Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc làm việc với Đảng đoàn Quốc hội về Đề án Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa

(Mặt trận) - Chiều 14/7, tại Nhà Quốc hội, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” và đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng đoàn Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội đồng chủ trì Hội nghị lấy ý kiến về dự thảo Đề án.

Thủ tướng: 'Sự sống nảy sinh từ cái chết' ở Làng Nủ, Nậm Tông, Kho Vàng

Sắp xếp, tinh gọn phải nhanh, làm khẩn trương nhưng phải rất khoa học, phòng ngừa các hệ lụy, rủi ro

Diễn văn Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ - Phó Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển 

Tham dự buổi làm việc có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng đoàn Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo cùng các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo; Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội.

Với sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ - Phó Trưởng Ban Chỉ đạo, các thành viên Ban Chỉ đạo, thành viên Đảng đoàn Quốc hội, các chuyên gia đã tập trung thảo luận về 13 nội dung liên quan đến vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội trong dự thảo Đề án gồm: nhận thức nội hàm “Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền hành pháp, là cơ quan chấp hành của Quốc hội”; đổi mới Quốc hội theo hướng Quốc hội hoạt động thường xuyên; đổi mới, pháp luật về bầu cử; thành lập thiết chế bảo vệ Hiến pháp; hoàn thiện cơ chế thực hiện quyền trưng cầu ý dân và quyền phúc quyết Hiến pháp; thành lập Ủy ban Quốc gia về quyền con người; thể chế hóa cụ thể hơn về vị trí, vai trò của Chủ tịch Nước; thành lập Hội đồng Tư pháp quốc gia; tổ chức Tòa án, thẩm quyền xét xử không phụ thuộc vào đơn vị hành chính; đổi mới tổ chức hoạt động của Viện Kiểm sát; tiếp tục thu gọn đầu mối cơ quan điều tra; tiếp tục đổi mới tổ chức hoạt động của cơ quan thi hành án; đổi mới cơ chế phân cấp, phân quyền trong bộ máy nhà nước.         

Qua các ý kiến thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao việc Thường trực Ban Chỉ đạo đã tổ chức thêm các hội nghị lấy ý kiến của các cơ quan về dự thảo Đề án. Để chuẩn bị cho Hội nghị lần này, Đảng đoàn Quốc hội đã tổ chức lấy ý kiến của từng thành viên. Nhưng vì đây là vấn đề rất lớn, rất khó nên Đảng đoàn Quốc hội cũng mới chỉ có ý kiến bước đầu và sẽ có văn bản chính thức gửi Thường trực Ban Chỉ đạo. Chủ tịch Quốc hội nhận định, đến nay, dự thảo Đề án đã tiếp thu, chỉnh lý cơ bản hoàn chỉnh, bảo đảm chất lượng theo đúng tính chất của một đề án chính trị pháp lý trình Ban Chấp hành Trung ương xem xét, ban hành Nghị quyết.

“Đảng đoàn Quốc hội và cá nhân tôi đánh giá rất cao công tác chuẩn bị xây dựng Đề án, rất công phu, rất kỹ lưỡng và cũng rất thận trọng. Thường trực Ban Chỉ đạo, trực tiếp là đồng chí Chủ tịch Nước Nguyễn Xuân Phúc và đồng chí Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc đã chỉ đạo rất sát sao, tổ chức bài bản việc nghiên cứu, tiếp thu, biên tập nội dung; huy động sự tham gia đông đảo của các chuyên gia pháp lý, các nhà khoa học hàng đầu của cả nước; tổ chức được nhiều hội thảo, toạ đàm, hội nghị lấy ý kiến 63 tỉnh ủy, thành ủy, hội thảo ở 3 miền Bắc, Trung, Nam; lựa chọn nội dung làm việc, trao đổi sâu với một số cơ quan Trung ương. Điều này thể hiện Thường trực Ban Chỉ đạo rất cầu thị, rất lắng nghe, xác định đây là Đề án rất quan trọng, rất rộng và rất khó, nhất là những nội dung còn có ý kiến khác nhau”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Với 4 chuyên đề được phân công, Chủ tịch Quốc hội cho biết, Đảng đoàn Quốc hội đã nghiêm túc triển khai với tinh thần trách nhiệm cao nhất. Nhiều nội dung trong các chuyên đề do Đảng đoàn Quốc hội xây dựng và ý kiến của các thành viên Đảng đoàn Quốc hội tại các hội thảo, toạ đàm của Ban Chỉ đạo đến nay đã được tiếp thu, thể hiện trong dự thảo Đề án. Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, từ nay đến khi trình Ban Chấp hành Trung ương vẫn còn điều kiện để nghiên cứu kỹ lưỡng, thảo luận sâu hơn để bảo đảm tốt nhất về chất lượng của dự thảo Đề án.

Nêu một số vấn đề mang tính nguyên tắc, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, chúng ta nói xây dựng và hoàn thiện “Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam” thì trước hết, đó phải là Nhà nước đáp ứng các đặc trưng phổ quát của “Nhà nước pháp quyền” và phải thể hiện được những đặc trưng riêng của “pháp quyền XHCN Việt Nam. “Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế là hết sức quan trọng nhưng cũng không thể “nhập khẩu” một cách máy móc được, cuối cùng, người Việt Nam phải tự chủ quyết định các vấn đề của mình để đáp ứng tối đa lợi ích quốc gia dân tộc”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Bên cạnh đó, dự thảo Đề án đề cập đến các mốc thời gian xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045. Theo Chủ tịch Quốc hội, dù phân kỳ như thế nào thì cần khẳng định rõ cho dù đến năm 2030, năm 2045 và mãi về sau này, chúng ta vẫn phải là “Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam”. “Sau năm 2030 chúng ta nâng cao hơn nữa về trình độ phát triển, mức độ hoàn thiện của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam nhưng bản chất là không thay đổi”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh và đề nghị dự thảo Đề án cần thể hiện rõ nét hơn nữa tinh thần này. Chủ tịch Quốc hội cũng bày tỏ đồng tình với các ý kiến tại Hội nghị về việc khi xem xét một vấn đề cụ thể thì phải đặt trong tổng thể. Các nội dung trong dự thảo Đề án cũng cần bám sát tinh thần này.

Tất cả vì sự phát triển của đất nước, sự trường tồn của chế độ XHCN

Chủ tịch Nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: Lâm Hiển 

Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch Nước Nguyễn Xuân Phúc - Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án đánh giá cao các ý kiến thảo luận dân chủ, thẳng thắn tại Hội nghị; đánh giá cao công tác chuẩn bị của Đảng đoàn Quốc hội, Tổ biên tập. Đến nay, Ban chỉ đạo, Tổ biên tập và Đảng đoàn Quốc hội đã đạt được sự đồng thuận rất cao về nhiều vấn đề. “Tất cả chúng ta đều thể hiện tinh thần trách nhiệm rất cao, rất tâm huyết, tất cả vì sự phát triển của đất nước, vì sự nghiệp của nhân dân, vì sự trường tồn của chế độ XHCN của nước ta”, Chủ tịch Nước nói.

Hoan nghênh và đánh giá cao tất cả các ý kiến phát biểu, Chủ tịch Nước đề nghị Tổ biên tập ghi chép tất cả ý kiến, chọn lọc những vấn đề đã chín, đã rõ, đã được khẳng định để đưa vào dự thảo Đề án, dự thảo Nghị quyết trình Ban Chấp hành Trung ương. Đồng thời nhấn mạnh, sau năm 2030, chúng ta tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện trên nền tảng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.

Chủ tịch Nước cũng chỉ rõ, các ý kiến phát biểu tại hội nghị đều thống nhất rất cao nhiều nội dung của dự thảo Đề án liên quan đến tổ chức, hoạt động của Quốc hội. Các đại biểu thống nhất đánh giá, trong thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nỗ lực rất lớn trong việc hoàn thiện pháp luật, điều chỉnh các lĩnh vực của đời sống kinh tế xã hội, tăng cường giám sát những vấn đề quan trọng, những vấn đề bức xúc của đời sống nhân dân, bảo đảm bảo vệ tốt hơn quyền con người, quyền công dân. Đặc biệt, thời gian gần đây, Quốc hội đã giải quyết nhiều vấn đề lớn, cấp bách, hoàn thiện thể chế kinh tế-xã hội, chính sách tài khóa hỗ trợ chương trình phòng, chống dịch Covid-19, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

“Chúng ta đã xây dựng được một hệ thống pháp luật cơ bản, đầy đủ, đồng bộ, toàn diện để điều chỉnh các quan hệ xã hội, đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế-xã hội, hội nhập quốc tế; hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Chưa bao giờ đất nước chúng ta có được cơ đồ như hôm nay, nếu không có hệ thống pháp luật, chính sách tốt thì làm sao có được cơ đồ như vậy?”, Chủ tịch Nước nói.

Theo Chủ tịch Nước, cơ chế phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp từng bước có hiệu quả. Hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội có nhiều đổi mới, chất lượng, hiệu quả. Cần thống nhất trong nhận thức về “Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền hành pháp, là cơ quan chấp hành của Quốc hội”.

Chủ tịch Nước đề nghị Tổ biên tập nghiên cứu thật kỹ lưỡng các ý kiến phát biểu tại hội nghị; chọn lọc vấn đề, biên tập kỹ lưỡng để thể hiện rõ ràng, dễ hiểu, bảo đảm thống nhất trong cách hiểu, trên cơ sở lý luận, khoa học, thực tiễn, có lập luận đầy đủ, rõ ràng, thuyết phục để chỉnh sửa dự thảo Đề án, báo cáo Ban Chỉ đạo trong Phiên họp lần thứ Tư.