Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dự lễ kỷ niệm 60 năm Chiến thắng trận Hiệp Hòa

(Mặt trận) - Sáng 23/11, tại tỉnh Long An, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã dự Lễ kỷ niệm 60 năm Chiến thắng trận Hiệp Hòa (23/11/1963 – 23/11/2023). Tại buổi lễ, thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã trân trọng trao Huân chương Hồ Chí Minh tặng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Long An vì đã có công lao to lớn, đặc biệt xuất sắc trong sự nghiệp của Đảng, Nhà nước.

Thủ tướng: 'Sự sống nảy sinh từ cái chết' ở Làng Nủ, Nậm Tông, Kho Vàng

Sắp xếp, tinh gọn phải nhanh, làm khẩn trương nhưng phải rất khoa học, phòng ngừa các hệ lụy, rủi ro

Diễn văn Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng gắn Huân chương Hồ Chí Minh lên cờ truyền thống của tỉnh Long An. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN 

Dự Lễ kỷ niệm có nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình. Cùng dự  có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; các Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới và nhân dân tỉnh Long An.

Từ sau phong trào Đồng Khởi (1959 - 1960), đế quốc Mỹ đã đề ra chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, cụ thể hóa với 3 biện pháp chủ yếu mà trọng tâm là lập “ấp chiến lược”. Trước tình thế trên, tháng 9/1963, Tỉnh ủy Long An chủ trương đẩy mạnh công cuộc phá “ấp chiến lược” lên qui mô rộng lớn hơn và Hiệp Hòa - một trung tâm, căn cứ biệt kích vào loại lớn nhất ở Nam Bộ lúc bấy giờ đã được chọn làm mục tiêu tiến công tiêu diệt nhằm gây tiếng vang, phá hủy căn cứ và thu vũ khí bổ sung cho lực lượng của ta.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng trao Huân chương Hồ Chí Minh cho tỉnh Long An. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN 

Chiến thắng trận Hiệp Hòa năm 1963 là kết quả của sự đoàn kết nhất quán và ý chí đấu tranh cao độ giữa quân và dân Long An, mở đầu một chương oanh liệt trong lịch sử kháng chiến chống đế quốc Mỹ cứu nước của quân dân và Đảng bộ Long An. Thắng lợi này còn là một điển hình về sự vận dụng và tạo sức mạnh tổng hợp bằng cách kết hợp chặt chẽ 3 mũi giáp công: Quân sự, chính trị, binh vận. Chiến thắng Hiệp Hòa còn có ý nghĩa thực tiễn đối với chiến trường Nam bộ, mở rộng được hành lang nối liền miền Đông Nam bộ với miền Tây Nam bộ và Đông Nam Campuchia. 

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN 

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nêu rõ: Chiến thắng trận Hiệp Hòa đã chứng minh tính đúng đắn của chủ trương và quyết tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng và của Tỉnh ủy Long An; là thành quả của tinh thần chiến đấu dũng cảm, kiên cường, sáng tạo của cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang nhân dân tỉnh Long An; đồng thời thúc đẩy phong trào đấu tranh cách mạng miền Nam lúc bấy giờ.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa cho rằng, phát huy truyền thống anh hùng trong chiến đấu, quyết tâm vươn lên trong công cuộc Đổi mới do Đảng lãnh đạo, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Long An đã khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức, chủ động, sáng tạo trong tổ chức thực hiện các Nghị quyết của Trung ương, đạt được những thành tựu nổi bật qua ba năm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Công nghiệp hóa, hiện đại hóa sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển theo hướng hiện đại, nông thôn mới được quan tâm. Cuộc sống của đại bộ phận nhân dân được cải thiện. Hệ thống kết cấu hạ tầng từng bước được phát triển. Công tác quốc phòng, an ninh đối ngoại được thực hiện có hiệu quả.

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Long An tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả quy hoạch của tỉnh, phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia và quy hoạch Vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Tỉnh tập trung thực hiện có hiệu quả hơn nữa các chương trình và các nhiệm vụ trọng điểm, đặc biệt là ba chương trình đột phá mà tỉnh đã xác định. Long An tiếp tục quan tâm phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế ngang tầm với phát triển kinh tế; chú trọng bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, chăm lo các đối tượng chính sách; quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường.

Cùng với đó là tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, phát huy dân chủ; củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; mở rộng, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế. Đặc biệt, tỉnh cần tiếp tục kiên quyết ngăn chặn, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và các biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"; kiên trì phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí… Tỉnh tiếp tục đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy Đảng và tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

Trên tinh thần đó, Trưởng ban Tuyên giáo Trung  đề nghị toàn thể cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang và nhân dân tỉnh Long An, những người con của Long An đang sinh sống, làm việc, công tác, học tập ở trong và ngoài nước hãy tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước của cha ông, tăng cường tình đoàn kết gắn bó, ra sức thi đua, quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ tỉnh trong nhiệm kỳ Đại hội XI, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

 

Trước khi tham dự buổi lễ, tại Khu di tích Lịch sử Ngã tư Đức Hòa – thị trấn Đức Hòa, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Đoàn công tác đã tới dâng hương, dâng hoa tưởng nhớ đồng chí Võ Văn Tần (sinh năm 1891 - hy sinh năm 1941), nguyên Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ, người chiến sĩ Cộng sản kiên trung, vị lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và Nhà nước.

Với 50 tuổi đời, 15 năm hoạt động cách mạng liên tục và sôi nổi trên nhiều cương vị khác nhau, đồng chí Võ Văn Tần đã dâng hiến trọn đời mình cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân. Trong quá tình hoạt động cách mạng, giữa năm 1940, đồng chí bị địch bắt, giam giữ, tra tấn dã man. Không thể khuất phục được người cộng sản kiên cường, ngày 28/8/1941, thực dân Pháp đã xử bắn đồng chí Võ Văn Tần cũng với các đồng chí tiền bối cách mạng khác là Hà Huy Tập, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Hữu Tiến.

Tiếp đó, tại thị trấn Hậu Nghĩa, huyện Đức Hòa, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã tới thăm, tặng quà bà Phạm Thị Liêm, Thương binh, từng hoạt động kháng chiến và bị địch bắt tù đày.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng thăm, tặng quà bà Phạm Thị Liêm là thương binh, từng hoạt động kháng chiến và bị địch bắt tù đày. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN 
Ảnh: Thống Nhất/TTXVN