Bao giờ bỏ sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân?

Sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 112, trong đó quy định “Bãi bỏ hình thức quản lý dân cư đăng ký thường trú bằng “Sổ hộ khẩu” và thay thế bằng hình thức quản lý thông qua mã số định danh cá nhân”, nhiều bạn đọc thắc mắc: Bao giờ sẽ loại bỏ sổ hộ khẩu; mã số định danh cá nhân là gì? Mã số đó chứa đựng những thông tin cá nhân gì? “Số phận” CMND, thẻ căn cước công dân sẽ ra sao?..

Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Đại sứ Australia tại Việt Nam đến chào từ biệt

Thủ tướng: 'Sự sống nảy sinh từ cái chết' ở Làng Nủ, Nậm Tông, Kho Vàng

Sắp xếp, tinh gọn phải nhanh, làm khẩn trương nhưng phải rất khoa học, phòng ngừa các hệ lụy, rủi ro

 Người dân làm CMND tại Công an TP.Hà Nội. Ảnh: HẢI NGUYỄN

Chia sẻ với PV về vấn đề này, một lãnh đạo Cục Cảnh sát đăng ký quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư, Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) cho rằng, cần phải có lộ trình, chứ không phải nói bỏ là bỏ. Nếu bỏ luôn thì lấy phương tiện gì để quản lý?

Bãi bỏ hình thức quản lý dân cư bằng “Sổ hộ khẩu”

Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Nghị quyết 112/NQ-CP của Chính phủ về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công an.

Theo đó, bãi bỏ hình thức quản lý dân cư đăng ký thường trú bằng “Sổ hộ khẩu” và thay thế bằng hình thức quản lý thông qua mã số định danh cá nhân. Từ đó, bãi bỏ kết quả giải quyết thủ tục là “Sổ hộ khẩu” và thay thế bằng hình thức cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Thay thế bản khai nhân khẩu (HK01), phiếu báo thay đổi hộ khẩu nhân khẩu (HK02) bằng một biểu mẫu mới bao gồm nội dung về thay đổi về nơi đăng ký thường trú, nơi ở hiện nay và các thông tin về công dân có thay đổi so với thời điểm khai phiếu thu thập thông tin dân cư, giảm tải các thông tin đã khai thác được trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Tương tự, việc quản lý tạm trú cũng sẽ không còn sổ tạm trú mà thay bằng việc cập nhật thông tin cá nhân trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Theo luật sư Bùi Đình Ứng (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội), đây là một sự tiến bộ rõ rệt trong quá trình cải cách thủ tục hành chính. “Tôi cho rằng, vấn đề này đến nay mới được triển khai là muộn. Rất nhiều nước trên thế giới và khu vực đã bỏ vấn đề này từ lâu. Dù muộn nhưng vẫn triển khai được là rất tốt. Và bây giờ khi Nghị quyết có rồi thì phải triển khai ngay” - luật sư Ứng nói.

Theo luật sư Ứng, khi bỏ được hộ khẩu thì rất nhiều người dân họ phấn khởi. Bởi lẽ, trước đây hộ khẩu ràng buộc họ quá nhiều. Cái gì cũng liên quan đến hộ khẩu, quyền gì cũng phải liên quan đến hộ khẩu.

Một người dân làm thủ tục hành chính tại Công an phường Dịch Vọng Hậu. Ảnh: HẢI NGUYỄN

Không còn CMND 9 số, số Thẻ căn cước là số định danh cá nhân

Sắp tới, khi Nghị quyết 112 được thực thi, người dân từ đủ 14 tuổi trở lên sẽ không phải dùng CMND nữa, mà sẽ chỉ còn thẻ căn cước công dân. Trong đó, số thẻ căn cước cũng đồng thời là số định danh cá nhân. Số định danh cá nhân là dãy số tự nhiên gồm 12 số, có cấu trúc gồm 6 số là mã thế kỷ sinh, mã giới tính, mã năm sinh của công dân, mã tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc mã quốc gia nơi công dân đăng ký khai sinh và 6 số là khoảng số ngẫu nhiên.

Thông tin chứa đựng trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư bao gồm các nội dung: Số định danh cá nhân, ảnh, họ và tên, tên thường gọi, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi sinh, quê quán, dân tộc, tôn giáo, quốc tịch, số CMND, nơi thường trú, nơi ở hiện tại, nhóm máu, số hộ chiếu, họ tên cha, họ tên mẹ, tình trạng hôn nhân, họ tên vợ hoặc chồng, họ tên con, ngày tháng năm mất. Như vậy, với 22 nội dung này, cơ sở số về dữ liệu cá nhân sẽ cung cấp mọi thông tin về một cá nhân từ khi họ chào đời cho tới khi mất.

Về thời gian thực hiện, Chính phủ đã giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung Luật Cư trú năm 2006 và trình Quốc hội ban hành, đồng thời sửa đổi, bổ sung trình Chính phủ ban hành 7 nghị định liên quan.

Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan có liên quan xây dựng, ban hành văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ 24 thông tư có liên quan. Như vậy, sổ hộ khẩu chỉ chính thức “khai tử” khi Luật Cư trú và các nghị định, thông tư liên quan được sửa đổi, được Quốc hội thông qua.

Khẩn trương xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư

Chia sẻ với Lao Động, thượng tá Trần Hồng Phú - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát đăng ký quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư, Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) - cho rằng, theo kế hoạch cuối năm 2018, đầu năm 2019 Bộ Công an sẽ hoàn tất thu thập thông tin của trên 90 triệu dân và cung cấp cho các ngành để giải quyết thủ tục hành chính hiệu quả.

Theo thượng tá Phú, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là căn cứ quan trọng để các cơ quan quản lý nhà nước nghiên cứu, khắc phục tình trạng người dân phải sử dụng nhiều giấy tờ cá nhân nhưng lại không đem lại hiệu quả trong công tác giải quyết thủ tục hành chính.

Để thực hiện việc này, Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) đã chỉ đạo công an các địa phương thu thập 15 thông tin của công dân, trong đó quan trọng nhất là cấp cho mỗi người một số định danh duy nhất dùng chung. Sau này cơ sở dữ liệu chuyên ngành do các bộ ngành quản lý sẽ tra cứu thông tin thông qua mã số công dân này.

Cũng theo thượng tá Phú, việc khi nào bỏ sổ hộ khẩu cần có lộ trình, nghiên cứu và đề xuất để có đánh giá cho đầy đủ hơn. “Hiện chưa có hạ tầng thay thế, phương pháp quản lý thay thế nên không thể nói bỏ là bỏ được. Cần phải có thời gian” - thượng tá Phú khẳng định.

Quản lý sẽ dễ dàng

Theo luật sư Bùi Đình Ứng (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội), nhiều người lo ngại khi bỏ hộ khẩu sẽ khó khăn trong việc quản lý của lực lượng công an. Tuy nhiên, khi bỏ hộ khẩu thì công an sẽ có biện pháp nghiệp vụ khác để quản lý. Để phát triển chung cho xã hội thì cũng cần phải phát triển theo xu hướng của thời đại.
“Bỏ hộ khẩu tức là bỏ tờ giấy, bỏ công cụ thô sơ, thay vào đó là quản lý bằng công nghệ. Khi mỗi người dân có một mã số định danh thì lúc đó quản lý một cách rất dễ dàng. Trường hợp nếu đi làm thủ tục hành chính chỉ cần lên máy tính ấn vào mã số là hiện rõ tất cả các thông tin” - luật sư Ứng chia sẻ.
Luật sư Ứng nhấn mạnh, mặc dù Nghị quyết đã được thông qua nhưng việc thực hiện phải có lộ trình, có thời gian, từng bước kết nối cơ sở dữ liệu chuyên ngành với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Chính vì vậy, hiện nay hộ khẩu và chứng minh nhân dân vẫn rất quan trọng. Có thể nói bỏ nhưng chưa được vứt.

Số hộ chiếu cũng nên trùng với số định danh cá nhân

Một số ý kiến bạn đọc cho rằng: Cả số hộ chiếu cũng nên trùng với mã định danh cá nhân để tránh phiền hà cho công dân. Nhiều nội dung như nhóm máu, tên chồng, vợ không nên để trong số 22 nội dung cá nhân. Đây là quyền riêng tư của họ. Ví như công dân có gia đình, sau khi ly hôn mà kết hôn lại sẽ phải xóa tên người này, điền tên người khác thế nào, thực hiện ở đâu? Thêm nữa, cần quy định cấp nào quản lý và được truy vấn vào thông tin cá nhân này vì đây là quyền riêng tư của mỗi công dân.