Chánh án Nguyễn Hoà Bình khẳng định trong phần trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội sáng 31/10 về công tác xét xử của Toà án các cấp thời gian qua.
Chánh án Nguyễn Hoà Bình trả lời chất vấn sáng 31/10.
Trả lời đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) về chất vấn thời gian xét xử giám đốc thẩm quá dài, khiến người dân mất hy vọng, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cho biết: Đơn gửi giám đốc thẩm, tái phẩm những năm gần đây là rất nhiều.
Theo Hiến pháp, chúng ta xét xử hai cấp sơ thẩm và phúc thẩm chặt chẽ để tránh lên cấp thứ 3. Nhưng đơn gửi lên cấp giám đốc thẩm rất cao, 2.000 đơn trong 2018. Trong năm TANDTC giải quyết được 53% số đơn, đây là một kết quả nỗ lực của Hội đồng Thẩm phán.
Cũng theo Chánh án Nguyễn Hòa Bình, việc xét xử lên tới cấp giám đốc thẩm thì đã qua nhiều cấp rất mất nhiều thời gian. Đây là cơ hội cuối cùng của người dân nên các bộ phận liên quan phải xem xét rất thận trọng.
Chánh án cho biết giải pháp chủ yếu là việc nâng cao chất lượng xét xử, đội ngũ cán bộ Toà án…
Tranh luận lại vấn đề này đại biểu Phạm Trí Thức (Thanh Hóa) cho rằng, Chánh án thông tin, trong 2.000 đơn giám đốc thẩm đã giải quyết được 53% như vậy so với các nước là rất lớn, khá tốt. Tôi cho rằng như vậy là chưa thoả đáng. Bởi vì chất lượng xét xử nước ta khác với nước ngoài.
Lênin có câu: Người thông minh không phải là người không mắc sai lầm, cái chính là biết sửa chữa được sai lầm. Tuy nhiên, sai lầm trong xét xử rất khó sửa chữa một cách tuyệt đối.
"Phía sau mỗi lá đơn là số phận một con người, mỗi gia đình, dòng họ, không đơn giản là giải quyết một nửa là tốt lắm rồi. Tôi thấy rất băn khoăn", đại biểu Phạm Trí Thức bày tỏ.
Tiếp tục tranh luận trong phần trả lời, Chánh án Nguyễn Hòa Bình nói: "Chúng tôi hoàn toàn đồng ý với đại biểu Phạm Tri Thức (Đoàn Thanh Hóa) là "đã sai thì phải sửa", đây đã trở thành nguyên lý và đúng trong tất cả các lĩnh vực, kể cả kinh tế, chính trị, xã hội, cũng như là tư pháp và điều này đã được nêu rõ trong luật "nếu bản án có sai nhất định phải kháng nghị và phải sửa", điều đó không có gì phải băn khoăn".
Chánh án cũng nêu rõ: Việc Tòa án giải quyết 1200 đơn ở Hội đồng Thẩm phán TANDTC không có nghĩa là con số ấy dừng lại không giải quyết những đơn đã xác định là sai.
Trên thực tế, trong 1200 đơn TANDTC đã giải quyết theo trình tự giám đốc thẩm, thì tất cả các bản án có sai sót đều đã được kháng nghị và tiến hành xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm.
Đại biểu Phạm Trí Thức (Đoàn Thanh Hóa).
Đại biểu Phạm Văn Hoà (Đoàn Đồng Tháp) tiếp tục tranh luận với Chánh án Nguyễn Hoà Bình về công tác xét xử của Toà án các cấp trong thời gian qua.
Đại biểu Hoà nêu, vừa qua có thực tế là khi Toà phúc thẩm xử án có hiệu lực thì sẽ đi vào thi hành án và cưỡng chế; sau đó người thi hành án đưa đơn lên toà cấp cao hoặc giám đốc thẩm. Giám đốc thẩm và toà cấp cao phủ quyết toà án sơ thẩm và phúc thẩm.
"Người bị thi hành án thiệt hại tài sản rất lớn. Ở Đồng Tháp có người bị cưỡng chế thi hành án, tài sản thiệt hại khoảng 600 triệu đồng từ cách đây 2 năm nhưng không cấp nào, không ai đứng ra bồi thường. Như vậy có oan sai không?", đại biểu Hoà chất vấn.
Đối với chất vấn này, cho rằng liên quan đến một vụ việc cụ thể, Chánh án nêu rõ: Quan điểm của chúng tôi vẫn là "sai thì phải sửa"; đồng thời khẳng định lại: "Kể cả bản án đã thi hành án xác định là sai, thì vẫn phải sửa, để bảo đảm quyền lợi của người dân".
Trong trường hợp bản án cụ thể này, TANDTC sẽ lấy lại hồ sơ để kiểm tra, xem xét vụ án một cách thấu đáo xem đã đúng hay chưa. Tuy nhiên, quá trình giải quyết lại tất cả những sai sót của giai đoạn trước phải được giải quyết trong bản án cuối cùng. Những hậu quả của quá trình thi hành án cũng cần được giái quyết mới đáp ứng yêu cầu.
Liên quan nội dung của đại biểu Phạm Anh Khoa nêu, Chánh án bày tỏ sự đồng tình trước chia sẻ của đại biểu rằng 'thẩm quyền giao cho cấp huyện thì tăng, án thì nhiều, kinh phí thì ít, trong khí đó, cán bộ thì thiếu mà lại phải giảm biên chế".
Cho rằng đây là một thực tế, Chánh án cũng cho biết, các số liệu thống kê cho thấy, tất cả các chỉ số, chỉ tiêu Quốc hội giao TANDTC đều hoàn thành với tỷ lệ đạt rất cao, tỷ lệ sửa đã giảm dần.
Về những giải pháp khắc phục thực tế đại biểu nêu, Chánh án cho biết TANDTC đã đề ra các giải pháp có tính căn cơ như:
Về vấn đề thiếu cán bộ: TANDTC luôn chấp hành theo đúng Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng là không tăng thêm biên chế. Tuy nhiên, TANDTC cũng đã có những đề xuất với UBTVQH cho TANDTC tăng hơn 480 Thẩm phán trong số định biên hiện có, để tăng cường cho cấp huyện có số đầu vụ 12 vụ/1 Thẩm phán/1 tháng, bởi đây là tỷ lệ rất áp lực.
Về vấn đề kinh phí, trong phần báo cáo tóm tắt TANDTC gửi Quốc hội cũng đã đề cập rõ về Đề án nâng cao năng lực và tăng cường các nguồn lực cho cấp huyện- là cấp giải quyết số lượng án nhiều trên phạm vi toàn quốc, trong giai đoạn từ nay đến năm 2020 đã được Chính phủ đồng ý.
Đối với việc nâng cao chất lượng cán bộ, TANDTC đã có 14 giải pháp trong đó nhiều giải pháp đã được đề cập đến, cụ thể như: tăng cường hướng dẫn pháp luật, tăng cường trách nhiệm, công khai bản án trên mạng để nhân dân giám sát, đổi mới đào tạo và đổi mới quy trình thi tuyển, bồi dưỡng nâng cấp, ban hành các quy chế xử lý sai phạm, cũng như Quy tắc đạo đức của Thẩm phán nhằm nâng cao trách nhiệm và chất lượng của đội ngũ Thẩm phán.
Theo Trọng Bằng/Báo Công lý