Bộ Chính trị cho ý kiến về quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050

(Mặt trận) - Sáng 23/8, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị họp cho ý kiến về quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Thủ tướng: 'Sự sống nảy sinh từ cái chết' ở Làng Nủ, Nậm Tông, Kho Vàng

Sắp xếp, tinh gọn phải nhanh, làm khẩn trương nhưng phải rất khoa học, phòng ngừa các hệ lụy, rủi ro

Diễn văn Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Quang cảnh cuộc họp. Nguồn: nhandan.vn 

Sau khi nghe đại diện lãnh đạo Thành ủy báo cáo Tờ trình xin ý kiến chỉ đạo về quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, ý kiến các cơ quan đóng góp về Đề án quy hoạch, Bộ Chính trị đã tập trung thảo luận và cơ bản thống nhất về những chủ trương, quan điểm lớn, quan trọng định hướng quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh.

Kết luận Hội nghị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm lưu ý, nhấn mạnh một số điểm.

Một là, Quy hoạch phải cụ thể hoá được các chủ trương, đường lối của Đảng, các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành trong thời gian qua, nhất là Nghị quyết số 31-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đồng thời, phải theo đúng các quy định của pháp luật, nhất là Luật Quy hoạch; phù hợp với quy hoạch chung quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch ngành, không xung đột, mâu thuẫn với nhau, nếu có xung đột, mâu thuẫn phải điều chỉnh bảo đảm thống nhất.

Hai là, Quy hoạch phải thể hiện rõ vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng của Thành phố Hồ Chí Minh, là trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ của cả nước; hướng đến là trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo của khu vực Đông Nam Á và châu Á, có năng lực cạnh tranh toàn cầu.

Ba là, cần khai thác hiệu quả không gian mặt đất, mặt nước, không gian ngầm, không gian vùng trời; tổ chức không gian đô thị, dịch vụ, công nghiệp, nông thôn phù hợp; định hướng những phương thức giao thông hiện đại, tương xứng với diện mạo của Thành phố toàn cầu trong tương lai.

Bốn là, lưu ý cân bằng giữa phát triển kinh tế với văn hóa, lấy người dân là chủ thể trung tâm của phát triển.

Bộ Chính trị đề nghị Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh tập trung lãnh đạo khẩn trương hoàn thiện Quy hoạch. Sau khi Quy hoạch được phê duyệt, cần quyết tâm, quyết liệt, có cơ chế, chính sách khơi thông, kích hoạt mọi nguồn lực để triển khai thực hiện có hiệu quả, xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh xứng tầm với mong muốn của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và Nhân dân cả nước.