Cháy chung cư Carina khiến 13 người chết: Sự dễ dãi chết người!

Qua vụ cháy Carina cho thấy, có thể chính các bên đều dễ dãi, để rồi khi cháy nổ xảy ra đã khiến nhiều người dân phải chết oan.

Phát biểu khai mạc của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII

Ngày làm việc thứ nhất của Hội nghị Trung ương khóa XIII

Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII: Tập trung vào 3 nhóm vấn đề

Vụ cháy ở chung cư Carina (TP HCM) cướp đi sinh mạng của 13 người quả là nỗi ám ảnh kinh hoàng đối với bất cứ ai chứng kiến. Hậu quả không chỉ là thiệt hại về con người, vật chất mà còn là các sang chấn tâm lý lâu dài.

Chung cư Carina bốc cháy

Vấn đề là nếu 4 bên liên quan gồm nhà quản lý các cấp- chủ đầu tư- ban quản lý tòa nhà và hộ dân khu chung cư luôn nghiêm túc thực hiện các cam kết về phòng cháy chữa cháy (PCCC) thì hậu quả đau lòng có lẽ đã không xảy ra..

Nhưng an toàn PCCC là một cỗ máy đòi hỏi sự vận hành thông suốt, đúng quy trình, khoa học không có chỗ cho chữ “nếu” tồn tại. Từ thảm cảnh qua vụ cháy Carina cho thấy, có thể chính các bên đã dễ dãi cho nhau, thậm chí bỏ qua để rồi khi cháy nổ xảy ra đã khiến nhiều người dân phải chết oan uổng.

Dễ dãi cho qua, hiểm họa khôn lường

Trước tiên để có thể xây dựng một khu chung cư có diện tích lớn, với hàng nghìn người ở như Carina, chắc chắn trong thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật phải có thiết kế về phương án PCCC. Các thiết kế này sẽ được các cấp, các ngành thẩm duyệt, trong đó có ngành PCCC.

Từ thiết kế đến thi công lại có đội ngũ tư vấn, giám sát. Khi công trình hoàn thành sẽ được đơn vị chức năng nghiệm thu, đánh giá chất lượng, trong đó có phương án PCCC.

Nếu không đạt các tiêu chuẩn về quy định, UBND các cấp và lực lượng PCCC các quận, huyện hoàn toàn có thể kiến nghị đình chỉ thi công, không cho đưa vào sử dụng. Chưa kể bất cứ tòa nhà nào đi vào hoạt động, quản lý ngành cũng sẽ phải thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, xử phạt khi chủ đầu tư và các bên cố tình vi phạm.

Về phía chủ đầu tư, nếu chỉ vì lợi nhuận, bỏ qua các yêu cầu về PCCC, khi hậu quả xảy ra, không chỉ thiệt hại về uy tín, thương hiệu, vật chất mà còn đối mặt với các trách nhiệm pháp lý. Ban quản lý các tòa nhà, được “hưởng lương” từ các bên phải có nghĩa vụ làm hết bổn phận, chăm lo cho cư dân của mình được an ninh, an toàn trong mọi tình huống. Khi phát hiện ra các lỗi về PCCC phải yêu cầu khắc phục, không dễ dãi, bỏ qua.

Người thân đau đớn trước cái chết của các nạn nhân

Về phía những cư dân ở các khu chung cư cao tầng, phải đắn đo, yêu cầu chủ đầu tư chứng minh rõ ràng về phương án PCCC; thông qua Ban quản lý tòa nhà và ngành chức năng cùng “khắt khe” trong các yêu cầu này khi lựa chọn định cư. Bản thân và gia đình không dễ dãi với tâm lý “có được căn hộ đã là mừng” mà bỏ qua các kỹ năng về PCCC khi sống ở các chung cư cao tầng; ít hợp sức trong việc đưa ra các yêu cầu mới đối với chủ đầu tư.

Chưa kể thực tế hiện nay, ở một số chung cư, các bên đã “thỏa thuận ngầm” mong yên chuyện, cho qua việc PCCC. Rõ ràng sự lơi lỏng, dễ dãi của các bên kể trên là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến hậu quả thảm khốc mỗi khi xảy ra cháy nổ ở khu các chung cư cao tầng như Carina.

Khoa học, nghiêm túc, mấu chốt đảm bảo an toàn PCCC

TP HCM hiện có khoảng gần 1.000 chung cư cao tầng, trong đó chung cư siêu cao tầng cũng lên đến vài trăm. Lựa chọn sinh sống trong các khu chung cư cao tầng là một xu thế tất yếu của người dân khi mà quỹ đất của TP ngày càng thu hẹp.

Do vậy, việc quản lý, sử dụng, vận hành các phương án PCCC ở các chung cư cao tầng ở TP HCM nói riêng và cả nước nói chung đòi hỏi ngày càng khoa học và nghiêm túc hơn. Không có việc dễ dãi, lỏng lẻo từ việc cấp phép đến thiết kế, thi công, vận hành và sử dụng. Bốn bên liên quan kể trên phải có sự nhìn nhận nghiêm túc, thực hiện đúng các yêu cầu pháp luật về PCCC.

Nhà quản lý, đơn vị quản lý chuyên ngành mà cụ thể ở đây là UBND các quận, huyện và lực lượng cảnh sát PCCC các cấp của TP cần cương quyết, thậm chí kiến nghị không cho vận hành các tòa nhà nếu thấy chưa đáp ứng được các yêu cầu về PCCC; thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở về quy trình vận hành; chủ đầu tư vi phạm thì xử phạt, nếu chây ì thì tạm thời đóng cửa.

Nhà đầu tư muốn phát triển, có uy tín, không bị vướng vào các cáo buộc pháp lý phải tuân thủ đầy đủ các yêu cầu của nhà chức trách; quan tâm lo lắng toàn diện cho cư dân của mình theo phương châm: chung cư chính là nơi an toàn, đáng sống. Nếu cố tình chạy theo lợi nhuận, hy sinh lợi ích cộng đồng, coi thường tính mạng của người dân phải bị xử lý nghiêm minh.

Ban quản lý các khu chung cư nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng phục vụ cư dân trên tinh thần xây dựng một cộng đồng chung cư an toàn, văn minh, hiện đại.

Người dân sống ở các khu chung cư phải tự thay đổi suy nghĩ, hành động của mình từ cách ứng xử đến sinh hoạt hàng ngày cho phù hợp với sự cộng cư, cộng hưởng trong khu chung cư; biết hợp sức, yêu cầu các bên đảm bảo an ninh, an toàn, nhất là về PCCC. Trang bị cho mình và các thành viên trong gia đình những kỹ năng cần thiết khi cháy nổ xảy ra.

Theo thống kê, trong 3 tháng qua, tại TP HCM đã xảy ra 119 vụ cháy; riêng dịp Tết nguyên đán là 13 vụ. Hiện nay, thành phố đang bước vào cao điểm mùa khô, nguy cơ cháy nổ luôn rình rập bất cứ nơi đâu. Vụ cháy kinh hoàng từ chung cư Carina, quận 8 là một hồi chuông báo động đỏ về vi phạm an toàn PCCC ở một số tòa nhà và các khu chung cư tại thành phố hiện nay.

Việc làm cấp bách lúc này là các cấp quản lý và ngành chức năng của thành phố phải làm mạnh mẽ, cương quyết; căn cơ và bài bản hơn nữa đối với các chủ đầu tư cố tình vi phạm về PCCC; các Ban quản lý, người dân sát cánh cùng lực lượng chức năng thực hiện đầy đủ các yêu cầu về phòng ngừa cháy nổ trong sinh hoạt hàng ngày.

Rõ ràng, chỉ có sự nghiêm túc, cẩn trọng thậm chí là khắt khe, cảnh giác của tất cả mọi người trong đề phòng "giặc lửa”, chúng ta mới hy vọng không phải chứng kiến các thảm cảnh như vừa xảy ra ở chung cư Carina.