Cảng Hải Phòng từ “Bến Sáu Kho” tới “Bến Trăm Kho“

(Mặt trận) - Lễ kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống Công nhân Cảng Hải Phòng và 90 năm Ngày thành lập Chi bộ cộng sản đầu tiên tại Cảng Hải Phòng, đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba vừa được tổ chức tại Hải Phòng với sự tham dự của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII: Tập trung vào 3 nhóm vấn đề

Tổng Bí thư Tô Lâm trao Huân chương Hồ Chí Minh tặng đồng chí Đinh Thế Huynh

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân dịp Tết Nguyên đán

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trao Huân chương Lao động Hạng Ba tặng đội ngũ cán bộ, công nhân, người lao động Cảng Hải Phòng. Ảnh VGP/Quang Hiếu

Phát biểu tại buổi lễ diễn ra vào tối 30/11, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Văn Thành nhấn mạnh, Cảng Hải Phòng với lịch sử hơn 145 năm, là cửa ngõ ra biển quan trọng nhất của các tỉnh phía Bắc. Trong những năm qua, Cảng Hải Phòng tiếp tục phát huy vai trò là thương cảng lớn nhất miền Bắc, một trong những đơn vị chủ lực của ngành giao thông vận tải với những kết quả sản xuất kinh doanh ngày càng ấn tượng, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Buổi lễ là dịp các đại biểu ôn lại truyền thống của một đơn vị “bất khuất, anh hùng”. Nhìn lại chặng đường lịch sử, đội ngũ công nhân Cảng Hải Phòng đã được giác ngộ từ rất sớm, dưới sự lãnh đạo của Đảng, công nhân Cảng Hải Phòng đã đoàn kết, với tổ chức chặt chẽ của trên 500 công nhân, ngày 24/11/1929 đã tiến hành cuộc đấu tranh đầu tiên đòi tăng lương, nước uống, giảm giờ làm, chống đánh đập và giành được thắng lợi. Cuộc đấu tranh đã trở thành biểu tượng cho tinh thần cách mạng tiến công của giai cấp công nhân Việt Nam nói chung và đội ngũ công nhân Cảng Hải Phòng nói riêng.

Ngày 24/11 hàng năm đã trở thành ngày truyền thống "Đoàn kết - Kiên Cường - Sáng tạo" của đội ngũ công nhân Cảng Hải Phòng. Trước sự lớn mạnh nhanh chóng của phong trào công nhân Cảng Hải Phòng, Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên tại Cảng Hải Phòng đã được ra đời ngay sau đó, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng của phong trào cách mạng của đội ngũ công nhân Cảng Hải Phòng nói riêng và công nhân Hải Phòng nói chung.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho ông Cao Trung Ngoan, Quyền Tổng Giám đốc Cảng Hải Phòng. Ảnh VGP/Quang Hiếu

Buổi lễ cũng là dịp để tri ân, tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người đã dành nhiều sự quan tâm và tình cảm đặc biệt đến thành phố Hải Phòng nói chung và Cảng Hải Phòng nói riêng. Ngày 20/10/1946, sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm chính thức nước Pháp với tư cách là Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Người về nước bằng đường biển và đặt chân lên Bến Cầu Ngự, Cảng Hải Phòng. Ngày 30/5/1957, lần thứ hai Bác Hồ về thăm Cảng Hải Phòng. Ngày 10/1/1960, lần thứ ba Bác Hồ về thăm Cảng Hải Phòng khi chúng ta tổ chức lễ đón 922 kiều bào từ Thái Lan về nước.

Trong giai đoạn 1955-1975, với vai trò là cảng lớn nhất miền Bắc, Cảng Hải Phòng tiếp nhận phần lớn hàng viện trợ của các nước XHCN anh em và là căn cứ xuất phát của đường Hồ Chí Minh trên biển. Vì vậy, không quân Mỹ đã tập trung đánh phá ác liệt và tiến hành phong tỏa Cảng Hải Phòng, nhằm hủy diệt đầu mối giao thông vận tải, ngăn chặn chi viện của miền Bắc cho miền Nam và của quốc tế cho Việt Nam. Chín năm chống phong tỏa miền Bắc của đế quốc Mỹ, biết bao khó khăn, hy sinh mất mát, đã được thể hiện qua câu hát "Cảng quê ta trung dũng kiên cường, có những người công nhân bất khuất anh hùng".

Nhìn lại chặng đường lịch sử 145 năm hình thành và phát triển, 90 năm truyền thống đấu tranh cách mạng, Cảng Hải Phòng đã không ngừng phát triển, lớn mạnh về mọi mặt và có nhiều đóng góp to lớn cho sự nghiệp đổi mới, hội nhập và phát triển đất nước. Cảng Hải Phòng, hay “Bến Sáu Kho” ngày ấy giờ đã trở thành "Bến Trăm Kho" với hàng trăm kho bãi trải dài từ sông Cấm ra Đình Vũ.

Nhắc đến Cảng Hải Phòng, mọi người liên tưởng tới câu hát của nhạc sĩ Hồ Bắc dành những tình cảm thân thương cho Cảng trong những năm chiến tranh ác liệt "Cảng của ta vui đón bao chuyến hàng, những chuyến hàng bè bạn từ xa xôi. Những chuyến hàng Việt Nam gửi đi muôn nơi".

Thực hiện chủ trương đổi mới, mở cửa và hội nhập của Đảng, Nhà nước, Cảng Hải Phòng đã không ngừng phát triển. Ước năm 2019, sản lượng hàng hóa thông qua cảng đạt 35 triệu tấn; doanh thu trên 2,2 nghìn tỷ đồng; lợi nhuận khoảng 600 tỷ đồng; đóng góp ngân sách khoảng 200 tỷ đồng; số lượng người lao động khoảng 2,6 nghìn; đời sống cán bộ, công nhân, người lao động ổn định, đạt gần 15 triệu đồng/người/tháng; thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với Nhà nước, cổ đông và người lao động…

Cảng Hải Phòng đẩy mạnh ứng dụng và làm chủ công nghệ hiện đại trong quản lý điều hành cảng, hệ thống điều hành sản xuất, giám sát, bốc xếp hiện đại hàng đầu trong khu vực; đẩy mạnh tiết kiệm năng lượng, từng bước giảm thiểu phát thải khí nhà kính, thân thiện môi trường, phù hợp với chiến lược phát triển cảng theo mô hình “cảng biển xanh” tiên tiến, hiện đại trên thế giới. Đặc biệt, Cảng Hải Phòng đang từng bước xây dựng mô hình "cảng điện tử" để thực hiện các dịch vụ trực tuyến; tự động trao đổi dữ liệu với hải quan và các cảng quốc tế.

Là một cảng biển lịch sử phát triển lâu đời tại Việt Nam; đóng vai trò quan trọng là cửa ngõ giao thương lớn nhất miền Bắc, các cán bộ, công nhân Cảng Hải Phòng bày tỏ tự hào, hãnh diện về truyền thống và thương hiệu của Cảng Hải Phòng; đây là nhịp cầu kết nối giao thương quốc tế lớn của đất nước, nơi đưa các sản phẩm, hàng hóa và con người Việt Nam ra thế giới và đưa thế giới đến với Việt Nam.

Tại buổi Lễ, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trao Huân chương Lao động Hạng Ba tặng đội ngũ cán bộ, công nhân, người lao động Cảng Hải Phòng.

Theo Báo Chính phủ