Chất vấn tại Quốc hội: Nếu Bộ trưởng không “thuộc bài”

Rất may. Theo nhận xét của đa số đại biểu và cử tri thì phần lớn các vị Bộ trưởng, trưởng ngành kỳ này đều “thuộc bài”, nghĩa là nắm chắc vấn đề.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự và phát biểu tại Hội nghị quốc tế các đảng chính trị châu Á

Tổng Bí thư Tô Lâm hội kiến Chủ tịch Hạ viện Malaysia

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Vương quốc Campuchia

Tiếp sau kỳ “sát hạch” lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, các thành viên Chính phủ trong 2 ngày qua lại “đương đầu” với hàng loạt vấn đề mà đại biểu Quốc hội, thay mặt cử tri nêu ra. Từ những vấn đề vĩ mô mang tính chiến lược của ngành cho đến những sự vụ cụ thể, những vấn đề nóng, gây bức xúc trong xã hội. Nếu không nắm chắc vấn đề, không “thuộc bài” như Chủ tịch Quốc hội nêu, thì e rằng, các vị Bộ trưởng, trưởng ngành khó mà “chống đỡ” nổi.

 Đại biểu Quốc hội đặt  hàng loạt câu hỏi với bất kỳ thành viên nào của Chính phủ.

Thay vì những câu hỏi được gửi trước, thay vì những tài liệu được chuẩn bị sẵn, thay vì những Bộ trưởng được chỉ định, giữa nghị trường Quốc hội, được phát thanh và truyền hình trực tiếp, người hỏi và trả lời giống như một cuộc đối thoại. Hỏi 1 phút, trả lời 3 phút. Lĩnh vực nào chưa rõ, chưa thấu đáo thì đại biểu có thể tranh luận lại. Đại biểu tranh luận với thành viên Chính phủ và tranh luận lẫn nhau đến nỗi, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã phải nhắc 2 đại biểu nên “tranh luận lúc nghỉ giải lao để khỏi mất thời gian của Quốc hội”... Dân chủ ở nghị trường không còn là hình thức.

Nghị trường sôi động, giống như cuộc sống biến động muôn màu. Không chỉ lĩnh vực kinh tế- xã hội- văn hóa liên quan đến số đông mà ngay cả lĩnh vực tư pháp như Tòa án, Viện kiểm sát cũng nhận được rất nhiều câu hỏi bởi có đại biểu nói rằng “phía sau mỗi lá đơn là số phận một con người” khi đề cập đến công tác xét xử của tòa án các cấp...

Rất may. Theo nhận xét của đa số đại biểu và cử tri thì phần lớn các vị Bộ trưởng, trưởng ngành kỳ này đều “thuộc bài”, nghĩa là nắm khá chắc vấn đề. Đã bớt đi những câu trả lời chung chung, khất lần, không rõ trách nhiệm hay xin “nhường” câu trả lời cho người kế nhiệm... Có vị Bộ trưởng trả lời “tay bo”, không có bất kỳ văn bản nào, trơn tru, rành mạch.

Nhưng, không phải không có Bộ trưởng “vã mồ hôi” khi các đại biểu hỏi dồn dập, nhất là những vấn đề đang gây bức xúc trong dư luận xã hội. Người đứng đầu phải trả lời cho những sai sót của cấp dưới, phải chịu trách nhiệm cho sự quan liêu của những người thực thi công vụ. Anh không sâu sát, không thực hiện nghiêm túc kỷ luật công vụ thì sẽ có ngày “con dại cái mang” là tất yếu.

“Thần thiêng nhờ bộ hạ” nhưng nếu bộ hạ mà sai phạm, bị kỷ luật mà vẫn cất nhắc, vẫn xuê xoa, vẫn dĩ hòa vi quý như một đại biểu của tỉnh Bến Tre nói, sẽ có ngày, anh phải trả giá cho sự xuê xoa đó.

Giờ đây, hình ảnh của bộ đó, ngành đó hiển hiện trong từng con người cụ thể, trong câu trả  lời và thái độ của người đứng đầu. Nó là bộ mặt, là danh dự, là những nỗ lực, cố gắng của hàng trăm, hàng ngàn con người. Bởi vậy, mỗi vị Bộ trưởng, trưởng ngành không chỉ đối mặt với cử tri mà phải có trách nhiệm với cả ngành mình, thông qua các câu trả lời.  

Bên hành lang Quốc hội, có đại biểu nói rằng “Tôi rất thấu hiểu và chia sẻ với các Bộ trưởng bởi vì làm Bộ trưởng có rất nhiều vấn đề nóng cần giải quyết. Tôi đặt mình vào họ để thông cảm với họ. Do vậy, khi đặt câu hỏi, chúng tôi cũng lựa chọn, cân nhắc rất kỹ”.

Không làm “khó” Bộ trưởng, không hỏi những câu “giật gân” để gây chú ý, không làm cho xã hội thêm bi quan, thiếu cái nhìn tích cực về một ngành nào đó, không nên lấy một vụ việc cụ thể để phủ nhận tất cả sự nỗ lực và thành tích của một ngành... Đó cũng là trách nhiệm của mỗi vị đại  biểu trước Quốc hội và trước cử tri cả nước.