Chủ tịch Quốc hội tiếp xúc cử tri quận Cái Răng, Cần Thơ

(Mặt trận) - Sáng 24/11, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị thành phố Cần Thơ đã tiếp xúc cử tri quận Cái Răng.

Thường trực Ban Bí thư làm việc với các cơ quan của Đảng, MTTQ về Nghị quyết số 18-NQ/TW

Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Đại sứ Australia tại Việt Nam đến chào từ biệt

Thủ tướng: 'Sự sống nảy sinh từ cái chết' ở Làng Nủ, Nậm Tông, Kho Vàng

 Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri quận Cái Răng. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN

Tại cuộc tiếp xúc, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ Nguyễn Thanh Xuân đã trình bày tóm tắt báo cáo kết quả Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV và hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội Cần Thơ.

Trả lời câu hỏi của cử tri một số phường trong quận Cái Răng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao cử tri đã có những ý kiến phát biểu thể hiện sự quan tâm đến những vấn đề chung của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, cũng như của đất nước.

Cử tri Dương Văn Bé, phường Lê Bình, quận Cái Răng phát biểu nhất trí về những nội dung trong báo cáo do Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ trình bày; đồng thời nêu ý kiến bày tỏ quan tâm về tình hình nước mặn tràn lên vùng nước ngọt, sạt lở bờ sông vùng Đồng bằng sông Cửu Long; khai thác cát, khai thác rừng, sạt lở núi; bão lũ miền Trung... gây thiệt hại lớn về người, tài sản của Nhà nước và nhân dân. Bày tỏ quan tâm về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, cử tri cho rằng, do chuyển đổi mục đích sử dụng nên diện tích đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp. Cử tri mong muốn Nhà nước tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long để cải thiện đời sống nhân dân...

Chia sẻ với ý kiến cử tri, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, Quốc hội rất quan tâm đến những vấn đề này. Thiên tai xảy ra tại nhiều vùng trong cả nước ngay từ đầu năm, rồi đến đợt mưa lũ tại miền Trung vừa qua, nguyên nhân do tự nhiên và cả từ con người. Những vấn đề này, Quốc hội, Chính phủ rất quan tâm và có những chỉ đạo kịp thời. Quốc hội ban hành, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan, Chính phủ thực hiện làm sao để giảm bớt thiệt hại do tự nhiên và con người tác động đến. Kỳ họp thứ 10 vừa qua Quốc hội đã thông qua Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), hy vọng sau khi có hiệu lực, Chính phủ, các cấp chính quyền, các cơ quan hữu quan... sẽ thực hiện theo đúng luật và công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai ngày càng hiệu quả.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, hiện nay hệ thông giao thông đồng bằng sông Cửu Long đã và đang được đầu tư. Tuy nhiên, khu vực đồng bằng sông Cửu Long có nền đất yếu, do đó chi phí làm đường cao hơn miền Đông Nam Bộ và những vùng có nền đất cứng. Những năm qua, Nhà nước đã đầu tư 40 km cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương; hết năm 2020, dự kiến thông tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận; dự án cầu Mỹ Thuận 2 nhằm kết nối hai tuyến đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và Mỹ Thuận - Cần Thơ, sẽ tạo thành mạng lưới giao thông hoàn chỉnh, kết nối một trục chính tuyến cao tốc dài từ Thành phố Hồ Chí Minh đi Cần Thơ. Những dự án này đã được đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm tới.

Sau khi lãnh đạo Sở Công Thương thành phố Cần Thơ giải đáp ý kiến cử tri về việc thu tiền điện qua tài khoản ngân hàng, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, Công ty điện lực thu tiền điện hằng tháng qua tài khoản ngân hàng của hộ dân là chủ trương chung. Tuy nhiên, hiện nay, vùng nông thôn... không phải ai cũng có tài khoản ngân hàng. Do đó, Sở Công Thương thành phố Cần Thơ cần tiếp thu ý kiến cử tri và có lộ trình thực hiện, cũng như tuyên truyền rộng rãi. Trong khi đó, công ty điện lực vẫn phải thu tiền điện theo hình thức truyền thống, nhất là đối với những hộ cao tuổi, những hộ không có tài khoản ngân hàng để bà con thuận tiện trong thanh toán hóa đơn tiền điện. Điểm thu hộ tiền điện qua các cửa hàng tiện ích cũng phải thuận tiện và được thông tin rộng rãi...

Tại cuộc tiếp xúc, Chủ tịch Quốc hội đã chia sẻ một số nội dung Kỳ họp thứ 10, tình hình kinh tế - xã hội từ đầu năm đến nay. Chủ tịch Quốc hội cho biết, Kỳ họp thứ 10 Quốc hội có 19 ngày làm việc, đây là lần thứ hai Quốc hội áp dụng họp trực tuyến và trực tiếp.

Năm 2020 Việt Nam đã hoàn thành trọng trách Chủ tịch ASEAN và Chủ tịch Hội đồng liên nghị viện các quốc gia Đông Nam Á lần thứ 41 (AIPA 41). Trong điều kiện COVID-19 diễn biến phức tạp, hoàn thành các trọng trách này, Việt Nam đã được bạn bè quốc tế đánh giá cao, góp phần nâng cao vị thế đất nước trên trường quốc tế.

Bày tỏ mong muốn cử tri, nhân dân không được chủ quan, lơ là trong phòng, chống COVID-19, Chủ tịch Quốc hội cho biết, cùng với đại dịch COVID-19, thiên tai diễn biến phức tạp, mưa đá xảy ra ngay từ đầu năm, Tây Nguyên hạn hán, miền Trung mưa bão, hạn hán xâm nhập mặn các tỉnh phía Nam... đã gây nhiều thiệt hại về người và tài sản. Trước khó khăn, cả nước đã đồng tâm, chung sức, chung lòng. Hiện có 8/12 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt và vượt. Tốc độ tăng trưởng của cả nước năm 2020 ước tăng trên 2% (tăng trưởng dương)...

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, đối với nước ta, nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vai trò rất quan trọng, liên quan quốc kế dân sinh, là những tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, cùng với tình hình chung của thế giới, ngành dịch vụ cả nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Trong khi đó, ngành nông nghiệp nước nhà tiếp tục đóng vai trò quan trọng, là “cứu cánh” cho nền kinh tế quốc gia, đóng góp cho an ninh lương thực thế giới thông qua xuất khẩu nông sản...

Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chúc mừng thành phố Cần Thơ là địa phương đầu tiên ở Đồng bằng sông Cửu Long và thứ ba trong cả nước hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, sớm hơn một năm so với kế hoạch. Theo Chủ tịch Quốc hội, Cần Thơ cần tiếp tục duy trì kết quả đã đạt được, đồng thời nâng cao chất lượng xã nông thôn mới, để làm sao thu nhập, sản xuất, cũng như đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao.