Chủ tịch Quốc hội: Thanh Hóa cần triển khai đồng bộ các giải pháp, sớm trở thành cực tăng trưởng mới

(Mặt trận) - Phát biểu chỉ đạo Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025, đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội ghi nhận, Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa đã phát huy truyền thống cách mạng, khai thác các tiềm năng, thế mạnh, triển khai bài bản, nghiêm túc, sáng tạo các chủ trương của Đảng, Nhà nước, vững vàng vượt qua khó khăn, thách thức, đạt được những kết quả nổi bật, quan trọng trên tất cả các lĩnh vực, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng.

Chủ tịch nước Lương Cường chúc Tết, tri ân các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước

Ông Hầu A Lềnh giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang

Tổng Bí thư Tô Lâm: Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện để bộ máy mới ổn định, vận hành hiệu quả

 Đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội. Ảnh Báo Thanh Hóa

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định: Thanh Hóa là vùng đất “địa linh, nhân kiệt”, giàu truyền thống lịch sử, cách mạng hào hùng và văn hóa đặc sắc, là quê hương của nữ anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh, nơi phát tích của các triều đại Tiền Lê, Hậu Lê, triều Hồ và triều Nguyễn, nơi sinh thành của nhiều bậc anh hùng, hào kiệt mà tên tuổi và sự nghiệp đã góp phần làm rạng danh quê hương, đất nước.

Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, Thanh Hóa luôn giữ vị trí trọng yếu cả về chính trị, quân sự và kinh tế. Với bề dày lịch sử hơn 990 năm, danh xưng Thanh Hóa đã hun đúc nên truyền thống vẻ vang và bản chất tốt đẹp của con người nơi đây. Các thế hệ người dân Thanh Hóa luôn cần cù, sáng tạo trong lao động, anh dũng, quật cường trong chiến đấu chống giặc ngoại xâm, lập nên nhiều chiến công hiển hách và nhiều thành tích to lớn trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân ghi nhận những thành tựu nổi bật như trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, kinh tế tăng trưởng với tốc độ cao, bình quân ước đạt 12,1%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch rõ nét theo hướng tích cực. Mô hình tăng trưởng kinh tế từng bước chuyển đổi từ chiều rộng sang chiều sâu. Công nghiệp phát triển mạnh; nhiều cơ sở công nghiệp mới được đưa vào hoạt động, điển hình là Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn là một trong 3 dự án công nghiệp lớn nhất của cả nước, tạo ra động lực mới cho phát triển kinh tế của tỉnh. Các ngành dịch vụ có lợi thế, như: du lịch, vận tải biển, vận tải hàng không phát triển nhanh; giá trị xuất khẩu tăng trưởng cao. Thu ngân sách nhà nước luôn vượt dự toán, tốc độ tăng thu bình quân hàng năm đạt 18,1%.

Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện; huy động vốn đầu tư phát triển đạt cao, tổng vốn đầu tư toàn xã hội gấp 1,8 lần so với giai đoạn trước. Thanh Hóa nằm trong nhóm dẫn đầu của cả nước về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, cảng biển, cảng hàng không được đầu tư nâng cấp, đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển của tỉnh và phục vụ tốt nhu cầu sản xuất kinh doanh của nhân dân. Cùng với phát triển mạnh về kinh tế, văn hóa - xã hội của tỉnh cũng đạt được nhiều kết quả nổi bật. Các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể được bảo tồn, gìn giữ và phát huy. Giáo dục mũi nhọn và thể thao thành tích cao luôn đứng trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước. Mạng lưới y tế được mở rộng, đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị y tế được tăng cường, ứng dụng, chuyển giao thành công nhiều kỹ thuật mới; chất lượng khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được nâng lên; đã sớm kiểm soát được dịch bệnh COVID-19 và được xếp vào nhóm các tỉnh có nguy cơ thấp.

Tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, đời sống vật chất và tinh thần của các tầng lớp nhân dân được nâng lên rõ rệt. Công tác bảo vệ môi trường, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm đạt kết quả tích cực.

Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; các vụ việc phức tạp về an ninh trật tự xảy ra trên địa bàn được giải quyết kịp thời, hiệu quả, dứt điểm, không để hình thành điểm nóng. Cải cách tư pháp được quan tâm, nhiều vụ án trọng điểm, phức tạp được điều tra, truy tố, xét xử kịp thời. Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo được quan tâm; đã giải quyết dứt điểm, nhất là những vụ việc phức tạp, kéo dài nhiều năm. Hoạt động đối ngoại, nhất là kinh tế đối ngoại mang lại nhiều kết quả tích cực.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh 5 nhiệm vụ chủ yếu mà Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa cần quan tâm triển khai thực hiện trong nhiệm kỳ tới.

Thứ nhất, tập trung triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị “Về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Tỉnh phải chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương khẩn trương xây dựng, đề xuất với Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết; trình Quốc hội xem xét, ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư, tài chính, phân cấp quản lý và tổ chức bộ máy, biên chế, nhằm khai thác và phát huy cao nhất tiềm năng, lợi thế, tạo động lực mới cho tỉnh phát triển nhanh và bền vững hơn trong thời gian tới.

Đồng thời, để có định hướng phát triển cho giai đoạn tới, cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng và triển khai hiệu quả quy hoạch tỉnh Thanh Hoá phù hợp với quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ. Trong đó, cần chú ý quy hoạch đô thị tỉnh Thanh Hoá phải theo hướng phân bổ hợp lý giữa các vùng, kết nối thuận lợi với các đô thị vùng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, kết hợp giữa hiện đại và truyền thống, thân thiện với môi trường, dẫn dắt đổi mới sáng tạo và là động lực tăng trưởng kinh tế. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt, tránh chồng chéo, phát huy thế mạnh đặc trưng của địa phương.

Thứ hai, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tạo chuyển biến về chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh của các ngành kinh tế. Phát triển mạnh công nghiệp theo hướng kết hợp hài hòa cả chiều rộng và chiều sâu, chú trọng phát triển theo chiều sâu; mở rộng quy mô sản xuất các ngành công nghiệp có thế mạnh, đưa Thanh Hóa trở thành một trong những trung tâm lớn của vùng Bắc Trung bộ và cả nước về công nghiệp năng lượng và công nghiệp chế biến, chế tạo. Chú trọng thu hút một số ngành công nghiệp mới, công nghệ cao để tạo ra động lực mới cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ, phát triển các cụm liên kết ngành, nhất là giữa công nghiệp và dịch vụ.

Phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, công nghệ cao theo chuỗi giá trị, trọng tâm là đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, xác định rõ các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh để tập trung phát triển; chú trọng công tác xây dựng thương hiệu hàng nông sản, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại mở rộng thị trường tiêu thụ. Phát triển nhanh các ngành dịch vụ có lợi thế, như: dịch vụ, vận tải biển, vận tải hàng không, logistics; nâng cao giá trị xuất khẩu.

Tiếp tục cải thiện mạnh mẽ, thực chất môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh tạo sức hấp dẫn mới để đẩy mạnh thu hút đầu tư, huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển.

Thứ ba, cùng với tập trung lãnh đạo phát triển kinh tế, Đảng bộ cần chăm lo nâng cao chất lượng các hoạt động văn hoá - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Chú trọng giữ gìn và phát huy các di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng, các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của địa phương, tạo động lực, nền tảng cho phát triển bền vững.

Tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, gắn với nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; thu hẹp khoảng cách chất lượng giáo dục giữa các vùng. Đẩy mạnh xã hội hóa, tăng cường cơ sở vật chất, đội ngũ bác sỹ chất lượng cao để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân. Chủ động, tích cực ứng dụng những thành tựu của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư để tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tiếp tục làm tốt công tác đền ơn - đáp nghĩa; thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, giải quyết có hiệu quả các vấn đề bức xúc ở cơ sở. Quan tâm chăm lo xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc, các tôn giáo. Chú trọng phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền Tây Thanh Hóa đi đôi với giảm nghèo bền vững. Triển khai có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 gắn với xây dựng nông thôn mới để cải thiện chất lượng sống của nhân dân, bảo đảm hài hòa và cân đối giữa các vùng, miền, thu hẹp chênh lệch về trình độ phát triển giữa miền núi và miền xuôi.

Thứ tư ,tăng cường củng cố quốc phòng - an ninh, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, thế trận lòng dân vững chắc; bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định, an toàn cho phát triển kinh tế - xã hội; không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Nắm chắc tình hình và chủ động triển khai các phương án bảo đảm an ninh trật tự, nhất là an ninh nông thôn, an ninh tôn giáo, dân tộc, trên các tuyến, địa bàn trọng điểm, tuyệt đối không để hình thành điểm nóng. Rà soát, giải quyết dứt điểm các vụ việc nổi cộm, tồn đọng, kéo dài và các vụ việc mới phát sinh ngay tại cơ sở.

Thứ năm, Đảng bộ Thanh Hóa cần coi trọng và tập trung hơn nữa cho công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng, đảng viên; trong đó đặc biệt chú trọng đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng. Tiếp tục cụ thể hóa, thực hiện các chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân tin tưởng, với sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, trong nhân dân, tinh thần chủ động, sáng tạo, cùng với thời cơ, vận hội mới, Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa sẽ triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, xây dựng Thanh Hóa phát triển toàn diện, ngày càng giàu đẹp, văn minh, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.