Chủ tịch Quốc hội tiếp các đại sứ, trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài

(Mặt trận) - Chiều 22/10, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã tiếp các đại sứ, trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.

Tổng Bí thư Tô Lâm thăm, làm việc tại Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng

Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc thăm, chúc Tết tại Hà Giang

Tổng Bí thư Tô Lâm tri ân công lao của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhân dịp Tết

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, các đại sứ, trưởng cơ quan đại diện đều là những cán bộ ngoại giao chuyên nghiệp, đã trải qua nhiều cương vị công tác và được trang bị kỹ càng để sẵn sàng lên đường nhận nhiệm vụ. - Ảnh: TTXVN  

Tại buổi tiếp, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã báo cáo Chủ tịch Quốc hội các hoạt động chuẩn bị của Đoàn các trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài trước khi lên đường công tác nhiệm kỳ 2020-2023.

Một số đại sứ đánh giá tầm quan trọng và hiệu quả của hoạt động ngoại giao nghị viện thời gian qua. Bằng kinh nghiệm công tác, các đại sứ cho rằng, công tác ngoại giao nghị viện không chỉ thúc đẩy đất nước hội nhập và phát triển, tăng cường quan hệ giữa cơ quan đại diện với sở tại mà còn góp phần xây dựng hình ảnh một đất nước Việt Nam hội nhập và phát triển.

Các đại sứ tại Liên minh châu Âu (EU) cho rằng, việc Việt Nam ký 2 hiệp định với EU (EVFTA và EVIPA) đã khẳng định uy tín và vị thế của Việt Nam. Do đó, các đại sứ cũng xác định trách nhiệm của mình cần đẩy mạnh và tận dụng có hiệu quả 2 hiệp định này…

Phát biểu tại buổi tiếp, Chủ tịch Quốc hội chúc mừng các đại sứ, trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã vinh dự được Đảng, Nhà nước bổ nhiệm vào vị trí người đứng đầu các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, kể từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phê chuẩn 90 đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam ở nước ngoài (trên tổng số 154 đại sứ đã được phê chuẩn kể từ khi Hiến pháp 2013 có hiệu lực). Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, các đại sứ, trưởng cơ quan đại diện đều là những cán bộ ngoại giao chuyên nghiệp, đã trải qua nhiều cương vị công tác và được trang bị kỹ càng để sẵn sàng lên đường nhận nhiệm vụ.

 

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ: Với việc thực hiện chức năng lập pháp, Quốc hội đã tạo hành lang pháp lý thiết thực cho việc thúc đẩy các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế. Việc ký kết và phê chuẩn  EVFTA và EVIPA có sự hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan trong nước với các cơ quan đại diện ngoại giao, sự đóng góp của đại sứ, trưởng phái đoàn tại EU, các Đại sứ Việt Nam tại các nước thành viên châu Âu.

Chia sẻ nội dung Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, kinh tế Việt Nam vẫn duy trì tăng trưởng dương mặc dù kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái nặng nề và hầu hết các nền kinh tế lớn tăng trưởng âm. Nhờ sự nỗ lực phấn đấu, đóng góp to lớn, bền bỉ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, Việt Nam được đánh giá là điểm sáng về phòng, chống dịch bệnh và phát triển kinh tế-xã hội.

Trên bình diện đa phương, các đối tác và bạn bè quốc tế đều đánh giá cao và coi trọng vai trò, vị thế ngày càng tăng của Việt Nam, nhất là khi Việt Nam đảm nhiệm trọng trách Chủ tịch ASEAN năm 2020, Chủ tịch AIPA 41 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021.

Ghi nhận các ý kiến phát biểu của một số đại sứ về việc đẩy mạnh công tác ngoại giao nghị viện, hoạt động của các nhóm nghị sĩ hữu nghị với các nước, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, ngành đối ngoại nói chung và ngoại giao nói riêng thời gian qua đã phát huy vai trò tiên phong, đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần củng cố môi trường hòa bình, thuận lợi cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nâng cao vị thế, uy tín của đất nước. Trong những thành tựu đó, có đóng góp rất quan trọng của đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân.

Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao sự phối hợp ngày càng chặt chẽ hơn, nhịp nhàng hơn giữa Bộ Ngoại giao với các hoạt động đối ngoại của Quốc hội, góp phần phát huy vai trò điều hành, dẫn dắt tại nhiều sự kiện lớn của ngoại giao nghị viện đa phương. Tiêu biểu nhất là thành công của Quốc hội ta trên vai trò Chủ tịch AIPA 41 trong năm nay, được nhiều nghị viện, đối tác đánh giá cao.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội đều quan tâm và ủng hộ công tác đối ngoại nói chung và các hoạt động đối ngoại của Bộ Ngoại giao nói riêng cũng như các hoạt động của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài. Trước những yêu cầu ngày càng cao để đáp ứng với tình hình mới, các Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cần phát huy trách nhiệm, bám sát đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nhất là hướng tới Đại hội XIII của Đảng sắp tới, theo dõi những định hướng lớn cho phát triển kinh tế-xã hội để làm tốt hơn nữa công tác đối ngoại.

Cùng với đó, các đại sứ, trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cần chủ động làm tốt công tác nắm tình hình, nghiên cứu, đánh giá, dự báo; nghiên cứu để kịp thời thông tin, tham mưu, đề xuất cho trong nước không chỉ về các vấn đề đối ngoại, chiến lược mà còn cả các vấn đề liên quan đến đường lối phát triển đất nước.

Các đại sứ, trưởng cơ quan đại diện phối hợp chặt chẽ với các cơ quan phụ trách đối ngoại của Quốc hội để đẩy mạnh hơn nữa đối ngoại Quốc hội, khai thác ngày một tốt hơn và phát huy vai trò của kênh hợp tác nghị viện đặc biệt quan trọng này trong thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam với các nước.

Nhấn mạnh đến tầm quan trọng của công tác ngoại giao văn hóa, tuyên truyền, thông tin đối ngoại, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ở sở tại, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, các đại sứ, trưởng cơ quan đại diện phải làm tốt công tác người Việt Nam ở nước ngoài, thực hiện tốt công tác bảo hộ công dân.

Nhấn mạnh là người đại diện cho Tổ quốc, cho Nhà nước Việt Nam và là người đứng đầu cơ quan đại diện ở nước ngoài, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân mong các đại sứ, trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài phấn đấu làm hết sức mình, nêu cao tinh thần gương mẫu, trách nhiệm, xây dựng cơ quan đại diện đoàn kết, vững mạnh, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ được giao.