Chống dịch COVID-19: Diễn biến mới phải có biện pháp mới

(Mặt trận) - Căn cứ thực tiễn diễn biến dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (COVID-19), các chuyên gia y tế cho rằng trước những diễn biến mới, chúng ta phải có giải pháp mới.

Bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm: “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả“

Thủ tướng: Đưa giáo dục và đào tạo Việt Nam theo kịp các nước phát triển càng sớm càng tốt

Chủ tịch nước Lương Cường tiếp Chủ tịch Quốc hội Chính quyền Nhân dân Cuba

Ngày 24/2, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra đã họp triển khai các biện pháp phòng chống dịch.

Phát biểu tại cuộc họp, GS.TS Lê Quang Cường, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng, diễn biến tình hình dịch bệnh trên thế giới đã có những bước chuyển mới, do đó chúng ta phải có giải pháp ứng phó mới.

Ông Cường lý giải, trước đây khi ứng phó dịch bệnh, chúng ta căn cứ vào nơi xuất phát dịch là Vũ Hán (Trung Quốc) để triển khai các biện pháp. Thực tiễn, thời gian qua, Trung Quốc cũng đã triển khai các giải pháp quyết liệt ngăn chặn nguồn bệnh lan rộng từ Vũ Hán, qua đó các tỉnh khác của Trung Quốc về cơ bản cũng kiểm soát được tình hình dịch bệnh.

Tuy nhiên, những ngày gần đây, tình hình dịch bệnh đã có những chuyển biến khó lường khi xuất hiện các ca bệnh và bệnh nhân tử vong ở Hàn Quốc, Italy, Iran.

Ông Lê Quang Cường nhấn mạnh rằng: Nguyên tắc bất di bất dịch trong phòng chống dịch bệnh của chúng ta là “phát hiện sớm, cách ly và khoanh vùng”. Với nguyên tắc đó, chúng ta đã triển khai các biện pháp ngăn ngừa dịch bệnh mạnh hơn, sớm hơn so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các nước… nhằm ngăn ngừa dịch bệnh lây lan ngay từ đầu. Nhờ đó, đến thời điểm hiện tại, kết quả phòng, chống dịch chúng ta đạt được là khả quan,…

Tuy nhiên, hiện nay diễn biến dịch bệnh đã có những yếu tố mới là đã xuất hiện thêm nhiều quốc gia có nhiều người mắc bệnh. Đơn cử tại Hàn Quốc, công dân Việt Nam đang sinh sống và làm việc rất nhiều. Do đó cần có giải pháp mới cho phù hợp tình hình.

Theo GS.TS Lê Quang Cường, để ngăn ngừa dịch bệnh, bên cạnh việc tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tại cửa khẩu, sàng lọc những người thuộc diện nghi ngờ để tiến hành cách ly y tế theo quy định, thì cũng cần phát huy hơn nữa vai trò của cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ sở trong công tác này.

“Giờ là lúc chúng ta phải phát huy tối đa vai trò của nhân dân, tai mắt của nhân dân trong việc phát hiện những trường hợp bất thường để cách ly từ tổ dân phố, thôn bản” – ông Cường nhấn mạnh và đề nghị các cấp có thẩm quyền phải đẩy mạnh kiểm tra, đôn đốc, xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, địa phương trong việc rà soát, sàng lọc, phát hiện các trường hợp nghi ngờ để tổ chức cách ly y tế, khoanh vùng dập dịch theo quy định.

Chia sẻ quan điểm của GS.TS Lê Quang Cường, dẫn lời Giám đốc cơ quan kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), PGS.TS Trần Đắc Phu (nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng) cho rằng, chúng ta phải thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt nhất để “hạn chế tối đa sự lây lan của bệnh”.

PGS.TS Trần Đắc Phu cho biết, nhận định của Tổng Giám đốc WHO cho rằng "cánh cửa chặn dịch đang hẹp lại", vì ban đầu WHO cho rằng chủ yếu dịch này có nguồn gốc từ Trung Quốc, bây giờ đã sang nhiều nước, trong đó có những nước hệ thống y tế dự phòng kém,... thậm chí có những nơi không rõ nguồn bệnh xuất phát từ đâu. Nên việc phòng chống rất khó.

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, đối với Hàn Quốc, ổ dịch chủ yếu xuất phát từ một cơ sở tôn giáo và một bệnh viện. Dù Hàn Quốc rất mạnh về y tế dự phòng, nhưng như truyền thông phản ánh việc quản lý hành vi ban đầu chưa được thực hiện một cách chặt chẽ, nghiêm ngặt dẫn đến dịch bệnh lây lan. Trong khi đó Việt Nam kiểm soát hành vi chặt chẽ ngay từ đầu (kiểm soát đường biên, cửa khẩu, khuyến cáo không tập trung nơi đông người, dừng các lễ hội,…).

Trước tình hình dịch bệnh đang lây lan mạnh ở một số nước, PGS.TS Trần Đắc Phu cho rằng, đối với Việt Nam, giải pháp kiểm soát hành vi của người dân dân, của cộng đồng vẫn là ưu tiên hàng đầu.

"Nguyên lý chống dịch nào cũng vậy thôi, vẫn phải phát hiện sớm, cách ly, khoanh vùng. Đương nhiên phải khoanh vùng hợp lý theo từng thời kỳ, phụ thuộc vào tình hình dịch, không để chống dịch ảnh hưởng tới các hoạt động kinh tế, xã hội", ông Trần Đắc Phu trao đổi.

Theo đó, bên cạnh việc kiểm soát chặt chẽ tại các cửa khẩu, đường biên giới, cần phải phát huy mạnh mẽ vai trò, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, đặc biệt cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ sở, thậm chí đến tận thôn, bản để sớm phát hiện, ngăn ngừa và tổ chức cách ly, dập dịch hiệu quả.

Đồng thời cơ quan chức năng phải thực hiện thật tốt việc giám sát, phòng ngừa lây nhiễm chéo trong các cơ sở khám chữa bệnh (cả tư nhân, công lập). Các ý kiến tại cuộc họp đặc biệt lưu ý đến việc phải giám sát những trường hợp nghi ngờ (biểu hiện sốt, ho) đến khám, điều trị tại cơ sở y tế tư nhân để không bỏ sót ca nghi nhiễm, "né" cách ly.

Các chuyên gia, lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương; các bộ, ngành: Y tế, Ngoại giao, Giao thông vận tải,… và thành viên Ban Chỉ đạo thống nhất nhận định, trong công tác phòng chống dịch, đến lúc này chúng đã làm tốt, song không được chủ quan, lơ là mà phải luôn luôn sẵn sàng ứng phó với tình huống mới. Trong đó, phải phát huy cao nhất vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ sở, vai trò “tai mắt” của quần chúng nhân dân… Ban Chỉ đạo giao bộ phận thường trực tiếp tục cập nhật tình hình, hoàn thiện các kịch bản, phương án để sẵn sàng ứng phó với các diễn biến phức tạp của dịch bệnh./.

Theo VGP