Chủ tịch nước chủ trì họp về xây dựng một số cơ sở đào tạo pháp lý trọng điểm

(Mặt trận) - Chiều 28/4, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương chủ trì cuộc họp đánh giá kết quả thực hiện các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Đề án tổng thể “Xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội và Trường Đại học Luật TP Hồ Chí Minh thành các trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật” và Đề án “Xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp”.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn: Củng cố, phát triển quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Cuba ngày càng bền chặt

Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại An Giang

Nội dung chuyên đề của Tổng Bí thư Tô Lâm về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương phát biểu. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN 

Đây cũng là những nội dung chuẩn bị cho cuộc họp của Ban Chỉ đạo diễn ra vào ngày mai (29/4).

Cùng dự cuộc họp có đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Cải cách Tư pháp Trung ương; lãnh đạo Bộ Tư pháp, Bộ Giáo dục và Đào tạo; lãnh đạo các trường, học viện liên quan.

Theo báo cáo của Bộ Tư pháp tại cuộc họp, sau hơn 7 năm thực hiện Quyết định số 549-QĐ/TTg của Thủ tướng Chính phủ, Trường Đại học Luật Hà Nội và Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh đã không ngừng được mở rộng quy mô, đào tạo cả thạc sĩ, tiến sĩ. Đến nay, Trường Đại học Luật Hà Nội có trên 15.000 sinh viên, Trường Đại học Luật TP Hồ Chí Minh khoảng 12.500 sinh viên. Hai trường đã mở các ngành đào tạo mới, rà soát, chỉnh lý hoặc ban hành mới các chương trình đào tạo đang áp dụng. Dù số lượng giảng viên của hai Trường chưa đạt 1.400 giảng viên như yêu cầu, nhưng số lượng giảng viên có thể giảng dạy bằng ngoại ngữ tăng.

Về việc thực hiện Quyết định số 2083-QĐ/TTg năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp”, tính đến cuối năm 2021, quy mô đào tạo các chức danh tư pháp cơ bản đáp ứng nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng của bộ, ngành Tư pháp và nhu cầu xã hội, cơ bản hoàn thành chỉ tiêu được giao trong Đề án. Đặc biệt, đào tạo nghề công chứng vượt xa chỉ tiêu được giao cao gấp 3,2 lần mục tiêu đề ra. Quy mô bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp cho một số chức danh tư pháp đạt khoảng 71% chỉ tiêu được giao. Quy mô bồi dưỡng chuyên sâu trong lĩnh vực tư pháp và pháp luật theo mục tiêu phục vụ hội nhập quốc tế, bồi dưỡng kiến thức cho đội ngũ cán bộ làm công tác pháp luật tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ đạt khoảng 39%.

Tại cuộc họp, lãnh đạo một số bộ, ngành và các trường, học viện nêu một số đề xuất về cơ sở vật chất, nguồn lực đầu tư và kiến nghị tiếp tục thực hiện các đề án theo các Quyết định trên của Thủ tướng Chính phủ. Lãnh đạo các cơ sở đào tạo pháp lý quan trọng này cũng mong muốn Nhà nước đặt hàng phản biện pháp luật và góp ý vào việc xây dựng chính sách.

Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh các đơn vị công lập, trong đó có bệnh viện, trường học công đóng vai trò hết sức quan trọng trong phát triển đất nước. Chủ tịch nước đánh giá cao trường, học viện đã có nhiều nỗ lực trong việc thực hiện Đề án theo các Quyết định của Thủ tướng thời gian qua. Quy mô và chất lượng đào tạo được nâng lên, trở thành những đơn vị đào tạo có thương hiệu trong nước. Đội ngũ lãnh đạo, cán bộ giảng dạy có chất lượng cao, có khát vọng, tâm huyết thực hiện các mục tiêu của các đề án, đóng góp phát triển nguồn nhân lực cho đất nước để xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN ở nước ta.

Tuy vậy, Chủ tịch nước cũng cho rằng, trong quá trình thực hiện các Đề án vẫn có những tồn tại, nên cần quyết tâm, sáng tạo, dám nghĩ dám làm hơn nữa; đề xuất các giải pháp khắc phục các khó khăn liên quan đến cơ sở vật chất, học phí. Dù chất lượng đào tạo được nâng lên nhưng cần tiếp tục nâng cao hơn nữa để nhân lực đào tạo ra đủ sức đáp ứng yêu cầu thực tiễn, nhất là trong bối cảnh nước ta hội nhập sâu rộng, nhiều vụ kiện, tranh chấp quốc tế xảy ra. Cùng với đó là quan tâm đến quy mô đào tạo.

Chủ tịch nước khẳng định tinh thần: Nhà nước luôn quan tâm hỗ trợ các đơn vị, trong đó yêu cầu các địa phương quan tâm đến vấn đề mặt bằng, nguồn lực để triển khai các nhiệm vụ và mục tiêu đề ra. Chủ tịch nước cũng nhấn mạnh, muốn vươn lên trở thành những đơn vị trọng điểm của đất nước trong đào tạo cán bộ pháp luật và chức danh tư pháp, các trường phải nỗ lực với quyết tâm cao hơn nữa, dám nghĩ, dám làm, chủ động đề xuất cơ chế, chính sách, biện pháp cần thiết.