Chủ tịch nước tới New York, bắt đầu chương trình tham dự Đại hội đồng Liên hợp quốc Khóa 76

(Mặt trận) - Vào lúc 20h15 tối 20/9 theo giờ địa phương (sáng 21/9 theo giờ Việt Nam), chuyên cơ chở Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới Sân bay quốc tế J.F Kennedy, thành phố New York, Hoa Kỳ, bắt đầu chương trình tham dự Phiên thảo luận chung cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc Khóa 76 và thực hiện một số hoạt động song phương tại Hoa Kỳ từ ngày 21- 24/9.

Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Điện Biên

Thủ tướng: Thanh niên cần thực hiện '5 xung kích', '6 khát vọng' trong chuyển đổi số

Thường trực Ban Bí thư tiếp Đoàn đại biểu Đảng Lao động Triều Tiên

 Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Tháp tùng Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trong chuyến công tác lần này có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc; Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Lê Khánh Hải; Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, đồng Chủ tịch Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Cuba; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng.

Cùng đi còn có Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Thượng tướng Nguyễn Văn Sơn, Thứ trưởng Bộ Công an; Chủ tịch Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị Việt Nam Nguyễn Phương Nga. Tham gia Đoàn còn có Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Hà Kim Ngọc và Đại sứ, Trưởng phái đoàn Việt Nam tại LHQ Đặng Đình Quý và lãnh đạo một số ban, bộ, ngành Trung ương.

Cũng vào ngày 20/9 cách đây 44 năm, Việt Nam chính thức gia nhập LHQ. Quan hệ hợp tác Việt Nam-LHQ trong hơn 40 năm qua đã góp phần bảo vệ và thúc đẩy lợi ích quốc gia-dân tộc, nhất là duy trì, củng cố môi trường hòa bình, an ninh và thuận lợi cho phát triển đất nước; thúc đẩy hội nhập quốc tế sâu rộng hơn và góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế.

Việt Nam đã cử 243 lượt sĩ quan quân đội theo các suất đơn lẻ làm nhiệm vụ tại các Phái bộ gìn giữ hòa bình LHQ ở Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi và Cục gìn giữ hòa bình tại Trụ sở LHQ; triển khai 3 lượt bệnh viện dã chiến số 2 tại Phái bộ hòa bình LHQ ở Nam Sudan; là một trong những nước có tỷ lệ nữ tham gia cao nhất trong các nước cử quân (12%).

Đặc biệt, với việc được bầu là Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an LHQ (nhiệm kỳ 2020-2021) với số phiếu cao kỷ lục 192/193 phiếu ủng hộ, Việt Nam, trên cương vị này, đã phát huy được vai trò, chủ động và tích cực tham gia đóng góp vào công việc chung của HĐBA trên tinh thần độc lập, tự chủ, tích cực, trách nhiệm và cân bằng; đóng góp thực chất vào quá trình thương lượng, tìm giải pháp, đáp ứng quan tâm chung của cộng đồng quốc tế; thúc đẩy quan hệ song phương với các nước thành viên HĐBA và phát huy “vai trò kép” Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ và Chủ tịch ASEAN 2020.

Theo chương trình, dự kiến trong thời gian ở New York, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sẽ dự Lễ khai mạc Đại hội đồng LHQ khóa 76; dự Hội nghị trực tuyến Thượng đỉnh Toàn cầu về COVID-19 do Tổng thống Hoa Kỳ J.Biden và Phó Tổng thống Hoa Kỳ K.Haris chủ trì với chủ đề “Chấm dứt đại dịch, xây dựng tương lai tốt đẹp hơn”. Dự kiến, Chủ tịch nước sẽ có nhiều cuộc tiếp xúc song phương với nguyên thủ các quốc gia bên lề Đại hội đồng. Đặc biệt, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sẽ dành nhiều thời gian tiếp và đối thoại với lãnh đạo nhiều Tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Hoa Kỳ để tiếp tục kêu gọi, thúc đẩy các hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp Hoa Kỳ vào Việt Nam.

Cán bộ Đại sứ quán tại Hoa Kỳ và Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc đón Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN) 

 Việt Nam khẳng định vai trò tích cực, trách nhiệm trên trường quốc tế

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tiếp tục tạo ra nhiều thách thức trên toàn cầu, việc lãnh đạo Việt Nam tham gia trực tiếp vào các hoạt động lớn nhất trong năm của LHQ, đặc biệt là cuộc thảo luận chung tại diễn đàn đa phương lớn nhất hành tinh này, một lần nữa khẳng định vai trò và vị thế của Việt Nam là một đối tác tin cậy, thành viên chủ động, tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

Theo Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ, việc Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao tham gia và phát biểu tại tuần lễ cấp cao ĐHĐ cũng thể hiện tinh thần trách nhiệm rất cao và cam kết mạnh mẽ của Việt Nam với cương vị là ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ nhiệm kỳ 2020-2021, trong việc giải quyết các thách thức toàn cầu.

Tuần lễ cấp cao ĐHĐ tại New York diễn ra đúng thời điểm Việt Nam vừa kỷ niệm 44 năm chính thức gia nhập LHQ (20/9/1977), và còn 3 tháng nữa là Việt Nam hoàn thành nhiệm kỳ thứ hai đảm đương vai trò ủy viên không thường trực HĐBA. Sự kiện này chính là cơ hội để Việt Nam tiếp tục có những đóng góp thực chất vào các hoạt động của LHQ, đặc biệt trong bối cảnh cộng đồng quốc tế đang phải đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm cả những thách thức là chủ đề của 3 phiên họp cấp cao mà Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sẽ tham dự, bên cạnh phiên thảo luận chung cấp cao. Đó là phiên về hệ thống an ninh lương thực toàn cầu, phiên cấp cao về an ninh khí hậu tại HĐBA và phiên thảo luận cấp cao toàn cầu về ứng phó với đại dịch COVID-19. Tất cả những hoạt động này đều nhằm 3 mục tiêu trước mắt là ứng phó với đại dịch COVID-19, giải quyết hậu quả của đại dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế xã hội sau đại dịch, từ đó tiếp tục thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững cho đến năm 2030.

Sự kiện Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tham dự phiên thảo luận chung cấp cao ĐHĐ LHQ khóa 76 và trao đổi với các lãnh đạo cao nhất của LHQ là minh chứng rõ nét cho đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ và rộng mở của Việt Nam, coi trọng đối ngoại đa phương và thúc đẩy quan hệ với LHQ là một trong những trọng tâm. Qua 44 năm tham gia tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh, Việt Nam đã chủ động đóng góp tích cực và ngày càng thực chất vào hoạt động của LHQ, thể hiện vai trò thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế . Việt Nam được LHQ và cộng đồng quốc tế đánh giá là một điển hình thành công trong việc thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ và là một quốc gia quyết tâm và nghiêm túc thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững và Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Việt Nam cũng tích cực thúc đẩy các sáng kiến cải tổ LHQ, được đánh giá là một trong những quốc gia đi đầu triển khai sáng kiến “Thống nhất hành động” của LHQ nhằm tăng hiệu quả hoạt động của LHQ ở cấp độ quốc gia. Với những đóng góp của mình, Việt Nam đã được tín nhiệm bầu vào nhiều vị trí, cơ quan quan trọng của LHQ và ghi được nhiều “dấu ấn” tại HĐBA LHQ, Hội đồng Nhân quyền LHQ, Hội đồng Kinh tế - Xã hội (ECOSOC)….

Dấu ấn Việt Nam trên trường quốc tế càng được khẳng định trong nhiệm kỳ ủy viên không thường trực HĐBA 2020-2021. Trên cương vị này, Việt Nam đã phát huy được vai trò, chủ động tham gia đóng góp vào công việc chung của HĐBA trên tinh thần độc lập, tự chủ, tích cực, trách nhiệm và cân bằng; đóng góp thực chất vào quá trình thương lượng, tìm giải pháp, đáp ứng quan tâm chung của cộng đồng quốc tế; thúc đẩy quan hệ song phương với các nước thành viên HĐBA và phát huy “vai trò kép” ủy viên không thường trực HĐBA LHQ và Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong năm 2020. Đặc biệt trên cương vị Chủ tịch HĐBA tháng 1/2020 và tháng 4/2021, Việt Nam đã điều hành khối lượng công việc lớn; tổ chức thành công các sự kiện điểm nhấn, như phiên thảo luận mở về Hiến chương LHQ, Phiên họp về quan hệ hợp tác ASEAN-LHQ (lần đầu tiên trong lịch sử tại HĐBA); đề xuất và thúc đẩy thông qua tại HĐBA nhiều văn kiện, nghị quyết với sự đồng thuận, nhất trí của các nước, qua đó thể hiện vai trò điều phối, trao đổi, đối thoại của Chủ tịch HĐBA để duy trì sự đồng thuận, đoàn kết của các ủy viên HĐBA trong suốt tháng chủ tịch do Việt Nam đảm nhiệm.

Việt Nam cũng phối hợp tốt với LHQ trong công cuộc chống đại dịch COVID-19, với việc đề xuất Nghị quyết về việc lấy ngày 27/12 hằng năm là ngày Quốc tế Phòng chống dịch bệnh và đã được ĐHĐ LHQ thông qua .

Những nỗ lực và sự đóng góp của Việt Nam trên cương vị ủy viên không thường trực HĐBA LHQ đã được bạn bè quốc tế đánh giá tích cực, cho rằng Việt Nam đã thể hiện vai trò chủ động, cân bằng và đầy trách nhiệm, thể hiện được cam kết của Việt Nam nhiệm kỳ này là “Đối tác vì hòa bình bền vững”. Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres và đại sứ các nước tại LHQ ấn tượng với các sáng kiến của Việt Nam, đặc biệt là chương trình nghị sự trong hai tháng đảm nhiệm cương vị Chủ tịch HĐBA. Tại cuộc điện đàm giữa Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc với Tổng Thư ký LHQ tháng 6 vừa qua, ông Antonio Guterres đã ghi nhận những đóng góp tích cực và có trách nhiệm của Việt Nam tại LHQ và trong các vấn đề toàn cầu, nhất là tại HĐBA LHQ, đối với việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu và COVID-19. Người đầu LHQ cho rằng Việt Nam là nhân tố quan trọng đóng góp vào hòa bình, ổn định trong khu vực.

Chia sẻ quan điểm này, Đại sứ Anouparb Vongnorkeo, Trưởng Phái đoàn thường trực Lào tại LHQ, đánh giá Việt Nam ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn trong LHQ, nhất là tại HĐBA.  Đại sứ Nathalie Estival-Broadhurst, Phó Trưởng Phái đoàn thường trực Pháp tại LHQ, cũng nhận định "Việt Nam là một đối tác mạnh tại HĐBA" và Việt Nam đã làm rất tốt trách nhiệm của mình. Trưởng Phái đoàn thường trực Bỉ tại LHQ, Đại sứ Philippe Kridelka cho rằng: “Việt Nam có tiếng nói mạnh mẽ và có được lòng tin của thế giới”. Chính vì vậy, Đại sứ Philippe Kridelka tin rằng Việt Nam có thể là cầu nối hết sức hiệu quả giữa các nước, qua đó đóng góp nhiều hơn nữa để HĐBA có được sự đồng thuận, để các nước ủy viên thường trực như Nga, Mỹ và Trung Quốc hiểu nhau hơn.

Mới đây nhất, trung tuần tháng 8 vừa qua, sự kiện Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự phiên thảo luận mở cấp cao trực tuyến của HĐBA LHQ với chủ đề “Tăng cường an ninh biển: Một lĩnh vực hợp tác quốc tế” và có bài phát biểu quan trọng cùng những đề xuất thiết thực để ứng phó hiệu quả với các thách thức an ninh biển đã được các nước, giới chuyên gia, học giả, bạn bè quốc tế đánh giá tích cực. Như nhận định của  Giáo sư Antonio Fallico, Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Á-Âu tại vùng Veneto (Italy), chuyên gia về địa chính trị châu Á, những đề xuất của Việt Nam trong phiên thảo luận về an ninh biển thể hiện rõ đường lối đối ngoại hòa bình, hợp tác và tinh thần trách nhiệm đối với ổn định, an ninh của khu vực và quốc tế. Trong khi đó, Tiến sỹ Gerhard Will, nguyên là chuyên gia về Biển Đông của Viện Khoa học và Chính trị Đức, cho rằng các đề xuất của Việt Nam rất phù hợp và thực tế, thể hiện tính chủ động, tích cực và tinh thần trách nhiệm cao của Việt Nam trong việc đối phó với các thách thức chung.

Với những đóng góp tích cực, thực chất tại các cơ quan của LHQ, Việt Nam đã cho thấy những cam kết mạnh mẽ của một quốc gia luôn tích cực nỗ lực xây dựng lòng tin và đối thoại, làm cầu nối tìm kiếm giải pháp hòa bình cho các cuộc xung đột trên thế giới thông qua Hiến chương LHQ, luật pháp quốc tế và sự hợp tác ngày càng chặt chẽ giữa LHQ và các tổ chức cũng như các cơ chế đa phương. Việc Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tham dự khóa họp 76 ĐHĐ LHQ tiếp tục chuyển đi thông điệp về một Việt Nam đã, đang và sẽ luôn là thành viên chủ động, tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.