(Mặt trận) - “Mỗi cá nhân, tổ chức trong tỉnh tiếp tục quan tâm, chăm lo xây mới, sửa chữa nhà ở cho các gia đình thương binh, liệt sỹ, gia đình có công với nước. Quan tâm việc học hành của con em gia đình thương binh, liệt sỹ thông qua việc bồi dưỡng chính trị, nâng cao trình độ học vấn để con em gia đình chính sách có điều kiện cống hiến cho đất nước”. Đó là đề nghị của Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn khi đến thăm Trung tâm nuôi dưỡng thương - bệnh binh nặng và điều dưỡng người có công tỉnh Hà Nam sáng 21/7.
Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn phát biểu tại Trung tâm nuôi dưỡng thương - bệnh binh nặng và điều dưỡng người có công tỉnh Hà Nam.
Trung tâm nuôi dưỡng thương - bệnh binh nặng và điều dưỡng người có công tỉnh Hà Nam thường xuyên nhận được sự sẻ chia, quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng các doanh nghiệp trên cả nước. Đây chính là động lực cho những thương - bệnh binh nặng, gia đình người có công.
Theo ông Nguyễn Huy Long, Giám đốc Trung tâm cho biết, trải qua 45 năm xây dựng và trưởng thành, Trung tâm đã tiếp nhận gần 3.000 thương - bệnh binh từ các chiến trường miền Nam về điều trị, nuôi dưỡng; sau khi phục hồi sức khoẻ, được giải quyết chính sách đi các hướng, các diện. Tổ chức 12 lớp dạy cắt may cho 225 đồng chí, 11 lớp ôn văn hoá cho 921 đồng chí, trong đó có 801 đồng chí thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp. Dạy chữ nổi Brai cho 21 đồng chí thương binh khiếm thị; 646 các đồng chí thương - bệnh binh nặng được về chăm sóc, chữa trị phục hồi chức năng, tổ chức lao động cải thiện đời sống, mở cuộc vận động đón thương - bệnh binh nặng về an dưỡng tại gia đình.
Chủ tịch Trần Thanh Mẫn tặng quà cho đại diện Trung tâm.
Hiện nay Trung tâm đang nuôi dưỡng 30 đồng chí thương - bệnh binh nặng, với thương bệnh tật đa dạng như: liệt cột sống, vết thương sọ não, cụt 2 chi, hỏng tuyệt đối 2 mắt, viêm gan… ở các địa phương từ Bắc Giang đến Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình.
“Điều trị nuôi dưỡng thương - bệnh binh nhẹ đã khó khăn, nhưng nuôi dưỡng, điều trị cho các đồng chí thương - bệnh binh nặng lại càng khó khăn gấp nhiều lần, vì vết thương, bệnh tật rất nặng, mà cơ chế chính sách thời bao cấp còn nhiều bất cập, vướng mắc, đời sống vật chất cực kỳ thiếu thốn, những vật dụng tối thiểu cho sinh hoạt cũng không đủ, ấy vậy mà 464 đồng chí về an dưỡng tại gia đình, có đất cư, có nhà cửa, vợ con, gia đình, có việc làm và cuộc sống bằng hoặc khá hơn mức sống cộng đồng địa phương, nhiều đồng chí làm kinh tế giỏi là tấm gương điển hình ở các địa phương”, ông Long chia sẻ.
Ghi nhận những đóng góp đó, Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và địa phương đã trao tặng cho Trung tâm nhiều phần thưởng cao quý, lẵng hoa của Chủ tịch nước, 3 huân chương lao động hạng ba, nhì, nhất; 2 huân chương độc lập hạng ba, nhì; 1 huân chương chiến công. Năm 2005, Trung tâm được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới; dự Đại hội Thi đua toàn quốc năm 2005. Năm 2010 Đảng bộ Trung tâm được đón nhận biểu tượng điển hình tiên tiến toàn quốc thực hiện Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh do Ban Chỉ đạo Trung ương cuộc vận động trao tặng tại Hà Nội.
Ghi nhận và đánh giá cao những hoạt động của Trung tâm trong công tác chăm lo sức khoẻ cho thương - bệnh binh nặng và người có công trong thời gian qua, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn mong muốn Trung tâm sẽ luôn luôn phát triển để có điều kiện chăm lo tốt hơn nữa cho thương - bệnh binh và gia đình người có công trong thời gian tới.
Chủ tịch Trần Thanh Mẫn thăm hỏi và tặng quà cho các thương - bệnh binh tại Trung tâm.
Các thương - bệnh binh tại Trung tâm nuôi dưỡng thương - bệnh binh nặng và điều dưỡng người có công tỉnh Hà Nam.
Theo Chủ tịch Trần Thanh Mẫn, đến nay cả nước có 9 triệu người có công (chiếm gần 10% dân số) đã được hưởng các chính sách ưu đãi người có công, trong đó gần 1,2 triệu liệt sĩ, với trên 127 nghìn bà mẹ Việt Nam anh hùng; hơn 2 triệu là thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, hàng vạn người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học. Ngoài các đối tượng được hưởng trợ cấp 1 lần còn có trên 1,4 triệu người được hưởng trợ cấp hàng tháng.
“Sự hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc của những người con đất Việt năm ấy là rất lớn và không có gì có thể bù đắp được. Chúng ta không thể quên được nước mắt của các bà mẹ Việt Nam vì mất chồng, mất con đã chảy 70 năm qua; không thể quên được những người đã gửi lại tuổi thanh xuân của mình nơi chiến trường để giành lại hòa bình ngày hôm nay”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn bày tỏ.
Trân trọng những công lao đó, Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam luôn quan tâm tới các mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình thương binh, gia đình liệt sỹ và gia đình có công với cách mạng. Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cho biết, hướng tới kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ, Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam đã phát động 3 tháng cao điểm vận động toàn dân tham gia phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, nhằm hướng tới trách nhiệm và lòng biết ơn của mỗi gia đình người Việt, mỗi cơ quan, tổ chức có những việc làm cụ thể để góp phần chăm lo cho các gia đình liệt sĩ, thương binh, gia đình chính sách.
Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đề nghị Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Nam tiếp tục có những hoạt động tích cực hơn nữa trong việc quan tâm, chăm sóc thương - bệnh binh, mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình anh hùng lực lượng vũ trang, gia đình thương binh, gia đình liệt sỹ trên toàn tỉnh. “Mỗi cá nhân, tổ chức trong tỉnh tiếp tục quan tâm, chăm lo xây mới, sửa chữa nhà ở cho các gia đình thương binh, liệt sỹ, gia đình có công với nước. Quan tâm việc học hành của con em gia đình thương binh, liệt sỹ thông qua việc bồi dưỡng chính trị, nâng cao trình độ học vấn để con em gia đình chính sách có điều kiện cống hiến cho đất nước”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đề nghị.
Cùng với đó, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cho rằng, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Nam tiếp tục phát động Quỹ đền ơn đáp nghĩa để lo cho mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình thương binh, gia đình liệt sỹ và gia đình người có công tại tỉnh Hà Nam, đặc biệt quan tâm chăm sóc thương - bệnh binh tại các trung tâm để mỗi thương - bệnh binh điều trị tại đây có điều kiện sinh hoạt, ăn ở tốt nhất.
Chủ tịch Trần Thanh Mẫn thăm hỏi và tặng quà gia đình liệt sỹ.
Đến thăm bà Trần Thị Sâm - vợ liệt sĩ, có chồng hy sinh trong những tháng ngày khốc liệt nhất của xuân Mậu Thân năm 1968, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cho rằng, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây” luôn khắc ghi trong tâm khảm mỗi người dân Việt Nam, đặc biệt trong những ngày này, đến thăm mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình những người có công với cách mạng là hoạt động thiết thực nhất nhằm bày tỏ lòng biết ơn những người đã cống hiến cho độc lập, tự do của dân tộc. Chủ tịch Trần Thanh Mẫn mong muốn bà Sâm cùng gia đình tiếp tục có những đóng góp để xây dựng địa phương ngày càng giàu mạnh.
Cảm động khi được Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đến thăm và tặng quà, bà Trần Thị Sâm cảm ơn sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tới gia đình người có công, đặc biệt là trong những ngày tháng 7 lịch sử này. Sự quan tâm này là động lực để thế hệ những người Việt ngày hôm nay tiếp tục dành tâm sức của mình cho sự phát triển của đất nước.
Chủ tịch Trần Thanh Mẫn thăm hỏi và tặng quà cho thương, bệnh binh Phạm Hồng Tân tại gia đình.
Cùng ngày, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đã đến thăm thương binh 2/4 Phạm Hồng Tâm, người đã tham gia giúp nước bạn tại chiến trường Campuchia. Rời chiến trường trở về, ông cùng gia đình lại tiếp tục đóng góp sức mình cho sự phát triển của quê hương, đất nước.
Hương Diệp - Ảnh Quang Vinh