Việc Chính phủ quyết định bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, chứng minh nhân dân và nhiều thủ tục hành chính có liên quan để thống nhất quản lý dân cư bằng số định danh cá nhân, là một quyết định có tính chất đột phá, vì dân, vì sự phát triển.
Người dân mong muốn việc bỏ hộ khẩu sẽ được thực hiện sớm. (Ảnh minh họa của Phạm Hải)
Ngày 30/10/2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký Nghị quyết số 112 của Chính phủ về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công an. Theo đó, tới đây Bộ Công an sẽ bãi bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, chứng minh nhân dân và nhiều thủ tục hành chính có liên quan để thống nhất quản lý dân cư bằng số định danh cá nhân.
Thực ra, việc quản lý bằng sổ hộ khẩu đối với cá nhân, hộ gia đình trong nhiều năm qua không có gì sai, thậm chí còn hạn chế quá trình di dân tự phát, gây áp lực tăng dân số cho các đô thị vốn đang quá tải về dân số, hạ tầng kỹ thuật và xã hội.
Nói như thế không có nghĩa là quản lý bằng hộ khẩu không có những rào cản. Hộ khẩu hiểu một cách đơn giản là công cụ quản lý hành chính, nhưng thực tế lại gắn với nhiều quyền dân sự, kinh tế với mỗi cá nhân, hộ gia đình. Không có hộ khẩu, đặc biệt là hộ khẩu ở những thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, thì khó có cơ hội làm việc, đi học, mua nhà...và tiếp cận các dịch vụ công. Chính vì lý do này mà phát sinh hiện tượng “chạy” hộ khẩu để thực hiện quyền dân sự, kinh tế...
Bỏ cái cũ không còn phù hợp với thực tiễn cuộc sống là quy luật tất yếu, là chân lý. Chính vì thế việc Chính phủ quyết định bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, chứng minh nhân dân...là một quyết định có tính chất đột phá, vì dân, vì sự phát triển, đúng với xu thế hội nhập quốc tế và cuộc Cách mạng 4.0.
Chính phủ đã quyết, nhưng thời gian nào sẽ bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, chứng minh nhân dân... lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhiều cơ quan, đặc biệt là vai trò của Bộ Công an.
Bỏ hộ khẩu, sổ tạm trú, chứng minh nhân dân, mọi việc tưởng như đơn giản, nhưng thực tế lại không như thế. Vì các thủ tục cần bỏ lại liên quan đến Luật Cư trú và nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác, nên cần có quỹ thời gian cho việc sửa đổi, bổ sung; cùng với đó là quá trình hoàn thiện hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Luật pháp không phải là sự sáng tạo của thượng đế mà do con người tạo ra. Và như vậy, việc sửa đổi, bổ sung khung pháp luật nhanh hay chậm để bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, chứng minh nhân dân và nhiều thủ tục hành chính có liên quan, đều khởi nguồn từ yếu tố con người.
Hy vọng, Nghị quyết số 112 của Chính phủ sớm được thực thi trong cuộc sống, đúng như sự kỳ vọng của nhân dân.
Theo Đăng Dương/Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam