Cận cảnh vòng ngoài một bệnh viện dã chiến, nơi ánh đèn chưa bao giờ tắt

(Mặt trận) - Trường mầm non 30/4, vòng ngoài của chảo lửa bệnh viện dã chiến 4 (Bình Chánh TP. HCM), nơi ánh đèn chưa bao giờ tắt cả đêm lẫn ngày.

Tổng Bí thư Tô Lâm thăm, làm việc tại Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng

Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc thăm, chúc Tết tại Hà Giang

Tổng Bí thư Tô Lâm tri ân công lao của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhân dịp Tết

Công việc thường ngày tại khu cách ly 

Những chiến binh tuyệt vời trong cuộc chiến COVID-19

Trường mầm non 30/4, vòng ngoài của chảo lửa bệnh viện dã chiến 4, là đại bản doanh hành chính quản trị liên tục tiếp nhận và giải quyết trăm công nghìn việc điều phối và quản lý công việc hành chính, báo cáo số liệu, họp hành giao ban,... và cả tiếp nhận cứu trợ tiếp tế kịp thời cho hàng ngàn chiến sĩ và F0 ở vòng trong.

Tôi gọi những đội ngũ nhân viên y tế, quân nhân làm việc ở khu hành chính thuộc bệnh viện dã chiến là những chiến binh tuyệt vời trong cuộc chiến COVID-19. 

Sau khi nhận nhiệm vụ tại một trường mầm non được trưng dụng, các vật tư bàn ghế và chỗ sinh hoạt đều thuộc dạng mini size, ban hành chánh đã thích nghi cực nhanh, biến hoá.

Nơi đây đã chi viện nhân lực và sắp xếp điều hành kịp thời mô hình dã chiến cho cả một khu tái định cư cũ kỹ, lần lượt cho ra đời và đảm bảo vận hành an toàn các khu. Ví dụ như khu điều hành, hành chính; Khu tiếp đón và phân loại người bệnh; Khu chẩn đoán hình ảnh; Khu xét nghiệm; Khu hồi sức cấp cứu.

Ngoài ra còn có khu chăm sóc, điều trị người bệnh ở mức độ nhẹ, trung bình; Khu cách ly chờ ra viện; Khu dược, cấp phát thuốc, vật tư, hóa chất; Khu đồ vải và dụng cụ y tế; Khu nhà ăn; Khu nghỉ ngơi cho người phục vụ; Khu lưu giữ, bảo quản tử thi; Khu kiểm soát nhiễm khuẩn...

Trang thiết bị, thuốc, hóa chất, vật tư tiêu hao, sinh phẩm của bệnh viện dã chiến số 4 được trưng dụng, huy động và thực hiện mua sắm theo bệnh viện Nhi Đồng Thành phố, theo chỉ đạo của Sở Y Tế.

Các khu vực nhà vệ sinh, nhà tắm, khu vực bếp ăn được bố trí gọn gàng, thuận tiện, đảm bảo tốt nhất các nguyên tắc tránh lây nhiễm. Các phòng bệnh nhân tại đây được bố trí bằng vách ngăn, theo nguyên tắc một chiều, tách biệt, phòng chống lây nhiễm chéo.

Trong các buồng bệnh cấp cứu đều lắp đặt Oxy bình cao và phương tiện hồi sức để cấp cứu bệnh nhân kịp thời. Hệ thống loa phát thanh đến các buồng bệnh đang được lắp đặt phục vụ công tác tuyên truyền các quy định, nội quy tới bệnh nhân và theo dõi các tình huống khẩn cấp.

Vận chuyển hàng cho khu cách ly 

Khó khăn chồng chất khó khăn

Sau 20 ngày đi vào hoạt động chính thức, bệnh viện dã chiến số 04 đã thu dung và điều trị tổng số hơn 5000 bệnh nhân, trong đó hàng trăm bệnh nhân đã khỏi bệnh ra viện. Để có số liệu cập nhật báo cáo và một tờ giấy xuất viện kịp thời cho bệnh nhân là nỗ lực và áp lực liên tục từ các bạn thư ký phòng ban.

Các bệnh nhân điều trị tại đây có quê quán từ đa số quận Bình Tân, Bình Chánh và chủ yếu là công nhân đến từ các khu công nghiệp tại huyện. Hai Phó Giám đốc TS BS Hồ Tấn Thanh Bình và cử nhân Mai Thiên Phước đã liên tục đưa ra một số khó khăn trước mắt cần giải quyết và giải pháp để cùng thảo luận cải thiện.

Phân luồng các bệnh nhân tại khu cách ly. 

Một số khó khăn như là việc phân luồng các bệnh nhân có xét nghiệm COVID-19 âm tính và dương tính; khó khăn trong việc phân luồng nhà tắm, nhà vệ sinh cho bệnh nhân âm tính và dương tính ; khó khăn do một bộ phận bệnh nhân chưa có ý thức thực hiện nghiêm các nội quy trong bệnh viện. Bên cạnh đó có  khó khăn hơn nữa là giải quyết một số chế độ cho bệnh nhi dưới 16 tuổi do chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể. Một số công tác liên quan đến việc bàn giao bệnh nhân xuất viện; phối hợp với CDC lên kế hoạch cấp mã cho bệnh nhân.

Các thủ tục hành chính chưa giải quyết triệt để do bệnh nhân thiếu giấy tờ như chứng minh thư, thẻ công nhân, giấy chuyển viện… Đồng thời cùng các phòng ban cũng đưa ra các phương án giải quyết, tháo gỡ khó khăn, cụ thể, qua các buổi họp Zoom online hàng ngày cùng ban lãnh đạo bệnh viện.

Giải quyết trăm công nghìn việc điều phối và quản lý công việc hành chính và cả tiếp nhận cứu trợ tiếp tế kịp thời cho hàng ngàn chiến sĩ và F0 ở vòng trong 

Thỉnh thoảng trong những lúc áp lực và căng thẳng nhất, chúng tôi vẫn vô tình bắt gặp các vị lãnh đạo đứng riêng một góc hành lang để tâm sự. BS Hồ Tấn Thanh Bình, BS Nguyễn Trần Nam chia sẻ cùng nhau những bất cập và băn khoăn trong cuộc chiến. Cả hai có lúc cười to sảng khoái, có lúc lại trầm ngâm, ánh nhìn xa xăm chất chứa bao nỗi niềm trăn trở...

Cầm trong tay danh sách tiếp nhận hàng chục bệnh nhân COVID-19 sắp chuyển đến, BS Chí Hiếu, BS Thiên Khôi luôn sẵn sàng để gửi, chuyển và gọi điện vào trong chủ động sắp xếp chỗ nghỉ bệnh nhân.

Sau giờ trưa, bệnh viện nhận thông tin F0 là sản phụ 35 tuần trở nặng, thở mặt nạ oxy quá nặng nhọc cần chuyển viện điều trị gấp. Mùa dịch, hàng loạt bệnh viện có trong danh sách không thể nhận thêm bệnh nhân vì chưa kịp sắp xếp.

Phút nghỉ giữa giờ.. giữa trưa nắng gắt. 

Dù vậy, hai bác sĩ vẫn kiên trì bấm từng số điện thoại. Chiếc điện thoại vừa sạc trước đó nhưng vì hoạt động không nghỉ nên liên tục báo pin yếu. May mắn, Bệnh viện Trưng Vương đồng ý nhận. Một tiếng “dạ” kéo dài cùng cái cúi người kèm lời cảm ơn.

Tìm được chỗ tiếp nhận bệnh nhân trở nặng với bác sĩ lúc ấy có lẽ là niềm vui không thể tả bằng lời. Vị bác sĩ nhanh chóng viết giấy chuyển bệnh và điều động bác sĩ, điều dưỡng sắp xếp xe và các vật dụng cần thiết để đưa bệnh nhân đi...

Công việc bàn giấy chưa bao giờ trở nên căng thẳng và có ý nghĩa đến như thế. Họ cũng đều là những chiến binh tuyệt vời trong cuộc chiến không cân sức này..

Vẫn làm việc khi mặt trời đã tắt
 

Rồi mai đây, khi cuộc sống đã trở lại nhịp "bình thường mới", các em nhỏ của trường mầm non 30/4 lại tới trường. Có khi nào các em biết rằng, ngôi nhà thứ hai thân thương của mình đã có những ngày tháng chính là vòng ngoài kiên cố của chảo lửa bệnh viện dã chiến?

BSCKI Nguyễn Cát Phương Vũ, khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM)