Cán bộ Mặt trận phải bản lĩnh, không né tránh

(Mặt trận) - Ngày 18/11 tại Hà Nội, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức Hội thảo với chủ đề MTTQ Việt Nam thực hiện chức năng “đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân”. Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng chủ trì Hội thảo.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự và phát biểu tại Hội nghị quốc tế các đảng chính trị châu Á

Tổng Bí thư Tô Lâm hội kiến Chủ tịch Hạ viện Malaysia

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Vương quốc Campuchia

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung phân tích cơ sở pháp lý, thực tiễn, đánh giá rõ thực trạng thực hiện chức năng của MTTQ Việt Nam đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân ở cấp địa phương qua các hoạt động tổng hợp phân tích, tổng hợp, phản ánh ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân của MTTQ Việt Nam; công tác phối hợp tổ chức tiếp xúc cử tri của ĐBQH và đại biểu HĐND; công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện quyền làm chủ, thực hiện chính sách, pháp luật; tham gia công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; thực hiện hoạt động giám sát, phản biện xã hội.

Các đại biểu cũng thảo luận nhằm tìm ra các giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả MTTQ Việt Nam các cấp thực hiện chức năng đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân trong thời gian tới.

Bày tỏ tiếng nói của những người cán bộ Mặt trận ở cơ sở, ông Phạm Văn Nhâm, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ cho rằng, hiện nay ở đâu đó, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân có nơi vẫn chưa được đảm bảo, phát huy mà nguyên nhân cơ bản là còn tình trạng dân chủ hình thức.

Lấy ví dụ từ công tác giải phóng mặt bằng xây dựng các dự án ở rất nhiều nơi còn kéo dài gây bức xúc trong nhân dân, ông Nhâm cho rằng, nguyên nhân là vì hầu hết thông tin liên quan đến dự án không đến được hoặc đến không đầy đủ với người dân một cách công khai, minh bạch.

Ông Nhâm bày tỏ, hơn lúc nào hết, việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của nhân dân là vô cùng bức thiết để hạn chế những điểm nóng phát sinh, tiềm tàng gây mất ổn định xã hội.

Từ thực tiễn, ông Nhâm kiến nghị phải thường xuyên kiện toàn Ủy ban MTTQ ở cơ sở, đủ số lượng, đúng thành phần, coi trọng việc xây dựng đội ngũ cán bộ có chuyên môn, phẩm chất vừa có uy tín có kỹ năng để lắng nghe, quy tụ mọi tầng lớp nhân dân.

Bày tỏ quan điểm của mình, ông Phạm Ngọc Thảo - Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Dân chủ Pháp luật - Uỷ ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội cho rằng, vấn đề tiên quyết để thực hiện được chức năng đại diện bảo vệ quyền lợi ích, hợp pháp, chính đáng của nhân dân thì cán bộ Mặt trận phải được nâng cao trình độ, năng lực. Đặc biệt cán bộ Mặt trận phải có bản lĩnh không né tránh để từ đó có những kiến nghị, giám sát và đeo bám đến cùng việc giải quyết những kiến nghị đó.

Cùng quan điểm, bà Bùi Thị An - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật TP. Hà Nội đề nghị, cần có quy chế để giám sát việc trả lời các ý kiến, kiến nghị của nhân dân thông qua MTTQ Việt Nam và công khai toàn bộ những ý kiến, kiến nghị của người dân đã được chính quyền tiếp nhận và giải quyết.

Bà An cũng đề xuất việc MTTQ Việt Nam các cấp có thể xây dựng đường dây nóng để tiếp thu tốt hơn những ý kiến, kiến nghị của người dân gửi tới Mặt trận.

Từ thực tiễn đặt ra ở cơ sở, Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội kiến nghị UBTƯ MTTQ Việt Nam phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu, sửa đổi bổ sung Nghị quyết liên tịch về tiếp xúc cử tri đảm bảo hiệu quả, tránh hình thức; đồng thời nghiên cứu quy định trách nhiệm của Nhà nước, bộ, ngành liên quan trả lời giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri do MTTQ Việt Nam tổng hợp.

Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội cũng đề nghị UBTƯ MTTQ Việt Nam kiến nghị với Quốc hội nghiên cứu, có quy định rõ cơ chế, chế tài giải quyết kiến nghị sau giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

 

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng khẳng định, trên cơ sở các quy định của pháp luật việc tổ chức thực hiện các chức năng nhiệm vụ của MTTQ Việt Nam trong đó có chức năng, nhiệm vụ “đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân” đã và đang được MTTQ Việt Nam các cấp quan tâm triển khai và đạt được hiệu quả tích cực đã thể hiện rõ vai trò đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân.

Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng, vẫn còn những tồn tại, hạn chế như hoạt động tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân để phản ánh với Đảng, Nhà nước ở nhiều lúc, nhiều nơi chưa được thường xuyên đầy đủ, kịp thời. Bên cạnh đó, chất lượng các cuộc tiếp xúc cử tri chưa cao, giám sát việc giải quyết ý kiến cử tri chưa hiệu quả; hoạt động giám sát phản biện nhiều nơi, nhiều việc chưa có chiều sâu, chất lượng chưa cao, không ít nơi chưa thực hiện được.

“Đây là vấn đề đặt ra cho cả hệ thống Mặt trận trong giai đoạn hiện nay phải tiếp tục giải quyết bởi những nội dung nhiệm vụ này có ý nghĩa quan trọng trong hoạt động của Mặt trận, nếu thực hiện tốt hiệu quả sẽ góp phần tích cực xây dựng và từng bước hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, đảm bảo quyền lực thuộc về nhân dân.” Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng bày tỏ.

Ghi nhận những kiến nghị tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng cho biết, kết quả Hội thảo sẽ giúp cho Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam có thêm cơ sở thực tiễn và các giải pháp thiết thực, có ý nghĩa phục vụ cho công tác chỉ đạo, điều hành hoạt động. Bên cạnh đó, kết quả Hội thảo cũng là căn cứ để Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam xây dựng kế hoạch hướng dẫn các địa phương trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, kiến nghị tiếp tục bổ sung, hoàn thiện chính sách pháp luật về Mặt trận trong thời gian tới.