Bầu cử QH và HĐND: Trình tự tiến hành việc kiểm phiếu

(Mặt trận) - Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đã hoàn tất. Với nỗ lực chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, cuộc bầu cử thực sự là cuộc vận động chính trị quan trọng và là đợt sinh hoạt dân chủ sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân. Cử tri cả nước đã nêu cao trách nhiệm, thực hiện quyền và nghĩa vụ thiêng liêng nhằm bầu ra những người đại diện cho mình trong cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước và địa phương.

Chủ tịch nước Lương Cường hội đàm với Tổng thống Bulgaria

Thông cáo báo chí Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII

Bế mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII

Tại quận 5, thành phố Hồ Chí Minh, tổ bầu cử tiến hành kiểm phiếu trước sự chứng kiến của những cử tri. Ảnh: Hoàng Tuyết/baotintuc.vn 

Theo đó, từ 866 ứng cử viên, cử tri sẽ bầu 500 đại biểu Quốc hội khóa XV. Đối với đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, số liệu cụ thể như sau: Từ 6.199 ứng cử viên, cử tri sẽ bầu ra 3.726 đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh; từ 37.468 ứng cử viên, cử tri bầu ra 22.952 đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện; từ 405.244 ứng cử viên, cử tri bầu ra 242.312 đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã.

Theo quy định tại Điều 73 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015, việc kiểm phiếu phải được tiến hành tại phòng bỏ phiếu ngay sau khi cuộc bỏ phiếu kết thúc vào lúc 19 giờ cùng ngày (trong trường hợp đặc biệt có thể kéo dài đến 21 giờ cùng ngày).

Trình tự tiến hành việc kiểm phiếu

Trước khi mở hòm phiếu, Tổ Bầu cử phải kiểm kê (đếm), niêm phong phiếu bầu cử chưa sử dụng và phiếu bầu cử do cử tri gạch hỏng (nếu có), lập biên bản kiểm kê việc sử dụng phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 (theo Mẫu số 35/HĐBC).

Toàn bộ phiếu bầu cử chưa sử dụng và phiếu bầu cử bị gạch hỏng được niêm phong và gửi kèm theo biên bản kiểm kê việc sử dụng phiếu bầu đến các Ban bầu cử tương ứng.

Tiếp đó, Tổ bầu cử mời 2 cử tri là người biết chữ, có uy tín trong nhân dân tại địa bàn và không phải là những người ứng cử đại biểu Quốc hội, người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp tại khu vực bỏ phiếu đó chứng kiến việc mở hòm phiếu.

Người ứng cử hoặc người đại diện hợp pháp của người ứng cử và các phóng viên được chứng kiến việc kiểm phiếu của Tổ Bầu cử, nhưng phải đảm bảo khoảng cách an toàn để Tổ Bầu cử thực hiện nhiệm vụ kiểm phiếu.

Kiểm phiếu bầu cử đại biểu HĐND thành phố Hà Nội. Ảnh: VGP

Tổ trưởng Tổ Bầu cử mở hòm phiếu chính và hòm phiếu phụ (nếu có) để tiến hành việc kiểm phiếu.

Tổ Bầu cử thực hiện việc phân loại phiếu bầu theo màu phiếu bầu đại biểu Quốc hội, màu phiếu bầu đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh; màu phiếu bầu đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện; màu phiếu bầu đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã; kiểm kê (đếm) tổng số phiếu trong hòm phiếu để xác định số phiếu thu vào và bàn giao các loại phiếu cho các nhóm đã được phân công của Tổ Bầu cử để bắt đầu việc kiểm phiếu.

Tổ Bầu cử tiến hành kiểm tra tổng số phiếu thu vào so với tổng số cử tri đã tham gia bỏ phiếu. Nếu tổng số phiếu thu vào bằng hoặc ít hơn số cử tri đã tham gia bỏ phiếu thì Tổ Bầu cử mới được tiến hành kiểm phiếu.

Trường hợp tổng số phiếu thu vào nhiều hơn tổng số cử tri đã tham gia bỏ phiếu thì Tổ Bầu cử phải kiểm tra lại; nếu kiểm tra lại vẫn cho kết quả tổng số phiếu thu vào nhiều hơn tổng số cử tri đã tham gia bỏ phiếu thì lập tức niêm phong hòm phiếu và báo cáo ngay Ban bầu cử tương ứng để giải quyết.

Trường hợp vượt quá thẩm quyền giải quyết của Ban bầu cử thì Ban bầu cử phải kịp thời báo cáo Ủy ban Bầu cử tương ứng để xem xét, quyết định.

Phiếu bầu cử hợp lệ

Bàn giao các hòm phiếu cho thành viên Tổ bầu cử để tiến hành kiểm phiếu. Ảnh: VGP

Về nguyên tắc, phiếu bầu cử hợp lệ là phiếu đáp ứng đủ các điều kiện sau: Phiếu theo mẫu quy định do Tổ bầu cử phát ra. Phiếu có đóng dấu của Tổ bầu cử. Phiếu bầu đủ hoặc ít hơn số lượng đại biểu đã ấn định cho đơn vị bầu cử. Phiếu không ghi thêm tên người khác ngoài danh sách những người ứng cử hoặc ghi thêm nội dung khác.

Tổ bầu cử có trách nhiệm hướng dẫn cụ thể cử tri cách thức bỏ phiếu để bảo đảm phiếu bầu cử hợp lệ. Theo các hướng dẫn tại Thông tư số 01/2021/TT-BNV của Bộ Nội vụ và hướng dẫn của Hội đồng Bầu cử Quốc gia, nếu cử tri không tín nhiệm người ứng cử nào thì gạch ngang giữa cả họ và tên người ứng cử đó (gạch đè lên hàng họ và tên người ứng cử); không khoanh tròn, gạch chéo, gạch dưới, gạch trên hàng họ và tên người ứng cử; không được đánh dấu trên phiếu bầu; không được viết thêm, không được ghi tên người ngoài danh sách ứng cử vào phiếu bầu; không được bầu quá số đại biểu được ấn định trong phiếu bầu; không được để nguyên phiếu bầu đối với phiếu bầu có số dư người ứng cử (không gạch tên người ứng cử nào) hoặc gạch tất cả người ứng cử trong phiếu bầu. Tuy nhiên, trường hợp trên phiếu gạch chéo, gạch xiên, gạch dọc hoặc gạch ngang nhưng gạch hết họ và tên của người ứng cử thì vẫn được tính là phiếu hợp lệ.

Trường hợp người ứng cử có hai tên (tên khai sinh, tên thường gọi) hoặc có chức vị, pháp danh, pháp hiệu theo tôn giáo, nếu cử tri không tín nhiệm người này, thì cần hướng dẫn cho cử tri gạch tất cả tên khai sinh, tên thường gọi hoặc chức vị, pháp danh, pháp hiệu tôn giáo của ứng cử viên đó. Tuy nhiên, nếu cử tri chỉ gạch một dòng tên khai sinh hoặc tên thường gọi; chỉ gạch một dòng tên khai sinh hoặc một dòng chức vị, pháp danh, pháp hiệu (đối với chức sắc tôn giáo) thì phiếu bầu đó vẫn được tính là hợp lệ.

Tương tự như vậy, trường hợp bên cạnh họ và tên của người ứng cử có cả ngày tháng năm sinh đặt trong ngoặc đơn () do những người ứng cử trong danh sách ghi trên phiếu có cả họ, tên và tên đệm giống nhau, nếu cử tri không tín nhiệm người này, thì cần gạch hết cả họ và tên và ngày tháng năm sinh đặt trong ngoặc đơn. Tuy nhiên, nếu cử tri chỉ gạch họ và tên mà không gạch ngày tháng năm sinh đặt trong ngoặc đơn thì phiếu bầu đó vẫn được tính là hợp lệ.

Phiếu bầu cử không hợp lệ

 Hai đại diện cử tri chứng kiến và xác nhận dấu niêm phong hòm phiếu còn nguyên vẹn. Ảnh: VGP

Đó là những phiếu không theo mẫu quy định do Tổ bầu cử phát ra, không có dấu của Tổ bầu cử, phiếu có số người được bầu nhiều hơn số lượng đại biểu được bầu đã ấn định cho đơn vị bầu cử. Phiếu gạch xóa họ, tên của tất cả những người ứng cử; phiếu ghi thêm tên người ngoài danh sách những người ứng cử hoặc phiếu có ghi thêm nội dung khác.

Trong quá trình kiểm phiếu, nếu phát hiệu có phiếu bầu cử được cho là không hợp lệ thì Tổ trưởng Tổ bầu cử đưa ra để toàn Tổ xem xét, quyết định. Tổ bầu cử không được gạch xóa hoặc sửa các tên, nội dung ghi trên phiếu bầu.

Việc kiểm đếm số phiếu bầu cử cho từng người ứng cử

Việc kiểm đếm số phiếu bầu cho từng người ứng cử được Tổ bầu cử thực hiện đối với những phiếu hợp lệ. Các phiếu bầu hợp lệ được xếp thành các loại, gồm: Loại phiếu bầu 01 đại biểu; loại phiếu bầu 02 đại biểu; loại phiếu bầu 03 đại biểu...

Tổ bầu cử kiểm phiếu theo từng loại phiếu bầu để làm căn cứ xác định số phiếu bầu cho từng người ứng cử.

Để việc kiểm phiếu được chính xác, Tổ bầu cử phân công ít nhất 03 người kiểm phiếu, gồm: 01 người đọc, 01 người ghi, 01 người kiểm tra việc đọc và ghi. Cách ghi số phiếu cho từng người ứng cử tham khảo theo cách vẽ lần lượt các hình vuông và 01 đường chéo, cứ 5 phiếu tạo thành một hình vuông có 01 đường chéo.

Nguyên tắc xác định người trúng cử

 Kiểm phiếu bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân phường Trung Hoà. Ảnh: VGP

Kết quả bầu cử được tính trên số phiếu bầu hợp lệ và chỉ được công nhận khi đã có quá một nửa tổng số cử tri trong danh sách cử tri tại đơn vị bầu cử tham gia bầu cử, trừ trường hợp bầu cử lại mà số cử tri đi bầu cử vẫn chưa đạt quá một nửa tổng số cử tri trong danh sách cử tri thì kết quả bầu cử lại được công nhận mà không tổ chức bầu cử lại lần thứ hai.

Người trúng cử phải là người ứng cử có số phiếu bầu đạt quá một nửa tổng số phiếu bầu hợp lệ.

Trường hợp số người ứng cử đạt số phiếu bầu quá một nửa tổng số phiếu bầu hợp lệ nhiều hơn số lượng đại biểu mà đơn vị bầu cử được bầu thì những người trúng cử là những người có số phiếu bầu cao hơn.

Trường hợp danh sách trúng cử có nhiều người được số phiếu bầu bằng nhau và nhiều hơn số lượng đại biểu được bầu đã ấn định cho đơn vị bầu cử thì người nhiều tuổi hơn là người trúng cử.