Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn: Không né tránh vấn đề khó, kiểm soát chặt các nội dung dễ xảy ra trục lợi chính sách

(Mặt trận) - Sáng ngày 7/8, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đã làm việc với Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước thăm và chúc Tết tại một số địa phương

Chủ tịch nước chúc Tết Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Kiên Giang

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương chúc Tết hộ nghèo tại tỉnh Tuyên Quang

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển 

Bảo đảm quản trị quốc gia bằng Hiến pháp và pháp luật

Tại cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đã nghe Thường trực các Ủy ban báo cáo những kết quả nổi bật trong thực hiện nhiệm vụ từ đầu nhiệm kỳ Khóa XV đến nay; những sáng kiến, đổi mới đã được các Ủy ban áp dụng hiệu quả trong thời gian qua; những hạn chế, tồn tại cần khắc phục và đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả, hoạt động trong thời gian tới. 

Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương sự cố gắng, nỗ lực của 3 Ủy ban cùng tập thể cán bộ, công chức các vụ tham mưu, giúp việc từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã hoàn thành khối lượng công việc rất lớn, trong đó có nhiều nhiệm vụ khó, phức tạp, nhiều nhiệm vụ đột xuất, phát sinh trong các lĩnh vực hoạt động, từ xây dựng pháp luật đến giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Cụ thể, với Chương trình hành động của Đảng Đoàn Quốc hội, Ủy ban Kinh tế đã hoàn thành 19/19 nhiệm vụ; Ủy ban Tài chính – Ngân sách đã hoàn thành 11/11 nhiệm vụ; Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường hoàn thành 10/11 nhiệm vụ.

Về thực hiện các nhiệm vụ lập pháp theo Kế hoạch 81 và Kế hoạch 734 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, lĩnh vực Ủy ban Kinh tế đã hoàn thành 18/22 nhiệm vụ; lĩnh vực của Ủy ban Tài chính – Ngân sách đã hoàn thành 12/18 nhiệm vụ; lĩnh vực của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã hoàn thành 20/20 nhiệm vụ.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển 

Về nhiệm vụ từ nay đến hết nhiệm kỳ, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các Ủy ban tiếp tục đổi mới căn bản, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động lập pháp, bảo đảm quản trị quốc gia bằng Hiến pháp và pháp luật, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Đặc biệt, các cơ quan của Quốc hội quán triệt kỹ lưỡng, sâu sắc các quy định của Bộ Chính trị, gần đây nhất là Quy định 178-QĐ/TW ngày 27.6.2024 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật. 

Trước mắt, các Ủy ban khẩn trương giải trình, tiếp thu, chỉnh lý các dự án luật thuộc lĩnh vực phụ trách để trình thông qua tại Kỳ họp thứ Tám và thẩm tra các dự án Luật trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ Tám.

"Trong quá trình thẩm tra, phải thể hiện chính kiến, quan điểm rõ ràng, cụ thể, khách quan, không né tránh của Ủy ban về các chính sách, nhất là các nội dung nhạy cảm, dễ xảy ra trục lợi chính sách trong công tác xây dựng pháp luật. Đặc biệt là tới đây, chúng ta tiếp tục triển khai sửa đổi nhiều dự án luật quan trọng, phức tạp, như các dự án luật về thuế, điện lực, quản lý, đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, quản lý, phát triển đô thị...", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh. 

Cùng với đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các Ủy ban tiếp tục nghiên cứu để xác định rõ hơn phạm vi, đối tượng, phương pháp, hình thức giám sát tối cao của Quốc hội. "Đây là vấn đề phải bàn, phải tính để giám sát sao cho đúng, trúng, làm cho đối tượng giám sát tâm phục, khẩu phục. Sau giám sát thì hiệu quả thực hiện các kết luận giám sát như thế nào. Phải tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả giám sát hơn nữa; nâng cao chất lượng hoạt động chất vấn, giải trình, giám sát văn bản quy phạm pháp luật, chú trọng việc theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát. Các Ủy ban bám sát các kiến nghị để nhắc nhở, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương có liên quan về thực hiện kiến nghị sau giám sát", Chủ tịch Quốc hội nêu rõ. 

Tại cuộc họp lãnh đạo chủ chốt ngày 6.8, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã yêu cầu, đối với các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội cần tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn để tạo cơ chế thuận lợi cho doanh nghiệp, doanh nhân có điều kiện phát triển các hoạt động đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy sản xuất hiệu quả, tạo bầu không khí phấn khởi trong doanh nghiệp, doanh nhân để phát triển đất nước.

Trên tinh thần đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải chỉ đạo các Ủy ban chủ động xem xét, rà soát các lĩnh vực phụ trách xem còn có vấn đề gì bất cập, khó khăn để khi Chính phủ trình sang Quốc hội thì có đủ cơ sở để xem xét, quyết định. 

Về một số nhiệm vụ cụ thể, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường sớm xây dựng, hoàn thiện các văn bản để triển khai hoạt động của Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2025 về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành”. Trong năm 2025, Quốc hội chỉ tiến hành 1 chuyên đề giám sát trên và sẽ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Mười. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội đề nghị vẫn phải triển khai sớm vì phạm vi chuyên đề này khá rộng, được cử tri và Nhân dân rất quan tâm.

Đối với Ủy ban Kinh tế, khẩn trương tham mưu hoàn thiện dự thảo Báo cáo của Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở từ năm 2015 đến hết năm 2023” cùng các tài liệu khác liên quan để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp thứ 36 (tháng 8.2024).

Ủy ban Tài chính - Ngân sách tiếp tục phối hợp với Chính phủ, các cơ quan liên quan nghiên cứu tham mưu đổi mới quy trình quyết định về ngân sách nhà nước bảo đảm thực chất, đi đôi với giám sát việc thực hiện ngân sách, từng bước thay thế việc ban hành các nghị quyết bằng các đạo luật về tài chính, ngân sách theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9.11.2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng; đôn đốc hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, lộ trình xây dựng Báo cáo tài chính nhà nước từ niên độ 2025, bảo đảm hoàn chỉnh, đầy đủ, toàn diện thông tin, số liệu theo quy định của Luật Kế toán.

Các Ủy ban chuẩn bị sớm kế hoạch, nội dung về đánh giá kết quả thực hiện các kế hoạch 5 năm và kết quả thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư một số chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 đã được Quốc hội thông qua từ đầu nhiệm kỳ. Nội dung này Quốc hội dự kiến sẽ xem xét tại Kỳ họp thứ Mười.

Việc đánh giá phải sát thực tiễn để có cơ sở chuẩn bị cho việc xây dựng các kế hoạch 5 năm cho giai đoạn sau, nhất là Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tài chính - Ngân sách có trách nhiệm phải chuẩn bị để Quốc hội Khóa XVI xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ Nhất các nghị quyết về kế hoạch 5 năm: phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2026 - 2030; tài chính quốc gia giai đoạn 2026 - 2030…

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Thường trực các Ủy ban có cách thức tổ chức phù hợp các phiên họp toàn thể, có thể vừa tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến, đồng thời, cần chủ động, sớm xây dựng và gửi kế hoạch tổ chức phiên họp toàn thể Ủy ban để các đại biểu Quốc hội chủ động bố trí, sắp xếp thời gian tham dự. Thường trực các Ủy ban cố gắng bố trí thẩm tra hoặc cho ý kiến nhiều nội dung trong một phiên họp toàn thể, hạn chế tổ chức nhiều phiên họp, nhất là đối với Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tài chính - Ngân sách hay có nhiều nội dung phát sinh ngoài kế hoạch.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển 

Cương quyết hơn với các nội dung không đáp ứng điều kiện về tiến độ

Tại cuộc làm việc, các thành viên Thường trực Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đã nêu một số kiến nghị, đề xuất nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các Ủy ban trong thời gian tới.

Trong đó, các ý kiến đề nghị cần tăng cường chỉ đạo, điều hòa, phối hợp hoạt động của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; phân định rõ hơn nhiệm vụ để tránh chồng chéo; đơn giản hóa tối đa về quy trình xử lý công việc, bảo đảm chất lượng, hiệu quả.

Đặc biệt, cần thực hiện nghiêm quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, cương quyết hơn đối với các dự án, dự thảo Tờ trình, đề án, báo cáo của Chính phủ trình nhưng không đáp ứng được điều kiện về tiến độ; kiên quyết không đưa vào Chương trình kỳ họp Quốc hội, phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội những dự án, dự thảo Tờ trình, đề án, báo cáo trình chậm, nhất là các nội dung phát sinh sau khi Quốc hội đã họp; tiến tới các dự án, dự thảo trình chậm sẽ được chuyển Hội đồng Dân tộc, Ủy ban xử lý theo thẩm quyền và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội ở phiên họp, báo cáo Quốc hội ở kỳ họp sau, tránh việc chạy theo tiến độ, ảnh hưởng đến chất lượng thẩm tra.

Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị sớm có giải pháp cụ thể để thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách đối với các đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách để phát huy vai trò, trách nhiệm. Đối với các thành viên của Ủy ban Kinh tế hoạt động kiêm nhiệm, cần bố trí những đại biểu có điều kiện, thời gian, trình độ, năng lực và trách nhiệm đầy đủ hơn để tham gia thực hiện những nhiệm vụ của Ủy ban theo quy định của pháp luật. Bổ sung biên chế và tăng cường đào tạo về chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, chuyên viên của các vụ tham mưu, giúp việc cho các Ủy ban. 

Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị sớm triển khai đưa vào hoạt động Đề án Quốc hội điện tử; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ hoạt động của Quốc hội; trang bị phương tiện làm việc cho cán bộ, công chức đáp ứng yêu cầu công việc. Cùng với đó, cần có cơ chế tài chính phù hợp trong thuê chuyên gia, cộng tác viên; nghiên cứu đổi mới mô hình tổ chức, tăng biên chế Vụ tham mưu giúp việc cho Ủy ban để đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của công việc ngày càng chuyên sâu, thời gian gấp, vấn đề khó, khối lượng nhiều.

Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo rà soát lại các quy định liên quan đến các quy trình, thủ tục trong việc ban hành các Thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ký chứng thực các Nghị quyết đã được thông qua, bảo đảm rút ngắn quy trình, thời gian, đúng đối tượng, đúng cơ quan, tổ chức và bảo đảm rõ trách nhiệm; đề nghị lãnh đạo Quốc hội chỉ đạo các Ủy ban khi đề nghị các Ủy ban khác tham gia, phối hợp thẩm tra thì cần rà soát và chỉ đề nghị các Ủy ban tham gia nếu có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực phụ trách, nhằm bảo đảm việc tham gia/phối hợp thẩm tra trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với điều kiện thực tế.

Ghi nhận các kiến nghị, đề xuất, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng đều rất trúng và rất đúng; đề nghị các Ủy ban có văn bản gửi Tổng Thư ký Quốc hội để tổng hợp chung các kiến nghị, đề xuất của các cơ quan của Quốc hội, cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sau đợt làm việc của Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội để có phương án giải quyết rõ ràng từng việc một, ai giải quyết, giải quyết lúc nào, khi nào xong, không nói chung chung, việc gì giải quyết được ngay thì làm ngay.