Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự tọa đàm doanh nghiệp Việt - Nga và chứng kiến lễ ký, trao đổi nhiều văn kiện hợp tác Việt - Nga

(Mặt trận) - Nhân chuyến thăm chính thức Liên bang Nga của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, chiều 1/12 theo giờ địa phương, Chủ tịch nước đã dự và phát biểu tại Tọa đàm doanh nghiệp Việt Nam – Nga.

Tổng Bí thư Tô Lâm thăm, làm việc tại Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng

Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc thăm, chúc Tết tại Hà Giang

Tổng Bí thư Tô Lâm tri ân công lao của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhân dịp Tết

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Tọa đàm doanh nghiệp Việt Nam - Nga. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN 

Tham dự sự kiện có ông Alexander Shokhin, Chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp và Doanh nhân Nga cùng 80 doanh nghiệp hai nước.

Tại diễn đàn, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các bộ, ngành và doanh nghiệp hai nước kịp thời tháo gỡ khó khăn, thảo luận các biện pháp cụ thể để đạt mục tiêu nâng kim ngạch 2 chiều tăng 15 lần, đầu tư tăng 3 lần trong thời gian tới. 

Phát biểu tại tọa đàm, doanh nhân hai nước bày tỏ sẵn sàng đầu tư vào nhau trên cơ sở mối quan hệ truyền thống gắn bó giữa Việt Nam và Liên bang Nga cũng như những cơ hội và cơ chế ưu đãi đầu tư của mỗi nước. 

Tại tọa đàm, ông Alexander Shokhin cho rằng các doanh nghiệp Nga và Việt Nam cần khai thác thế mạnh của Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á - Âu, bởi đây chính là hiệp định đầu tiên mà Liên minh ký với bên ngoài.

Ông Alexander Shokhin bày tỏ vui mừng vì Tuyên bố chung hai nước trong chuyến thăm lần này của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh đến hợp tác kinh tế; mở ra cánh cửa mới cho doanh nghiệp hai nước. Ông Alexander Shokhin cũng cho biết doanh nghiệp của Nga rất quan tâm đến việc đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt là sử dụng các ưu thế hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký với Liên minh kinh tế Á - Âu. 

Hoan nghênh nhiều doanh nghiệp Việt Nam và Nga có mặt tại Tọa đàm, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thông báo với doanh nghiệp hai nước về kết quả tốt đẹp của cuộc hội đàm với Tổng thống Vladimir Putin, mở ra nhiều nội dung hợp tác trong nhiều lĩnh vực, nhất là kinh tế và thương mại, trong bối cảnh Việt Nam tiếp tục phát triển, tăng trưởng có thể đạt 4,5% trong năm nay dù dịch bệnh COVID-19; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt khoảng 600 tỷ USD, xuất siêu liên tục, lạm phát thấp. Việt Nam là nền kinh tế quy mô lớn thứ 3 trong Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Là nước tham gia 15 hiệp định thương mại tự do với nhiều hiệp định tiêu chuẩn cao, đầu tư vào Việt Nam, các doanh nghiệp Nga có cơ hội thâm nhập vào các thị trường hết sức rộng lớn. 

Quang cảnh lễ ký kết MOU giữa doanh nghiệp 2 nước. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN) 

Chủ tịch nước nêu rõ, theo đánh giá của quốc tế, Việt Nam là 1 trong 20 nước trên thế giới thu hút đầu tư thành công nhất. Trong số 140 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, đầu tư của Nga vào Việt Nam còn thấp trong khi tiềm lực của nước Nga rất lớn. Chính vì vậy, trong bối cảnh dịch COVID-19 được kiểm soát tốt ở Việt Nam, Chủ tịch nước đề nghị các doanh nghiệp Nga với sự hỗ trợ quan tâm của Chính phủ tăng cường nghiên cứu thị trường Việt Nam, và ngược lại, doanh nghiệp Việt Nam nghiên cứu thị trường Nga để hợp tác trao đổi đạt kết quả tốt hơn. 

Chủ tịch nước cho rằng không gian hợp tác của từng ngành kinh tế còn rất lớn. Việt Nam có thể tiếp tục nhập khẩu lúa mì hay thịt lợn nhưng cần đẩy mạnh xuất khẩu nông sản, thực phẩm và sản phẩm khác mà Việt Nam sản xuất được. Bởi Nga có diện tích rộng lớn nhưng xuất khẩu nông sản mới chỉ đạt 30 tỷ USD mỗi năm, còn Việt Nam xuất khẩu nông sản đạt 45 tỷ USD, nên có thể đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực này.

Theo Chủ tịch nước, hai nước Việt Nam và LB Nga có mối quan hệ hữu nghị, hợp tác thân thiết hơn 70 năm. Sự tin cậy trong quan hệ chính trị, ngoại giao, quan hệ kinh tế giữa hai nước sẽ mở ra những chương mới trong thời gian tới. Mục tiêu của hai nước là phải tăng gấp 15 đến 20 lần kim ngạch thương mại, đầu tư song phương tăng gấp 3 lần trong thời gian tới. Cơ quan chức năng hai nước cần phối hợp giải quyết vướng mắc để quan hệ kinh tế, thương mại tương xứng với quan hệ hai nước. Phía Việt Nam đã đề nghị với Chính phủ Nga sửa đổi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam và Liên minh kinh tế Á - Âu theo hướng tạo thuận lợi hơn nữa cho thương mại và đầu tư song phương.

Chủ tịch nước cho rằng cần đề cao vai trò của Ủy ban Liên chính phủ Việt - Nga về hợp tác kinh tế, thương mại, khoa học kỹ thuật; đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, thương mại nhiều hơn nữa để hiểu về thị trường của nhau với các lĩnh vực ưu tiên như năng lượng, công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, ngân hàng, tài chính và cùng tham gia các chuỗi giá trị. Chủ tịch nước nhấn mạnh doanh nghiệp Nga đầu tư vào Việt Nam không chỉ là những nhà đầu tư quốc tế mà còn là những người bạn thân tình; thành công của các nhà đầu tư Nga cũng là mong mỏi, niềm tự hào của Việt Nam. Các doanh nghiệp Nga và Việt Nam là những viên gạch quý đóng góp cho tình hữu nghị vĩ đại truyền thống giữa hai nước Nga - Việt.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu chứng kiến lễ ký kết Biên bản ghi nhớ về hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN 

* Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Liên bang Nga của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, ngày 1/12, theo giờ địa phương, tại thủ đô Moskva, Chính phủ hai nước đã ký kết Nghị định thư; các bộ, ngành, địa phương và một số doanh nghiệp, tập đoàn lớn của Việt Nam và Liên bang Nga đã ký kết, trao đổi biên bản thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực, gồm sản xuất phương tiện vận tải, an ninh mạng trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, văn hóa, âm nhạc, năng lượng, sản xuất vaccine phòng COVID-19, phát triển thể thao trình độ cao…

Đáng chú ý, nhân dịp này, Công ty VABIOTECH trực thuộc Bộ Y tế Việt Nam và Tập đoàn SOVICO đã ký thỏa thuận hợp tác với Quỹ Đầu tư trực tiếp của Liên bang Nga (RDIF) trong việc cung ứng, sản xuất vaccine Sputnik tại Việt Nam. Đây là thỏa thuận hợp tác giữa các bên nhằm phát triển hoạt động sản xuất vaccine Sputnik phòng COVID-19, do Viện Nghiên cứu dịch tễ và vi sinh quốc gia Gamaleya (Nga) phát triển, tại Việt Nam. Thỏa thuận cũng bao gồm mở rộng nguồn cung cấp vaccine Sputnik tại Việt Nam cũng như các quốc gia, vùng lãnh thổ lân cận, hợp tác chuyển giao công nghệ, phương pháp phân tích và kiểm tra chất lượng…

VABIOTECH, một doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Bộ Y tế Việt Nam, với sự đồng hành của tập đoàn SOVICO sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ cùng RDIF và Viện Gamaleya sản xuất vaccine Sputnik mỗi năm tại Việt Nam, góp phần quan trọng vào kế hoạch tự chủ vaccine phòng chống COVID-19 của Chính phủ Việt Nam cũng như đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. 

Trước đó, 1,5 triệu liều vaccine Sputnik V đã được tiêm cho người dân 7 tỉnh, thành phố của Việt Nam. Với những ưu điểm vượt trội về công nghệ với khả năng chống lại biến thể Delta cao (trên 80%)..., vaccine Sputnik ngày càng nhận được sự chấp thuận ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ. Đến nay, 71 quốc gia đã sử dụng vaccine Sputnik trong chiến dịch tiêm chủng toàn dân. Với biến thể mới Omicron đang gây ra làn sóng lo ngại mới trên toàn cầu, đội ngũ nghiên cứu, phát triển vaccine Sputnik cũng đang sản xuất vaccine chống lại biến thể này, dự kiến sẽ có trong 45 ngày nữa và đến năm 2022 có thể tiến hành sản xuất rộng rãi.

Tại Việt Nam, vaccine Sputnik V đã được Bộ Y tế cấp phép sử dụng khẩn cấp vào ngày 23/3/2021. Ngày 21/7, VABIOTECH đã chính thức công bố việc sản xuất thử nghiệm vaccine Sputnik V tại Việt Nam. 

* Nhân dịp này, HDBank đã ký kết thỏa thuận với Liên đoàn Cờ thế giới (FIDE) và Liên đoàn Cờ Việt Nam (VCF) về việc đồng hành cùng Giải cờ vua quốc tế trong 10 năm tới. Theo đó, FIDE sẽ đồng hành cùng Liên đoàn Cờ Việt Nam và HDBank tổ chức giải Cờ vua quốc tế tại Việt Nam trong 10 năm, từ năm 2022 đến năm 2031.

Cụ thể, FIDE đưa giải đấu Cờ vua quốc tế HDBank tại Việt Nam vào danh sách các giải chính thức trong khuôn khổ của FIDE, thu hút các kỳ thủ khắp thế giới. FIDE hỗ trợ nâng cao chất lượng giải đấu. VCF tổ chức giải, nâng cao trình độ năng lực đội tuyển và các kỳ thủ Việt Nam, thu hút kỳ thủ khắp nơi trên thế giới tham dự.

Trong khuôn khổ của giải Cờ vua quốc tế HDBank, các bên thống nhất cùng phối hợp tổ chức: Các hội thảo dành cho trọng tài, huấn luyện viên, nhà tổ chức; Các lớp học của các đại kiện tướng dành cho trẻ em, thanh thiếu niên; thực hiện các khóa đào tạo về tổ chức giải, hội thảo. Ngoài ra, các bên sẽ cùng hỗ trợ triển khai dự án “Cờ vua trong trường học” tại Việt Nam, phổ biến thể thao trí tuệ; đồng thời tiến hành các sự kiện trong khuôn khổ năm 2022 được FIDE công bố là năm cờ vua nữ. 

Hợp tác giữa 3 bên mang ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao năng lực chuyên môn và khả năng thi đấu cho các vận động viên Việt Nam, đóng góp cho làng cờ thế giới; đào tạo đội ngũ chuyên môn kế thừa; nâng cao chuyên môn công tác trọng tài, kỹ năng tổ chức các giải đấu cờ vua quốc tế lớn… giúp cờ vua Việt Nam ngày càng lớn mạnh và chuyên nghiệp.

Giải Cờ vua quốc tế HDBank diễn ra vào tháng 3 hằng năm từ năm 2011 - 2019, đã trở thành sự kiện đặc biệt trong làng thể thao Việt Nam và thế giới. Giải đã 2 lần đón Chủ tịch FIDE tới tham dự là ông Kirsan Ilyumzhinov (năm 2018) và  ông Arkady Dvorkovich (năm 2019). Năm 2020 và 2021, giải không tổ chức do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.

Từ cái nôi là Giải Cờ vua quốc tế HDBank, nhiều tài năng cờ đã được chắp cánh như Đại kiện tướng Lê Quang Liêm - Top 20 thế giới, từng đoạt cúp vô địch Thế giới cờ nhanh; Đại kiện tướng Nguyễn Ngọc Trường Sơn từng đem vinh quang về cho Việt Nam tại các giải Giải vô địch cờ vua châu Á và Olympiad; các kỳ thủ Trần Tuấn Minh, Lê Tuấn Minh, cũng như nhiều kỳ thủ trẻ nước ngoài đã đạt được chuẩn Đại kiện tướng quý báu từ giải đấu này.