớn ngoài mong muốn và dự báo.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, ĐBQH Thái Thu Xương trao quà tặng công đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố Ngã Bảy và 3 huyện Phụng Hiệp, Châu Thành, Châu Thành A. Ảnh: Lâm Hiển 

Trước bối cảnh tình hình đất nước có nhiều khó khăn, thách thức như vậy, Quốc hội Khóa XV đã nỗ lực, nghiên cứu tiếp tục đổi mới tư duy xây dựng pháp luật theo hướng linh hoạt hơn để vừa quản lý hiệu quả, vừa tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp về chính sách, pháp luật, thể chế, từ đó tạo động lực và đáp ứng cao nhất yêu cầu phát triển của đất nước cũng như sự mong đợi, kỳ vọng của cử tri và Nhân dân. Đúng như tinh thần Quy định số 178-QĐ/TW của Bộ Chính trị, ngày 27.6.2024 về kiểm soát quyền, lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật cũng như tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, đó là công tác xây dựng pháp luật phải xuất phát từ thực tiễn, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, không cầu toàn, không nóng vội; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế nhằm khơi thông nguồn lực, giải quyết, khắc phục các điểm nghẽn; tất cả vì sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh của đất nước nói chung và các địa phương nói riêng, bảo đời sống của Nhân dân…

Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh tinh thần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền theo hướng Trung ương giao cho địa phương làm, địa phương quyết định và địa phương chịu trách nhiệm trên cơ sở quy định của luật pháp để vận dụng như thế nào cho phù hợp, bảo đảm điều kiện phát triển của địa phương.

“Chúng ta phải kịp thời phát hiện để giải quyết những khó khăn, vướng mắc hiện nay, từ cấp xã, cấp huyện đến cấp tỉnh, nhất là đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, chăm lo đời sống cho người dân. Việc gì xã làm được là làm ngay, huyện làm được là làm ngay, tỉnh làm được cũng làm ngay, không trông chờ vào Trung ương. Đây là tư tưởng, quan điểm chỉ đạo rất mới” - Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Hiện nay, Trung ương đã thành lập các Tiểu ban: Tiểu ban Văn kiện, Tiểu ban Nhân sự, Tiểu ban Hậu cần phục vụ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV. Các địa phương cũng đang tích cực chuẩn bị cho Đại hội Đảng cấp cấp sẽ diễn ra vào năm sau. Nhấn mạnh bối cảnh này, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, chúng ta đang tiến hành tổng kết 40 năm Đổi mới, trong đó có nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng để phát huy những thành tựu đạt được, thấy rõ tồn tại, hạn chế, yếu kém cũng như nguyên nhân để khắc phục, từ đó đề ra những nhiệm vụ, giải pháp hết sức cụ thể để thúc đẩy sự phát triển chung.

 

Nhân dịp này, tại thành phố Ngã Bảy, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, đại diện lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Đoàn ĐBQH tỉnh và lãnh đạo tỉnh Hậu Giang đã trao 100 phần quà ý nghĩa của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng các công đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố Ngã Bảy và 3 huyện Phụng Hiệp, Châu Thành, Châu Thành A.

Chủ tịch Quốc hội cũng thông tin tới cử tri về những kết quả nổi bật về kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, đối ngoại của đất nước với kinh tế vĩ mô được bảo đảm, lạm phát được kiểm soát, an sinh xã hội được quan tâm, chăm lo. Đáng chú ý, Ban Chấp hành Trung ương đã thông qua chủ trương đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam trước khi Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư dự án này tại Kỳ họp thứ Tám sắp tới.

Chủ tịch Quốc hội biểu dương những thành quả phát triển trên các lĩnh vực của Hậu Giang, từ kinh tế - xã hội đến đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng sau 20 năm thành lập; nêu rõ Hậu Giang cũng là một trong những địa phương được sự quan tâm, đầu tư rất nhiều của Trung ương, là một trong những địa phương được đầu tư xây mới, nâng cấp, sửa chữa trường chuẩn quốc gia đạt khá tốt. Nhiều công trình hạ tầng giao thông lớn qua địa bàn Hậu Giang cũng đang được đầu tư, hoàn thiện, như đường cao tốc Cần Thơ - Cà Mau; đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Hậu Giang - Sóc Trăng. Đây là những công trình huyết mạch, có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói riêng và vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung. Thực tiễn cho thấy, nơi nào sản xuất nông nghiệp tốt, có nước sạch thì đời sống sản xuất, sinh hoạt của người dân tốt, chỗ nào điện thắp sáng thì người dân phấn khởi, giao thông thuận tiện, đi lại dễ dàng thì kinh tế - xã hội phát triển, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Một trong những kết quả nổi bật nữa của đất nước thời gian qua, đó là công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được đẩy mạnh, đúng với tinh thần “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”, xử lý nghiêm minh, công khai, nhưng rất nhân văn, nhân ái, nhân tình, được cử tri và Nhân dân tin tưởng, ủng hộ, bạn bè quốc tế hoan nghênh, đánh giá cao.

Bên cạnh những thành tựu, kết quả đạt được, Chủ tịch Quốc hội cũng thẳng thắn chỉ rõ một số khó khăn, vướng mắc Hậu Giang cần tập trung tháo gỡ, như đầu tư kết cấu cấu hạ tầng chưa đồng bộ, nhất là khu vực đồng bằng sông Cửu Long; ứng dụng thành tựu vào sản xuất nông nghiệp, công nghiệp vẫn còn nhiều mặt hạn chế. Đơn cử như Hậu Giang là một tỉnh nông nghiệp nhưng có được bao nhiêu sản phẩm xuất khẩu có thương hiệu? Do đó, phải tiếp tục ứng dụng thành tựu khoa học, kỹ thuật vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp; và Hậu Giang phải quyết tâm bứt phá đi lên mạnh mẽ hơn thông qua việc đổi mới mạnh mẽ hơn nữa sự nghiệp giáo dục và đào tạo, phát triển lĩnh vực khoa học, công nghệ. Chúng ta phải tăng cường đầu tư cho giáo dục như thế nào để không còn tình trạng thiếu giáo viên; ngành giáo dục phải thấm nhuần tư tưởng “Tiên học lễ, hậu học văn”; ngành y tế phải thực hiện đúng như lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Lương y như từ mẫu”, “Thầy thuốc như mẹ hiền”.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị, lãnh đạo tỉnh Hậu Giang phải chỉ đạo hết sức quyết liệt vấn đề này, từ vấn đề thái độ phục vụ người bệnh như thế nào để bà con thấy được sự công bằng giữa khám, chữa bệnh bằng dịch vụ và khám, chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế; giữa y tế công lập và y tế tư nhân; trong vấn đề mua bảo hiểm y tế, cần đơn giản hóa thủ tục hành chính như thế nào để bảo đảm thuận tiện cho người dân. Tại Kỳ họp thứ Tám sắp tới, Quốc hội sẽ nỗ lực, quyết tâm thông qua dự án Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi) để bảo đảm Luật sẽ cùng có hiệu lực với Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) vào ngày 1.1.2025.

Trong thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước quyết tâm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là tháo gỡ về thể chế. Muốn vậy, Quốc hội phải tiếp tục xây dựng các luật mới, sửa đổi, bổ sung những luật, nghị quyết không còn phù hợp để bảo đảm năm 2025 phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất như Nghị quyết của Quốc hội đề ra. Cùng với đó, cần tiếp tục tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, đặc biệt là những công trình trọng điểm quốc gia lớn; quan tâm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh, đặc biệt là về thủ tục hành chính. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Hậu Giang cần rà soát lại, quy định nào không còn phù hợp thì phải bãi bỏ; tiếp tục đơn giản hóa thủ tục, bảo đảm thuận tiện cho người dân và doanh nghiệp.

Hiện nay, Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) đã có hiệu lực từ ngày 1.8.2024. Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Hậu Giang cần khẩn trương rà soát các văn bản hướng dẫn, bảo đảm các điều kiện đã đồng bộ để thực hiện các quy định mới, tiến bộ của các luật này hay chưa?...

Chủ tịch Quốc hội đề nghị, lãnh đạo tỉnh Hậu Giang hết sức quan tâm chỉ đạo thực hiện Chỉ thị 35 -CT/TW của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng. “Ngay từ bây giờ phải chuẩn bị về nội dung các văn kiện và công tác nhân sự, đồng thời quan tâm đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, không vì lo Đại hội Đảng mà lơ là các chỉ tiêu kinh tế - xã hội; tiếp tục tập trung xây dựng Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới”, Chủ tịch Quốc hội lưu ý.