'Bộ Công an triệu tập một số cán bộ CDC Hà Nội làm rõ vụ mua máy xét nghiệm COVID-19'

Sáng 17/4, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung chủ trì phiên họp của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của TP. Hà Nội.

Tổng Bí thư Tô Lâm thăm, làm việc tại Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng

Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc thăm, chúc Tết tại Hà Giang

Tổng Bí thư Tô Lâm tri ân công lao của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhân dịp Tết

Tại phiên họp, ông Nguyễn Đức Chung cho biết Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công an) đã làm việc và triệu tập một số cán bộ của Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội để làm rõ vụ việc mua sắm máy xét nghiệm, và tinh thần của TP là kiến nghị xử lý nghiêm minh các trường hợp này.

Theo ông, ngay từ những ngày đầu chống dịch Covid -19, Thành ủy, Bí thư Thành ủy và UBND TP. Hà Nội đã nhiều lần nhắc nhở, yêu cầu các đơn vị phải công khai, minh bạch, thực hiện đúng các quy định trong mua sắm vật tư phòng dịch. UBND TP cũng đã yêu cầu Thanh tra TP. Hà Nội vào cuộc từ sớm.

"Tất cả các trường hợp sai phạm phải xử lý nghiêm", Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh và cho hay trong quá trình chống dịch, Ban Chỉ đạo TP. Hà Nội đã rất sát sao trong mọi công tác. Để đảm bảo kịp thời công tác, Sở Y tế được giao toàn quyền trong việc mua sắm vật tư phòng dịch. Thành phố đã chỉ đạo lực lượng công an, Sở Công Thương thường xuyên kiểm tra, xử lý những đơn vị cung cấp trang thiết bị tăng giá.

 

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu sáng 17/4. Ảnh: Khánh Nguyễn.

Tuy nhiên, nhiều dấu hiệu tăng giá vẫn diễn ra và không loại trừ có sai sót của các đơn vị mua sắm, của CDC Hà Nội. Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu - Bộ Công an đã triệu tập một số cán bộ của CDC để làm rõ việc mua sắm máy xét nghiệm; trong đó có cả nội dung liên quan đến các tỉnh thành khác.

"Quan điểm của Thường trực Thành ủy, Bí thư Thành ủy và Ban Chỉ đạo phòng dịch COVID-19 TP. Hà Nội là các trường hợp vi phạm phải được điều tra xử lý và xử lý nghiêm; không nương nhẹ với trường hợp nào. Trong dịch bệnh mà có các trường hợp này sẽ là những tình tiết tăng nặng", Chủ tịch UBND TP. Hà Nội khẳng định

Về tình hình dịch, theo ông Chung, trong vòng 36 tiếng qua, Hà Nội chưa phát hiện ca nhiễm mới ở Hà Nội. Một trong những nguyên nhân tạo kết quả chống dịch tốt là do Hà Nội thực hiện tốt công tác xét nghiệm

CDC Hà Nội, các bệnh viện, địa phương phải báo cáo thống kê về trang thiết bị y tế đã mua trong giai đoạn 1 và có kho cất trữ. Ông Nguyễn Đức Chung lưu ý bệnh viện, các trung tâm y tế quận huyện tuyệt đối không được dùng các trang thiết bị y tế này để khám chữa bệnh thông thường, chỉ dùng cho công tác phòng chống dịch COVID-19.

Người đứng đầu chính quyền TP. Hà Nội cho rằng sau dịch COVID-19, có thể tất cả các lý thuyết về kinh tế đều đảo lộn, thay đổi, vì vậy các đơn vị phải thực hiện nhiều biện pháp phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. Các huyện phải đảm bảo năng suất của vụ xuân hè và tăng cường chăn nuôi, đảm bảo tốt tăng trưởng.

"Sở GD&ĐT, nghiên cứu mở rộng học trực tuyến, làm việc với Bộ để công nhận kết quả bằng hình thức học trực tuyến; có phương án kỹ càng cho học sinh quay trở lại trường học; tổ chức tốt các kỳ thì theo hướng giảm môn thi, giảm số lượng bài thi nhưng vẫn đảm bảo chất lượng thi", ông Nguyễn Đức Chung nói.

Tính đến 6h ngày 17/4, tổng số ca mắc COVID-19 ở Việt Nam là 268 trường hợp, trong đó 160 người từ nước ngoài chiếm 59,7%, 108 người lây nhiễm trong cộng đồng chiếm 40,3%.

177 ca đã được điều trị bình phục. Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, dự kiến hôm nay sẽ có 14 người được công bố khỏi bệnh tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 73.758. Trong đó, cách ly tập trung tại bệnh viện: 369, cách ly tập trung tại cơ sở khác: 11.628, cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 61.761.